Thứ tư, 11 Tháng 5 2016 11:34

Căn bệnh ung thư xương quái ác không chỉ cướp đi một bên chân, sứckhỏe mà cả tuổi thơ của chị Phạm Thị Nhàn (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng). Dù chỉ được học văn hóa đến lớp 7, nhưng với sự ham học hỏi, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chị đã học thêm và mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà cho người dân tại địa phương. Hơn 20 năm qua, chị đã giúp cho hàng trăm người dân ở thị trấn Cát Bà có điều kiện giao tiếp, nâng cao kiến thức tiếng Anh và phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực quảng bá, phát triển du lịch địa phương.

Pham Thi Nhan Hai Phong 111

Phạm Thị Nhàn sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân nghèo khó ở một huyện đảo rất hoang sơ và cách xa đất liền. Nơi cách đây hơn ba mươi năm trước dân trí vẫn còn thấp, hầu hết trẻ em không có điều kiện đến trường vì cái đói, cái rét thường xuyên đeo bám. Cô bé Nhàn lúc đó còn khỏe mạnh, vô tư và ham học lắm. Từ nhỏ đã nuôi chí quyết tâm học giỏi để lớn lên có thể làm một việc gì đó xóa cái đói nghèo cho chính gia đình mình sau đó là giúp ích cho xã hội. Nhờ siêng năng học tập, Nhàn luôn đứng đầu lớp và làm lớp trưởng. Cho đến năm học lớp 7. Căn bệnh ung thư xương quái ác đã cướp đi tuổi thơ của cô bé. Để bảo toàn mạng sống cho Nhàn, các bác sĩ đã cắt cụt một bên chân của cô. Sau một năm đau đớn vì những đợt hóa trị, bệnh lại di căn lên phổi. Cô lại phải phẫu thuật cắt u phổi bên trái và làm vật lý trị liệu. Từ đó, Nhàn phải nghỉ học vì sức khỏe quá yếu và kinh tế gia đình cạn kiệt.

Cuộc sống và mơ ước của một cô gái khuyết tật 13 tuổi tưởng chừng đã chấm hết. Hàng đêm những giọt nước mắt đau buồn, xót xa cứ lặng lẽ lăn dài trên má. Trong bóng đêm mù mịt đầy tuyệt vọng, Nhàn chỉ biết thầm cầu mong ông trời thương xót, cứu vớt lấy sinh mạng bé bỏng của mình. Hai năm sau, chị quyết định phải học một cái gì đó để giúp bản thân mình vượt lên số phận. Nhàn xin đi học thêm Anh ngữ của các giáo viên nghiệp dư dù điều kiện kinh tế khó khăn. Chị cũng mua thêm sách vở để tham khảo và tự học ở nhà. Sau 3 năm miệt mài học tập, chị đã có một số vốn kiến thức kha khá. Chị mở lớp tại nhà dạy kèm các thanh niên lao động phổ thông trên đảo giúp họ học biết một ít tiếng để giao dịch với du khách nước ngoài. Vì phong trào học ngoại ngữ của người dân trên đảo khi ấy không cao nên công việc của chị rất bấp bênh.

Trong thời gian dạy học thêm, chị Nhàn đã gặp được người đàn ông thật lòng yêu thương mình. Hai người về sống với nhau và có một cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng cũng từ đó, cuộc sống của hai vợ chồng chị lại chồng chất khó khăn đặc biệt là về kinh tế. Nhiều lúc khó khăn quá, chị chỉ biết dặn lòng hãy cố gắng lên không phải vì bản thân mình nữa mà vì đứa con thơ bé dại kia! Nó là lẽ sống, là động lực để chị vươn lên, vượt qua tất cả những gian truân, vất vả trong cuộc sống.

Từ năm 2000, Du lịch Cát Bà phát triển, lượng khách du lịch người nước ngoài tới đảo ngày một tăng, việc dạy tiếng Anh của chị Nhàn cho các tầng lớp từ các chủ nhà hàng khách sạn, các nhân viên cho đến các bác xe ôm, lái đò và các em bé lang thang bán tranh dạo dọc đường cho khách du lịch vì thế trở lên bận rộn hơn. Nhiều học viên của chị còn không viết thành thạo tiếng Việt, có em còn không viết nổi chữ nào vì phải nghỉ học quá sớm lang thang kiếm tiền phụ giúp gia đình. Không ngại khó, ngại khổ, chị kiên nhẫn dạy tiếng Việt cho các em trước khi dạy tiếng Anh. “Dù tôi không được học hành nhiều và cũng không được đào tạo cơ bản qua các trường lớp chính quy, nhưng tôi luôn tự học hỏi qua sách vở, qua giao tiếp xã hội trong cuộc sống hàng ngày và truyền đạt lại cho các em học viên của tôi những gì mà tôi biết, những gì mà tôi đã trải nghiệm trong cuộc đời mình. Ngoài việc dạy tiếng Anh, tôi còn dạy cho các em cách ứng xử trong cuộc sống, cách yêu thương và giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Vì yêu thương và giúp đỡ mọi người cũng là yêu thương và giúp đỡ chính bản thân mình”, chị Nhàn cho biết.

Đến nay, nhiều học viên của chị đã lập gia đình, đã có cuộc sông tốt đẹp hơn nhờ vào vốn tiếng Anh và kiến thức xã hội mà chị đã truyền dạy. Họ cũng đang làm những công việc liên quan đến du lịch để phục vụ cho ngành du lịch của huyện đảo và lại tiếp tục gửi gắm con cái của họ đến chỗ chị theo học.

Hơn 20 năm dạy tiếng Anh tại nhà, chị Nhàn đã có được thu nhập ổn định, tự nuôi sống bản thân và gia đình, xây được một ngôi nhà nhỏ để che nắng, che mưa. Dù chỉ đứng bằng một chân giữa cuộc đời đầy chông gai và thử thách này, chị vẫn luôn vững tin vào con đường tương lai tươi sáng phía trước. Vẫn lao động kiếm tiền, vẫn làm tròn thiên chức của một người vợ, một người mẹ như bao người phụ nữ lành lặn khác.

Chia sẻ về mong ước của mình, chị Nhàn cho biết: “Tôi chưa bao giờ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tôi cũng nhận ra rằng chỉ có con đường học tập mới giúp cho những người khuyết tật như tôi có cơ hội giao tiếp, hòa đồng với mọi người. Tôi chỉ mong có được một địa điểm rộng rãi hơn với các cơ sở vật chất và các đồ dùng dạy học đầy đủ để đáp ứng cho nhu cầu dạy và học của tôi cùng các học viên”.

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi