Trưởng thành trong hoàn cảnh sớm mồ côi cha, thiếu thốn về cả vật chất và tinh thần, nhưng Ngô Phương Nam (huyện Cư M’gar - tỉnh Đắk Lắk) và Trần Phạm Bảo Linh (huyện Núi Thành - tỉnh Quảng Nam) đã sớm xác định được cho mình con đường vượt lên hoàn cảnh. Đó là không ngừng nỗ lực học tập, thực hiện ước mơ và báo đáp công ơn bậc sinh thành.
Làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ
Căn nhà nhỏ đơn sơ, vôi vữa đã bong tróc tại huyện Cư M’gar là nơi ở của hai mẹ con cậu học trò mồ côi Ngô Phương Nam. Người cha thương binh hạng 4/4 sớm qua đời do căn bệnh suy thận hiểm nghèo, Nam được mẹ hết mực yêu thương, cố gắng bù đắp. Cuộc sống của hai mẹ con Nam từ sau khi cha qua đời càng thêm khó khăn, vì khoản tiền vay chữa bệnh cho cha trước đó lên tới vài chục triệu đồng vẫn chưa biết bao giờ trả hết. Trong khi đó, sức khỏe của mẹ lại ngày một yếu hơn do căn bệnh hở van tim, thoái hóa đa khớp hành hạ và ca phẫu thuật cắt ruột thừa.
Thương mẹ bệnh nặng, Nam luôn tranh thủ thời gian đỡ đần mẹ chăm sóc 2 sào hoa màu của gia đình
Hàng ngày hết giờ học, cậu học trò mồ côi Ngô Phương Nam siêng năng làm việc nhà, giúp mẹ chăm bón hai sào hoa màu. Vào các ngày nghỉ cuối tuần, Nam còn đi cắt cỏ, thu hoạch nông sản thuê cho người dân trong vùng, khi thì xin làm phục vụ bàn cho nhà hàng để có thêm tiền phụ giúp cho mẹ. Nam luôn tự nhủ, sự vất vả hôm nay vừa để rèn luyện cũng đồng thời là động lực để em thêm quyết tâm phấn đấu và cố gắng hơn nữa trong học tập.
Làn da ngăm đen khỏe khoắn, gương mặt cũng già hơn so với tuổi 15 bởi cuộc sống vất vả, nhưng chính điều đó đã bồi đắp cho cậu học trò mồ côi ý chí vượt khó, trở thành tấm gương sáng trong học tập. 9 năm học qua, món quà Nam dành tặng mẹ là danh hiệu học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền, Nam cũng là gương mặt học trò tiêu biểu được nhận học bổng của Hội khuyến học huyện Cư M’gar hàng năm.
Đạt điểm số cao trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, Nam đạt được nguyện vọng theo học trường chuyên của tỉnh. Cậu học trò mồ côi giàu nghị lực tin tưởng với điều kiện học tập tại mái trường này, em sẽ thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai, để có thể giúp đỡ người nghèo và chữa bệnh cho mẹ.
Học giỏi để trở thành cô giáo
Cha qua đời khi Trần Phạm Bảo Linh vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Linh lớn lên trong vòng tay ấm áp, chở che của mẹ và bà ngoại.
Điều kiện kinh tế gia đình Linh bao năm nay vẫn thuộc diện hộ nghèo của huyện Núi Thành. Hàng ngày để có tiền trang trải cuộc sống và lo lắng cho con gái có điều kiện học tập như chúng bạn, mẹ Bảo Linh phải làm việc rất vất vả, cực nhọc, chắt bóp từng đồng từ công việc thu mua ve chai, phế liệu. Để mẹ vơi bớt mệt nhọc, cô học trò mồ côi thường tranh thủ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt quần áo.
Thiếu thốn vật chất, tình cảm nhưng cô học trò mồ côi nghèo luôn là học sinh giỏi xuất sắc của trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, năm nào Bảo Linh cũng được thầy cô lựa chọn vào đội tuyển học sinh giỏi và từng hai lần đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh năm học lớp 5, 11. Không những học giỏi, Bảo Linh còn là đoàn viên thanh niên năng nổ, hoạt bát, nhiệt tình tham gia các chương trình, hoạt động phong trào của trường, lớp.
Cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của Bảo Linh, Ban Giám hiệu nhà trường đã miễn giảm các khoản đóng góp và học phí, còn cô giáo Chủ nhiệm, Ban phụ huynh lớp và bè bạn cũng đưa ra nhiều hình thức giúp đỡ để em yên tâm học tập.
Bảo Linh tâm sự: “Môn học em yêu thích nhất chính là Văn học. Qua các bài văn, bài thơ, em có dịp hiểu hơn về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thương, sẻ chia giữa mọi người. Mỗi khi làm bài kiểm tra về đề tài gia đình, em luôn chọn chủ đề viết về mẹ để tỏ lòng kính trọng và thay lời cảm ơn mẹ đã dành cả cuộc đời chăm sóc, nuôi dạy em khôn lớn”.
Bảo Linh hy vọng, sớm thực hiện được ước mơ làm cô giáo
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua, Linh đạt điểm khá cao và đó cũng chính là điều kiện giúp Bảo Linh có cơ hội đặt chân đến giảng đường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và đến gần hơn với ước mơ của mình.
Không muốn mẹ phải vất vả, lo lắng, Bảo Linh đã lên kế hoạch để có thể vừa hoàn thành chương trình học Đại học, vừa có thời gian đi dạy kèm để tự lập cuộc sống, trang trải tiền học và đỡ đần kinh tế cho mẹ. Cô học trò mồ côi nghèo còn đặt mục tiêu cố gắng sớm giúp mẹ sửa chữa căn nhà xập xệ bao năm nay để không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa bão về.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Giám đốc khuyết tật truyền nghề cho người đồng cảnh - 15/12/2015 03:47
- Tri thức là điểm tựa chinh phục thành công - 15/12/2015 03:43
- Khơi dậy niềm tin cho người khuyết tật - 30/10/2015 06:19
- Sống hướng thiện để cảm ơn cuộc đời - 30/10/2015 06:11
- Dịch vụ trợ giúp pháp lý và vui chơi giải trí cho người khuyết tật cần được quan tâm hơn nữa - 09/10/2015 05:53
Các tin khác
- Cho yêu thương để nhận lại yêu thương - 28/09/2015 04:45
- Hãy tạo dựng cuộc sống bền vững cho người khuyết tật - 16/09/2015 02:55
- Hãy tự tin vào khả năng của mình - 09/09/2015 03:12
- Rèn luyện tính chủ động, tự giác cho người lao động trong phòng tránh tai nạn - 09/09/2015 03:02
- Cựu chiến binh vượt khó làm giàu - 18/08/2015 04:10