Tôi là con gái út trong một gia đình có 6 chị em. Bố tôi là nhà giáo còn mẹ làm nông dân. Tuổi thơ tôi lớn dần lên trong vòng tay yêu thương của bố và các chị gái, bởi mẹ tôi sớm qua đời khi tôi còn rất nhỏ. Cuộc sống của tôi sẽ êm đềm trôi trong ngôi làng nhỏ yên bình nếu như không có cái ngày định mệnh xảy ra.
Chị Yến (ngồi xe lăn ngoài cùng bên trái) tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các trưởng nhóm NKT trong khu vực châu á - Thái Bình Dương năm 2015 tại Thái Lan
Vượt qua định mệnh
Vào một buổi chiều mùa thu năm 1995, một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy đến với tôi sau giờ tan trường. Hơn một tuần nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, tôi tỉnh lại nhưng cũng là lúc tôi biết mình bị tháo khớp háng mất một chân, chân còn lại bị giập nát. Nỗi đau đớn tột cùng khiến tôi ngã gục bởi bao nhiêu ước mơ, dự định của tôi - một cô nữ sinh năm cuối THPT chưa kịp thực hiện.
Gần 2 năm tôi sống trong tuyệt vọng, thu mình trong sự mặc cảm, nhiều lần tôi không tìm ra lối thoát nên đã có hành động, suy nghĩ tiêu cực. Đúng vào lúc bế tắc nhất, tôi biết được thông báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh về chương trình lắp chân giả miễn phí, một chương trình từ thiện của tổ chức phi chính phủ Hà Lan, nhằm giúp đỡ cho những thanh thiếu niên bị mất chân, tay tại các tỉnh thành của Việt Nam.
Tôi được gia đình đưa xuống tỉnh để khám và đo mỏm cụt. Sau 1 tháng chờ đợi, tôi được gọi lên Bệnh viện Việt Đức để lắp và tập đi chân giả. Trong thời gian đó, tôi đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một số bạn bè đồng cảnh. Họ cũng từng trải qua giai đoạn tuyệt vọng giống tôi khi mới gặp cú sốc, nhưng họ đã biết vươn lên sự khắc nghiệt của số phận và chính họ đã trở thành nguồn động viên, khích lệ, giúp tôi nhặt lại tiếng cười mà tôi lỡ đánh rơi.
Sau một thời gian tập luyện, tôi có thể bước đi nhờ đôi chân giả. Không chỉ tự đi lại, tôi còn được Tổ chức thiện nguyện Hà Lan hỗ trợ cho học nghề may. Vào mỗi buổi sớm, tôi lăn chiếc xe hơn 4 cây số từ nhà đến lớp và chỉ 6 tháng miệt mài học, tôi đã có trong tay tấm chứng chỉ nghề loại giỏi. Để nâng cao tay nghề, tôi tìm đến một tiệm may ở khu vực thị xã, xin vừa học, vừa làm và mạnh dạn xin bố mẹ đầu tư cho tôi mở tiệm may.
Được gia đình hỗ trợ, tôi thuê một cái quán nhỏ ngay cổng chợ để mở tiệm may. Thời gian đầu, khách hàng đến với tôi vì tò mò, hiếu kỳ nhưng chỉ sau vài tháng, tiệm may của tôi ngày càng đông bởi gây được uy tín. Vừa nhận hàng may cho khách, tôi vừa mở lớp dạy nghề may cho những người có nhu cầu.
Theo đuổi ước mơ
Tưởng chừng tôi sẽ ổn định cuộc sống với cái nghề phù hợp với sức khoẻ nhưng tôi lại từ bỏ đúng vào thời điểm tiệm may đang phát triển. Tôi quyết định đi thi Đại học để thực hiện ước mơ cháy bỏng trở thành cô giáo. Sau 3 tháng miệt mài ôn tập, niềm vui ùa đến bên tôi khi thi đỗ khoa tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Để trang trải cho mọi chi phí sinh hoạt, thuê nhà trọ, học phí, mua sách vở, tôi đã đem theo chiếc máy may lên trường và nhận may đồ cho sinh viên, giáo viên. Tôi tranh thủ làm việc vào tất cả những thời gian rảnh, sau khi đã học bài xong và những ngày nghỉ cuối tuần.
Tôi còn nhớ những ngày đầu bước chân vào giảng đường Đại học, tôi thực sự mặc cảm bởi những ánh nhìn kỳ thị của một vài sinh viên. Háo hức bao nhiêu, tôi lại buồn tủi bấy nhiêu. Sau mỗi buổi tan học trở về phòng trọ, tôi lại nhận ra một cảm giác cô đơn. Những câu hỏi: “Liệu các bạn sinh viên khuyết tật như tôi có rơi vào trạng thái này không nhỉ?”, “Làm thế nào để thay đổi cách nhìn của các bạn sinh viên kia về người khuyết tật?”... Rồi tôi lên kế hoạch tập hợp tất cả những sinh viên khuyết tật đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn Hà Nội để thành lập Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật Hà Nội năm 2001. Từ 8 hội viên ban đầu, trong đó tôi được các bạn bầu làm Chủ nhiệm, sau 6 tháng hoạt động, Câu lạc bộ đã có trên 80 hội viên tham gia sinh hoạt. Đến với Câu lạc bộ, các bạn sinh viên khuyết tật đã dần xoá bỏ mặc cảm, tự ti để hoà nhập xã hội.
Ngoài thời gian đi học, tôi và những thành viên trong Câu lạc bộ đã mở lớp dạy tiếng Anh và tin học, giúp các bạn đồng cảnh có thêm kiến thức, kỹ năng sau khi ra trường. Thật vui vì lớp học đã nhận được tài trợ 12 chiếc máy tính từ một Công ty của Mỹ có trụ sở tại Hà Nội. Tôi và các thành viên đã kêu gọi các bạn, thầy cô có chuyên môn đến dạy miễn phí. Bên cạnh đó, tôi cũng tích cực tìm các nguồn học bổng cho các sinh viên khuyết tật để giúp họ vơi bớt phần nào khó khăn về học phí, tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ…
Sau bao cố gắng, tôi đã tốt nghiệp Đại học với tấm bằng giỏi và hạnh phúc giản đơn đã đến với tôi khi một tình nguyện viên đến dạy tin học cho sinh viên khuyết tật của Câu lạc bộ đã để mắt đến tôi. Trải qua bao sóng gió, dị nghị, can ngăn của bạn bè, sự phản đối kịch liệt của hai bên gia đình, cuối cùng đám cưới của chúng tôi cũng diễn ra trong sự chúc phúc của người thân, bạn bè và cả những người không hề quen biết vào tháng 4/2003.
Sau đám cưới, chúng tôi quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp với hai bàn tay trắng, không người thân thích. Trong thời gian xin việc, chồng tôi mở lớp dạy kèm tại nhà trọ. Tôi may mắn được nhận vào làm việc tại Tạp chí Tình thương cuộc sống của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, rồi tham gia cộng tác cho một số tờ báo, nhận viết sách cho một số Nhà xuất bản phía Nam.
Những tưởng cuộc đời đã bù lại cho tôi những mất mát đau thương nhưng không phải thế. Một lần nữa, cuộc đời như muốn thử sức chịu đựng của tôi thêm lần nữa. Chồng tôi quyết định ly hôn sau 10 năm chúng tôi chung sống hạnh phúc, chia ngọt sẻ bùi trong những lúc khốn khó nhất. Tôi đem bé trai 3 tuổi trở về quê bỏ lại sau lưng tất cả những gì hai vợ chồng gây dựng, còn bé gái lớn 7 tuổi ở với bố. Nỗi đau tinh thần lại một lần nữa chất lên cuộc đời tôi.
Tôi trở về bên những người thân trong tâm trạng u sầu. Hằng đêm, nhìn khuôn mặt ngây thơ của con đang say giấc, tôi lại thấy lòng nhói đau. Nhưng tôi đã bắt mình đứng lên sau những thử thách. Tôi tiếp tục mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà, lao vào công việc để không còn thời gian nghĩ đến chuyện không vui.
Trong một lần tôi đi lễ đầu xuân, một người đồng cảnh đã gợi ý tôi đứng ra thành lập Câu lạc bộ người khuyết tật của thị xã Đông Triều. Để đáp ứng mong mỏi của những người đồng cảnh trên quê hương, tôi đã mạnh dạn kêu gọi thành lập Câu lạc bộ. Một lần nữa được giao trọng trách làm Chủ nhiệm, tôi nỗ lực thật nhiều để khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng xã hội bằng việc tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật vào những dịp kỉ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4), ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12); động viên, khuyến khích hội viên vơi bớt mặc cảm, tự tin hoà nhập cộng đồng. Bên cạnh những hoạt động tuyên truyền, tôi còn vận động tài trợ, trao tặng những suất quà nhỏ vào các dịp lễ, Tết cho hội viên, vận động hỗ trợ xây nhà tình thương...
Ngoài dạy tiếng Anh cho các em học sinh, tôi còn tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho những người khuyết tật trong Câu lạc bộ, học sinh khuyết tật, nghèo. Tôi cũng dành nhiều thời gian cộng tác với Liên hiệp Hội người khuyết tật Việt Nam, tham gia các chương trình tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo cho các trưởng nhóm tại Hà Nội, Quảng Ninh và Thái Lan hay góp phần hoàn thiện bộ sách giám sát và thực thi công ước của Liên Hiệp quốc về quyền của người khuyết tật, do Trung tâm hành động vì người khuyết tật (ACDC) tổ chức.
Sau những nỗ lực vượt khó thực hiện ước mơ làm cô giáo, trở thành thủ lĩnh một vài Câu lạc bộ của người khuyết tật, với tất cả những việc làm thiện nguyện, bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi đã vinh dự được các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Tôi cũng là một trong rất ít người khuyết tật Việt Nam được tham dự chương trình Campain do Tổ chức người khuyết tật thế giới tổ chức tại Hà Nội; được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn là đại biểu, đại diện cho Việt Nam tham dự Hội nghị Châu á Thái Bình Dương và gần đây nhất được vinh dự trở thành đại biểu Hội nghị biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Thiện duyên và chí nguyện của “Cô Chu” - 11/05/2016 04:49
- Cô bé mồ côi với ước mơ trở thành Luật sư giúp đỡ người nghèo - 11/05/2016 04:46
- Vươn lên từ những thử thách của cuộc sống - 11/05/2016 04:40
- Cô giáo khuyết tật và hành trình “phổ cập” ngoại ngữ cho người dân đảo - 11/05/2016 04:34
- Hạnh phúc sẽ đến với những người không nản chí! - 11/05/2016 04:21