Thứ năm, 19 Tháng 5 2016 14:45

Làng quê nghèo An Long 1, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam không có những cánh đồng mênh mông bát ngát thẳng cánh cò bay như những gì văn thơ từng kể mà chỉ là những thửa ruộng bậc thang nhỏ bé, đất đai cằn cỗi. Nơi ấy, cô bé Nguyễn Thị Kim đã cất tiếng khóc chào đời với một bên cánh tay mang khiếm khuyết do di chứng của chất độc da cam. Và cũng chính nơi ấy đã chứng kiến những tháng ngày gian nan vượt qua mặc cảm tật nguyền của Kim, vượt qua những ánh mắt ái ngại của những người xung quanh để học tập, trưởng thành và quay lại giúp cho những người yếu thế trên mảnh đất quê hương mình.

Vượt lên nỗi mặc cảm

Cuộc sống ở làng quê nghèo đã khó, với Nguyễn Thị Kim lại càng khó khăn hơn khi mang cánh tay không lành lặn. “Tôi luôn bị mọi người xung quanh nhìn với ánh mắt ái ngại, bị bạn bè trêu chọc mỗi khi đi học. Điều đó càng khiến tôi mặc cảm, khép mình lại”, Kim chia sẻ. Nhưng Kim thực sự may mắn vì có những người thân luôn bênh cạnh động viên, giúp đỡ. Chính sự yêu thương và cổ vũ của ba mẹ mà cô dần thoát ra khỏi sự mặc cảm, hoà nhập tốt hơn với bạn bè.

Được sự động viên của gia đình cùng với niềm say mê học tập và quyết tâm “làm gì đó cho đời”, năm 2007, Kim thi đậu vào Trường Đại học Quảng Nam, chuyên ngành Công tác xã hội, hệ Cao đẳng. Ra trường, xin một công việc phù hợp với bản thân là điều quá khó, sau một năm cô nhận ra rằng mình chưa thể dừng lại ở tấm bằng Cao đẳng. Kim thi đậu vào Trường Đại học Lao động - Xã hội và tiếp tục khăn gói rời vùng quê nghèo đến với chốn Hà thành phồn hoa để tiếp tục con đường chinh phục ước mơ. Trong suốt 4 năm học Đại học, Kim luôn cố gắng sắp xếp thời gian để làm nhiều việc làm thêm, một phần là để tự kiếm tiền nuôi bản thân, giảm bớt phần nào gánh nặng cho gia đình, phần khác là để có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, trải nghiệm nhiều tình huống khác nhau, giúp mình thêm cởi mở, hoà đồng với mọi người.

 

Chan dung - Co gai KT va uoc mo 1

Nguyễn Thị Kim (ngoài cùng bên phải) trong một hoạt động liên quan đến NKT

 

Kim chia sẻ: “Cùng với việc học, tìm kiếm việc làm, tôi cũng tham gia vào nhiều hoạt động tình nguyện, tham gia vào các đội, nhóm hoạt động xã hội để trang bị và trau dồi thêm những kỹ năng sống cần thiết, đồng thời cải thiện khả năng giao tiếp và mối quan hệ của mình. Trong quá trình đó, tôi có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ ở nhiều nơi, trong đó có nhiều NKT. Tôi nhận ra một điều, đó là mình còn may mắn hơn rất nhiều NKT khác khi mình chỉ bị khiếm khuyết một cánh tay và vẫn được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè, vẫn được đến trường và học hành đầy đủ. Những trải nghiệm trong những năm tháng sinh viên đã giúp tôi thấy rõ hơn những khó khăn mà NKT gặp phải, cũng như cái gì là điều mà họ mong muốn. Chính điều này đã thôi thúc tôi lên ý tưởng về một tổ chức giúp đỡ và hỗ trợ cho NKT”.

Dốc sức vì người đồng cảnh

Năm 2013, Kim tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại Khá. Lúc này, tương lai ở Hà Nội của cô khá rộng mở với bảng điểm đẹp, kỹ năng hoạt động phong phú cùng kinh nghiệm kha khá đúc kết từ nhiều công việc làm thêm. Nhưng với kế hoạch đã được nung nấu trong suốt nhiều năm, cô quyết tâm bỏ thành phố, trở về quê hương Quảng Nam và hiện thực hoá giấc mơ của mình: Thành lập Hội người khuyết tật huyện Quế Sơn để giúp đỡ, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NKT huyện nhà.

Nói thì đơn giản, nhưng từ lúc ý tưởng được xây dựng thành kế hoạch chi tiết, rồi mang đi trình bày với lãnh đạo địa phương, vận động những NKT tham gia là cả một quá trình vô cùng gian nan và đầy thử thách. Dù vậy, Kim may mắn khi nhận được sự ủng hộ hết mình của gia đình, của các phụ huynh có con em bị khuyết tật. Trải qua một quá trình khó khăn, đến cuối năm 2014, Hội NKT huyện Quế Sơn mới được thành lập, Nguyễn Thị Kim giữ chức Phó Chủ tịch Hội.

Thời gian đầu đi vào hoạt động, Hội gặp không ít khó khăn và vướng mắc. Tuy nhiên, với cái tâm của một người làm công tác xã hội, Kim đã dần vượt qua và cùng Hội xây dựng nhiều kế hoạch và chương trình để giúp đỡ, hỗ trợ NKT. Trong đó, đã tranh thủ sự tài trợ trong Dự án “Hoà nhập xã hội cho NKT thông qua phát triển và tăng cường liên kết các mạng lưới của NKT” của tổ chức CRS, để có thêm nguồn lực để giúp đỡ nhiều hơn NKT trên địa bàn huyện. Hội đã tổ chức các hoạt động dạy mỹ thuật cho trẻ khuyết tật ở xã Quế Phong, dạy trẻ khuyết tật tại xã Quế Cường, trao bò, nâng cao sinh kế tại xã Đông Phú, tư vấn chăm sóc trẻ khuyết tật cho cha mẹ trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện, vận động từ tổ chức CRS tiến hành dạy nghề và tạo việc làm cho 7 đối tượng là NKT tại địa phương, giúp họ có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.

Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là Dự án “Việc làm bền vững và tăng cường vị thế cho NKT trong cộng đồng” của tổ chức Apheda đối với Hội NKT tỉnh Quảng Nam. Ban quản lý dự án đã thấy rõ sự thiếu thốn về vật chất của huyện Hội nên đã tặng Hội một dàn máy vi tính, một máy in và bộ bàn ghế làm việc có giá trị. Ngoài ra, cá nhân Kim cùng BCH Hội đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Quế Sơn trong công tác tuyên truyền và phổ biến Luật NKT, Nghị định 28, Nghị định 136 đến với các đối tượng NKT trên địa bàn huyện.

Hàng năm, Hội cũng đã tổ chức các hoạt động cho NKT ở địa phương như tổ chức vui Tết Trung thu cho trẻ em khuyết tật vào mỗi rằm tháng tám, phát quà cho NKT có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán… Tuy giá trị về mặt vật chất của các suất quà không đáng kể, nhưng đó là niềm cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với những NKT. Nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt những người cùng mang khiếm khuyết, Kim lại càng có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục cùng Hội NKT làm nên những điều ý nghĩa.

 

Chan dung - Co gai KT va uoc mo 2

Nguyễn Thị Kim rạng ngời trong bộ áo dài truyền thống

Có thể nói những chương trình, hoạt động của Hội NKT huyện Quế Sơn nói chung và cá nhân Kim nói riêng đã tạo sự thay đổi rất lớn trong cộng đồng NKT huyện Quế Sơn, giúp họ vượt qua mặc cảm của bản thân, hoà nhập tốt hơn với xã hội. Đồng thời, việc được tham gia lao động giúp NKT tự tin hơn vào bản thân khi họ không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn giúp gia đình cải thiện đời sống kinh tế.

Niềm mong mỏi của Kim là tổ chức Hội NKT huyện Quế Sơn sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. ánh mắt rạng ngời và kiên định, cô gái trẻ Nguyễn Thị Kim tâm sự: “Tôi nguyện cống hiến toàn bộ thời gian và tâm sức của mình để đóng góp vào sự phát triển của Hội, xây dựng Hội thực sự trở thành chỗ dựa cho người đồng cảnh, tiếp thêm cho họ niềm tin, sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống”.  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi