Thứ ba, 15 Tháng 8 2017 18:11

Hiện nay, với cơ cấu ngành nghề đa dạng cùng nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn đã mở ra nhiều hướng tiếp cận cho người lao động. Nhưng đối với lao động là người khuyết tật nói chung và người khiếm thính (người điếc) nói riêng thì việc làm và thu nhập vẫn đang là một vấn đề còn nhiều gian nan.

Những khó khăn của lao động khiếm thính

Theo số liệu năm 2015 của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Việt Nam có trên 7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số. Trong đó có tới 15% khuyết tật nghe nói, nhóm đối tượng này hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm.

82CacVDXH

Dự án “Chuyển lời nói thành văn bản” của Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính hy vọng sẽ hỗ trợ đắc lực cho người khiếm thính trong vấn đề học nghề tìm kiếm việc làm

Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do những rào cản về ngôn ngữ làm giảm khả năng tiếp cận của người khiếm thính. Không thể sử dụng ngôn ngữ chung với người nghe nói, những người điếc mất đi cơ hội học tập, mở rộng kiến thức, tìm kiếm thông tin. Tiếp đến, hệ thống giáo dục dành cho người khiếm thính vẫn còn rất hạn chế, hiện nay, mới chỉ có khoảng 70 trường học/trung tâm dành cho người khiếm thính, tập trung tại một số thành phố lớn với chương trình giáo dục tiểu học. Số trường đại học, cao đẳng tiếp nhận đào tạo cho nhóm người này chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu vẫn đang dừng lại ở các dự án đào tạo. Trong quá trình học nghề, rào cản ngôn ngữ khiến những người khiếm thính phải phụ thuộc vào người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và giáo viên dạy nghề, trong khi số lượng phiên dịch viên trong lĩnh vực này hiện còn rất khiêm tốn. Để học nghề thành công và có được một nghề phù hợp ngoài sự nỗ lực không ngừng của người điếc, còn đòi hỏi rất lớn vào sự kiên trì, tận tâm của người dạy, sự cảm thông của đơn vị dạy nghề, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Để họ duy trì việc làm và có thu nhập cũng là cả một vấn đề nan giải. Đó là chưa kể đến việc ngành nghề cho người điếc cũng bị thu hẹp do khả năng tiếp cận thông tin, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói

Vì vậy, dù Luật người khuyết tật đã có hiệu lực từ năm 2010 và Chính phủ cũng đã ban hành cả một hệ thống văn bản chính sách đối với doanh nghiệp trong việc tiếp nhận người khuyết tật nhưng nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp nhận người khiếm thính vào làm việc nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lao động này vì thiếu thông tin, gặp phải rào cản về ngôn ngữ. Đa phần những doanh nghiệp đồng ý tiếp nhận người lao động là người khuyết tật hiện nay đều là các doanh nghiệp xã hội. Nhưng bản thân các doanh nghiệp này hiện cũng đang gặp phải những khó khăn về vốn và nguồn nhân lực, tương tự như các doanh nghiệp xã hội nói chung.

Kym Viet, một trong những doanh nghiệp xã hội dành cho người khiếm thính dù đang gây được sự chú ý trong thời gian gần đây nhưng cũng không thể tránh khỏi khó khăn trong việc kêu gọi vốn đầu tư. Chị Nguyễn Thị Đính, người phụ trách quản lý 6 cô gái đều bị câm điếc bẩm sinh của Công ty may Kym Viet chia sẻ: Ngay từ đầu vốn của Kym Viet rất nhỏ, nên nếu không có sự giúp đỡ của một số người, doanh nghiệp rất khó đi tiếp. Vốn ít dẫn đến sản xuất cũng không được nhiều sản phẩm. Hơn thế nữa thời gian quay vòng rất lâu, những đơn vị nhập hàng thường không thanh toán ngay mà phải đợi bán hết hàng mới thanh toán nên doanh thu thường không đủ bù vốn. Trong khi đó, “muốn mở rộng sản xuất phải có nguồn vốn nhiều, muốn tạo thêm công ăn việc làm cho người khuyết tật nhưng do nguồn vốn có hạn nên chưa thể nhận thêm người”, chị Đính cho biết.

Vấn đề tìm việc và trụ lại được với công việc là một thách thức rất lớn đối với những người khuyết tật nói chung, người khiếm thính nói riêng khi muốn đi làm. Sự tự ti về bản thân, tâm lý gia đình không muốn con mình đi làm, định kiến của xã hội và chính sách của nhà nước là những nguyên nhân chính dẫn đến khó tìm việc cho người khuyết tật hiện nay.

