Thứ tư, 11 Tháng 5 2016 12:01

Được chọn lựa và trở thành đại biểu dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc là niềm vui, vinh dự và tự hào lớn lao của mỗi người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ. Trong số hàng ngàn lượt NKT, TMC, NBT tiêu biểu từng là đại biểu qua các kỳ Hội nghị, đã có những tấm gương có vinh dự được mời tham dự hai Hội nghị, bởi thành tích mà họ nỗ lực đạt được xứng đáng là tấm gương tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước, xứng đáng trở thành người truyền đi thông điệp của tinh thần nghị lực và nhân văn cao cả.

Ông Đinh Công Thạnh (bên trái) - người khuyết tật - xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa: “Xã hội luôn ghi nhận và trân trọng nỗ lực vươn lên của người khuyết tật”

trang 30123

Với những nỗ lực vươn lên, gạt bỏ mặc cảm, tự ti để tự lập cuộc sống và giúp đỡ người đồng cảnh, tôi đã thật may mắn có tới hai lần được lựa chọn là đại biểu người khuyết tật của tỉnh tham dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ III (năm 2010) và lần thứ V (năm 2016). So với lần đầu tiên tôi được tham dự, Hội nghị lần này có sự vượt trội về số lượng đại biểu, trong đó tôi đặc biệt ấn tượng là trong hàng ghế đại biểu có sự xuất hiện của những người khuyết tật là Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cơ quan Nhà nước Tôi còn cảm nhận được, sự cộng hưởng và sức lan tỏa mạnh mẽ của tình yêu thương, của tinh thần sống tự tin, quyết tâm vượt khó mà mỗi đại biểu mang đến Hội nghị.

Qua bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị đã truyền cho tôi cũng như bao người đồng cảnh một niềm tin - những người khuyết tật, trẻ mồ côi sẽ luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia, động viên, khích lệ của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng xã hội.

Tôi cũng hết sức vui mừng vì đã nhận được sự quan tâm của Ban Tổ chức Hội nghị đã tạo điều kiện cho tôi cơ hội được đứng trước Hội nghị trao tặng Trung ương Hội bức tranh gỗ do chính những người khuyết tật chúng tôi làm ra. Kỷ niệm đặc biệt này tôi sẽ nhớ mãi và mang theo suốt cuộc đời, bởi đã khẳng định rằng, sự nỗ lực, cố gắng cũng như những thành quả đạt được của bản thân tôi nói riêng và cộng đồng người khuyết tật nói chung luôn được xã hội ghi nhận và trân trọng. Niềm vinh dự lớn lao đó càng thôi thúc tôi cố gắng làm việc và giúp đỡ người đồng cảnh. Từ Hội nghị trở về, tôi sẽ bắt tay ngay mở lớp dạy nghề may công nghiệp cho 36 người khuyết tật và người nghèo, tạo điều kiện cho học viên được học nghề, ăn, ở miễn phí trong suốt quá trình học. Sau lớp học này, tôi dự định sẽ tiếp tục mở xưởng dạy nghề sản xuất vỏ ốc mỹ nghệ để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.  

Bà Dương Thị Sáu - người bảo trợ (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình): “Hội nghị tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho người thiệt thòi”

Lan toa yeu thuong 2

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh người khuyết tật không có việc làm, bị cộng đồng xa lánh, bởi vậy tôi từng nuôi mơ ước được góp một phần nhỏ bé của mình, đem chút lửa của tấm lòng mình sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh. Rồi những mong muốn đó đã trở thành hành động thực tế khi từ năm 2006, tôi bắt đầu đứng ra mở lớp dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho người khuyết tật. Ngọn lửa yêu thương, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh càng bừng cháy trong tôi sau khi được tham dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ tư, thứ năm, Hội nghị đã tiếp thêm cho tôi động lực để vượt qua khó khăn, tiếp tục công việc mà mình đã lựa chọn. Tôi dành nhiều thời gian hơn để tiếp xúc, gần gũi, động viên và tận tình dạy nghề, tạo thật nhiều việc làm, giúp người yếu thế có cơ hội làm việc, tự mình làm chủ cuộc sống.

Bên cạnh những cố gắng của tôi trong việc hỗ trợ cho các học viên học nghề, làm việc, tôi còn tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu văn nghệ. Trong những buổi sinh hoạt ấy, thông qua cuốn Kỷ yếu Hội nghị biểu dương, tôi đã dần kể về những câu chuyện, những tấm gương người khuyết tật, trẻ mồ côi tiêu biểu tham dự Hội nghị, để tiếp thêm cho học viên sức mạnh, nghị lực phấn đấu vươn lên trở thành người có ích.                                           

                                                 

Ông Trương Xuân Hòa - người bảo trợ (thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng):“Hội nghị kêu gọi, thúc giục nhà bảo trợ tiếp tục những việc làm ý nghĩa hơn”

T rở về quê hương lập nghiệp sau 17 năm gia nhập quân ngũ, tôi đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để thành lập và điều hành Công ty TNHH Xuân Hòa, từng bước đưa mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty phát triển ổn định. Không chỉ đảm bảo việc làm cho 105 lao động là người lành và người khuyết tật, tôi còn tích cực đóng góp cho công tác từ thiện, đặc biệt đã nhiều năm đồng hành cùng tỉnh Hội Cao Bằng hỗ trợ, giúp đỡ những mảnh đời khuyết tật, mồ côi có điều kiện học nghề, làm việc, vươn lên trong cuộc sống với số tiền hàng tỷ đồng.

