Thứ sáu, 01 Tháng 9 2017 10:35

Trong những năm qua, Đảng, nhà nước và các cấp chính quyền đã có nhiều chính sách tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng. Tuy vậy, trong thực tiễn triển khai, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập cần quan tâm giải quyết.

Luật Người khuyết tật dành một chương quy định về Giáo dục đối với người khuyết tật (từ điều 27 đến Điều 31 Luật NKT) trong đó nh n mạnh trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm hòa nhập của người khuyết tật trong giáo dục người khuyết tật. Ngoài ra còn có nhiều văn bản pháp luật khác cũng có những quy định liên quan đến giáo dục trẻ em khuyết tật.

NKT được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi, được hưởng chế độ tuyển thẳng vào trung học phổ thông như đối với học sinh trưởng phổ thông dân tộc nội trú và học sinh là người dân tộc ít người. NKT được xét tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp, người khuyết tật nặng được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.

917IMG 4150

Giáo dục trẻ khuyết tật tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thanh Trì (Hà Nội)

 

Đối với NKT học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập thì người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học hoặc một số môn học, hoạt động giáo dục cho phù hợp và được thể hiện trong kế hoạch giáo dục cá nhân. NKT học tập theo phương thức giáo dục chuyên biệt có chương trình học phù hợp với từng dạng khuyết tật.

NKT được miễn, giảm học phí, chi phí học tập; nếu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục thì được hưởng học bổng và được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập; giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trực tiếp giảng dạy, quản lý NKT được hưởng hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với mức lương cơ sở…

Với lĩnh vực quản lý của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục đối với NKT tại các địa phương, các cơ sở giáo dục. Bộ đã bổ sung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thống kê về giáo dục NKT trong hệ thống thông tin quản lí giáo dục quốc gia (EMIS) và phần mềm phổ cập giáo dục; tích cực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm, phổ biến và áp dụng các tài liệu nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập, giáo dục chuyên biệt.

Bộ cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cốt cán cấp tỉnh về quản lý kỹ năng GDHN học sinh khuyết tật, nâng cao năng lực về phát hiện sớm, can thiệp sớm, phương pháp dạy học hòa nhập; tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các ngành (y tế, công tác xã hội, tâm lý học,…) theo nhu cầu của các cơ sở giáo dục và cá nhân trong cả nước.

Những tồn tại, khó khăn trong giáo dục NKT

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên; nhưng vấn đề giáo dục dành cho NKT vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại.

Công tác tuyên truyền về các chính sách giáo dục cho người khuyết tật còn hạn chế cả về nguồn lực và cách thức thực hiện, dẫn đến người khuyết tật chưa có nhiều thông tin về cơ sở giáo dục chuyên biệt hoặc bán hòa nhập dẫn đến NKT chưa có cơ hội tiếp cận với các hình thức giáo dục phù hợp. Trong điều kiện một số dạng tật phức tạp như tự kỷ và khuyết tật trí tuệ diễn biến phức tạp thì việc chuẩn hóa hoặc xây dựng lộ trình giáo dục phù hợp có ý nghĩa quan trọng trong việc hòa nhập cộng đồng xã hội.

91Giao duc khuyet tat hoa nhap

Trẻ khuyết tật

 

Thực tiễn triển khai chương trình hỗ trợ giáo dục, đặc biệt là trợ cấp xã hội hàng tháng cho thấy còn có sự chồng chéo. Việc quy hoạch hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập và cơ sở giáo dục chuyên biệt cần sớm được nghiên cứu và hoàn chỉnh. Hiện nay nhiều tỉnh thành không có các trường chuyên biệt trong khi thực tế nhu cầu học trong các trường chuyên biệt đối với những trường hợp không thể học hòa nhập là rất khó khăn. Một số địa phương cơ sở giáo dục chuyên biệt còn đặt ngay tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Vẫn còn nhiều trường hợp trẻ khuyết tật thực sự nhưng chưa được thừa nhận là khuyết tật để được ứng xử và tiếp cận phù hợp trong giáo dục. Các địa phương không có cơ quan chuyên môn về tâm lý, tâm thần để có thể sử dụng các công cụ đánh giá, sàng lọc. Ngay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thì cũng chưa có sự thống nhất sử dụng công cụ nào để đánh giá cho phù hợp và cơ quan, tổ chức nào được coi là có thẩm quyền chuyên môn để đánh giá.

ở tất cả các cơ sở giáo dục hòa nhập và chuyên biệt đều thiếu phương tiện dạy học phù hợp với học sinh khuyết tật và phương tiện hỗ trợ học sinh khuyết tật học tập, nên càng làm cho việc dạy học sinh khuyết tật khó khăn hơn. Đội ngũ giáo viên dạy hòa nhập chưa được trang bị các kiến thức cơ bản liên quan đến trẻ khuyết tật trong khi những đặc điểm tâm sinh lý, kiến thức về dạng tật và mức độ khuyết tật có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập, giáo dục với người khuyết tật.

Một số kiến nghị

Để từng bước giải quyết những khó khăn, tồn tại nêu trên trước mắt, cần xây dựng và thực hiện các tiêu chí giám sát, đánh giá giáo dục khuyết tật trên cơ sở cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục - đào tạo có trách nhiệm tổ chức giáo dục cho người khuyết tật có chất lượng. Xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục chuyên biệt và giáo dục hòa nhập trên địa bàn trong việc phát triển năng lực chuyên môn.

917Giao duc tre khuyet tat

Giáo dục trẻ theo học hòa nhập khuyết tật tại cơ sở hòa nhập

 

Quy hoạch hệ thống các trường chuyên biệt, Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trên cở sở điều tra đánh giá thực trạng các cơ sở giáo dục và các dạng tật hiện nay. Việc giáo dục cần thiết với việc khôi phục khả năng lao động việc làm và tiếp cận với các dịch vụ xã hội khác.

Nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho trẻ khuyết tật nhẹ và khuyết tật nặng có gắn liền với từng dạng khuyết tật cụ thể. Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ khuyết tật nhẹ là đòi hỏi từ thực tiễn bới người khuyết tật nhẹ thì khả năng hòa nhập xã hội cao hơn người khuyết tật nặng và nếu trẻ em khuyết tật nhẹ không được hỗ trợ sẽ có thể sớm trở thành khuyết tật nặng. Một số dạng khuyết tật có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp như trẻ tự kỷ, trẻ hạn chế khả năng nhận thức cũng cần thiết có nghiên cứu và đánh giá tổng thể để xác định hình thức hỗ trợ phù hợp.

Việc thực hiện giáo dục trẻ em khuyết tật cần có sự phối hợp nhiều cấp, nhiều ngành mà trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và ngành Y tế cần có chương trình tổng thể để thống nhất mục tiêu và định hướng nhằm đẩy mạnh hoạt động giáo dục trẻ khuyết tật. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần chỉ đạo các Sở GD - ĐT triển khai tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên dạy hòa nhập, đồng thời ban hành thêm những văn bản hướng dẫn về độ tuổi được học ở các cấp học; hướng dẫn giảm các môn học mà từng dạng khuyết tật gặp khó khăn…

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE khuyết tật , giáo dục , chính sách , kiến nghị

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi