Thứ tư, 11 Tháng 5 2016 11:25

Sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em, Y Lợi (người dân tộc Sơ Drá, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) không may mắn vì bị khuyết tật bẩm sinh. Nhưng vượt qua nỗi mặc cảm về khiếm khuyết, những thủ tục còn lạc hậu của địa phương, chị đã từng bước vươn lên khẳng định mình, tự tin trong cuộc sống với một gia đình nhỏ hạnh phúc và công việc ổn định tại Đảng ủy xã Ngọc Wang.

Y loi

Tuy bị tật nhưng Y Lợi luôn nhận được sự động viên, chăm sóc, an ủi của cha, mẹ, anh, chị em trong gia đình - điều mà chị cảm thấy may mắn hơn nhiều người khác. Với thủ tục còn lạc hậu ở nơi chị sinh sống, thì những đưa trẻ mang khiếm khuyết như Y Lợi sẽ bị xua đuổi, xa lánh thậm chí là bị giết. Để kiếm đủ tiền nuôi 9 đứa con, cha mẹ chị không ngại khó khăn, khổ cực làm đủ mọi việc mà vẫn cố gắng dành thời gian để chăm sóc chị - đứa con thiệt thòi nhất trong gia đình.

Học đến lớp 9 Y Lợi phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Mặc cảm khi thấy mọi người nhìn mình với ánh mắt ái ngại và thương hại, dần dần chị bị bạn bè bỏ rơi. Hụt hẫng, chị không dám tiếp xúc, không dám đứng gần để nói chuyện với ai, cũng không dám mơ đến một tương lai...

Nhưng rồi, sự động viên khích lệ của gia đình cùng với quyết tâm và khát vọng vượt qua nỗi đau về thể xác và tâm hồn chị đã dần vượt qua mặc cảm tự tin khẳng định mình. Để kiếm một nghề nào đó lo cho tương lai, năm 2005, Y Lợi xin học nghề may tại Trung tâm GDTX huyện Đăk Hà, nhưng trường không đủ học viên để mở lớp. Chị được một thầy giáo xin cho đi học nghề Văn thư – Lưu trữ tại Trung tâm dạy nghề tỉnh Kon Tum. Vì biết hoàn cảnh của chị nên thầy, cô và bạn bè luôn bên cạnh động viên và giúp đỡ chị nhiều trong quá trình học tập.

Đến năm 2007, Y Lợi tốt nghiệp ra trường. Trở về địa phương với tấm bằng Trung cấp nghề trong tay, chị làm hồ sơ xin việc và điểm đầu tiên chị đặt chân đến là UBND xã Ngọc Wang. Và trái ngược hẳn với những lo ngại của chị rằng sẽ bị từ chối vì là người khuyết tật, chị không dám tin vào mắt mình khi cầm trên tay Quyết định nhận vào làm việc tại UBND xã.

Chị Y Lợi nhớ lại “Được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo xã, tôi được phân công làm tại Văn phòng Đảng ủy. Ngày đầu tiên bước chân đi làm với cái cảm giác vừa hồi hộp, vừa lo lắng khi nhận nhiệm vụ. Nhưng rồi dần dần, tôi cũng thích nghi và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Để tiếp tục nâng cao về trình độ, chuyên môn của mình, năm 2008, Y Lợi được Đảng ủy, chính quyền cử đi học Sơ cấp lý luận chính trị. Thời gian này thực sự khó khăn với chị. Khi một người khuyết tật phải vượt qua chặng đường 15 km để đi tìm số phận và tương lai của mình. Trong thời gian học ở Trung tâm, chị may mắn vì nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô. Và với sự nỗ lực, quyết tâm của bản thân. Năm 2013, Y Lợi đã thi đậu và tốt nghiệp cấp III. Trong những năm công tác chị còn được tặng rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Đó là động lực để chị thêm cố gắng.

Người ta nói cánh cửa cuộc đời sẽ không khép lại đối với những người biết vượt qua số phận, biết vươn lên và biết đối đầu với những thử thách phía trước. Tháng 5/2010, Y Lợi được bầu vào đại biểu HĐND và đến ngày 25/02/2011, chị được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. “Là một người khuyết tật tôi thật sự không dám tin vào điều đó. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi rất cảm động, hạnh phúc, tự hào”, Y Lợi xúc động nói.

Thành công trong công việc, Y Lợi còn hạnh phúc hơn khi gặp được tình yêu của đời mình. Trong một lần Đoàn người khuyết tật tỉnh Ninh Bình đến biểu diễn tại xã Ngọc Wang, chàng trai có chất giọng trầm ấm với bài hát “Tình cây và đất” đã làm xiêu lòng cô gái miền sơn cước. Qua những cuộc điện thoại và những dòng tin nhắn hỏi thăm hai người yêu nhau lúc nào không hay. “Ông trời đã xe duyên cho chúng tôi được đến với nhau, để rồi bù đắp cho nhau những thiếu thốn về tinh thần. Tôi không quên được cái ngày anh hỏi tôi “Làm vợ anh, em nhé!”. Tim tôi đập liên hồi. Được sự đồng ý của cha mẹ hai bên, chúng tôi đến với nhau và cha mẹ anh đồng ý cho anh ở rể. Biết hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn đối với đôi vợ chồng khuyết tật như chúng tôi nên Liên đoàn lao động huyện đã hỗ trợ xây dựng cho chúng tôi một căn nhà cấp 4 khoảng 30m2 để ổn định cuộc sống”, chị Y Lợi chia sẻ.

Cuộc sống đối với đôi vợ chồng trẻ khuyết tật còn nhiều khó khăn. Không có đất để sản xuất, anh chị đi mướn đất để trồng mỳ và hoa màu. Lương của chị không đủ để trang trải, anh chị mở thêm quán bán đồ ăn sáng tại nhà. Niềm hạnh phúc đến với họ thật bất ngờ khi một sinh linh bé nhỏ lớn dần trong bụng. Phải trải qua ca mổ khó khăn do không đủ sức khỏe để sinh thường, nhưng khi nghe tiếng khóc chào đời của con, chị thực sự xúc động và dồn dập hỏi bác sĩ: “Bé có sao không ? bé có “bị” giống như bố mẹ không?”. Và khi nghe bác sĩ khẳng định bé bình thường, rất xinh xắn, không kìm được nước mắt, hai vợ chồng chị khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Đứa bé là động lực, là niềm tin, hạnh phúc cũng là tài sản lớn nhất với gia đình chị. Hiện nay, bé đã được gần 4 tuổi, đang học lớp mẫu giáo.

Nói về cuộc đời mình, Y Lợi quả quyết “Những người khuyết tật như chúng ta thật khó khăn để hòa nhập, nhưng chúng ta cũng luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cơ quan và mọi người xung quanh, chúng ta phải tự tạo niềm tin cho chính mình và tự hào rằng, bằng khả năng và nghị lực chúng ta sẽ thành công. Luôn lạc quan, yêu đời các bạn sẽ đạt được những điều mà mình mong muốn”.  

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi