Thứ sáu, 09 Tháng 10 2015 12:53

An sinh xã hội được hiểu là dịch vụ xã hội phục vụ và hỗ trợ cho những người có khả năng bị tổn thương cao như trẻ em, người già, người bệnh, người khuyết tật... Đối với người khuyết tật, các chính sách an sinh xã hội trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình giao thông, công trình công cộng hay vui chơi giải trí, sử dụng dịch vụ công có vai trò quan trọng trong quá trình hòa nhập xã hội của đối tượng.

phap ly

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc ACDC trực tiếp hướng dẫn cho NKT tại buổi tư vấn pháp lý cho NKT tại tỉnh Quảng Nam

Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) về công tác trợ giúp pháp lý và dịch vụ giải trí của người khuyết tật - hai lĩnh vực đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm, thực hiện, đặc biệt từ sau khi Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 được Chính phủ phê duyệt.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật về NKT

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù, hằng năm, Bộ Tư pháp đều ban hành theo thẩm quyền kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật toàn quốc. Bộ cũng trình Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương ban hành Kế hoạch hoạt động của Hội đồng để hướng dẫn các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương/Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương. UBND, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các địa phương về công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong năm, trong đó xác định NKT là một trong những đối tượng được quan tâm tuyên truyền, phổ biến.

phap ly 1

Luật sư, tư vấn viên giải đáp các vấn đề pháp lý cho NKT

Việc thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 với nội dung “Tuyên truyền pháp luật về NKT và những chủ trương, chính sách, chương trình trợ giúp NKT” được thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho NKT được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng NKT: phổ biến pháp luật trực tiếp về Luật NKT và các chính sách liên quan đến NKT, nói chuyện chuyên đề nhân Ngày NKT Việt Nam 18/4, Ngày Quốc tế NKT 3/12. Tổ chức Tọa đàm, Hội thảo về phổ biến pháp luật cho NKT. Thông qua các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức. Biên soạn tài liệu phổ biến pháp luật về NKT một số địa phương đã tổ chức phổ biến cho NKT tại các Trung tâm, Cơ sở Bảo trợ xã hội, Hội Người mù các quy định pháp luật về quyền của NKT, chế độ chính sách của Nhà nước trong việc tạo điều kiện hỗ trợ NKT bằng hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu phù hợp.

Riêng Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng, hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí của chúng tôi được thực hiện bởi đội ngũ luật sư, cán bộ tư vấn của ACDC và cộng tác viên. Đối tượng tư vấn không chỉ là NKT thuộc tất cả các dạng tật mà cả gia đình, người thân của NKT trên cả nước. Nội dung tư vấn về các lĩnh vực bảo trợ xã hội, việc làm, giáo dục, dạy nghề, đất đai nhà ở, hôn nhân gia đình, chăm sóc y tế Hình thức tư vấn có hai loại: tư vấn trực tiếp qua email, điện thoại, mạng internet và tư vấn lưu động. Chỉ tính riêng từ tháng 2/2011 - 12/2014, chúng tôi đã tư vấn, trợ giúp cho khoảng 2.400 ca NKT, đến nay con số này đã tăng lên rất nhiều. Hình thức tư vấn lưu động tại các địa phương chúng tôi thường kết hợp hai hoạt động: tham vấn lại cho các Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tại địa phương cách hỗ trợ, tư vấn cho NKT khi không có chuyên gia về NKT ở đó. Hoạt động thứ hai là áp dụng luôn kiến thức mà họ đã được đào tạo để tư vấn ngay cho NKT tại địa phương. Kết quả trong năm 2014, chúng tôi tổ chức được 18 chuyến tư vấn lưu động với khoảng 900 NKT được thụ hưởng. Đến nay, các trung tâm, các Sở Tư pháp của các tỉnh thành đã đặt hàng chúng tôi thêm hoạt động tư vấn riêng, tập huấn riêng cho cán bộ tư pháp, luật sư, luật gia của tỉnh. Hiện nay có khoảng 22 tỉnh thuộc mạng lưới trợ giúp pháp lý này.

Có thể nói, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho NKT đã được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm hơn, nhất là từ khi có Luật NKT năm 2010 và Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Công tác này đã đạt được những hiệu quả tích cực, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng, góp phần thực hiện có hiệu quả Công ước quốc tế về quyền của NKT tại Việt Nam.

Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho NKT thời gian qua chưa thực sự được triển khai trên diện rộng, kinh phí, phương tiện dành cho công tác này còn khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống các văn bản chưa thật sự đồng bộ, tính khả thi của một số chính sách chưa cao, công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên, nguồn lực về tài chính và nhân lực cũng chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Cùng với đó là do nhận thức của xã hội về vấn đề NKT còn hạn chế. Sự thiếu đồng bộ trong hệ thống chính sách khiến nhiều NKT gặp trở ngại hòa nhập. Huy động sự ủng hộ từ bản thân nội lực các cơ quan, tổ chức chưa nhiều. Việc sử dụng các nguồn ủng hộ từ các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước chưa thực sự hiệu quả. Các chính sách an sinh xã hội như y tế, việc làm, giáo dục còn chưa đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Bản thân nhiều NKT chưa khẳng định được tiếng nói của mình trong xã hội do còn mặc cảm, tự ti.... Việc tiếp cận của NKT bao gồm tiếp cận thông tin về các chính sách, tiếp cận giao thông và cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.

Hình ảnh người khuyết tật xuất hiện nhiều nhưng chưa đủ

Trong lĩnh vực vui chơi giải trí thì hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, chỉ đạo cho các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức các chương trình thể thao, văn hóa và du lịch dành cho NKT, trẻ em khuyết tật. Bộ cũng tạo điều kiện thuận lợi để NKT tham gia sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao, giải trí và du lịch nhằm góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần, tăng cường thể lực, giúp NKT xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng.

 

phap ly 2

Nguyễn Phương Anh - cô gái xương thủy tinh nổi tiếng của Cuộc thi tìm kiếm tài năng Việt Nam năm 2012

Trong thời gian gần đây, hình ảnh của NKT cũng đã xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, được cộng đồng xã hội quan tâm như cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết, các cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế, các giải thể thao NKT trong nước, khu vực và quốc tế, Hội thi tiếng hát NKT NKT đặc biệt nặng, NKT nặng được miễn giảm giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, giải trí và du lịch theo quy định..

Tuy vậy, phong trào văn hóa, thể thao của NKT mới chỉ phát triển bước đầu và chủ yếu ở khu vực thành thị, còn khu vực nông thôn, miền núi chưa được quan tâm đúng mức. Nhìn chung, các mục tiêu của Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tuy có thực hiện nhưng vẫn còn hạn chế ở một số lĩnh vực hoạt động như: tập huấn sáng tác hội họa, âm nhạc cho NKT, hoàn thiện và phát triển một số môn thể thao dành cho NKT tập luyện và thi đấu, tạo điều kiện để NKT tham gia thi đấu thể thao trong và ngoài nước, NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và biểu diễn nghệ thuật, tham gia các hoạt động và tập luyện thể dục, thể thao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do đến nay nhà nước chưa có nhiều hệ thống cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao và du lịch dành riêng cho NKT. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do chính bản thân NKT chưa có điều kiện tham gia các hoạt động này và vẫn còn tự ti, mặc cảm khi tham gia.  


 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi