10 tháng tuổi bị lửa đốt cháy hai bàn tay và nửa bàn chân trái. Những tưởng, cậu bé Nguyễn Thanh Lâm chỉ có thể sống nhờ vào sự bao bọc của gia đình. Nhưng với quyết tâm “không gì là không thể”, anh đã kiên trì tập viết, kiên trì tiếp thu kiến thức, thi đậu 3 trường Đại học và trở thành một cán bộ Tư pháp đầy nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, được người dân tin tưởng, đồng nghiệp mến phục.
Là anh cả trong gia đình có 5 anh chị em, khi sinh ra, Nguyễn Thanh Lâm (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác, là niềm hy vọng lớn lao của cha mẹ và gia đình. Nhưng số phận đã không mỉm cười với anh, không cho anh một tuổi thơ trọn vẹn như những bạn cùng trang lứa.
Năm Lâm được gần 01 tuổi, tai nạn do hỏa hoạn đã cướp mất của Lâm hai bàn tay và nửa bàn chân trái. Lên 5 tuổi, Lâm bắt đầu cảm nhận được sự khác biệt giữa mình và bạn bè cùng trang lứa. Anh luôn thắc mắc tại sao các bạn có thể tự làm mọi việc, các bạn có thể viết chữ, đi học… còn mình thì không thể? Và rồi, ngày ngày nhìn các bạn chơi đùa, nhìn niềm vui của các bạn khi cắp sách đến trường, trong lòng Lâm dâng lên niềm khát khao mãnh liệt. “Tôi tự nhủ, tại sao các bạn có thể làm được còn mình lại không? Các bạn có thể điều khiển cây bút bằng đôi bàn tay, thế tại sao mình không thử? Và rồi tôi đã thử dùng khuỷu tay của mình kẹp vào cục than (loại dùng để nhóm bếp), cố gắng điều khiển nó và tôi vẽ ngệch ngoạc trên sân thềm bằng với tất cả những gì tôi có thể. Có đôi lúc thấy khó quá, tôi bất lực, muốn buông xuôi, nhưng rồi hình ảnh những chữ cái hiện ra, cứ nhảy múa trước mặt như “bỏ bùa” tôi, giúp tôi có thêm động lực để cố gắng”.
Biết con trai khao khát được đến trường, say mê con chữ, cha mẹ anh nhiều đêm không ngủ, họ thật sự lo lắng cho anh và trăn trở làm sao để giúp anh thực hiện ước mơ của mình. “Cuối cùng, ba mẹ tôi cũng nghĩ ra một dụng cụ cho tôi tập viết. Tôi bắt đầu những chữ cái đầu tiên với người thầy đầu tiên là mẹ của mình, say mê những vần ê a và tập viết cho đến khi hai đầu tay đau nhói mới chịu ngừng. Có những lúc đau quá, con khóc, mẹ cũng khóc. Mẹ luôn bên cạnh, động viên tôi, giúp tôi từng bước một làm quen với những con chữ, giúp tôi hiểu được bài học đầu tiên của cuộc đời: không có gì là không thể, nếu như ta không chịu nỗ lực và phấn đấu hết mình”, anh Lâm kể.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, Lâm được đến trường đúng độ tuổi, hoàn thành tốt các chương trình học từ Tiểu học đến THPT. Năm 2000, tốt nghiệp THPT một lần thất bại trong thi cử không làm Nguyễn Thanh Lâm nhụt chí. Ngược lại, niềm khát khao trở thành người có ích cho gia đình và xã hội đã thôi thúc anh tiếp tục con đường học vấn để vượt qua khó khăn. Và sau một năm miệt mài ôn luyên, công sức mà Lâm bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Anh thi đậu vào 3 trường: Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Lạt và Cao đẳng Kinh tế đối ngoại. Khỏi phải nói, Lâm và gia đình đã vui mừng thế nào. Cái xóm nhò của anh ngày ấy cũng ồn ào hơn thường ngày, đi đâu người ta cũng nhắc tới thằng nhóc không lành lặn, tưởng chừng như không thể làm được việc gì mà giờ lại đỗ vào 3 trường Đại học.
Quyết định theo học ngành Môi trường, Trường Đại học Đà Lạt, sau khi tốt nghiệp Đại học, Nguyễn Thanh Lâm trở về quê với mong muốn tìm được công việc cho bản thân và cống hiến chút sức lực của mình để xây dựng quê hương. Nhưng khi ấy, sự kỳ thị đối với người khuyết tật vẫn còn rất nặng nề, vì vậy, đi tới đâu xin việc người ta cũng nhìn Lâm một cách ái ngại và lắc đầu. Anh Lâm bùi ngùi nhớ lại: “Tôi cảm thấy chán nản, nhưng lại nghĩ mình cố gắng tới chừng này rồi, đã lấy được bằng đại học rồi thì giờ cố thêm tí nữa. Thế là, tôi không quản ngại khó khăn, tôi đã làm đủ việc để nuôi sống bản thân như: Vừa dạy kèm, bán vé số….. vừa đi gõ cửa nhiều Công ty, cơ quan, xí nghiệp để tìm kiếm một việc làm phù hợp với mình”.
Tháng 8/2007, Nguyễn Thanh Lâm được nhận vào công tác tại Văn phòng UBND xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Anh từng bắt gặp ánh mắt soi mói, dò xét của những người xung quanh, có cả sự kỳ thị. Anh biết, họ không có đủ lòng tin để có thể tin rằng anh có thể làm tốt công việc của mình. “Khi ấy, trong lòng tôi lúc nào cũng nghĩ về những lời dạy của Bác : “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...”. Tôi đã rất cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, để tạo được lòng tin của đồng nghiệp và người dân. Tôi làm việc với một tinh thần hăng say nhất, với cái tâm trong sáng và hết lòng phục vụ nhân dân cố gắng làm cho bà con nhanh, gon và hiệu quả không để người dân đi lại nhiều lần. Vì vậy, từ ánh mắt dò xét, không tin tưởng, tôi dần dần lấy được lòng tin của mọi người, được đồng nghiệp quý mến, người dân tôn trọng”.
Đến tháng 8/2012, anh Lâm được điều chuyển sang công tác tại Ban Tư pháp của xã với nhiệm vụ giải quyết đơn thư và tuyên truyền pháp luật. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, cùng với những nỗ lực của bản thân, anh luôn hoàn thành tốt nhiệu vụ mà cấp trên giao. Và số phận đã mỉm cười với anh khi có một người con gái sẵn sàng bỏ qua mọi lời dèm pha, ngăn cấm của gia đình để đến với anh, yêu anh bằng cả trái tim. Hạnh phúc đã mỉm cười với người luôn nỗ lực, cố gắng và vững tin vào chính bản thân mình.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Lan tỏa thông điệp yêu thương và tinh thần nghị lực - 11/05/2016 05:01
- Thiện duyên và chí nguyện của “Cô Chu” - 11/05/2016 04:49
- Cô bé mồ côi với ước mơ trở thành Luật sư giúp đỡ người nghèo - 11/05/2016 04:46
- Vươn lên từ những thử thách của cuộc sống - 11/05/2016 04:40
- Cô giáo khuyết tật và hành trình “phổ cập” ngoại ngữ cho người dân đảo - 11/05/2016 04:34
Các tin khác
- Tìm lại niềm vui từ các hoạt động xã hội - 10/05/2016 07:40
- Nỗ lực vì sự đi lên của người khiếm thính - 10/05/2016 03:36
- “Tôi có thể làm được!” - 10/05/2016 03:32
- Nỗ lực để nâng cao vị thế của người khuyết tật Việt Nam - 10/05/2016 03:28
- Hãy tin tưởng và trao quyền cho người khuyết tật! - 10/05/2016 03:23