Thứ ba, 10 Tháng 5 2016 10:32

Khiếm thị từ nhỏ, Lê Hương Giang (sinh viên năm thứ 2, khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) may mắn được gia đình yêu thương, tin tưởng và tạo điều kiện để em được học hòa nhập. Đó cũng là nền tảng để em vững tin phấn đấu trong học tập, khẳng định tài năng của mình và thực hiện ước mơ: Đem đến một tương lai tốt đẹp hơn cho những trẻ em khiếm thị khác.

 

Le Huong Giang1

 

Hương Giang vẫn nhận là mình may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một gia đình đầy đủ thành viên, luôn được yêu thương, chăm sóc và được tạo nền tảng tốt nhất để phát triển. Khiếm thị từ nhỏ do căn bệnh “thoái hóa hoành điểm võng mạc”, một loại bệnh thường chỉ đến với những người già, không lí do và không có phương pháp chữa trị. Tuy nhiên 1/10 thị lực giúp Giang có một tuổi thơ ngập tràn trong màu sắc, hình ảnh và biết bao khám phá về thế giới xung quanh, để sau này nó đã trở thành những kỉ niệm đẹp, cô dành kể cho các bạn khiếm thị tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu – “cảm giác được nhìn thấy là thế đó”.

 

Lên ba tuổi, bố mẹ gửi Giang tới trường mẫu giáo công lập gần nhà, ở đó cô bé được chăm sóc, dạy dỗ và vui đùa như bao bạn cùng trang lứa. “Nếu ai đó nhìn tôi với ánh mắt dò xét hay đôi khi là chính bản thân tôi cũng phân vân thì bố mẹ luôn nói: “Con làm được mà”. Có lẽ đó là động lực đã bên tôi trong suốt những chặng đường sau này - “Tôi có thể làm được”, Lê Hương Giang nhớ lại.

 

Mùa hè năm 11 tuổi, khi đang chuẩn bị lên cấp II, thị lực của Giang đột ngột giảm và từ đây mọi thứ xung quanh cô bé hoàn toàn chìm trong bóng tối. Một thế giới mới, lớp học mới, bạn bè và thầy cô mới làm Giang ngơ ngác với cuộc sống xung quanh. Chính những người bạn khiếm thị đã giúp cô làm quen với bóng tối. Các bạn dạy Giang cách định hướng di chuyển, cách sống tự lập. Ngoài giờ học, các bạn dạy cô hát, đàn, rồi vẽ tranh, làm gốm. Cũng tại ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu, Giang được trang bị kĩ năng sử dụng máy tính, xoa bóp bấm huyệt, làm đồ thủ công để ngay sau khi ra trường đã có chắc nghề nghiệp trong tay.

 

Có lẽ Giang cũng sẽ dừng việc học của mình sau cấp II như hầu hết các bạn khiếm thị khác nếu như không có những buổi tối lên lớp cùng sinh viên tình nguyện trường Đại học Kinh tế quốc dân. “Khi biết ý định của chúng tôi, anh chị bỗng kể về Mùa hè Xanh, về màu áo thiêng liêng thấm đẫm mồ hôi tuổi trẻ và tôi mong ước một ngày nào đó mình sẽ được đồng hành cùng anh chị, sẽ tham gia “Mùa hè xanh”. Để giấc mơ không còn là mơ, tôi đăng kí vào Trường THPT Thăng Long - một trong những ngôi trường hàng đầu Hà Nội. Mọi người bảo tôi điên rồ, ngay cả với các bạn mắt sáng nó còn là điều gì đó xa vời. Nhưng đã đi học, tôi muốn mình học ở một môi trường tốt nhất và điều quan trọng là ở đó không hề có một bạn khuyết tật nào, buộc tôi phải tìm được cách hòa nhập với thế giới bên ngoài”, Giang chia sẻ.

 

Cánh cổng Trường THPT Thăng Long là bước ngoặt đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Giang. Thật bất ngờ, cô không chỉ được thầy cô và bạn bè hỗ trợ trong việc học mà còn được động viên tham gia các hoạt động ngoại khóa. Giải 3 Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT Intel ISEF với đề tài “Chế tạo máy đếm tiền, đồng thời phân biệt tiền thật tiền giả rồi phát ra lời nói dành cho người khiếm thị” đã đến với Giang nhờ một câu nói của cô giáo chủ nhiệm “Hãy thử nghĩ xem những người bạn khiếm thị của em đang gặp khó khăn gì trong cuộc sống?”. Giải thưởng này như một món quà Giang gửi tặng những người bạn không có cơ hội được đi học như mình, hi vọng họ sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong công việc bán hàng. Đây cũng chính là tấm vé để cô được vào thẳng Đại học - điều mà về sau này Giang mới được biết.

 

Ngay sau đó, Lê Hương Giang trở thành 1 trong 4 đại biểu cho thanh niên khuyết tật Việt Nam tham gia “Thách thức CNTT với thanh niên khuyết tật toàn cầu” tổ chức tại Incheon – Hàn Quốc. Trở về Việt Nam với vô vàn kỉ niệm và một tấm Huy chương Đồng, năm tiếp theo cô được bầu làm trưởng đoàn, cùng 8 bạn khuyết tật khác sang thi tại Băng Cốc, Thái Lan. Sau mỗi chuyến đi, Giang lại viết lại những kỉ niệm của mình với bạn bè quốc tế đăng lên trang web THPT Thăng Long, đồng thời gửi tới phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Và cơ hội trở thành cộng tác viên cho VOV Giao thông bắt đầu từ đó.

 

Với công việc của mình, Giang được tới nhiều nơi, lắng nghe nhiều câu chuyện của những người khuyết tật, cô hiểu rõ hơn vì sao họ lại không tới trường và không được tới trường – cô thấy mục tiêu trong tương lai của mình rõ ràng hơn, nhất là khi trở thành sinh viên ngành Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và còn khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện như các anh chị ngày nào, reo những ước mơ về tương lai tốt đẹp hơn cho những em nhỏ khiếm thị khác.

 

Mong ước của Giang là “Một ngày không xa tất cả trẻ em khuyết tật đều được tới trường. Các bậc phụ huynh sẽ đặt niềm tin vào con mình, vào tương lai tươi sáng của người khuyết tật, như ba mẹ tôi đã tin vào tôi vậy. Và sẽ có nhiều hơn nữa những cánh cổng trường đại học chào đón chúng tôi, đặc biệt là với người khiếm thị, để chúng tôi có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, tự nỗ lực vươn tới mục tiêu của mình”.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi