Công nghệ thông tin là lĩnh vực vẫn còn khá mới mẻ với người khuyết tật (NKT), nhưng đây được coi là một phương tiện phù hợp để NKT tìm kiếm thông tin, học nghề và tạo việc làm. Nhận thức rõ được điều đó, trong những năm gần đây, nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để NKT tiếp cận lĩnh vực này dễ dàng hơn, nhiều hình thức đào tạo cho NKT lần lượt ra đời. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai, thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần được quan tâm, tháo gỡ.
theo số liệu của Bộ LĐ - TB&XH, Việt Nam có hơn 7 triệu NKTtừ 5 tuổi trở lên. Trong đó số người khuyết tật thuộc độ tuổi lao động là 61%. Để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường lao động, cơ hội việc làm thu nhập ổn định cho NKT, chính sách của Nhà nước về trợ giúp NKT học nghề và việc làm ngày càng được hoàn thiện.
Để giải quyết vieecjlamf cho NKT, Luật NKT đã quy định rõ công tác dạy nghề và việc làm cho NKT. Đồng thời chính phủ đã ban hành Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2011-2020, việc tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin cho NKT đã quy định cụ thể mục tiêu “giai đoạn 2016 - 2020 có 300.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp… 50% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông”…
Thực hiện Đề án này, những năm qua, nhiều cơ sở đào tạo công nghệ thông tin cho NKT trên cả nước được ra đời. Bên cạnh các cơ sở đào tạo của nhà nước, các tổ chức xã hội, các dự án dạy nghề của tổ chức quốc tế, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp của NKT cũng đã tham gia vào tổ chức các hoạt động dạy nghề công nghệ thông tin cho NKT đạt kết quả tốt như: Trung tâm Nghị Lực sống, Dự án của tổ chức CRS… Mô hình liên kết giữa các trường, trung tâm của nhà nước với các cơ sở của NKT, liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp để dạy tin học cho NKT từng bước hình thành và phát triển. Kết quả đào tạo rất khả quan, trong đó có những cơ sở đào tạo có tới 65% - 70% học viên sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm ổn định.
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, thì để đạt được mục tiêu của Đề án 1019 là giai đoạn 2016-2020 có 50% NKT có nhu cầu được tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông, vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết.
Trước hết phải kể đến việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho các đối tượng là NKT nhìn, NKT nghe nói… Theo anh Phạm Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo cán bộ và PHCN cho người mù cho biết, Trung tâm có đào tạo kỹ năng nghề cho người khiếm thị, trong đó, kỹ năng công nghệ thông tin có vai trò quan trọng. Người mù hoàn toàn có khả năng lập trình, quản lý web nếu được đào tạo. Tuy nhiên, niện nay, công nghệ thông tin mới chỉ là phương tiện hỗ trợ để người mù tiếp cận thông tin chứ chưa coi là nghề để họ kiếm tiền được. Hiện chưa có đào tạo nghề công nghệ thông tin cho người khiếm thị mà mới chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn kỹ năng cơ bản của công nghệ thông tin.
Tiếp đến, trong việc tìm kiếm việc làm, các doanh nghiệp còn mang nặng tâm lý e dè với năng lực, trình độ của NKT. NKT thiếu cơ hội thực tập tại doanh nghiệp, thời gian thử việc khá lâu, mức lương thấp hơn so với người bình thường, cơ sở hạ tầng dành cho người khuyết tật làm việc, sinh hoạt còn hạn chế. Khi bị cho nghỉ việc, nhiều người khuyết tật âm thầm chấp nhận mà không chủ động hỏi lại doanh nghiệp tại sao mình mất việc. Trong khi đó, nhiều gia đình người khuyết tật vẫn lo lắng, không yên tâm để người khuyết tật tự làm mọi chuyện, dẫn đến việc các bạn thiếu tự tin, rụt rè.
Để từng bước cải thiện những khó khăn, bất cập trong đào tạo nghề và hỗ trợ NKT tiếp cận công nghệ thông tin:
Thứ nhât, cần cần cải tiến kỹ năng giảng dạy, nâng cao năng lực giảng viên, tạo môi trường học dễ tiếp cận, nâng cao kỹ năng giao tiếp và khảo sát kỹ nhu cầu đào tạo nghề của người khuyết tật.
Thứ hai, cần nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người sử dụng lao động trong việc tuyển dụng lao động là người khuyết tật, nâng cao năng lực cho các tổ chức xúc tiến dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật.
Thứ ba, cần nhân rộng và phổ biến hơn nữa mô hình liên kết giữa cơ cở đào tạo và doanh nghiệp trong việc dạy nghề, tạo việc làm công nghệ thông tin cho người khuyết tật. Việc các cơ sở chủ động đến với doanh nghiệp và đặt vấn đề với doanh nghiệp về vấn đề việc làm cho người khuyết tật, cùng xây dựng cơ chế phối hợp thực tập cho người khuyết tật tại doanh nghiệp, cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề dạy nghề, yêu cầu việc làm sẽ giúp cho cả hai bên chủ động hơn trong vấn đề này.
Và cũng cần tiếp tục chú trọng việc ưu tiên xây dựng chính sách; hướng dẫn xây dựng và tổng kết mô hình cụ thể; bình đẳng trong dạy nghề; phát huy các nguồn lực xã hội; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Một số vấn đề cần quan tâm trong giáo dục cho NKT - 01/09/2017 03:35
- Những vấn đề còn bất cập trong việc thực hiện Luật nuôi con nuôi - 01/09/2017 03:17
- Gian nan công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khiếm thính - 15/08/2017 11:11
- Truyền thông nâng cao nhận thức về tình yêu, hạnh phúc gia đình NKT - 07/08/2017 09:20
- Trợ giúp NKT, TMC tiếp cận các dịch vụ y tế - 07/08/2017 09:19
Các tin khác
- Tình yêu và hôn nhân của người khuyết tật - 07/08/2017 08:08
- Một số kinh nghiệm giáo dục và chăm sóc trẻ tự kỷ - 04/07/2017 08:22
- Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ tỉnh Thanh Hóa: Nhịp cầu giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng - 04/07/2017 08:18
- Triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT năm 2017 - 04/07/2017 07:44
- Lồng ghép hòa nhập NKT trong phòng chống thiên tai và sinh kế bền vững - 04/07/2017 07:36