Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã An Thủy, huyện Ba Tri, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Vốn là một đứa trẻ khỏe mạnh, lành lặn nhưng rồi sự trớ trêu của số phận đã khiến tôi trở thành người khuyết tật. Nhờ tình thương yêu của gia đình, tôi đã có thêm sức mạnh, ý chí vượt qua rào cản khuyết tật ấy để học tập và xây dựng một tương lai tươi sáng.
Tri thức chắp cánh ước mơ
Người xưa thường nói “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” nhưng một bên mắt tôi đã không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng, từ khi tôi còn là một đứa trẻ mới 13 tháng tuổi. Khi ấy, tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu và cảm nhận được thiệt thòi của mình cũng như nỗi buồn lo mà ba mẹ, những người thân trong gia đình dành cho tôi.
Hồi đó, hoàn cảnh gia đình tôi cơ cực lắm, để có thể chăm lo cho 4 anh em chúng tôi có điều kiện được ăn học như chúng bạn, ba mẹ tôi đã phải làm việc rất vất vả từ nghề chăn nuôi nhỏ và trồng trọt. Nỗi vất vả của ba mẹ càng lớn hơn từ khi tôi gặp tai nạn. Không muốn tôi phải sống trong thiệt thòi, vì muốn tìm kiếm cho tôi cơ hội chữa trị, ba mẹ tôi đã phải làm việc cơ cực từ sáng sớm đến tận đêm muộn, những mong có thêm chút tiền đưa tôi đi khám, điều trị ở khắp các bệnh viện trong tỉnh, Trung ương. Nhưng bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của ba mẹ, biết bao tiền bạc phải tiêu tốn cũng không giúp tôi tìm lại chút ánh sáng của bên mắt đã bị hỏng.
Cô gái khuyết tật Tố Trâm và các đại biểu NKT tiêu biểu tham dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC&NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V/2016 (ngoài cùng bên trái)
Càng lớn, tôi càng cảm nhận được thiệt thòi của mình nhưng bên cạnh tôi luôn có ba mẹ, các anh em động viên, khích lệ, luôn dành cho tôi một tình thương yêu thật đặc biệt, tạo mọi cơ hội để tôi được học tập như chúng bạn, hòa nhập với cộng đồng, bởi thế tôi đã dần vơi mặc cảm, chấp nhận thực tế và nỗ lực vượt qua những ngày tháng buồn tủi, những rào cản trong cuộc sống bằng cách lao vào học tập, từng bước chinh phục những nấc thang tri thức.
Nhờ sự miệt mài, cần cù trong học tập, suốt trong những năm học phổ thông, tôi đều đạt thành tích học sinh giỏi và năm 2006 đã thi đỗ khoa Sư phạm Sử, trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp. Nhưng ước mơ được làm cô giáo của tôi đã không thành hiện thực, bởi khuyết tật về mắt nên tôi đã không đủ điều kiện theo học. Cú sốc đó khiến tôi rơi vào trạng thái hoang mang và mặc cảm cùng cực. Nhờ có sự động viên, tư vấn của thầy cô, gia đình, bè bạn, tôi đã quyết định chuyển điểm sang học ngành Công tác xã hội, một ngành học còn khá mới mẻ lúc bấy giờ.
Việc học tập đối với một sinh viên khuyết tật nghèo, sống ở vùng sâu, vùng xa là một thách thức lớn với tôi nhưng tôi đã ý thức được tầm quan trọng của việc tự trau dồi tri thức bằng con đường học vấn. Vượt qua khó khăn về tài chính, khiếm khuyết cơ thể, tôi cố gắng học tập và nhận được nhiều suất học bổng có giá trị, trong đó có suất học bổng của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển suốt 3 năm liền từ 2006 - 2009.
Nữ cán bộ công tác xã hội nhiệt huyết
Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, tôi hy vọng có thể tìm được một công việc ổn định, phù hợp với khả năng, kiến thức và sức khỏe. Ước mơ ấy đã sớm đến với tôi khi được nhận vào công tác tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, tham gia chương trình Sống độc lập hỗ trợ cho người khuyết tật. Với vai trò là người hỗ trợ cá nhân, tôi đã giúp cho các bạn khuyết tật nặng trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, qua đó, hỗ trợ các bạn tự tin hơn trong cuộc sống, cải thiện khả năng giao tiếp. Người đầu tiên tôi hỗ trợ là một cô gái bị liệt hoàn toàn và chỉ sử dụng được một bên cánh tay. Để trợ giúp cho cô gái đó, hàng ngày tôi đi hơn 30 cây số để đưa đón đi học, cùng họ làm các công việc gia đình như đi chợ, nấu ăn, phơi đồ… Từ những hỗ trợ nhỏ bé nhưng đã giúp cho cô gái ấy vui vẻ, tự tin hơn, chính điều đó cũng khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và càng thôi thúc tôi tiếp thêm sức mạnh để tôi gắn bó dài lâu với nghề công tác xã hội.
Năm 2011, do điều kiện gia đình, tôi đã chuyển công tác về làm việc tại Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đó, tôi còn tham gia công tác hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý cho nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị buôn bán tại Trung tâm AAT Cần Thơ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ quản lí. Không chỉ chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý cho nạn nhân, giúp họ tự tin hơn tái hòa nhập xã hội, tôi đã góp phần nâng cao nhận thức của người khuyết tật, gia đình và cộng đồng về quyền sống độc lập của người khuyết tật, hỗ trợ cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Nhờ tham gia đa đạng các hoạt động, công tác xã hội và được Hội Liên Hiệp Phụ nữ thành phố quan tâm, chia sẻ công việc nên tôi ngày càng tự tin trong cuộc sống, yêu nghề, yêu công việc.
Đến nay, tôi đã gắn bó với ngành được hơn 5 năm. Trong suốt quá trình làm việc, đã giúp tôi thu nhận thêm những kiến thức mới và rèn cho tôi niềm tin, động lực để phấn đấu. Tôi đã vượt qua định kiến và rào cản xã hội về khả năng của người khuyết tật để khẳng định quyền học tập của người khuyết tật, chứng minh rằng tôi có đủ sức khỏe, đủ trí tuệ và niềm đam mê làm việc, cống hiến cho cộng đồng.
Những nỗ lực, đóng góp của tôi trong suốt thời gian qua đã mang tới cho tôi niềm vinh dự khi được tuyên dương, trao tặng Bằng khen, giấy khen của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Liên Hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, khối Cơ quan dân chính Đảng, Hội Người khuyết tật thành phố và đặc biệt hơn, tôi còn đạt được danh hiệu Gương phụ nữ tiêu biểu năm 2014, Gương điển hình tiêu biểu năm 2015.
Tố Trâm luôn nỗ lực học tập, nghiên cứu, làm việc để trở thành một cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp (người bên phải)
Hiện nay, tôi là Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật và trực tiếp quản lý, hỗ trợ hoạt động của Câu lạc bộ Người điếc thành phố Cần Thơ. Với nhiệm vụ mới, tôi luôn phấn đấu để góp phần công sức của mình chăm sóc, bảo vệ cho người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng một cách tốt nhất, mang lại nhiều lợi ích chính đáng cho họ. Những việc tôi đang làm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn phong trào của người khuyết tật, để gia đình và cộng đồng hiểu hơn về người khuyết tật.
Tôi luôn mong sẽ trở thành một trong những nhân viên xã hội chuyên nghiệp tại thành phố Cần Thơ. Hy vọng rằng, Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật sẽ tiếp nhận nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, chính quyền đoàn thể địa phương, các tổ chức và mạnh thường quân để có điều kiện hoạt động tốt, chăm lo nhiều hơn cho phụ nữ khuyết tật.
Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nâng cao trình độ, tham gia chương trình đào tạo Thạc sĩ, phấn đấu đi du học nước ngoài để học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn và trong công việc tôi đang theo đuổi.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Chàng trai khuyết tật giành học bổng toàn phần 4 năm đại học - 02/06/2016 05:05
- Một tình yêu đẹp như tranh! - 02/06/2016 05:02
- Tình đẹp trên đôi nạng gỗ - Câu chuyện của hai con người chưa bao giờ đầu hàng số phận - 26/05/2016 03:10
- Chàng trai khuyết tật truyền cảm hứng sống cho người khác - 26/05/2016 03:05
- Cô gái khuyết tật và ước mơ về tương lai tươi sáng cho người đồng cảnh - 19/05/2016 07:45
Các tin khác
- Không đầu hàng số phận - 19/05/2016 07:26
- Chuyện nam sinh thi học sinh giỏi khiến giám thị nghẹn ngào - 16/05/2016 04:43
- Đồng hành cùng Hội để giúp người thiệt thòi Việt Nam - 11/05/2016 05:05
- Lan tỏa thông điệp yêu thương và tinh thần nghị lực - 11/05/2016 05:01
- Thiện duyên và chí nguyện của “Cô Chu” - 11/05/2016 04:49