Ngày 8/4, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp tổ chức đã thành công tốt đẹp. Hội nghị vinh dự được đón ông Vũ Đức Đam - ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo. Hội nghị một lần nữa khẳng định, trong cuộc sống, nghị lực vượt khó và lòng nhân ái luôn xứng đáng được trân trọng và tôn vinh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Dự Hội nghị, có ông Phạm Thế Duyệt - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; bà Trương Ngọc ánh - Phó Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Ngà - Phó Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Về phía Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam, có bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Trung ương Hội; ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Trung ương Hội và các Phó Chủ tịch. Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương và TP. Hà Nội; đại diện một số Đại sứ quán và tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức của và vì NKT…. và đặc biệt là sự có mặt của 388 đại biểu người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu; hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các tổ chức thành viên Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam.
Góp phần nhân rộng các điển hình tiên tiến
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu - Trưởng Ban Tổ chức khẳng định: Hội nghị là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm ghi nhận, tôn vinh những tấm gương NKT, TMC tiêu biểu đạt được những thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, sáng tạo, tri ân những tấm lòng nhân ái, làm lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng, biểu dương những con người luôn sống vì mọi người; góp phần nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V có 388 đại biểu được lựa chọn từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số đơn vị, nhà trường ở Trung ương, trong đó có 212 NKT, 83 TMC và 93 người bảo trợ (có 170 đại biểu là nữ, 56 đại biểu dân tộc thiểu số, 50 đại biểu thuộc các tôn giáo).
Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu phát biểu khai mạc
Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu nhận định: Trong những năm gần đây, cùng với việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, Đảng ta, Nhà nước ta vẫn dành sự quan tâm thích đáng chăm lo thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững. Luật Người khuyết tật năm 2010 ra đời thay thế cho Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998, Luật trẻ em vừa được Quốc hội thông qua là bằng chứng thể hiện bước chuyển lớn lao, khá căn bản về nhận thức và hành động của Nhà nước và xã hội đối với vấn đề người khuyết tật, vấn đề trẻ em. Đó là nhận thức về người khuyết tật, về trẻ em trên cơ sở quyền con người. Bên cạnh đó, Đề án Trợ giúp người khuyết tật, chính sách pháp luật về trẻ em, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang đi vào cuộc sống; các rào cản xã hội đang được xóa bỏ. Đồng thời, công tác bảo trợ NKT, TMC đã được xã hội hóa, huy động được ngày càng nhiều sự tham gia, đóng góp, chia sẻ quý báu của các tổ chức, cá nhân trong nước, sự trợ giúp có hiệu quả của nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đặc biệt, tháng 10/2014, Quốc hội khoá XIII tại kỳ họp thứ 8, đã phê chuẩn để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước về quyền của người khuyết tật. Việc phê chuẩn Công ước là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, thể hiện tư tưởng về tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật đã được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành. Đồng thời là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo thực hiện chính sách đối với người khuyết tật tại Việt Nam; tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên Công ước trong lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
Chủ tịch Trung ương Hội khẳng định: Mỗi người khuyết tật, trẻ mồ côi là một chủ thể thụ hưởng các quyền con người và cũng là chủ thể thực hiện các quyền đó. Tiềm năng của NKT, TMC là rất lớn, họ có nhiều hoài bão, ước mơ, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Họ cần được tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện và cơ hội phát triển, tự tin góp sức vào sự nghiệp chung của đất nước.
Báo cáo chung do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm - Phó Trưởng ban Thường trực BTC Hội nghị trình bày đã đưa ra cái nhìn tổng quát về những chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ, trợ giúp NKT, TMC trong những năm qua; biểu dương các tấm gương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ điển hình trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống; đồng thời đưa ra một số nhận định về công tác này.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm tặng Bằng khen cho đại biểu
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm tặng Bằng khen cho đại biểu
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm tặng Bằng khen cho đại biểu
Báo cáo cho thấy những gương mặt về dự Hội nghị đều mang tính tiêu biểu, điển hình và đầy xúc động của phong trào thi đua yêu nước. Với người bảo trợ, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, điều kiện, tuổi tác, doanh nghiệp lớn nhỏ, chỉ cần có tấm lòng, sự sẻ chia, sẵn sàng giang rộng vòng tay với người còn nhiều thiệt thòi. Với NKT, TMC, vẫn có những lúc đối diện cuộc sống quá gian nan, họ đã muốn nản lòng, buông xuôi, chìm vào bóng tối. Nhưng không cho phép mình gục ngã, từ sự động viên, hỗ trợ của gia đình, từ sự quan tâm của Nhà nước và xã hội, bằng nội lực mạnh mẽ, họ đã đứng lên, đàng hoàng, đĩnh đạc, vượt nghèo khó, chinh phục tri thức, lao động, học tập, cống hiến một cách xứng đáng nhất.
