Từng là những thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh, là trụ cột kinh tế gia đình, nhưng rồi chỉ sau một biến cố, họ đã phải chấp nhận cuộc sống của một người khuyết tật. Vượt lên trên những mặc cảm, buồn tủi, anh Rơ Châm Hoanh (huyện Phú Thiện - tỉnh Gia Lai) và anh Hà Văn Tiến (huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bình) đã mày mò học nghề, hăng say lao động để sống có ích và giúp đỡ người đồng cảnh.
Từ người thợ mộc đến vận động viên cử tạ
Chàng trai dân tộc Jrai Rơ Châm Hoanh được sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em. Thương bố mẹ vất vả lam lũ nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám, bởi vậy ngay từ khi còn nhỏ anh Châm Hoanh đã nhường cơ hội tới trường cho đàn em nhỏ.
Như bao thanh niên cùng trang lứa của xã Ia Hiao, anh Châm Hoanh sớm xây dựng tổ ấm gia đình cùng một cô gái xã bên Ia Rbol. Vợ chồng chàng trai dân tộc Jrai cứ thế chịu thương cúi khó làm ăn, hạnh phúc bên nhau cho đến một ngày định mệnh xảy ra.
Chàng trai khuyết tật dân tộc Jrai tìm lại hạnh phúc bên công việc
Anh Châm Hoanh nhớ lại: “Trong một chuyến đi lên rừng kiếm củi, chiếc xe của tôi không may bị chết máy. Sau một hồi loay hoay tìm cách khắc phục nhưng chiếc xe vẫn không thể nhúc nhích. Tôi quyết định mượn xe máy của một người quen đi mua phụ tùng thay thế, nào ngờ vừa đi được một đoạn thì tôi mất lái, đâm thẳng vào hố sâu khiến bên chân trái của tôi bị thương nặng. Cũng vì quãng đường quá vắng vẻ, tôi lại không có điện thoại liên lạc nên mãi tới sáng hôm sau tôi mới nhờ được người qua đường cứu giúp, chở tôi đi bệnh viện. Do được cứu chữa muộn nên bên chân bị thương của tôi đã bị hoại tử, buộc phải cưa bỏ”.
Trong lúc tinh thần suy sụp khi phải chấp nhận thực tế là người khuyết tật, người vợ lại dứt áo ra đi trong lúc anh đang cần nhất sự an ủi, động viên, chăm sóc. Cũng may, anh Châm Hoanh đã luôn có ba mẹ, người thân thương yêu, lo lắng, giúp anh vượt qua thời khắc khó khăn để tiếp tục sống.
Vốn là trụ cột kinh tế, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều một tay anh lo liệu nên khi trở thành người khuyết tật, khó khăn trong sinh hoạt và lao động khiến anh Châm Hoanh cảm thấy vô cùng bế tắc và mặc cảm. Nhưng với suy nghĩ không thể trở thành gánh nặng cho ba mẹ, anh Châm Hoanh quyết định xin đi học nghề, tìm kiếm cơ hội.
Hơn hai năm lên thành phố Pleiku học nghề cơ khí, anh Châm Hoanh tiếp tục học thêm nghề mộc tại xưởng mộc gần nhà. Thấy nghề mộc phù hợp hơn với khả năng và sức khỏe, chàng trai khuyết tật đã chọn chiếc cưa, cái đục, cái bào để lập nghiệp. Công việc hàng ngày của anh không chỉ nhận đóng bàn, ghế, giường tủ, cửa, anh còn nhận làm nhà gỗ, sửa nhà. Luôn cố gắng giữ uy tín với khách hàng, lấy giá thành hạ và những sản phẩm của anh làm ra thật khéo léo, tinh xảo, bắt mắt, bởi thế tiếng lành đồn xa, lượng khách ngày càng đông hơn, nhiều người ở các tỉnh, thành lân cận cũng tìm đến đặt hàng chàng thợ mộc khuyết tật tài hoa ấy, giúp anh có thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Nở nụ cười tươi trên gương mặt đen nhẻm sau bao vất vả trong công việc, thăng trầm của cuộc sống, anh Châm Hoanh khoe chiếc Huy chương Đồng bộ môn cử tạ vừa đạt được tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2015 được tổ chức tại Đồng Nai. Nhờ có thể lực khỏe, lại được người quen giới thiệu tham gia chơi thể thao đã giúp anh có thêm động lực để đến với trải nghiệm mới và khám phá những niềm vui mới. Với suy nghĩ lạc quan, anh Châm Hoanh đang cố gắng làm việc, tích cóp được khoản tiền lắp chiếc chân giả để thuận lợi hơn trong đi lại và tiếp tục theo đuổi niềm yêu thích thể thao.
Giúp người đồng cảnh tìm lại niềm vui sống
Cũng như chàng trai khuyết tật dân tộc Jrai Rơ Châm Hoanh, anh Hà Văn Tiến cũng bị người bạn đời chung sống bao năm chia tay vào đúng thời điểm anh gặp hoạn nạn. Anh Tiến kể rằng, trước đây vợ chồng anh sống với nhau rất hạnh phúc, tuy không có công việc ổn định nhưng anh đã mở cửa hàng thu mua ve chai, vì thế cuộc sống cũng đủ chi tiêu tằn tiện. Thế rồi, trong một lần anh dọn phế liệu, không may một quả bom bi trong đống sắt vụn đã nổ tung khiến anh bị thương nặng, buộc phải cưa cánh tay phải. Trong lúc anh Tiến đang vật lộn với nỗi đớn đau về thể xác lẫn tinh thần, anh lại càng suy sụp khi người vợ anh rất mực yêu thương bỏ đi.
Từng có khoảng thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự nên trong anh được hun đúc sự mạnh mẽ, kiên gan, bền chí trước sóng gió cuộc đời. Bên cạnh anh còn có tình thương yêu, bao bọc của gia đình, người thân, giúp anh dần nguôi nỗi buồn và không cảm thấy cô đơn khi quyết định tái hôn cùng người con gái làng bên sau 3 năm đơn chiếc.
Có được tổ ấm mới hạnh phúc, cảm giác suy sụp, mặc cảm được thay thế bằng sự quyết tâm vươn lên làm chủ cuộc sống, trở thành chỗ dựa cho người thân.
Anh Tiến tâm sự: “Mất đi một cánh tay khiến cuộc sống của tôi khó khăn hơn rất nhiều, nhưng may mắn được sự giúp đỡ của Mạng lưới hỗ trợ bom mìn, tôi đã có cơ hội tham các cuộc hội thảo, tập huấn kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh nhỏ cho người khuyết tật do Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật Quảng Bình tổ chức. Cùng với sự giúp đỡ đó, tôi còn được hỗ trợ 6 triệu đồng để mua bò và 1.000 con vịt giống từ Mạng lưới hỗ trợ nạn nhân bom mìn”.
Anh Tiến bên trang trại chăn nuôi của mình
Có được sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội và tinh thần vượt khó, không đầu hàng số phận, anh Tiến đã miệt mài lao động, hăng say chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Với số tiền thu lãi hơn 20 triệu đồng mỗi năm, anh Tiến quyết định dành toàn bộ số vốn tích lũy và mạnh dạn vay mượn thêm bè bạn đầu tư thành lập trang trại chăn nuôi với hàng trăm con vịt đẻ, lợn giống, bò giống, đào ao thả cá mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Từ một người khuyết tật nghèo, anh Tiến đã trở thành một người sản xuất chăn nuôi giỏi. Luôn sống với tâm nguyện “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, anh Tiến rất tích cực tham gia các phong trào từ thiện của địa phương, đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa và sẵn sàng tới thăm hỏi, hỗ trợ trực tiếp cho những người dân nghèo trong xã Vạn Trạch, cũng như chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con nông dân và đặc biệt là hỗ trợ vốn cho người đồng cảnh, giúp họ có cơ hội tham gia lao động sản xuất, tìm lại niềm vui sống.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Một tình yêu đẹp như tranh! - 02/06/2016 05:02
- Tình đẹp trên đôi nạng gỗ - Câu chuyện của hai con người chưa bao giờ đầu hàng số phận - 26/05/2016 03:10
- Chàng trai khuyết tật truyền cảm hứng sống cho người khác - 26/05/2016 03:05
- Cô gái khuyết tật và ước mơ về tương lai tươi sáng cho người đồng cảnh - 19/05/2016 07:45
- Truyền nghị lực sống cho phụ nữ khuyết tật - 19/05/2016 07:39
Các tin khác
- Chuyện nam sinh thi học sinh giỏi khiến giám thị nghẹn ngào - 16/05/2016 04:43
- Đồng hành cùng Hội để giúp người thiệt thòi Việt Nam - 11/05/2016 05:05
- Lan tỏa thông điệp yêu thương và tinh thần nghị lực - 11/05/2016 05:01
- Thiện duyên và chí nguyện của “Cô Chu” - 11/05/2016 04:49
- Cô bé mồ côi với ước mơ trở thành Luật sư giúp đỡ người nghèo - 11/05/2016 04:46