Ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1215/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc triển khai Đề án cũng đặt ra những vấn đề cần tập trung giải quyết trong giai đoạn tiếp theo.
Những kết quả đạt được
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì sau hơn 5 năm thực hiện đã có 200.000 người tâm thần được hưởng trợ cấp hang tháng. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức trên toàn quốc, song số người bị rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam ước tính chiếm khoảng 10% dân số, tương đương khoảng 9 triệu người. Trong đó, số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (khoảng 200.000 người). Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy…
Để huy động sự tham gia của toàn xã hội nhất là gia đình trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng (PHCN) cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1215/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, 100% UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án 1215. Nhận thức, hiểu biết về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần đã có bước chuyển biến tích cực. Đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được nghiên cứu, sửa đổi, ban hành mới trong đó phải kể đến Nghị định số 81/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động, giải thể đối với các cơ sở BTXH, Quyết định số 1364/QĐ-LĐTBXH ngày 2/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở BTXH chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2012 - 2020….
Theo báo cáo của Cục BTXH – Bộ LĐTBXH, đến nay cả nước đã có 200.000 đối tượng là người tâm thần nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng, 13.000 đối tượng thuộc diện khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc được tiếp nhận, PHCN tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Ngoài ra, các đối tượng này còn được hưởng các chế độ trợ giúp xã hội khác như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề, hỗ trợ chi phí mai táng phí tại cộng đồng… Có 13.000 đối tượng được chăm sóc và PHCN tại Trung tâm, trong đó có 60.000 người tâm thần nặng được các Trung tâm thực hiện quản lý trường hợp tại cộng đồng.
Để đảm bảo công tác chăm sóc, PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, các Trung tâm BTXH chăm sóc và PHCN cho người bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được tổ chức lại về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Đến nay, cả nước đã có 45 cơ sở BTXH có chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trong đó có 16 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 19 cơ sở tổng hợp. Công suất tiếp nhận, chăm sóc và PHCN cho 13.000 đối tượng tại cơ sở. Một số tỉnh, thành phố xây dựng mô hình tốt về lao động trị liệu và PHCN luân phiên cho người tâm thần nặng tại Trung tâm BTXH như: Thái Nguyên, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình, Hà Nội, Trung tâm Điều dưỡng và PHCN người tâm thần Việt Trì… Các mô hình này đã bước đầu kết hợp công tác tư vấn, trị liệu tâm lý và dạy nghề, tạo việc làm cho người bệnh với điều trị y tế.
Có 17 Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được nâng cấp, mở rộng tại các tỉnh, thành phố: Bến Tre, Ninh Thuận, Long An, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội… Xây mới Trung tâm chăm sóc và PHCN cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí hai tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho 8 Trung tâm trực thuộc và một số tỉnh, thành phố như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Bắc Giang, Hưng Yên. Ngoài ra, mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cũng được xây dựng tại một số Trung tâm và bệnh viện thuộc Bộ LĐTBXH và một số tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Đắc Nông, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Các mô hình này tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, kết nối tuyên truyền cho đối tượng bị rối nhiễu tâm trí, sang chấn tâm lý, khủng hoảng tâm lý, có nguy cơ cao bị bệnh tâm thần.
Cùng với việc mở rộng, củng cố cơ sở vật chất, các hoạt động chăm sóc, PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí cũng được đẩy mạnh triển khai. Phần lớn các cơ sở BTXH đều đã liên kết với tiểu thương, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề tạo việc làm cho người tâm thần thông qua các nghề như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm, sản xuất hương, vàng mã, giấy bản, trồng cây cảnh… tạo thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần cho đối tượng như: Trung tâm điều dưỡng và PHCN tâm thần tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Sơn La, Việt Trì, Ninh Bình, Hà Nội… Các hoạt động văn hóa thể thao, hội thi giọng hát hay, tập cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, tổ chức kéo co và các hoạt động tự quản.. được tổ chức phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng đối tượng. Dịch vụ về Công tác xã hội đối với người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí như tư vấn cho người tâm thần và gia đình, đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của đối tượng để cung cấp những hỗ trợ tâm lý xã hội và các dịch vụ chăm sóc, quản lý trường hợp, trị liệu tâm lý cho đối tượng, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội theo quy định của pháp luật.
Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong chăm sóc, PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, giáo trình đào tạo Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần từng bước được xây dựng, hoàn thiện. Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã có xây dựng và biên soạn 6 cuốn giáo trình về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, xây dựng và tập huấn 5 cuốn giáo trình, tài liệu kỹ thuật hướng dẫn về nghiệp vụ Công tác xã hội trong lĩnh vực điều trị nghiện. Cùng với đó, Bộ LĐTBXH cũng đã hỗ trợ kinh phí cho một số tỉnh, thành không tự cân đối được ngân sách để tổ chức, đào tạo, tập huấn cho 10.000 lượt cán bộ, nhân viên Công tác xã hội (giai đoạn 2012 - 2015), tập huấn cho gia đình đối tượng về lĩnh vực sức khỏe tâm thần, các kiến thức, kỹ năng, phương pháp trị liệu, chăm sóc và PHCN cho đối tượng. Đào tạo cho 450 cán bộ quản lý các Trung tâm BTXH có chăm sóc và PHCN cho người tâm thần.
Những vấn đề cần quan tâm
Có thể nói, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 1215, mạng lưới cơ sở chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí đã từng bước được củng cố và phát triển. Đã có 17/20 tỉnh, thành phố hỗ trợ nâng cấp, mở rộng Trung tâm chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, 7/26 tỉnh, thành phố được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị (tỷ lệ đầu tư đạt 30% quy hoạch) và 5/10 tỉnh, thành phố hỗ trợ xây dựng cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí (tỷ lệ thí điểm mô hình đạt 50% kế hoạch).
Tuy nhiên, so với số lượng và nhu cầu của đối tượng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí hiện nay thì mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội này vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Các cơ sở chủ yếu là chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng theo quy mô lớn, đối tượng sống xa cách gia đình và cộng đồng. Các cơ sở trợ giúp xã hội thiếu các dịch vụ tư vấn hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và PHCN trị liệu tâm lý, lao động trị liệu. Nguồn nhân lực thiếu và yếu, nhiều cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo về Công tác xã hội hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau, nhân viên y tế, nhân viên Công tác xã hội còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp còn hạn chế, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, viên chức Công tác xã hội, người lao động làm việc trong các Trung tâm Chăm sóc và PHCN cho người tâm thần chưa được quy định… Đó là chưa kể đến việc trang thiết bị của các trung tâm này hiện xuống cấp, lạc hậu, thiếu trang thiết bị chuyên dùng.
Theo kế hoạch của Bộ LĐTBXH giai đoạn 2016 -2020 sẽ tập trung huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, PHCN cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được PHCN luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội. 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ Công tác xã hội khác. 100% gia đình có người tâm thần, 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và PHCN cho người tâm thần dựa vào cộng đồng. Hình thành các nhóm cán bộ, nhân viên và cộng tác viên Công tác xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và PHCN cho người tâm thần tại xã, phường, thị trấn có đông đối tượng.
Để làm được điều này, vấn đề quan trọng là cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý: sửa đổi, bổ sung chính sách trợ giúp xã hội cho người tâm thần, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ theo cơ chế có thu phí, ban hành quy trình PHCN luân phiên cho người tâm thần tại các cơ sở bảo trợ xã hội, xây dựng chính sách, chế độ phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trong lĩnh vực người tâm thần. Cùng với đó, cần củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và PHCN cho người tâm thần với các nội dung như: Nâng cấp, mở rộng và nâng công suất các cơ sở, xây dựng cơ sở chăm sóc và PHCN cho người tâm thần tại những tỉnh, thành phố có đông đối tượng, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, PHCN luân phiên cho người tâm thần.
Ngoài ra cần phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ nhân rộng mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tới quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có đông đối tượng; Tập huấn cho gia đình đối tượng về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và PHCN cho người tâm thần; Tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, PHCN cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Đối xử nhân văn hơn với người khuyết tật! - 26/04/2017 02:57
- Bà Adi Teeni - CEO của Facebook Israel: Người khiếm thị sẽ xem được ảnh, clip trên Facebook - 10/04/2017 07:14
- Hội Bảo trợ NTT và TMC Việt Nam: Tạo “cơ duyên cho việc hình thành tư cách pháp nhân của Trung tâm Nghị lực sống - 07/04/2017 03:28
- 3 tiêu chí đánh giá nhà giáo giáo dục nghề nghiệp - 21/03/2017 05:40
- Quy định mới chế độ làm việc của giáo viên dạy nghề - 15/03/2017 07:55
Các tin khác
- Sẵn sàng cho kỳ Đại hội thành công, tiết kiệm - 14/03/2017 03:21
- Phục hồi chức năng sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Cơ hội để người lao động tái hòa nhập cộng đồng - 03/03/2017 03:18
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Nỗ lực vận động nguồn lực, hỗ trợ NKT, TMC hòa nhập xã hội - 03/03/2017 03:13
- Phát huy vai trò tôn giáo trong hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề - 27/02/2017 07:06
- Một số kỹ năng công tác xã hội nhóm với NKT tại cộng đồng - 04/01/2017 07:28