Bằng những đóng góp ấy, tôi đã vinh dự được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh hai lần lựa chọn là đại biểu người bảo trợ tiêu biểu tham dự Hội nghị biểu dương lần thứ IV, V. Qua những lần tham dự Hội nghị, càng thôi thúc tôi phải cố gắng phát huy tối đa khả năng của mình, tích cực nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật, trẻ mồ côi để tham mưu, đề xuất kịp thời cho Ban Chấp hành tỉnh Hội, tìm ra hướng đi mới nhằm giảm bớt những khó khăn, giúp đối tượng vơi đi nỗi đau và làm bừng sáng lên trong trái tim họ niềm vui và lòng tin vào cuộc sống.

Đặc biệt Hội nghị biểu dương V vừa qua, tôi nhận thấy sức lan tỏa mạnh mẽ từ những tấm gương sáng về nghị lực, ý chí vượt qua khuyết tật, vượt lên sự thiếu thốn về tinh thần, vật chất để đạt được những thành quả đáng tự hào. Điều đó không chỉ khích lệ người khuyết tật, trẻ mồ côi vươn lên, nỗ lực nhiều hơn nữa trong cuộc sống mà còn là lời kêu gọi, thúc giục những nhà bảo trợ như chúng tôi tiếp tục có những hành động, việc làm ý nghĩa hơn trong công tác bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi của tỉnh nhà.

Ông Chu Vinh Đức - người khuyết tật (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An):“Thành quả không từ chối những người tự chủ vươn lên”

Lan toa yeu thuong 3

Năm lên 4 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã khiến đôi chân tôi không thể đi lại. Tuổi thơ của tôi chỉ còn đọng lại những ký ức là những toa thuốc, những bài tập phục hồi chức năng và màu trắng của chiếc ga giường bệnh viện, chiếc áo blu của bác sỹ. Tôi khao khát kiếm tìm con chữ bằng cách tự học. Không chỉ thích học chữ, học văn hóa, tôi còn có niềm đam mê hội họa đến cháy bóng. Tôi vẽ tất cả những gì tôi thấy, tôi thích và quyết định vào Sài Gòn một thời gian dài để học thêm hội họa chuyên nghiệp, học ngoại ngữ. Sau 3 năm xa nhà, năm 1998, tôi trở về và quyết định mở lớp dạy tiếng Anh cho người thân, bạn bè và mạnh dạn mở phòng tranh.

Với những cố gắng vươn lên trong cuộc sống, tôi đã vinh dự được chọn là đại biểu người khuyết tật tỉnh Nghệ An tham dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc năm 2010 và 2016. Tại Hội nghị lần thứ III, tôi được gặp gỡ nhiều người đồng cảnh và nhận thấy có rất nhiều tổ chức Hội của người khuyết tật trên khắp cả nước, bởi thế tôi đã quyết tâm vận động thành lập Hội người khuyết tật thành phố Vinh ngay trong năm 2013. Được phân công làm Phó Chủ tịch, tôi luôn cố gắng tìm mọi cách để người đồng cảnh có cơ hội tiếp cận và tham gia các khóa học nghề, kêu gọi các nguồn tài trợ tặng xe lăn, xe đạp, học bổng...

Một lần nữa vinh dự trở thành đại biểu Hội nghị biểu dương lần thứ V, tôi hết sức ấn tượng với sự xuất hiện của ngày càng nhiều tấm gương người khuyết tật tiêu biểu, họ không chỉ tự giúp mình vượt qua khuyết tật, tạo dựng vị trí trong xã hội, mà còn giúp đỡ nhiều người lành và người đồng cảnh... Những thành quả nổi bật của họ khiến tôi phải suy nghĩ và tự thấy mình cần cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống và trong hoạt động của Hội Người khuyết tật thành phố. Bắt tay ngay vào những dự định ấp ủ sau Hội nghị lần thứ V, tôi đã mở lớp dạy vẽ miễn phí cho học viên khuyết tật có năng khiếu, đam mê và sẽ giảm học phí cho các học viên khuyết tật, mồ côi tham gia lớp học tiếng anh. Qua các lớp học, tôi đều cố gắng truyền thông điệp của Hội nghị đến với các học trò của mình rằng: “Hãy sống và cố gắng hết sức để làm những điều mình thích, thành quả chỉ đến với những người biết vượt qua nghịch cảnh, biết tự giúp mình trước khi nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi