Trong năm qua, một trong những sự chuyển hướng quan trọng và hiệu quả của hoạt động Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam là nỗ lực tạo nguồn lực và tích cực thực hiện các hoạt động gắn với nhiệm vụ Nhà nước, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp NKT, TMC. Các hoạt động của Hội luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp và đánh giá cao của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Cục BTXH - Bộ LĐ-TB&XH. Tạp chí Người bảo trợ xin giới thiệu cùng độc giả ý kiến phát biểu của ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Hội năm 2017.
Ông Nguyễn Ngọc Toản phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam (tháng 12/2016)
Năm 2016, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng các tổ chức thành viên vẫn triển khai các hoạt động một cách tích cực, hiệu quả và nhiều sáng tạo. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi đánh giá cao hoạt động Hội về các mặt:
Thứ nhất: Kết quả trong báo cáo tổng kết năm của Hội đã cho thấy những con số ấn tượng, vận động nguồn lực tương đối lớn để tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho NKT, TMC ổn định cuộc sống trên các lĩnh vực về đời sống vật chất, tinh thần và hòa nhập xã hội. Đặc biệt, Hội đã đổi mới cách làm, cách tư duy, coi NKT không chỉ ở phạm vi hẹp, là đối tượng cần bảo trợ - mà đã coi NKT là nguồn nhân lực đóng góp cho sự phát triển của xã hội, giúp họ thay đổi cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, làm giàu và trở thành các doanh nhân; góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Thứ hai: Về hoạt động tuyên truyền, Hội đã góp phần làm thay đổi nhận thức của NKT, gia đình và cộng đồng xã hội. Ban đầu khi triển khai thực hiện Luật NKT, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân về vấn đề khuyết tật còn hạn chế, nghĩ đến NKT chỉ là làm nhân đạo từ thiện chứ không nghĩ đến vấn đề quyền và vấn đề hòa nhập của NKT, phát huy tiềm năng và khả năng của NKT. Các hoạt động của Hội đã minh chứng cho một điều rằng, NKT có khả năng, chúng ta có thể can thiệp và làm được bằng cách thức của chúng ta.
Theo thống kê, từ khi triển khai Luật NKT đến nay mới có khoảng 800.000 NKT được hưởng chính sách, trong khi hoạt động của Hội một năm đã có trên 2,1 triệu lượt NKT, TMC và người khó khăn được bảo trợ với nhiều hoạt động về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện giúp sinh hoạt. Đây là một thành quả, một đóng góp rất lớn vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Trong điều kiện nguồn lực ngân sách bố trí cho thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 còn thấp, mỗi năm chỉ vài tỷ đồng, so với nguồn vận động của Hội gần 470 tỷ trong năm qua thì thấy rằng nguồn lực xã hội lớn hơn rất nhiều.
Thứ ba: Một trong những đóng góp của Hội là tổ chức thực hiện pháp luật Nhà nước trong hệ thống tổ chức Hội. Quá trình tổ chức triển khai Luật NKT rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nằm ngoài hệ thống quản lý Nhà nước can thiệp, hỗ trợ thông qua tuyên truyền, hội nghị tập huấn… Việc Hội tổ chức các Hội thảo, Hội nghị tập huấn, tham gia triển khai thực hiện Luật, báo cáo chia sẻ kinh nghiệm… đã góp phần nâng cao năng lực cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ trực tiếp làm việc với NKT, TMC…
Thứ tư: Các hoạt động cụ thể của Hội có sức lan tỏa, tác động lớn. Nhờ sự tham gia, góp ý trực tiếp của Hội vào quá trình Bộ LĐ-TB&XH và các bộ ngành liên quan nghiên cứu các chính sách, đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy. Trong đó, nhiều mô hình của Hội triển khai thực hiện thí điểm đến nay Bộ LĐ-TB&XH đã đưa trình Chính phủ chấp nhận thành các nội dung các đề án, chính sách. Có thể kể đến một số mô hình hỗ trợ đối tượng hiệu quả mà Hội đã và đang thực hiện như: hỗ trợ sinh kế, dạy nghề tại cộng đồng, cải tạo điều kiện tiếp cận tại nhà ở cho NKT... Trong thời gian tới, Cục BTXH sẽ tiếp tục đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH tham khảo các kinh nghiệm của Hội và đầu tư nguồn lực để nhân rộng các mô hình này.
Sau hơn 5 năm, Luật NKT được ban hành, đến nay kết quả thực hiện Luật đã thể hiện trên 4 khía cạnh:
Một là: Nhận thức của cộng đồng xã hội, hệ thống chính trị, các cơ quan làm việc về lĩnh vực NKT đã có sự thay đổi tương đối, bước đầu đã có đầy đủ các văn bản, nội dung quy định nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cũng như sự tham gia của NKT về giáo dục, về chăm sóc sức khỏe, về hòa nhập, vui chơi giải trí…
Hai là: Số lượng văn bản và các nội dung quy định tương đối đầy đủ, các chế độ chính sách đã được quan tâm huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện tương đối đồng bộ, được ghi nhận ở các khía cạnh như: trợ cấp xã hội, cấp giấy xác nhận khuyết tật, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ y tế…
Ba là: Các chỉ số đo và tính toán về chất lượng NKT đã thay đổi. Ví dụ về dạy nghề tăng từ 11 lên khoảng 14-20%, hạ tầng cơ sở, điều kiện tiếp cận tăng lên từ 25 - 30% công trình có đường tiếp cận (so với trước khi Luật được ban hành). Trước năm 2008, theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH việc tiếp cận ở gia đình NKT cơ bản là chưa đủ, rất ít. Hà Nội mới chỉ có một vài trường hợp thay cho việc bế, đỡ con em lên xuống bằng đường tiếp cận thì đến nay, có tới 60 - 70% các hộ gia đình đã có cải thiện tiếp cận ở nơi ở, tiến tới cải thiện điều kiện vệ sinh, môi trường. Con số đó cho thấy hiệu quả đóng góp của mô hình hỗ trợ phương tiện trợ giúp gắn với xây dựng đường tiếp cận mà Hội đang thực hiện.
Bốn là: Hệ thống, cơ quan cung cấp dịch vụ chăm sóc nói chung đặc biệt là NKT không ngừng được mở rộng, củng cố. Xu hướng của Nhà nước là đẩy mạnh hợp tác thông qua việc ủy nhiệm cho các cơ quan tổ chức có năng lực cung cấp dịch vụ. Đây sẽ là xu hướng tất yếu của tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai thực hiện Luật NKT giai đoạn này còn bộc lộ một số nhược điểm như: chất lượng văn bản chưa cao, việc giám sát, đánh giá còn bỏ sót, bỏ rơi đối tượng NKT chưa được hưởng đầy đủ chính sách, quyền của NKT chưa được thực hiện một cách toàn diện...
Để giải quyết những vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH xác định phải nghiên cứu trình Chính phủ hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc, tăng cường tổ chức triển khai thực hiện và tiếp tục đào tạo, nâng cao đội ngũ cán bộ, tăng cường giám sát, thanh kiểm tra.. Bộ LĐ-TB&XH, Cục BTXH mong muốn Trung ương Hội và các Hội thành viên tiếp tục hỗ trợ, hợp tác cùng với ngành LĐ-TB&XH trên các phương diện để phát huy thế mạnh của Hội - một tổ chức đứng đầu trong công tác chăm sóc NKT, TMC. Tham mưu, đề xuất với Bộ để bổ sung cơ chế chính sách, tham gia trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc NKT. Vai trò giám sát chưa được nêu trong Luật nhưng cũng mong Hội lồng ghép công tác giám sát, kiểm tra để làm tốt hơn nữa công tác bảo trợ NKT, TMC góp phần triển khai có hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Nhà nước ta.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- 3 tiêu chí đánh giá nhà giáo giáo dục nghề nghiệp - 21/03/2017 05:40
- Quy định mới chế độ làm việc của giáo viên dạy nghề - 15/03/2017 07:55
- Sau 5 năm thực hiện Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020: Kết quả và những vấn đề cần được quan tâm - 14/03/2017 07:42
- Sẵn sàng cho kỳ Đại hội thành công, tiết kiệm - 14/03/2017 03:21
- Phục hồi chức năng sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Cơ hội để người lao động tái hòa nhập cộng đồng - 03/03/2017 03:18
Các tin khác
- Phát huy vai trò tôn giáo trong hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề - 27/02/2017 07:06
- Một số kỹ năng công tác xã hội nhóm với NKT tại cộng đồng - 04/01/2017 07:28
- Thực hiện quyền của phụ nữ khuyết tật trên cơ sở bình đẳng giới - 04/01/2017 03:37
- Nhu cầu và cơ hội tiếp cận thông tin của người khiếm thị - 22/12/2016 04:18
- Mạng xã hội - Phương tiện hữu ích trong quá trình hòa nhập của NKT - 02/12/2016 04:17