Những nỗ lực tạo việc làm cho người khiếm thính

Hiện nay, các ngành nghề được cho là phù hợp như may mặc, làm chổi chít, dịch vụ nail, tạo mẫu tóc, dịch vụ ăn uống, làm bánh, công nghệ thông tin, văn phòng đang được nhiều người khiếm thính khai thác triệt để. Nhiều người đã thành công khi nỗ lực, cố gắng trong lĩnh vực của mình, từ đó ổn định nghề nghiệp và có thu nhập. Có thể kể đến như anh chị Dương Phương Hạnh ở thành phố Hồ Chí Minh, Đỗ Hoàng Thái Anh, Lê Văn ánh ở Hà Nội. Nhiều “thương hiệu” của người khiếm thính hoặc gắn liền với người khiếm thính đã hình thành như: “Quán bánh khoái không lời” 40 năm đắt khách ở Thừa Thiên Huế, “Quán của thời thanh xuân – Cafe khiếm thính” ở Lâm Đồng, Cà phê “Lặng” ở Sài Gòn, Cà phê “Tâm” ở Hà Nội, Bánh mì Bread of life ở Đà Nẵng

82CacVDXHnNKT 1

Nhân viên khiếm thính làm việc tại tiệm bánh Bread Of Life

 

Nhiều người khiếm thính sau khi có nghề còn dạy nghề, tạo việc làm cho những người điếc khác. Một trong số đó là anh Nguyễn Thái Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ làm đẹp Thành Nguyễn. Từ một người khiếm thính đam mê cắt tóc nhưng đi xin việc ở đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối, kiên trì suốt khoảng thời gian dài anh cũng được một người nhận dạy nghề. Sau khi học nghề thành công, trở thành một nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp, anh bắt đầu dạy nghề cho những người khiếm thính khác. Tính từ năm 2011 đến nay, anh đã đào tạo cho trên 30 người điếc ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Nhiều người sau khi học nghề đã tự tạo được việc làm và lại tiếp tục truyền nghề cho những người khiếm thính khác.

Một dự án cho người khiếm thính khác cũng đang thu hút được sự chú ý gần đây là dự án “Chuyển lời nói thành văn bản” của Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED). Thực chất đây là một công cụ thông qua một người đánh máy chuyển lời nói thành văn bản để người khiếm thính có thể đọc được. Với 7.500 euro (hơn 180 triệu đồng) đầu tư mua 5 bàn phím công nghệ Phần Lan cộng với chi phí đào tạo người đánh máy sử dụng thành thạo phần mềm chuyển lời nói thành văn bản, CED kỳ vọng sẽ giúp cho cộng đồng người khiếm thính Việt Nam có thể mở rộng kênh giao tiếp. Bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc CED cho biết: “Khác với những doanh nghiệp xã hội tạo việc làm trực tiếp cho người khiếm thính, CED trợ giúp cho người khiêm thính tiếp cận cơ hội việc làm từ các cơ sở khác, bản thân CED không trực tiếp tạo việc làm cho người khiếm thính nhưng sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng người khiếm thính nâng cao khả năng hiểu được ngôn ngữ văn bản và tạo ra cơ hội để họ tham gia nhiều sự kiện hỗ trợ cho người khiếm thính”, bà Hạnh cho biết.

82CacVDXH3

Nguyễn Thái Thành, chàng trai khiếm thính đang nỗ lực dạy nghề, tạo việc làm cho người đồng cảnh

 

Có thể nói, với nghị lực và quyết tâm của bản thân người điếc cũng như sự đồng cảm, sẻ chia của của cộng đồng, đã có nhiều người điếc có cơ hội được làm việc. Nhưng so với con số trên 1 triệu người khiếm thính thì vẫn còn quá ít. Để người khiếm thính có thể học tập, lao động và sống hoà nhập, vẫn cần lắm sự chung sức từ cộng đồng, cụ thể là từ gia đình, doanh nghiệp tuyển dụng, các trung tâm đào tạo việc làm và cả sự quyết tâm, nỗ lực từ bản thân người lao động khiếm thính.

***

Để hỗ trợ người khiếm thính trong đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm, v n đề quan tâm đầu tiên phải là giáo dục. Ngôn ngữ ký hiệu được phổ biến rộng rãi không chỉ trong cộng đồng người điếc, gia đình người điếc mà cả cộng đồng xã hội. Đồng thời, ngôn ngữ văn bản cũng cần được phổ biến trong cộng đồng người khiếm thính. Bởi, chỉ khi nào người điếc và người nghe có thể giao tiếp với nhau, hiểu nhau thì những vấn đề của người điếc mới dần được tháo gỡ một cách triệt để.

Đối với các doanh nghiệp, khi quyết định tuyển dụng lao động khiếm thính, doanh nghiệp có thể nhận một nhóm để các lao động này hỗ trợ nhau. Về phía người khiếm thính cũng nên có người đại diện để thuận tiện trong liên lạc với doanh nghiệp. Khi đào tạo nghề cũng như tạo việc làm cho người khiếm thính, doanh nghiệp có thể mô tả yêu cầu công việc cho họ bằng hình vẽ, chú trọng hơn đến phần thực hành.

Cuối cùng, để người khiếm thính có kỷ luật lao động, gia đình, doanh nghiệp và xã hội đều phải cùng tác động. Với sự nỗ lực, chung tay của cộng đồng xã hội, sẽ tạo ra cơ hội để người khiếm thính từng bước khắc phục khó khăn, sống tự lập và hoà nhập cộng đồng.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE việc làm , khiếm thính , dạy nghề

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi