Đã thành thông lệ, 3 năm một lần, vào dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lại được tổ chức nhằm ghi nhận, biểu dương người khuyết tật nỗ lực vượt lên số phận đạt thành tích trên nhiều lĩnh vực; khích lệ trẻ mồ côi tiếp tục phấn đấu vươn lên trong học tập; tôn vinh người bảo trợ, những tấm lòng vì sự phát triển của cộng đồng, những người luôn sống yêu thương và chia sẻ.
Qua mỗi kỳ Hội nghị, trở về địa phương, các đại biểu vẫn tiếp tục lập thành tích mới và những kỷ niệm về Hội nghị mãi là động lực thôi thúc họ và những người khác phấn đấu không ngừng. Hội nghị lần thứ V lại chào đón 388 gương mặt điển hình tiên tiến từ khắp mọi miền đất nước cùng hội tụ về thủ đô Hà Nội, trong đó có những người từng là đại biểu dự Hội nghị những năm trước. Trong niềm hân hoan của ngày vui gặp mặt, chúng ta cùng nhau nhìn lại những kết quả đã đạt được của công tác trợ giúp NKT, TMC trong thời gian qua, để cùng chia sẻ, động viên nhau vượt qua những khó khăn phía trước, phát huy giá trị bản thân, khả năng tiềm tàng trong mỗi người, cùng chung sức đồng lòng dựng xây một xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn cho mình và cho mọi người.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội
Những năm qua, tuy tình hình KTXH đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm chăm lo đảm bảo đời sống an sinh cho người dân, nhất là những người yếu thế; nhiều chủ trương, chính sách, nhiều chương trình được triển khai thực hiện; Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em… được ban hành. Công ước quốc tế về Quyền của NKT đã được phê chuẩn, Uỷ ban quốc gia về NKT đã được thành lập, Đề án trợ giúp NKT, Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em… đang đi vào cuộc sống, cùng nhiều chính sách khác đã góp phần đáng kể đưa NKT, TMC được hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện đảm bảo thực hiện các quyền của mình.
Đoàn đại biểu Hội nghị đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Do phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lại là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi quá trình biến đổi khí hậu và những tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nên hiện nay, ước tính số người cần sự trợ giúp xã hội của cả nước chiếm khoảng 20% dân số. Bao gồm: 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, khoảng 12% hộ nghèo, 6% hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).
Đến năm 2015, cả nước đã có 2,64 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó có 37 nghìn TMC, 88 nghìn người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, 1 triệu 480 người trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH, 896 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng, 69 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng tại cộng đồng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm…. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và địa phương đã huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội thực hiện tốt chính sách về trợ giúp, chăm sóc người cao tuổi, NKT, phát triển nghề CTXH, trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Đến cuối năm 2015, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho trên 1,3 triệu NKT; tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật NKT và Đề án Trợ giúp NKT. Hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội ngày càng phát triển.
Là một tổ chức xã hội tự nguyện được xác định có tính chất đặc thù, hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, TMC, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tích cực phát huy vai trò của mình. 3 năm qua, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã vận động quyên góp bằng tiền và hiện vật từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được 783 tỷ đồng. Với nguồn lực xã hội hóa quý báu này, Hội đã triển khai thành công các chương trình: Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho 8400 NKT, phẫu thuật mắt cho hơn 40.400 người khiếm thị; phẫu thuật chỉnh hình cho 6.079 NKT; cấp hơn 32.000 xe lăn, xe lắc; cấp hơn 41.000 suất học bổng và hơn 9.700 xe đạp cho TMC; hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC ở 200 xã xây dựng nông thôn mới, cùng nhiều hoạt động trợ giúp khác như: xây tặng nhà tình thương, xây đường tiếp cận, cho vay vốn sản xuất, tặng bò sinh sản, cấp thuốc, khám chữa bệnh, tặng thẻ BHYT, trợ cấp đột xuất, thăm hỏi tặng quà... Qua đó, hàng triệu lượt NKT, TMC, người nghèo được hưởng lợi.
Những người lựa chọn sống vì cộng đồng
Dù Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm chăm lo, trợ giúp NKT, TMC, nhưng, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến thiên tai lũ lụt xảy ra liên miên, cùng những vấn đề xã hội còn nhiều nan giải, khiến số lượng NKT, TMC ngày càng tăng cao, nhu cầu trợ giúp ngày càng nhiều và đa dạng. Đã thành truyền thống của dân tộc, ăn sâu vào máu thịt của mỗi người Việt Nam, ở đâu có người khó khăn cần giúp đỡ, ở đó có tấm lòng nhân ái sẵn sàng sẻ chia. Từ các Tập đoàn, Tổng Công ty, ngân hàng… đến những cơ sở sản xuất nhỏ, các tổ chức tôn giáo, những cá nhân, gia đình, nhóm từ thiện, dù không dư dả về vật chất, nhưng luôn giàu có tình người, bằng nhiều hình thức khác nhau, đã cùng chung tay trợ giúp người thiệt thòi. Họ làm việc thiện chẳng mong điều gì lớn lao, mà đơn giản xuất phát từ tấm chân tình, từ nhu cầu của chính bản thân mình được giúp đỡ người khác. Những người bảo trợ ấy đã vận động quyên góp từ gia đình mình, bà con lối xóm đến các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để có những cân gạo, căn nhà, suất học bổng, ca phẫu thuật... trợ giúp người nghèo khó.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu trước giờ khai mạc Hội nghị
Với tâm nguyện “Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư phật”, với tinh thần cứu khổ ban vui, Thượng tọa Thích Minh Tâm (TP.Hồ Chí Minh), Thượng tọa Thích Định Tánh (Tây Ninh) cùng các phật tử đã phát tâm, giúp đỡ, xoa dịu phần nào những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời cơ cực, những căn bệnh hiểm nghèo tưởng chừng như bế tắc bằng các chuyến đi mổ mắt từ thiện, phát quà đồng bào nghèo trên khắp mọi miền đất nước. Bước chân của thầy không chỉ là những chuyển đi dài ngày đến tận các tỉnh vùng cao phía Bắc, Tây Nguyên mà còn đến cả với bà con nước bạn Campuchia. Việc làm từ thiện của các thầy hàng năm lên tới hàng tỷ đồng. Cùng có chung hoạt động như vậy, còn có Hòa thượng Thích Giác Vạn (An Giang), Đại đức Thích Không Cảnh (Bình Thuận), Sư cô Thích nữ Minh Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ni sư Thích Nữ Nguyệt Liên (Quảng Trị), Ni sư Thích Đàm Hòa (Thanh Hóa), Ni sư Thích Nữ Tịnh Nghiêm (Tiền Giang)….
Bà Nguyễn Lân Phương (Thái Bình), chỉ là một cá nhân đã về hưu, 76 tuổi, với 20 năm liên tục làm từ thiện, bà đặt hòm từ thiện tại gia đình mình và nhà các con, mỗi năm góp 10 triệu đồng ủng hộ quỹ Hội, riêng năm 2015 bà vận động được 100 triệu đồng cho đối tượng. Ông Dương Bé Năm (Cà Mau), người đã nhận nuôi dưỡng 10 NKT bằng hình thức tặng mỗi người 10kg gạo/tháng; vận động em ruột ở Canada tặng 18 tấn gạo trong 4 năm, vận động nhà tài trợ tặng cây nước ngọt, lo hậu sự, cấp học bổng, sửa nhà tình thương… tổng số tiền gia đình giúp từ thiện là 558 triệu đồng. Ông Hồ Thu (Lạng Sơn), chủ cửa hiệu may Sài Gòn, nuôi và dạy nghề cho 7 cháu câm điếc, ông tự học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp và dạy nghề cho các cháu. Nhóm Thiện tâm (Hà Giang) đã quy tụ những bạn trẻ, làm việc và công tác tại tỉnh Hà Giang, đã tham gia trên 100 đợt tình nguyện, xây 17 điểm trường trên địa bàn toàn tỉnh, duy trì điểm nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Bà Nguyễn Thị Thiện (Bến Tre), để lại Công ty cho các con quản lý, bà đi làm từ thiện với tâm niệm “sống vì người khác là niềm vui”; 5 năm qua, bà vận động từ thiện gần 10 tỷ đồng, cá nhân bà đóng góp gần 2 tỷ đồng cho các hoạt động xây cầu, nhà ở, mổ tim, tặng gạo…
Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Hoàng Nhâm (Lai Châu) đã nhận đỡ đầu 15 cháu học sinh mồ côi từ 8 - 18 tuổi, mức 300.000đ/tháng. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Công ty Cổ phần Đại An, Công ty TNHH Babeeni Việt Nam, Công ty Xây lắp Điện Quốc Hương (Lâm Đồng), Doanh nghiệp tư nhân Vàng Kim Hương (An Giang), Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định, Công ty TNHH Một thành viên Vật liệu và Xây dựng Bình Dương, Công ty Luật Hợp danh Việt Nam, Công ty Thương mại Xuân Hòa (Cao Bằng), Công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Ân Điển (TP. Đà Nẵng), Công ty Bia Sài Gòn - miền Trung (Đắc Lắc), Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê (Gia Lai), Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam, Công ty TNHH Phú Nhân Nghĩa (Hà Tĩnh), Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Kon Tum, Công ty CP Thương mại và Thiết bị Y tế Hà Tuyên (Thái Nguyên)... là những doanh nghiệp trong nước luôn đồng hành cùng tổ chức Hội trong các hoạt động trợ giúp NKT, TMC. Các Đại sứ quán Luxembourg, Bỉ, các tổ chức quốc tế của các nước Hoa Kỳ, Thuỵ Điển, Hàn Quốc, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ... đã và đang ngày càng quan tâm, tham gia nhiều hơn cho công tác trợ giúp tài chính, kỹ thuật, nghiên cứu xây dựng chính sách, cung cấp các chương trình nâng cao năng lực cán bộ, tài trợ các dự án phẫu thuật chỉnh hình, đào tạo nghề, xe lăn, học bổng, hỗ trợ sinh kế... cho NKT, TMC ở nhiều địa phương.
Những hiện thực lay động lòng người!
Sẵn có ý chí vượt khó vươn lên, không cam chịu số phận lại được tiếp thêm sức mạnh từ những tấm lòng từ sự sẻ chia động viên giúp đỡ về vật chất và tinh thần của cộng đồng, của các nhà hảo tâm, nhiều người khuyết tật, nhiều trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi đã trở thành những tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất và hoạt động xã hội...
Khác với những nhận định của 5-10 năm trước đây đánh giá về tình hình NKT là trình độ văn hóa thấp, ít có cơ hội đến trường, không có điều kiện học lên cao thì hình ảnh của NKT tại Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần V cho thấy họ là người tri thức, ham học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc, cũng như quyết tâm theo đuổi đam mê. Họ không chỉ giỏi lao động sản xuất, học tập, văn hóa, thể thao mà còn giỏi trong lĩnh vực quản lý, làm chủ doanh nghiệp, cơ sở, gây dựng được thương hiệu của riêng mình. Có khoảng 30% đại biểu NKT tham dự Hội nghị có trình độ Đại học là một con số đầy ấn tượng và đáng tự hào về thành tích của những người mang trong mình khiếm khuyết nhưng tinh thần và nghị lực của họ là tấm gương khiến nhiều người phải soi rọi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu trước giờ khai mạc Hội nghị
Hội nghị lần thứ V có sự hội tụ hình ảnh của NKT là công chức, viên chức nhà nước, là đảng viên. Đó là chị Thạch Thị Dân (Trà Vinh), dân tộc Khơme, khuyết tật chân, là Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh; anh Nguyễn Mạnh Tuấn (Cao Bằng), dân tộc Tày, khuyết tật chân, trải qua nhiều vị trí công tác, với nỗ lực của bản thân, anh trở thành Giám đốc BHXH Cao Bằng; chị Ngô Thị Tuyết Giao (Hậu Giang), khuyết tật chân, tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Sinh học, ĐH Cần Thơ, hiện làm việc tại Trung tâm Thông tin và ứng dụng KHCN thuộc Sở KHCN Hậu Giang; chị Nguyễn Thị Hương (Bình Phước), liệt chân, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Luật, chuyên viên UBMTTQ thị xã Phước Long…
Tại Hội nghị, có thể dễ dàng bắt gặp những tấm gương NKT là sinh viên giỏi, đam mê nghiên cứu của các trường Đại học như Chu Văn Hòa (Bắc Ninh), tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế trường ĐH Mở Hà Nội; Hoàng Hữu Cảnh (Kiên Giang) đã tốt nghiệp thủ khoa ĐHSP, vẫn nuôi ước mơ học tiếp lên Thạc sĩ; Vũ Thị Thơm (Hải Dương), sinh viên khiếm thị khoa Giáo dục đặc biệt, trường ĐHSPHN, Trịnh Quang Xuân Đức (Đắc Lắc), sinh viên FPT Polytechnic Tây Nguyên…
Trong phong trào thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững, chúng ta vui mừng được gặp những tấm gương đi lên từ xuất phát điểm rất thấp, tưởng như họ chỉ có thể là người phụ thuộc, nhưng họ đã vươn mình “đứng thẳng”, không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ sức lao động của mình. Nguyễn Tuấn Anh (Vĩnh Phúc), teo chân tay phải do sốt xuất huyết khi 17 ngày tuổi, học đến lớp 9 phải ở nhà thả trâu bò giúp cha mẹ; đã lập nghiệp và làm giàu bằng nghề nuôi ong mật; anh Nguyễn Danh Diệu (Hà Tĩnh), khuyết tật chân, học hết PTCS, trải qua nhiều nghề để mưu sinh đã làm giàu bằng trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau sạch… cho thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 300 triệu/năm…
Trong công tác xã hội, Hội nghị lần V có sự góp mặt của các trưởng nhóm tự lực, những thủ lĩnh của phong trào NKT, những cánh chim đầu đàn dẫn dắt người đồng cảnh cùng nhau vươn lên, khẳng định vị thế và tiếng nói của mình. Đó là: Trương Công Nghiêm - Chủ tịch Hội NKT TP. Đà Nẵng, Nguyễn Minh Chính - Chủ tịch Hội NKT tỉnh Ninh Bình; Trần Mạnh Thu - Chủ tịch Hội NKT tỉnh Lâm Đồng; Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm CLB thanh niên khuyết tật tỉnh Thái Bình...
212 tấm gương NKT về dự Hội nghị, đại diện cho hàng triệu NKT ở khắp mọi miền đất nước đã cho thấy sự hiện diện và đóng góp của họ trên mọi lĩnh vực: tri thức, lao động sản xuất, công nghệ thông tin, văn hóa thể thao, kinh tế, giáo dục, xã hội, chính trị…. Tuy bị khiếm khuyết, nhưng như sự bù khuyết của cuộc sống, với tất cả khả năng còn lại, họ đã trỗi dậy để lao động, học tập, cống hiến. Họ đã sống mạnh mẽ, kiên cường, vươn lên hoàn cảnh để khẳng định giá trị bản thân, đóng góp cho xã hội bằng chính khả năng của mình. Là những người có hoàn cảnh đặc biệt, cộng thêm bộn bề khó khăn của cuộc sống thường nhật, nhưng với ý chí, nghị lực, tinh thần rèn luyện, phấn đấu bền bỉ, họ đã trở thành những người thực sự có ích cho xã hội. Câu chuyện vượt lên số phận của họ là những hiện thực lay động lòng người!
Với trẻ mồ côi, các em phải chịu quá nhiều thiệt thòi về vật chất và tinh thần, lại thiếu vắng tình thương cùng sự chỉ bảo, nếu không có nghị lực, ý chí vươn lên và được tạo điều kiện thì các em khó có thể vững bước trên đường đời. Đại biểu trẻ mồ côi dự Hội nghị lần V đa số gặp cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng các em đều đã nỗ lực từng ngày, quyết không bỏ học, không rời giảng đường, bởi các em nhận thức sâu sắc rằng, chỉ có tri thức và học vấn mới giúp các em thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận để có một tương lai tốt đẹp hơn, sau này không chỉ tự lập mà còn giúp nhiều người khó khăn.
Có thể kể đến Nguyễn Chấp Dương (Thái Bình), bố mẹ mất sớm, em ở với chị gái từ nhỏ, hai chị em tự thân vận động trong cuộc sống mưu sinh. Trở thành sinh viên Trường ĐH KHTN, em phải đi làm thêm phục vụ bàn ở tiệc cưới, phụ bếp ở quán ăn, phát tờ rơi, dạy thêm. Cuộc sống tuy chật vật, thiếu thốn, em vẫn không sao nhãng việc học tập. Nguyễn Thị Kim Anh (Vĩnh Long), mồ côi cả cha lẫn mẹ, sinh viên Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật TP. Cần Thơ, một buổi lên giảng đường, một buổi bán vé số, phụ bán hàng ăn, nuôi bản thân và nuôi con của chị gái. Lò Thị Nhình (Lào Cai), dân tộc Thái, bố mẹ qua đời, 6 anh chị em ở với ông bà, rồi em được đưa vào Trung tâm BTXH của tỉnh, em liên tục đạt học sinh giỏi, đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, rồi trở thành sinh viên Trường ĐH LĐ-XH để thực hiện ước mơ trở thành cán bộ ngành CTXH. Giàng Thị Dở (Yên Bái), dân tộc Mông, học sinh lớp 7, mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống tại Trung tâm BTXH của tỉnh, em là đại biểu dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc, dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9. H’ Như ý Byă (Đẵc Lắc), dân tộc Êđê, mồ côi cha, học sinh lớp 12, phải làm lụng vất vả với nương rẫy từ nhỏ, em tự hứa với mình rằng nhất định phải trở thành kỹ sư nông nghiệp giúp gia đình và bà con làm ăn trồng trọt hiệu quả hơn…
Có thể thấy, với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, xã hội và gia đình, trẻ mồ côi giờ đây đã dám nghĩ đến những điều lớn lao như trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, luật sư, công an, kỹ sư công nghệ, nhà ngoại thương… để không những có thể tự tin bước vào đời lập nghiệp, mà còn trở lại giúp cho cả cộng đồng, cống hiến cho đất nước. Nếu các em đã dám nghĩ lớn thì nhất định các em sẽ xác định cho mình lựa chọn đúng đắn, hun đúc ý chí và quyết tâm để thành công trong tương lai.
* * *
Từ những chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ NKT, TMC trong những năm qua, cùng thực tiễn sinh động, những mô hình, cách làm hiệu quả, những tấm gương điển hình đạt thành tích trên nhiều lĩnh vực có mặt tại Hội nghị hay đang lao động, học tập ở khắp mọi miền của tổ quốc, cho chúng ta khái quát một số nhận định sau:
Thứ nhất, NKT, TMC là bộ phận yếu thế khó khăn nhất trong xã hội, trợ giúp NKT, TMC là sự kế thừa truyền thống của dân tộc, là thể hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và nhu cầu của toàn xã hội. Xã hội hoá công tác đối với NKT, TMC tiếp tục được khẳng định là phù hợp trong công cuộc đổi mới, đã thu hút và phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Cách thức trợ giúp càng ngày càng linh hoạt, đa dạng, không ngừng sáng tạo, đổi mới, kịp thời đáp ứng nhu cầu của đối tượng. Nội dung trợ giúp đã không chỉ là vật chất, tinh thần, mà còn là phương tiện, kỹ thuật, thời gian, công sức, kỹ năng, kinh nghiệm, giáo dục… Việc chuyển phương thức tiếp cận từ từ thiện nhân đạo sang dựa trên quyền đối với NKT, TMC còn bao gồm cả nội dung quyền được bình đẳng về cơ hội, để có thể hòa nhập bằng năng lực, trình độ của bản thân.
Thứ hai, NKT, TMC ngày càng được quan tâm hơn, chất lượng cuộc sống tiếp tục được cải thiện, họ có nhiều cơ hội được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản hơn, nên trình độ văn hóa, kiến thức, sự hiểu biết của họ đã được nâng lên đáng kể, bắt kịp với xu thế phát triển của đất nước. Cùng với sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội, NKT, TMC đã nỗ lực học tập, rèn luyện, phát triển bản thân, luôn lấy tri thức là mục tiêu phấn đấu và theo đuổi để thay đổi cuộc đời. Không chỉ dừng lại ở việc thoát nghèo, tự nuôi sống bản thân mà họ còn vươn lên trở thành người thành đạt, có chỗ đứng vững chắc trong xã hội.
Thứ ba, tiềm năng của NKT, TMC còn rất lớn, họ cũng có rất nhiều ý tưởng, hoài bão, ước mơ, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Trong những năm qua, NKT đã có mặt ở những lĩnh vực mà trước đây thường ít gặp như: Y học, KHCN, hành chính Nhà nước, tư pháp, nghiên cứu, sáng chế, chính trị… điều đó chứng tỏ nếu được tạo điều kiện, thực hiện tốt chính sách về NKT thì tiềm năng này sẽ được phát huy, họ không chỉ vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng mà còn đóng góp tích cực vào đảm bảo an sinh xã hội, phát triển đất nước tốt đẹp hơn.
Thứ tư, nhiều vấn đề xã hội như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh dịch, phụ nữ đơn thân nuôi con, tình trạng ly hôn, thất nghiệp… đã đặt ra cho công tác trợ giúp NKT, TMC những nhiệm vụ cần tiếp tục giải quyết. NKT, TMC ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa không chỉ nghèo về vật chất mà còn nghèo về tri thức, thông tin, kỹ năng, kỹ thuật… khiến họ có nguy cơ bị tụt lại phía sau. Vì vậy, hỗ trợ giảm nghèo không chỉ là tạo việc làm, nâng cao mức sống mà cần nâng cao dân trí, hỗ trợ giáo dục, bồi dưỡng con người có kỹ năng, phương pháp, phù hợp với tình hình địa phương và xu thế phát triển xã hội bền vững.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Công tác trợ giúp xã hội – Kết quả đạt được và định hướng - 03/08/2016 03:47
- Chương trình “Phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị dị tật môi - vòm miệng”: Nụ cười cho em - 15/07/2016 03:09
- Tỉnh Hội Gia Lai: Tích cực thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật - 05/07/2016 03:16
- Triển khai chương trình phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật môi - vòm miệng - 01/07/2016 04:56
- Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ 13: Triệu trái tim cùng chung nhịp đập vì người khuyết tật, trẻ mồ côi - 09/05/2016 03:23
Các tin khác
- “Những bài học về ý chí, về khát vọng” - 06/05/2016 08:37
- Thông báo về Tổ chức Hội nghị biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V năm 2016 - 10/12/2015 04:48
- Trung Ương Hội: Tiếp nhận ủng hộ 800 triệu đồng từ Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam - 30/07/2015 03:40
- Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi: Xây dựng nội dung hỗ trợ phù hợp với nguồn lực, nhu cầu - 23/07/2015 05:02
- Phối hợp đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề - 29/06/2015 02:50