Thứ ba, 10 Tháng 5 2016 10:23

Trong câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thị Lan Anh (Hà Nội) kể: 20 năm trước, có nằm mơ cũng không nghĩ mình có ngày hôm nay, là Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) và nắm giữ những vị trí quan trọng trong phong trào người khuyết tật tại Việt Nam như: Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật Hà Nội, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VI, ủy viên Ban Đối ngoại, Liên Hiệp Hội về NKT Việt Nam Nhưng những thành quả đó cũng không phải tự nhiên mà có, đó là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu trong một thời gian dài, phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, nước mắt chị mới có được.

 

lan anh

 

Sinh và lớn lên trong một gia đình công nhân nghèo ở thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Tuổi thơ của Nguyễn Thị Lan Anh là những chuỗi ngày cẩn thận từng cử động nhỏ, không thể chạy nhảy nô đùa vô tư như bao đứa trẻ khác vì căn bệnh xương thủy tinh. Lên 6 tuổi Lan Anh vẫn không thể đi học vì nhà nghèo và trường không nhận trẻ khuyết tật. Hằng ngày, nhìn bạn bè cùng trang lứa được cắp sách tới trường mà nước mắt cô bé cứ chảy dài. Năm lên 9 tuổi, sau rất nhiều mong mỏi, nài nỉ bố mẹ, thầy cô, Lan Anh mới bước vào lớp 1. Thương bố mẹ và bà ngoại vất vả nên dù gặp nhiều khó khăn, cô luôn tự nhủ phải cố gắng học tập thật tốt. Suốt nhiều năm liền học phổ thông, cô luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và còn hoàn thành bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh - Đại học Kinh tế và Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Mặc dù, ước mơ ban đầu là trở thành cô giáo, nhưng khi ở trường đại học, Lan Anh đã nhận thấy rằng nhiệm vụ của mình là hỗ trợ để NKT được sống trong một xã hội không có rào cản. Nhận thức đó đã trở thành định hướng cho việc thành lập Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) năm 2011.

 

Năm năm qua với nhiều thử thách nhưng cũng ghi nhận những thành công đáng tự hào của Trung tâm ACDC, Trung tâm đã thực hiện một số chương trình, dự án có tác động tích cực tới cuộc sống của nhiều NKT. Hiện tại, Trung tâm đang cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí cho nhiều lượt NKT thông qua việc tư vấn miễn phí tại địa phương, qua điện thoại, email,; Các hoạt động nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên khuyết tật, đồng thời duy trì và phát triển chương trình “Xương rồng vẫn nở hoa” tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản, đào tạo và cung cấp tài liệu hướng dẫn cho phụ nữ khuyết tật. Cùng với đó, Trung tâm do Nguyễn Thị Lan Anh lãnh đạo còn tổ chức nhiều khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho NKT, tập huấn pháp lý cho cán bộ nòng cốt ở các Hội/nhóm NKT, triển khai dự án “Hỗ trợ tổ chức Hội NKT tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá và thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT ở Việt Nam”. Gần đây, Trung tâm còn tổ chức thành công cuộc thi ảnh “Chuyện của đôi chân” năm 2015 về tầm quan trọng của dụng cụ trợ giúp với đời sống của NKT

 

Trong năm 2016, Trung tâm ACDC đang cùng Hội trợ giúp NKT Việt Nam (VNAH) thực hiện các chương trình nhằm nâng cao năng lực cho NKT nói riêng và các Hội, nhóm, tổ chức của NKT nói chung, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề “Thúc đẩy thực thi quyền của NKT” và “Hỗ trợ thực thi và điều phối chính sách và quyền của NKT và trị liệu”. Ngoài ra còn nhiều các hoạt động khác liên quan đến vận động chính sách, y tế, tiếp cận, phát triển hội nhóm,

 

Chia sẻ về những việc làm của mình, chị Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: “Trước kia nghĩ đơn giản, giúp đỡ NKT có thể chỉ cần cho họ tiền, cho họ vật dụng hàng ngày hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng họ cả đời là tốt nhất. Hoá ra không phải, giúp NKT là tạo cho họ sự phát triển hoà nhập, phát huy khả năng của họ mới là con đường tốt và bền vững nhất”.

 

Theo chị Lan Anh, việc giải quyết vấn đề hòa nhập, tiếp cận và bình đẳng cho NKT không còn là vấn để của riêng NKT nữa mà nó là vấn đề của toàn xã hội. Một xã hội hòa nhập và phát triển không thể không có sự đồng hành của tất cả những công dân trong xã hội đó. Thay mặt cộng đồng NKT, chị Lan Anh mong muốn “Cộng đồng xã hội, các cấp, các ngành hãy chung tay vì một xã hội tốt đẹp hơn, hãy tin tưởng và trao quyền cho những người có khả năng dù họ là NKT hay không khuyết tật. Mong rằng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các thế hệ đi trước, những người đã tạo nên nền tảng để xây dựng một xã hội không rào cản và vì quyền của NKT hãy tiếp tục tin tưởng và trao quyền cho chúng tôi - thế hệ thanh niên khuyết tật đang tiếp nối con đường của các cô, các chú; Để chúng tôi có thêm động lực, sự ủng hộ, động viên để tiếp tục sáng tạo, cống hiến hướng tới mục tiêu vì một xã hội không rào cản dành cho NKT Việt Nam”.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi