Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật. Trong đó, khuyết tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chiếm tỷ lệ từ 15 - 20%. Trợ giúp những đối tượng này tái hòa nhập cộng đồng là một trong những vấn đề ngành hữu quan hết sức quan tâm. Trong đó, phục hồi chức năng lao động và tâm lý sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một biện pháp tích cực, được hiện thực hóa trong Luật ATVSLĐ, các văn bản hướng dẫn thi hành và bước đầu được triển khai với nhiều kết quả đáng khích lệ.
Giúp người lao động phục hồi thương tổn, mất mát
Tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) là những điều không ai mong muốn xảy ra trong quá trình lao động, sản xuất. Bởi một khi TNLĐ xảy ra, người lao động không những bị tổn hại về tính mạng hoặc sức khoẻ, khả năng làm việc mà gia đình của họ cũng gặp khốn đốn do mất người thân hoặc mất trụ cột lao động trong nhà dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, thu nhập bị giảm sút và có thể rơi vào tình trạng đói nghèo. Đối với chủ sử dụng lao động cũng phải tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ... chưa kể uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng việc để khắc phục hậu quả, phục vụ điều tra nguyên nhân gây tai nạn. Nhưng một khi TNLĐ xảy ra, việc nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định tâm lý, sức khỏe PHCN lao động, tạo việc làm, giúp họ hòa nhập sau quá trình điều trị là một vấn đề quan trọng cần được hết sức quan tâm.
Phục hồi chức năng lao động góp phần phục hồi thương tổn, mất mát cho người bị TNLĐ, BNN (ảnh minh họa)
Theo thống kê, mỗi năm ở nước ta hàng nghìn người bị TNLĐ, BNN có nhu cầu được điều trị, chỉnh hình và PHCN. Theo PGS.TS Khúc Xuyền - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Y học lao động Việt Nam: PHCN rất có lợi cho người bị TNLĐ, BNN, nhất là những trường hợp bị TNLĐ làm giảm chức năng của các cơ quan vận động như chân, tay, cột sống… PHCN giúp nâng cao thể lực, giúp người lao động bị TNLĐ, BNN phục hồi các chức năng bị thương tổn, mất mát. Nhiều trường hợp bị TNLĐ sau khi điều trị ổn định và được PHCN đúng quy trình chuyên môn đã phục hồi dần, vận động được gần như bình thường, tạo điều kiện cho người lao động tìm được việc làm và hòa nhập cộng đồng.
Cả nước hiện có trên 60 cơ sở tham gia vào lĩnh vực chỉnh hình, PHCN, bao gồm Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng (do Bộ Y tế quản lý), Viện, Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình - PHCN (do Bộ LĐ-TB&XH quản lý) trực thuộc Trung ương và các tỉnh, Bộ, ngành. Ngoài ra có khoảng trên 90% các bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố và 30% số bệnh viện tuyến huyện đã thành lập khoa PHCN, góp phần đẩy mạnh các hoạt động PHCN, phục vụ các đối tượng chính sách, trong đó có người bị TNLĐ, BNN. Sự nỗ lực hoạt động của các cơ sở này đã giúp cho hàng trăm ngàn đối tượng chính sách, người khuyết tật được chỉnh hình, PHCN mỗi năm. Chỉ tính riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (một trong những đơn vị thực hiện thành công mô hình PHCN lao động cho người khuyết tật) trong 03 năm đã giới thiệu việc làm cho 346 người khuyết tật, trong đó 159 người có việc làm ổn định từ 03 tháng trở lên với thu nhập trung bình ba triệu đồng/tháng, 102 người khuyết tật được học nghề miễn phí tại các cơ sở dạy nghề.
Cần tăng cường phối hợp trong PHCN cho người bị TNLĐ, BNN
Với sự ra đời của Luật An toàn vệ sinh lao động, lĩnh vực PHCN cho người bị TNLĐ, BNN ở nước ta đã bước đầu được quan tâm hơn. Trước khi Luật được ban hành, đa số bệnh nhân bị tai nạn chỉ được phẫu thuật để đảm bảo tính mạng, khi ổn định sức khỏe thì ra viện mà không được PHCN, hoặc thời gian PHCN ngắn không đáp ứng được yêu cầu… Nhưng khi các điều khoản của Luật và các văn bản dưới Luật (cụ thể là Nghị định 37/2016/NĐ-CP), chính thức có hiệu lực, người bị TNLĐ, BNN sẽ được hỗ trợ kinh phí PHCN lao động. Mức hỗ trợ tối đa bằng 50% chi phí PHCN lao động sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 2 lần mức lương cơ sở/người/lượt. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần. Cũng theo quy định (tại Điểm b Khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động) người lao động được hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động: Được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phục hồi chức năng lao động; suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do TNLĐ, BNN.
Để đáp ứng nhu cầu PHCN lao động của người bị TNLĐ, BNN, cần thiết phải có sự phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế trong lĩnh vực chỉnh hình, PHCN (ảnh minh họa)
Để được hỗ trợ kinh phí PHCN lao động, người bị TNLĐ, BNN cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí PHCN lao động cho người lao động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành; Bản sao có chứng thực Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định Y khoa; Bản sao có chứng thực giấy chuyển viện đến đơn vị PHCN lao động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp phải chuyển viện; Đối với trường hợp Bệnh viện có khoa PHCN, bản sao có chứng thực bệnh án có nội dung chuyển bệnh nhân về khoa PHCN và Bản sao chứng từ thanh toán chi phí PHCN, không bao gồm kinh phí cho trang thiết bị hỗ trợ PHCN. Sau đó người lao động nộp hồ sơ cho Sở LĐ-TB&XH, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở LĐ-TB&XH quyết định việc hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chi phí chữa BNN.
Tuy nhiên, tính toán một cách tổng thể, ngoài số người bị TNLĐ, BNN, nếu tính cả những đối tượng chính sách, tai nạn giao thông và người khuyết tật trong cả nước thì số người có nhu cầu điều trị, PHCN lên đến hàng chục triệu người. Đó là một con số quá lớn mà trong nhiều năm nữa các cơ sở điều dưỡng, chỉnh hình, PHCN mới kỳ vọng phục vụ được. Vì vậy, để đảm bảo nhu cầu phục hồi chức năng cho người lao động, Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH cần ban hành văn bản hướng dẫn phối hợp hoạt động trong lĩnh vực PHCN cho người bị TNLĐ và BNN đối với các cơ sở điều dưỡng, chỉnh hình, PHCN thuộc 2 Bộ. Đồng thời, thành lập Cục hoặc Vụ về lĩnh vực y tế đặc thù ngành LĐ-TB&XH nhằm thống nhất chỉ đạo, quản lý nhà nước về lĩnh vực điều trị, điều dưỡng và chỉnh hình, PHCN. Mở rộng các đối tượng phục vụ bao gồm người bị TNLĐ, BNN, tai nạn thương tích, người khuyết tật.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Hội Bảo trợ NTT và TMC Việt Nam: Tạo “cơ duyên cho việc hình thành tư cách pháp nhân của Trung tâm Nghị lực sống - 07/04/2017 03:28
- 3 tiêu chí đánh giá nhà giáo giáo dục nghề nghiệp - 21/03/2017 05:40
- Quy định mới chế độ làm việc của giáo viên dạy nghề - 15/03/2017 07:55
- Sau 5 năm thực hiện Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020: Kết quả và những vấn đề cần được quan tâm - 14/03/2017 07:42
- Sẵn sàng cho kỳ Đại hội thành công, tiết kiệm - 14/03/2017 03:21
Các tin khác
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Nỗ lực vận động nguồn lực, hỗ trợ NKT, TMC hòa nhập xã hội - 03/03/2017 03:13
- Phát huy vai trò tôn giáo trong hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề - 27/02/2017 07:06
- Một số kỹ năng công tác xã hội nhóm với NKT tại cộng đồng - 04/01/2017 07:28
- Thực hiện quyền của phụ nữ khuyết tật trên cơ sở bình đẳng giới - 04/01/2017 03:37
- Nhu cầu và cơ hội tiếp cận thông tin của người khiếm thị - 22/12/2016 04:18