Chủ tịch danh dự Trung ương Hội Nguyễn Thị Xuân Mỹ tặng Bằng khen cho đại biểu
Mặc dù vậy, vẫn còn không ít người khuyết tật, trẻ mồ côi mà cuộc sống mưu sinh còn rất nhiều khó khăn chật vật, tương lai chưa biết sẽ đi đâu về đâu. Họ đang cần lắm những mái ấm chở che, những điều kiện để được cắp sách đến trường, những cơ hội để được có một việc làm kiếm sống… Ông Nguyễn Trọng Đàm đề nghị, cùng với Đảng và Nhà nước; các tổ chức xã hội; toàn thể cộng đồng hãy cùng giang rộng vòng tay chăm lo, giúp đỡ để tất cả những người khuyết tật, tất cả trẻ em mồ côi ngày càng có một cuộc sống ổn định hơn, tốt đẹp hơn; tiếp thêm cho họ sự tự tin, quyết tâm để vươn lên có cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc như tất cả mọi người.
Những đóa hoa của rừng hoa thi đua yêu nước
Một số đại biểu người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ với thành tích xuất sắc, điển hình trên nhiều lĩnh vực đã có vinh dự được lên báo cáo thành tích trước Hội nghị. Những câu chuyện cuộc đời với nghị lực vượt khó và biết bao nỗi niềm tâm sự; những việc làm thiện nguyện với rất nhiều chân tình gửi trao… đã trở thành minh chứng sống động nhất cho tinh thần nhân văn cao cả, tạo nên vẻ đẹp đa dạng của Hội nghị.
Trên chiếc xe lăn, bằng sự nỗ lực và quyết tâm vươn lên của chị Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng đã không chỉ tìm kiếm con đường tri thức cho riêng mình, mà còn tìm lối đi hòa nhập cho những người đồng cảnh. Anh Nguyễn Thanh Lâm, người khuyết tật, cán bộ tư pháp xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, bằng những việc làm giản dị của mình trong cuộc sống, công việc đã chứng minh, chỉ cần được tạo điều kiện, người khuyết tật vẫn có thể khắc phục mọi trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời cho thấy, hình ảnh đẹp của một cán bộ Nhà nước là ở thái độ nghiêm túc với công việc, ở sự nhiệt tình, tận tâm vì nhân dân chứ không phải là hình thức bên ngoài. Vượt qua những rào cản, định kiến, mặc cảm, chị Y Lợi – xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, phụ nữ khuyết tật dân tộc Sơ Drá, đã phấn đấu trở thành một công chức xã, một Đảng viên, đại biểu Hội đồng nhân dân đồng thời đón nhận tình yêu và xây dựng gia đình hạnh phúc. Đại diện cho cộng đồng người khiếm thính – nhóm đối tượng gặp khó khăn nhiều nhất trong việc học lên cao, anh Nguyễn Tuấn Linh - Chủ tịch chi Hội Người điếc Hà Nội, đã “kể” với Hội nghị về quãng thời gian dài và gian nan theo đuổi tri thức của mình, để phấn đấu trở thành người điếc đầu tiên có trình độ Cao đẳng ở các tỉnh phía Bắc. Điều đó khiến anh Linh càng nhận thấy rõ hơn trách nhiệm hỗ trợ và dẫn dắt cộng đồng người điếc hòa nhập, nâng cao trình độ. Cô gái khiếm thị Lê Hương Giang, sinh viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội lại mong muốn được vẽ lên miếng ghép cuộc đời mình bằng sắc màu tươi sáng nhất để tạo nên vẻ đẹp muôn màu cho cuộc sống. Ước mơ đó cùng sự động viên, dẫn dắt và tiếp sức của những người thầy, người anh, người bạn, Giang đã sáng chế ra công cụ tiện ích phục vụ người đồng cảnh; được đi gặp gỡ, giao lưu và tranh tài tại một số cuộc thi khoa học, kỹ thuật trong nước và Quốc tế. Chị Phạm Thị