Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 13:19

Tôi sinh bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa và may mắn ấy đã không ở lại bên tôi cho đến năm tôi tròn 2 tuổi. Đôi chân của tôi đã bị liệt sau một cơn sốt cao. Phải gắn cuộc đời mình bên đôi nạng gỗ khiến tôi từng buồn tủi và đánh mất hết hy vọng, nhưng cũng chính nỗi buồn ấy đã mang lại cho tôi nghị lực để học tập, vươn lên trở thành người có ích và san sẻ yêu thương cho những người đồng cảnh.

Khuyết tật vẫn đỗ Thủ khoa

Tôi vẫn còn nhớ lắm những ngày bố mẹ phải vất vả đưa tôi đi tới khắp các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến Trung ương, những mong cứu chữa đôi chân bại liệt của tôi. Để có tiền cho tôi chữa bệnh, bố tôi phải tranh thủ làm ngày làm đêm, còn mẹ đành chấp nhận xin nghỉ việc không lương để có nhiều thời gian chăm sóc tôi. Ký ức tuổi thơ của tôi là những tháng ngày sống trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà, nhiều đến nỗi tôi thấy sợ màu trắng của chiếc ga giường, sợ những bài tập phục hồi chức năng làm tôi phải đau đớn và sợ cả những toa thuốc điều trị dài đằng đẵng nhưng rốt cuộc đôi chân tôi vẫn không thể lành lại.

Trai tim 1

Thủ lĩnh của các phong trào tình nguyện tới động viên trẻ thiệt thòi nhân dịp Tết Trung thu

Không muốn tôi thiệt thòi như chúng bạn nên bố mẹ đã tạo điều kiện cho tôi được tới trường. Tôi háo hức chuẩn bị hành trang bước vào năm học đầu tiên của cấp Tiểu học với chiếc cặp, cây chì, quyển vở mới và để không bỡ ngỡ, thua kém bạn bè, ngày nào tôi cũng miệt mài tập đánh vần, học viết chữ. Hồi đó, mặc dù là một đứa trẻ khuyết tật nhưng tôi vẫn chưa cảm nhận được thiệt thòi của mình, cho đến khi bè bạn chọc ghẹo, chế giễu, có người lại nhìn tôi xuýt xoa tỏ vẻ thương hại, còn tôi không thể tham gia chơi đùa, hay tham gia học bộ môn thể dục rèn luyện sức khoẻ, tất cả những điều đó đã khiến tôi rơi vào sự mặc cảm, tự ti. Tôi trở nên nhút nhát và không muốn tới lớp nghe bạn bè trêu chọc, không muốn những ánh nhìn tò mò của mọi người dành cho tôi. Lúc đó, bố mẹ, thầy cô đã ở bên tôi, động viên tôi vơi đi buồn tủi, vượt qua mặc cảm bằng cách chuyên tâm vào học tập.

Nhờ có những người thân tiếp thêm sức mạnh, tôi đã nỗ lực, quyết tâm vươn lên nghịch cảnh để phấn đấu đạt thành tích học tập xuất sắc. 12 năm học tôi đều đạt học sinh giỏi và đạt danh hiệu Thủ khoa khối D, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng, cũng như liên tiếp giành được học bổng suốt bốn năm học Đại học.

Tôi thực sự xúc động, còn bố mẹ tôi thì không thể kìm nén những giọt nước mắt hạnh phúc, vui mừng khi tôi có được một phần thưởng lớn lao cho mình, đó là đón nhận quyết định ở lại trường làm giảng viên. Luôn mong mỏi có thêm kiến thức chuyên sâu truyền đạt cho các sinh viên thân yêu, tôi đã tiếp tục phấn đấu học tập, hoàn thành tấm bằng Thạc sĩ năm 2007.

Tình nguyện bằng cả trái tim

Không chỉ phấn đấu trở thành một giảng viên giỏi, năng động, thường xuyên giúp đỡ các sinh viên khuyết tật, mồ côi nghèo, tôi còn có một niềm đam mê rất lớn, đó là tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Tôi đã rất may mắn khi những việc làm của tôi đã được các sinh viên và Tiến sĩ người Mỹ Adrian Wurr, giảng viên dự án Fulbright tại Việt Nam đã trực tiếp hỗ trợ, tạo điều kiện cho tôi sáng lập Câu lạc bộ (CLB) tình nguyện Trái tim Đại học Dân Lập Hải Phòng (HPU heart). Với sự tham gia của hơn 60 sinh viên khoa Ngoại ngữ, nhiều lớp học tiếng Anh đã được tổ chức giảng dạy cho trẻ khuyết tật, mồ côi ở làng trẻ SOS Hải Phòng và các ngôi trường nuôi dạy trẻ thiệt thòi.

 

Trai tim 12

Hoa tặng quà người khuyết tật tại một chương trình Hội thảo về mô hình Sống độc lập

Nhằm tạo ra nhiều sự giúp đỡ thực sự ý nghĩa cho những mảnh đời bất hạnh, sẻ chia, mang lại sự tự tin, nghị lực cho người khuyết tật nghèo vươn lên hoà nhập cộng đồng, tôi đã tiếp tục kêu gọi thành lập CLB Tình thân SOS. Từ khi CLB ra đời, chúng tôi liên tục tổ chức các lớp học văn hoá, kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ khuyết tật, mồ côi và tới thăm, tặng quà, hỗ trợ chăm sóc các cụ già tại các nhà dưỡng lão.

Tôi được biết, Hải Phòng hiện có hơn 30 nghìn người khuyết tật, nhưng chỉ có 2 ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật và một vài trung tâm dạy nghề. Số người khuyết tật được tiếp cận với hoạt động hỗ trợ của xã hội còn rất khiêm tốn. Do thiếu giao tiếp với xã hội, người khuyết tật đã tự đánh mất cơ hội tự quyết định cuộc sống của mình. Bởi vậy, sau khi mô hình Sống độc lập của người khuyết tật bắt đầu phát triển ở Việt Nam, hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập, tự chủ và tham gia bình đẳng với cộng đồng xã hội, đã khơi gợi cho tôi khởi xướng mô hình Sống độc lập cho người khuyết tật tại thành phố Hải Phòng năm 2011. Từ khi mô hình ra đời, chúng tôi đã cung cấp miễn phí các loại dịch vụ trợ giúp người khuyết tật như tham vấn đồng cảnh, tập huấn nâng cao kỹ năng sống, người hỗ trợ cá nhân và khuyến khích người khuyết tật làm việc, hòa nhập với cộng đồng.

Để có được những thành công như ngày hôm này, chúng tôi đã phải rất khó khăn, vất vả trong quá trình vận động người khuyết tật tham gia, bởi trong họ vẫn mang nặng sự tự ti, mặc cảm. Mọi trở ngại đã qua, nhờ sự kiên trì thuyết phục, số người khuyết tật tham gia mô hình Sống độc lập ngày càng đông hơn bởi họ đã hiểu được ý nghĩa của mô hình này.

Tôi rất tâm đắc với mô hình Sống độc lập, vì vậy sau chuyến đi thực tế, học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm về mô hình Sống độc lập của người khuyết tật tại Nhật Bản, tôi đã xây dựng một kế hoạch chi tiết để phát triển rộng khắp mô hình Sống độc lập cho người khuyết tật trên khắp quê hương Hải Phòng.  

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi