4 tuổi mồ côi cha, 5 tuổi mồ côi mẹ, Nguyễn Thị Quỳnh Hương (xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cùng người em gái mới lên 2 tuổi được ông bà nội chăm sóc. Không có ruộng đất, người lao động chính cũng không còn, không bà con thân thích, ông bà nội tuổi tác đã cao nên suốt mười mấy năm nay, gia đình Hương đều thuộc diện hộ nghèo của xã. Dù vậy, cô bé vẫn luôn nỗ lực hết mình, quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành một Luật sư, bảo vệ quyền cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Quỳnh Hương tự tin bên người bạn mới quen
Bố mẹ mất khi còn quá nhỏ, hai chị em Hương sống dựa vào ông bà nội. Nhưng cũng như người xưa thường nói “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, cái tuổi 72 cùng với những căn bệnh của người già đã ngăn không cho ông nội Hương làm những việc nặng nhọc, có muốn đi làm thuê thì cũng không ai mướn. Còn bà nội em năm nay cũng đã 66 tuổi, bà vẫn phải đứng lên gánh vác vai trò là trụ cột của gia đình. Bà làm đủ thứ việc, từ cuốc đất, hái đậu, cấy lúa, trồng rau..., hễ có người thuê là bà đều nhận hết, không nề hà việc nặng hay nhẹ. Sau nhà Hương có con suối nhỏ, cũng là nguồn thu đáng kể của gia đình. Mùa khô thì đi tát, mùa mưa thì đi câu. Bữa cơm vì thế cũng chẳng có gì, bữa đói bữa no.
Nhà nghèo, tiền ăn còn không có, huống hồ là tiền học. Để có tiền chi cho các khoản đóng góp của hai chị em Hương, bà nội em đã phải chạy vạy khắp nơi, vay người này, mượn người kia. Lần đầu người ta còn cho mượn, đến những lần sau, họ cứ lần lượt khước từ rồi từ chối hẳn. Có lẽ họ sợ nhà em không có tiền trả vì ngoài khoản trợ cấp trẻ mồ côi hàng tháng của chị em Hương và những đồng lương ít ỏi của bà nội, nhà em không còn khoản thu nhập nào khác.
Hương chia sẻ: “Nhiều lúc, thấy gia đình mình khổ, con cũng có ý nghỉ học, đi làm phụ giúp ông bà. Nhưng mỗi lần như thế, ông bà nội lại khuyên ngăn: “Tuổi cháu còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi học, cháu học giỏi là ông bà vui rồi, mọi thứ cứ để ông bà lo”. Những lúc như vậy con ứa nước mắt, trong lòng cảm thấy thương ông bà nhiều hơn”.
Nhận thức được hoàn cảnh của mình, Hương không bao giờ đòi hỏi quần áo đẹp, sách vở mới. Mỗi đợt nghỉ hè, em đều đi chẻ điều thuê để kiếm thêm thu nhập, tuy số tiền kiếm được không là bao, chỉ 15.000 đến 20.000 đồng/ngày nhưng với số tiền đó, em có thể mua được những bộ sách cũ để học. Bạn bè Hương, bạn thì ở kí túc xá, bạn thì được ba mẹ đưa rước. Còn Hương tuy nhà xa nhưng ngày ngày vẫn đều đặn quãng đường gần 30 km (đi về) đến trường bằng chiếc xe đạp cũ của một người hảo tâm cho. “Nhiều hôm đạp xe đến trường mà mệt không thở nỗi, mồ hôi vã ra như tắm, gặp những lúc nhịn ăn sáng thì coi như không còn sức mà làm gì nữa. Cũng lắm lúc có dịp vào chơi kí túc xá, thấy bạn bè có cha mẹ quan tâm, chăm sóc, con chợt thấy tủi thân. Con thèm lắm một vòng tay ôm của mẹ, một cái vỗ vai khích lệ của ba, hay đơn giản chỉ là một ánh cười, tiếng nói... Nhưng đó chỉ là mơ thôi, là ước muốn thôi, không thể nào thành hiện thực, vì ba mẹ đã đi về một nơi xa lắm...”, Quỳnh Hương ngậm ngùi.
Không có điều kiện đi học thêm, học kèm như các bạn, Hương tự học ở nhà. ở lớp có gì không hiểu là em hỏi lại ngay thầy cô hoặc nhờ bạn bè giảng hộ, về nhà thì làm thêm bài tập để nâng cao kĩ năng và củng cố lại kiến thức. Bằng những nỗ lực của mình, nhiều năm liền Hương đều là học sinh giỏi, em còn được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tặng Bằng khen “Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập trong hai năm 2013 - 2014”. Cũng trong niên khóa này, Hương thi đậu vào trường THPT Chuyên Quang Trung – ngôi trường có tỷ lệ học sinh đậu đại học hằng năm đạt hơn 98%, và cũng là nơi có số học sinh đỗ thủ khoa, á khoa, học sinh giỏi quốc gia cao nhất nhì cả nước.
Nhờ sự tận tình chỉ bảo của các thầy cô, trong 3 năm học tại trường, Hương đã học thêm được rất nhiều điều, từ văn hóa ứng xử cho đến kiến thức phổ thông, các kĩ năng sống.... Việc tham gia các câu lạc bộ cùng các hoạt động khác do Đoàn trường tổ chức cũng đã giúp em trưởng thành hơn. Trong kì thi Học sinh giỏi của tỉnh cấp THPT vừa qua, Nguyễn Thị Quỳnh Hương đạt giải Nhì môn Giáo dục công dân khối 12. Đó là niềm khích lệ, là động lực để em tiếp tục con đường thực hiện ước mơ trở thành một luật sư hay cố vấn pháp luật trong tương lai. “Bởi lẽ, trên đời này còn nhiều lắm sự bất công. Bởi lẽ, những sự bất công ấy lại thường rơi vào những người nghèo khổ. Con muốn giúp họ đòi lại công bằng, giúp họ hưởng những quyền mà lẽ ra họ phải được hưởng... Đó cũng là cách mà con tự an ủi chính mình, khi mà lời hứa phụ giúp ông bà chăm sóc hai chị em con đến năm 18 tuổi của người gây tai nạn cho ba con lúc cầu xin ông bà bãi nại đã không được thực hiện. Sau phiên tòa, người ấy đã chuyển địa chỉ nơi sinh sống, không một lần trở lại...” – Hương nghẹn ngào khi nói về lý do chọn ngành luật của mình.
Chỉ còn vài tháng nữa là tới kỳ thi đại học. Càng tiến gần hơn tới ước mơ, Hương càng lo lắng hơn. Nỗi lo về kết quả học tập không thực sự đáng ngại bằng các khoản đóng góp tốn kém ở bậc đại học. Thế nên, hơn lúc nào hết, Hương đang cần lắm sự yêu thương của mọi người, sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các cơ quan, đoàn thể... để em có thể tiến bước đến giảng đường đại học, để ước mơ của em không bị gãy cánh giữa chừng, để em có cơ hội phụng dưỡng ông bà nội và góp một phần nhỏ bé giúp ích cho xã hội.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Không đầu hàng số phận - 19/05/2016 07:26
- Chuyện nam sinh thi học sinh giỏi khiến giám thị nghẹn ngào - 16/05/2016 04:43
- Đồng hành cùng Hội để giúp người thiệt thòi Việt Nam - 11/05/2016 05:05
- Lan tỏa thông điệp yêu thương và tinh thần nghị lực - 11/05/2016 05:01
- Thiện duyên và chí nguyện của “Cô Chu” - 11/05/2016 04:49
Các tin khác
- Vươn lên từ những thử thách của cuộc sống - 11/05/2016 04:40
- Cô giáo khuyết tật và hành trình “phổ cập” ngoại ngữ cho người dân đảo - 11/05/2016 04:34
- Hạnh phúc sẽ đến với những người không nản chí! - 11/05/2016 04:21
- Tìm lại niềm vui từ các hoạt động xã hội - 10/05/2016 07:40
- Nỗ lực vì sự đi lên của người khiếm thính - 10/05/2016 03:36