Nhàn (huyện Cát Bà, thành phố Hải Phòng), là người khuyết tật, chỉ theo học được đến lớp 7, chị Nhàn vẫn phấn đấu để trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh tại nhà, giúp người dân đảo có tiếng Anh để giao tiếp với du khách nước ngoài. Việc làm của chị không chỉ giúp bản thân có việc làm và thu nhập ổn định cuộc sống mà còn tạo cơ hội cho người dân lao động tại địa phương tham gia phát triển du lịch. Còn anh Lê Văn Công – vận động viên khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh, bằng những thành tích vang dội đạt được trên hành trình chinh phục những tấm Huy chương tại các Giải Thể thao người khuyết tật trong nước, khu vực và quốc tế, đã chứng minh “Khuyết tật không ngăn cản được ước mơ và khát vọng của những ai có quyết tâm”…
Hội nghị cũng hết sức xúc động trước những tâm sự nghẹn ngào của cô học trò mồ côi Nguyễn Thị Quỳnh Hương, học sinh lớp 12G, Trường THPT Chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước. Sớm chịu cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, đồng nghĩa với việc gặp rất nhiều khó khăn về đời sống, nhưng Hương cũng như rất nhiều đại biểu trẻ mồ côi về dự Hội nghị hôm nay đều đã nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện; bồi đắp nền tảng kiến thức, nhân cách để thực hiện những ước mơ, dự định trong tương lai của mình. Tuổi thơ “dữ dội” của cậu bé Vàng Mí Lềnh, dân tộc Mông - học sinh lớp 6, mồ côi cả cha và mẹ khi mới 3 tuổi, hiện sống tại Trung tâm BTXH tỉnh Hà Giang lại cho thấy vấn nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em qua biên giới đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến đời sống và đạo đức xã hội, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình. Đồng thời, qua câu chuyện của Lềnh, chúng ta càng thêm tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ kịp thời đối tượng yếu thế, để thấy, dù trong hoàn cảnh nào, các em không hề cô đơn mà luôn có sự quan tâm, chở che của toàn xã hội.
Ông Phan Công Bình (người đứng giữa) tặng học bổng 10 triệu đồng cho em Nguyễn Thị Quỳnh Hương
Với tâm niệm “đã là doanh nhân thành đạt thì càng phải có trách nhiệm với cộng đồng”, ông Phan Công Bình, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Công Bình, tỉnh Long An đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đặc biệt, ông quan tâm đến việc đầu tư cho tri thức, cho tương lai bằng đóng góp vào các Quỹ học bổng khoảng 1 tỷ đồng/năm. Ngay tại Hội nghị, xúc động và chia sẻ với hoàn cảnh em Nguyễn Thị Quỳnh Hương (Bình Phước), ông Bình đã quyết định tặng 10 triệu đồng nhằm giúp em vượt qua những khó khăn trước mắt của cuộc sống, đồng thời, ông hứa Doanh nghiệp tư nhân Công Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Quỳnh Hương cũng như những em nhỏ mồ côi, khuyết tật khó khăn khác đi tiếp con đường học vấn.
Cùng với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong nước, công tác trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó có mục sư Tae Won Soo, Hội Thánh Tin lành Hàn Quốc tại Hà Nội, người đã cùng cộng đồng tin lành Hàn Quốc tại Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mổ côi và người nghèo Việt Nam có điều kiện vươn lên cải thiện cuộc sống.
“Những bài học về ý chí, về khát vọng”
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã bày tỏ sự vinh dự và xúc động được dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và người bảo trợ tiêu biểu lần thứ 5. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng đã gửi lời chào mừng, tình cảm chân thành, quý trọng tới toàn thể đại biểu Hội nghị, đồng thời biểu dương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tất cả các tổ chức, cá nhân đã vượt qua mọi khó khăn để tổ chức Hội nghị từ nhiều năm trước cũng như các hoạt động đầy ý nghĩa khác nhằm chăm sóc, trợ giúp NKT, TMC và những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Phó Thủ tướng bày tỏ tâm huyết khi nghe những câu chuyện của các đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Nguyễn Thanh Lâm, Y Lợi, Nguyễn Tuấn Linh, Lê Hương Giang, Vàng Mí Lềnh... “Tôi rất xúc động. Thực lòng, lại thêm một lần nữa, tôi được học thêm một bài học rất lớn mà không cần phải đến giảng đường, không cần có giáo trình, không cần Giáo sư. Đó là những bài học về ý chí, về khát vọng. Các bạn, các bác, các anh, các chị, các chú, các em, các cháu là những người thiệt thòi, có khiếm khuyết về cơ thể, có hoàn cảnh éo le nhưng có ý chí và nghị lực rất đáng ngưỡng mộ mà rất nhiều người có cơ thể lành lặn cũng không có được”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: không chỉ có nghị lực, ý chí phi thường để vươn lên, mà hơn thế những người khuyết tật còn có một tấm lòng rất cao đẹp bởi họ đã truyền nghị lực của mình cho những người đồng cảnh, cho xã hội và đóng góp được những điều lớn lao trong cuộc sống. “Cá nhân tôi cũng có quen biết với những NKT và thật sự với tôi họ là những người thầy rất lớn. Tôi mong rằng, ý chí, nghị lực ấy của các bạn, tấm lòng cao đẹp của các bạn lan tỏa ra toàn xã hội, để không chỉ những NKT, những TMC, người có hoàn cảnh éo le như các bạn, cùng với các bạn, noi gương các bạn để vươn lên khẳng định mình. Mà kể cả những người bình thường cũng nỗ lực hơn. Nếu mỗi người bình thường đều được chia sẻ, đều được học theo những ý chí như của các bạn, chắc chắn, đất nước sẽ giàu mạnh hơn, xã hội sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều”.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ sự trân trọng đối với tất cả những người thân, gia đình, những người hàng xóm, những tổ chức, cá nhân đã luôn đồng hành với NKT, với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không chỉ là sẻ chia, giúp đỡ vật chất mà quan trọng hơn là về tinh thần. Đặc biệt là tấm lòng thiện nguyện của những cán bộ Hội đã lớn tuối, những người đã cống hiến và hoàn toàn xứng đáng được nghỉ ngơi nhưng vẫn hết lòng vì công tác này. Phó Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp, tổ chức, chức sắc tôn giáo bằng tấm lòng và trách nhiệm đã làm rất nhiều việc để cùng với Đảng, cùng với Nhà nước chăm sóc NKT, TMC và những người khó khăn ngày càng tốt hơn; đồng thời hy vọng, những người còn trẻ, còn khỏe, còn có điều kiện thuận lợi sẽ được truyền thêm, được tiếp sức bởi những tấm lòng ấy để làm việc tốt hơn.
Do rất nhiều điều kiện tự nhiên cũng như chiến tranh, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ NKT rất cao. Hàng ngày, hàng phút, trên thế giới này và ngay trên đất nước của chúng ta vẫn có những vấn đề mà nếu chúng ta không quan tâm giải quyết thì sẽ có thêm những NKT, TMC do tai nạn giao thông, tai nạn xã hội, vì nếp sống, an sinh, an ninh, trật tự an toàn xã hội… Điều đáng mừng là những thành quả phát triển kinh tế luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng dành cho công tác an sinh xã hội. Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là một trong những tấm gương điển hình trong việc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh và trợ giúp những người khó khăn. Mặc dù vậy, chúng ta đều biết rằng, vẫn còn rất nhiều NKT, TMC, người yếu thế trong xã hội, bản thân họ cũng đã có quyết tâm, nỗ lực, nhưng vẫn rất cần thêm sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, xã hội, cộng đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “NKT và những người có hoàn cảnh đặc biệt không cần một sự ban ơn, thương hại. NKT, TMC, người yếu thế cũng như chúng ta, như bản thân tôi cần sự tôn trọng, chia sẻ của cả cộng đồng để tạo điều kiện cho họ vươn lên khẳng định mình, đem giá trị của mình để phục vụ xã hội. Chúng ta cần làm tiếp những việc ấy”. Theo Phó Thủ tướng, xã hội vẫn có những người kỳ thị, coi thường NKT và người có hoàn cảnh không bằng mình và chúng ta phải lên án, đấu tranh với những hành vi như vậy. Phó Thủ tướng hy vọng, tinh thần của các đại biểu dự Hội nghị sẽ tiếp tục được lan tỏa để đất nước thực sự giàu đẹp hơn, xây dựng xã hội nhân ái và đáng sống hơn.
Nhắc lại mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam phải phát triển hơn, giàu mạnh hơn, nhưng điều quan trọng hơn là thành quả ấy phải dành cho tất cả người dân thụ hưởng, trước hết là những người yếu thế trong xã hội. Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, các tổ chức, cá nhân tăng cường sự kết nối, chung tay trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, người yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Phó Thủ tướng mong rằng, sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, của các quốc gia bè bạn để cùng Việt Nam phát triển kinh tế xã hội nói chung, chăm lo cho người nghèo, người khó khăn nói riêng, đặc biệt là những NKT, TMC.
Thay mặt Ban Tổ chức, Chủ tịch danh dự Trung ương Hội Nguyễn Thị Xuân Mỹ đã tặng hoa cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và phát biểu đáp từ: “Những lời phát biểu rất chân thành, sâu sắc đầy tâm huyết của Phó Thủ tướng, sự chia sẻ của Phó Thủ tướng đối với các đối tượng gặp nhiều khó khăn trong xã hội và những lời căn dặn của Phó Thủ tướng là sự khích lệ, động viên, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của NKT, TMC, những nhà tài trợ, bảo trợ, các tổ chức có liên quan trong công tác chăm sóc, bảo trợ NKT, TMC trong thời gian vừa qua. Chúng tôi hiểu sâu sắc những điều đồng chí Phó Thủ tướng vừa phát biểu và rất muốn bày tỏ tấm lòng của mình đến Phó Thủ tướng bằng hành động thực tiễn, rồi đây sau Hội nghị này, công tác bảo vệ, chăm sóc hỗ trợ NKT, TMC và làm lan tỏa lòng nhân ái cũng như tinh thần, trách nhiệm xã hội của tất cả chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến mới, đóng góp vào việc xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp hơn”.
Có thể nói, hình ảnh của Hội nghị đã cho thấy, NKT và TMC không cô đơn. Nhà nước, xã hội và cộng đồng luôn ghi nhận, quý trọng, cảm phục và dành trọn tình yêu thương, niềm tin đối với họ. Trong cuộc sống, còn có rất nhiều tấm gương NKT, TMC và người bảo trợ tiêu biểu không có mặt tại Hội nghị này, nhưng từng ngày, từng giờ họ vẫn sống và vượt lên, vẫn chia sẻ, bởi họ tin rằng đóng góp của mình có ý nghĩa cho xã hội và mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho chính bản thân. Tin tưởng rằng, dù trong hoàn cảnh nào, NKT, TMC cũng luôn bền gan vững chí, tiếp tục phát huy tinh thần thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương đất nước; bởi bên họ luôn có Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân nhà bảo trợ đã và đang cùng đồng hành.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Chương trình “Phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị dị tật môi - vòm miệng”: Nụ cười cho em - 15/07/2016 03:09
- Tỉnh Hội Gia Lai: Tích cực thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật - 05/07/2016 03:16
- Triển khai chương trình phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật môi - vòm miệng - 01/07/2016 04:56
- Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ 13: Triệu trái tim cùng chung nhịp đập vì người khuyết tật, trẻ mồ côi - 09/05/2016 03:23
- Chung sức xây dựng xã hội tốt đẹp và nhân văn hơn - 09/05/2016 03:15
Các tin khác
- Thông báo về Tổ chức Hội nghị biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V năm 2016 - 10/12/2015 04:48
- Trung Ương Hội: Tiếp nhận ủng hộ 800 triệu đồng từ Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam - 30/07/2015 03:40
- Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi: Xây dựng nội dung hỗ trợ phù hợp với nguồn lực, nhu cầu - 23/07/2015 05:02
- Phối hợp đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề - 29/06/2015 02:50
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam : Triển khai công tác dạy nghề cho người khuyết tật năm 2015 - 29/06/2015 02:18