Thứ hai, 07 Tháng 8 2017 15:08

Mưu cầu hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân là quyền của mỗi người khi đến tuổi trưởng thành, không phân biệt khuyết tật hay lành lặn, giới tính, trình độ, thu nhập, hoàn cảnh... Cái đẹp và sự bền vững trong tình yêu của người khuyết tật nằm ở chính sự đồng điệu về tâm hồn, sự cảm thông và sẻ chia ở mọi lúc, mọi nơi. Thế nhưng, với những người mang khiếm khuyết trên cơ thể, để có thể thụ hưởng những quyền cơ bản đó là cả một quá trình không hề đơn giản, thậm chí phải vượt qua rất nhiều chông gai, bão tố

Tình yêu, hôn nhân - Quyền cơ bản của NKT

NKT là nhóm thiểu số lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 10% dân số, tương đương 650 triệu người và có mặt ở mọi cộng đông dân cư. ở Việt Nam, tỷ lệ NKT dao động trong khoảng 6-15% tuỳ theo định nghĩa mà nghiên cứu sử dụng (theo số liệu của Bộ LĐTB&XH là khoảng 6,7 triệu NKT, tương đương 7,8% dân số).

81AnhVDXHba1

Tình yêu, hôn nhân tự nguyện là quyền cơ bản của tất cả mọi người, trong đó bao gồm NKT. Quyền này đã được đề cập trong nhiều tài liệu và công ước quốc tế, pháp luật của Việt Nam. Công ước quốc tế về quyền của NKT do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trong kỳ họp thứ 61 năm 2006 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 28/11/2014 nêu rõ “Quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp hiệu quả và thích hợp để xoá bỏ sự phân biệt đối xử đối với người khuyết tật trong các vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, cha mẹ, họ hàng, trên cơ sở bình đẳng với những người khác, để bảo đảm: Công nhận quyền của mọi người khuyết tật xây dựng gia đình trên cơ sở đồng ý tự nguyện và hoàn toàn của người dự định trở thành vợ hoặc chồng người đó..”. ở Việt Nam, Luật NKT năm 2010 cũng đã quy định tại Điều 14 “Nghiêm cấm việc cản trở quyền hôn nhân, quyền nuôi con của người khuyết tật”.

Trong khi nhiều vấn đề của NKT như giáo dục, dạy nghề tạo việc làm, hỗ trợ kinh tế, phục hồi chức năng và chăm sóc sức khoẻ nói chung đã được thể chế hoá trong các quy định pháp luật và cụ thể hoá trong các chương trình dành riêng cho NKT thì quyền được yêu, được kết hôn sinh con và có một đời sống tình dục an toàn vẫn chưa được quan tâm một cách thích đáng, thậm chí trong nhiều trường hợp không được thừa nhận.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, NKT luôn mong muốn được yêu, được kết hôn như những người không khuyết tật khác trong xã hội, tuy nhiên cơ hội để có tình yêu, hôn nhân của họ còn rất hạn chế. Nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển xã hội 2006 cho thấy phần lớn NKT từ 15 tuổi trở lên nói rằng lý do họ chưa kết hôn vì khuyết tật chiếm tỷ lệ từ 60-80%.

Những rào cản với tình yêu, hôn nhân của NKT

Có hai nguyên nhân chính khiến NKT gặp khó khăn trong kết hôn, đó là do sức khỏe yếu và vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử. Ngoài ra, rào cản trong hôn nhân của NKT còn do sự phản đối của gia đình, do mặc cảm tự ti của NKT: phụ nữ khuyết tật thì lo ngại trở thành gánh nặng cho chồng, nam giới khuyết tật lo ngại về khả năng trụ cột gia đình, lo ngại về vấn đề không sinh được con, con cái sinh ra không khoẻ mạnh, không chăm sóc chu đáo được cho con

Việt Nam vẫn là một nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo. Theo đó, nam giới được coi là người trụ cột kinh tế và phụ nữ có trách nhiệm nội trợ, chăm sóc con cái. Do vậy, nam giới khuyết tật thường bị phản đối tình yêu và hôn nhân vì bị cho rằng ít có khả năng làm chỗ dựa cho gia đình; còn phụ nữ khuyết tật bị phản đối vì lý do không thể thực hiện được chức năng làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Nhiều gia đình phản đối tình yêu của NKT vì lo lắng rằng NKT sẽ không sinh được con, hoặc con cái sinh ra sẽ có khuyết tật giống bố mẹ chúng, đặc biệt là trong trường hợp cả hai người cùng khuyết tật.

Không chỉ gặp khó khăn từ gia đình người yêu, nhiều NKT còn gặp trở ngại ngay tại gia đình mình. Việc thiếu các dịch vụ xã hội và cuộc sống khó khăn, thường phải phụ thuộc vào gia đình nói chung cũng chính là yếu tố quan trọng củng cố cách nhìn thiếu tôn trọng của gia đình và xã hội về các vấn đề của NKT, trong đó có vấn đề hôn nhân.

Theo luật sư Đào Thị Hạnh (Đoàn luật sư TP.HCM), “Hiện nay, không có Luật Hôn nhân dành riêng cho NKT. Vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa phụ nữ và nam giới khuyết tật trong vấn đề tình yêu, hôn nhân. Cũng là NKT như nhau, mức độ khuyết tật như nhau nhưng phụ nữ khuyết tật khó kết hôn hơn nam giới”. Số liệu của một cuộc điều tra xã hội về tình trạng NKT cho thấy trong số những NKT kết hôn, có đến 70% là nam giới, phụ nữ chỉ chiếm 20%. Điều đó có thể cho thấy những nhu cầu về tình yêu, hôn nhân của NKT, đặc biệt là NKT nữ đang bị bỏ qua vì những định kiến của một bộ phận nhỏ trong xã hội.

Trong thực tế, đúng là phụ nữ khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi mang thai (đi lại khó khăn, dễ ngã, khả năng sảy thai cao), khó khăn trong chăm sóc gia đình và con cái, trong sinh hoạt chung với gia đình chồng... Tuy nhiên, “khó” không có nghĩa là “không”. Bằng chứng là có nhiều NKT đã lập gia đình, có con và sống rất hạnh phúc. Dù vậy, để người phụ nữ khuyết tật tìm được hạnh phúc lứa đôi đòi hỏi họ phải phát triển bản thân, trau dồi kỹ năng sống, rèn luyện nhân cách, lối sống, chăm sóc sức khỏe thể chất, sức khỏe sinh sản, học cách sống yêu thương, cách thuyết phục người khác. Mong ước của họ có trở thành hiện thực hay không, không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính họ mà còn phụ thuộc vào sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, cộng đồng và xã hội...

Hạnh phúc gia đình NKT

Dù vẫn còn những quan niệm cho rằng, NKT không nên kết hôn vì nhiều khả năng họ sẽ là gánh nặng cho nhau, sinh ra những đứa con khuyết tật. Điều này là hoàn toàn sai lầm, bởi lẽ đã có nhiều gia đình khuyết tật, bằng nghị lực, ý chí quyết tâm, họ đã vươn lên xây dựng cuộc sống m no, hạnh phúc, đón chào những đứa con lành lặn ra đời.

81AnhCVDXH1111

Cặp vợ chồng vận động viên thể thao khuyết tật Phạm Hồng Thức và Hoàng Hồng Kiên (Hà Nội) được nhiều người biết đến là “cặp đôi hoàn hảo” của NKT. Quen nhau từ năm 2004, hai người đã cùng sát cánh bên nhau tham gia thi đấu môn điền kinh xe lăn và gặt hái nhiều huy chương trong các kỳ Paragame. Không dừng lại ở đó, trở về từ các đấu trường, anh chị còn muốn phát triển kinh tế vươn lên làm giàu để cải thiện cuộc sống. Sự nỗ lực vươn lên và tình yêu thương đã giúp anh chị vượt qua mọi khó khăn, mở xưởng làm chổi chít, tăm tre ở làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội), tạo công ăn việc làm cho nhiều người đồng cảnh ngộ. Từ niềm vui trong hạnh phúc gia đình, chị Hoàng Hồng Kiên có thêm sự tự tin để không ngừng học hỏi, trau dồi vốn sống. Hiện nay, chị đã trở thành một diễn giả NKT, thường xuyên tham gia các buổi gặp gỡ, truyền cảm hứng cho nhiều NKT khác có thêm niềm tin, động lực vượt lên khó khăn, thách thức của cuộc sống, sống tự lập, tự tin, hoà nhập.

g

81Anh2CVDXH

Hay như vợ chồng anh Nông Viết Phương và chị Lê Thị Hợi (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) lại mang đến một câu chuyện “cổ tích” về hạnh phúc gia đình NKT. 6 tuổi, chị Hợi bị hỏng một bên chân và phải di chuyển bằng nạng. Mặc cảm với bản thân, khiến chị cảm thấy như người bỏ đi trong xã hội. Thế nhưng, tấm lòng nhân hậu của chị đã khiến chiến sĩ công an Nông Viết Phương đến và gắn bó với chị cả cuộc đời. Họ về chung sống với nhau hạnh phúc hơn 30 năm nay, sinh được hai người con ngoan hiền, học giỏi, có hiếu với cha mẹ. Từ hai bàn tay trắng, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề, hiện nay, anh chị đã xây dựng được cơ ngơi tương đối khang trang, được bà con láng giềng, hai bên gia đình yêu thương, quý trọng.

Đó chỉ là hai trong hàng ngàn cặp vợ chồng khuyết tật đã dũng cảm vượt qua những thách thức của cuộc sống và định kiến của xã hội để xây dựng hạnh phúc riêng của mình. Gia đình của những NKT này cũng giống bao gia đình bình thường khác, dù có những người phải gồng gánh hàng ngày để mưu sinh, để có thể chăm lo tốt nhất cho các con, dù cuộc sống với họ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, bữa cơm có khi chỉ là rau mắm, dưa cà, nhưng đối với họ, niềm vui, niềm hạnh phúc gia đình lớn lao là động lực, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ để họ nỗ lực không ngừng, vươn đến một cuộc sống hoà nhập, không để phụ thuộc vào xã hội.

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi