Thứ ba, 10 Tháng 5 2016 10:36

Trở thành người điếc do nhiễm độc kháng sinh, thế giới không tiếng nói là một nỗi thiệt thòi vô cùng lớn đối với anh Nguyễn Tuấn Linh - Chủ tịch chi Hội Người Điếc Hà Nội. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua thời gian hơn 10 năm học tập xa gia đình, anh đã từng bước chinh phục kiến thức, khắng định khả năng của người khuyết tật nói chung và người điếc nói riêng trong lĩnh vực học tập, chinh phục tri thức. Từ đó, đưa tiếng nói của người Điếc - Ngôn ngữ ký hiệu vào cuộc sống, dẫn dắt cộng đồng người Điếc không ngừng tiến bước đi lên.

 

nguyen tuan linh

 

Khi sinh ra, anh Nguyễn Tuấn Linh cũng khỏe mạnh, bình thường như bao người khác, vẫn có thể nghe nói bình thường và đã biết được nhiều bài hát của tuổi thơ. Anh được cha mẹ gửi tại nhà trẻ của cơ quan. Nhưng đến khi Linh khoảng 2 - 3 tuổi, anh bị viêm phế quản rồi chuyển sang thể hen phế quản. Thời gian đó, khám chữa bệnh còn được bao cấp, mỗi lần bị bệnh anh Linh được đưa tới Bệnh viện để chạy chữa, mỗi lần cơn hen lên, bác sĩ tiêm cho anh một mũi Streptomycine là khỏi bệnh. Nhưng qua nhiều lần tiêm, anh Linh bị nhiễm độc và bị điếc. Thương con, bố mẹ đã hết sức chạy chữa Linh ở rất nhiều nơi nhưng cũng không có kết quả.

 

7 tuổi, Nguyễn Tuấn Linh được gửi vào học tại Trường Xã Đàn và tốt nghiệp chương trình Tiểu học (học theo hình miệng và lời nói) năm 17 tuổi. Sau khi học hết Tiểu học, anh ở nhà giúp đỡ những việc vặt cho cha mẹ. Sau đó, vào làm việc tại Xí nghiệp May 27-7, được công nhận là công nhân may bậc 3. Anh cũng từng làm nhân viên tại Công ty TNHH Phượng Hoàng, chuyên nhập khẩu và kinh doanh bánh kẹo.

 

Năm 2001, Qũy Nippon (Nhật Bản) có dự án đào tạo văn hóa cho người Điếc được mở tại Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Đồng Nai (nay là Trường Đại học sư phạm Đồng Nai). Nhận thấy đây là cơ hội lớn để mình được tiếp tục học lên cao, nâng cao nhận thức và khả năng hòa nhập tốt hơn, anh Linh đã quyết định dự tuyển. Trải qua nhiều vòng xét tuyển gắt gao, vì không phải người khiếm thính nào cũng có đủ điều kiện, khả năng để theo học, Nguyễn Tuấn Linh đã trúng tuyển và được vào Đồng Nai học. Khóa học này có 19 người khiếm thính trên cả nước, trong đó có 6 người ở phía Bắc.

 

Nói về những khó khăn khi theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Đồng Nai, anh Linh chia sẻ “Khó khăn lớn nhất khi tôi tham dự khóa học này là tôi phải chuyển từ cách học theo hình miệng sang cách học bằng ngôn ngữ ký hiệu. Sau những năm học tại Trường Xã Đàn, trình độ tiếng Việt của chúng tôi rất kém, rất nhiều từ và khái niệm chúng tôi không hiểu và không thể diễn đạt nổi để người khác hiểu. Những năm đầu, dù hết sức cố gắng nhưng khả năng tiếp thu kiến thức của chúng tôi rất hạn chế. Sau 2 năm học, đã có hai bạn không theo nổi và trở về miền Bắc”.

 

Với sự nỗ lực và cố gắng hết mình để không bị bỏ cuộc, dần dần anh Linh cũng quen và tiếp thu kiến thức được bằng ngôn ngữ ký hiệu. Anh được học văn hóa từ lớp 6 đến lớp 12 theo chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gồm tất cả các môn học như học sinh bình thường. “Để có thể tiếp thu kiến thức, tôi đã phải nỗ lực gấp trăm, gấp nghìn lần so với học sinh nghe nói được. Tôi luôn phải tập trung cao độ để nghe giảng, chỗ nào không hiểu thì nhờ thầy cô giảng đi giảng lại đến khi nào hiểu mới thôi, nên mất rất nhiều thời gian. Cuối cùng, tôi cũng đã tốt nghiệp PTTH tại Hội đồng Thi tỉnh Đồng Nai. Năm 2008, tôi được đào tạo tiếp trình độ Trung cấp sư phạm, sau hai năm, tôi đã tốt nghiệp và được nhận bằng Trung cấp Sư phạm”, anh Linh cho biết.

 

Năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho nhóm người khiếm thính thuộc Dự án của Nippon được học tiếp trình độ Cao đẳng. Cuối năm 2012, anh Linh nhận được nhận Bằng Cao đẳng Sư phạm. Trong số các bạn ở miền Bắc vào học theo Dự án này, chỉ có anh Linh và anh Nguyễn Hoàng Lâm theo học được đến cùng và tốt nghiệp.

 

Hơn 11 năm theo học tại Đồng Nai, xa nhà, kinh tế khó khăn, không có ngôn ngữ nói, quả là một khó khăn vô cùng lớn đối với cá nhân anh Linh và gia đình. Có những lúc anh thấy mình tưởng như không vượt qua nổi. Nhưng cứ nghĩ người khiếm thính có quá nhiều thiệt thòi, nhất là về tiếp cận thông tin và tri thức, mình đã được tạo điều kiện, đã trúng tuyển, tạo sao lại không cố gắng để đi đến cùng? Anh lại tiếp tục cố gắng và cố gắng. Qua thời gian học tại đây, anh cũng nhận thấy rằng, việc dùng ngôn ngữ ký hiệu là phương tiện tốt nhất giúp cho người Điếc tiếp cận được các kiến thức và dần hòa nhập với cộng đồng xã hội.

 

Sau khi tốt nghiệp, trở thành người khiếm thính đầu tiên ở phía Bắc có trình độ Cao đẳng, anh Linh càng thấy rõ trách nhiệm của mình đối với cộng đồng người Điếc. Anh tự nhủ “Mình phải là người dẫn dắt, đưa cộng đồng người Điếc đi lên”. Vì vậy, anh không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ bản thân, nhất là về khả năng quản lý, lãnh đạo. Anh tích cực tham gia sinh hoạt và hoạt động của chi Hội Người điếc Hà nội. Từ năm 2014, anh Linh được giao nhiệm vụ Chủ tịch chi Hội Người điếc Hà Nội. Với vai trò của mình, anh luôn động viên và duy trì mọi hoạt động của tổ chức đến nay, Chi hội đã là một tổ chức khá chặt chẽ, mọi người yêu thương đùm bọc, giúp đỡ và đoàn kết với nhau và duy trì sinh hoạt đều đặn.

 

Hiện nay, anh Linh đã có một gia đình hạnh phúc với vợ là người khiếm thính và con gái khỏe mạnh đang học tiểu học. Anh cũng được Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương giao cho giảng dạy một số môn học cho học sinh điếc ở đây. “Dù biết rằng trình độ của mình còn rất hạn chế nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, tôi còn tham gia ủy viên BCH Hội NKT Hà nội, được cử đi dự Hội nghị Người điếc khu vực châu á - Thái Bình dương tại Philippine, được đi các nước Mông Cổ, Thái Lan, Campuchia để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, học tập và nâng cao khả năng lãnh đạo, quản lý của người điếc”, anh Linh hào hứng kể.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi