Thứ hai, 28 Tháng 9 2015 11:45

Tôi từng rất chật vật, khổ tâm, thậm chí là mắc bệnh trầm cảm suốt một thời gian dài, bởi phải trải qua những chuỗi ngày điều trị hiếm muộn. Chính sự cảm động trước những số phận trẻ thơ bất hạnh, thiệt thòi đã vực tôi đứng dậy, cho tôi có được cái cảm giác làm mẹ. Cho đến bây giờ, tôi không chỉ có 3 đứa con do chính mình sinh ra, bên cạnh tôi còn có cả một đàn con ở “ngôi nhà” Nhất Tâm.

 

Hạnh phúc làm mẹ

 

Hơn chục năm xây dựng hạnh phúc gia đình, có tới 5 năm tôi cùng chồng lận đận đến khắp các bệnh viện để kiếm tìm một tia hy vọng, đó là có được một đứa con do chính mình sinh ra. Nhưng càng hy vọng, tôi lại càng thất vọng. Từ một người phụ nữ tính tình cởi mở, vui vẻ và dễ hòa mình với mọi người, tôi trở nên ít nói hơn, thậm chí gia đình phải đưa tôi đi bệnh viện chữa căn bệnh trầm cảm. Có được một người chồng hết mực thương yêu, những người thân luôn động viên, chia sẻ, tôi đã vơi bớt nỗi buồn và học được cách chấp nhận số phận. Tạm gác lại công việc, tôi bắt đầu thực hiện các chuyến đi từ thiện, giúp đỡ trẻ khuyết tật, mồ côi, sinh viên nghèo và hỗ trợ bệnh nhân chạy thận.

 

Trai tim 1

Niềm hạnh phúc ngọt ngào bên các con của người phụ nữ nhân hậu

 

 

Tôi nhớ lắm kỷ niệm lần đầu tiên đến Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 ở Ba Vì (Hà Nội) tặng quà cho trẻ mồ côi, khuyết tật, chứng kiến các con sớm thiếu vắng tình thương yêu, bao bọc của mẹ cha từ lúc mới vài ngày tuổi làm tôi không kìm nén được cảm xúc. Cũng chuyến đi từ thiện đó, đã khiến tôi xúc động sau khoảnh khắc một em bé mồ côi nắm lấy tay tôi gọi mẹ và đòi tôi bế. Cái cảm giác được làm mẹ trong tôi ùa về, thôi thúc tôi đưa ra quyết định nhận đỡ đầu em bé đó và 2 bé khác không một chút ngần ngại, nghĩ suy.

 

Có lẽ sau những dịp được tiếp xúc, chia sẻ khó khăn và mang yêu thương đến với trẻ khuyết tật, mồ côi, tôi đã được ông trời bù đắp. Tôi bất ngờ thấy cơ thể thay đổi và linh cảm như mình đã mang thai. Tôi lấy hết dũng khí để đi đến Bệnh viện thêm một lần nữa, sau thời gian dài bỏ bẵng vì bác sĩ kết luận tôi không thể có con. Và linh cảm ấy đã trở thành sự thật, tôi đón nhận tin mừng sắp được làm mẹ, sắp được chăm sóc, vỗ về đứa con do chính mình sinh ra trong sự ngỡ ngàng, vui sướng.

 

Căn nhà nhỏ của chúng tôi giờ đây luôn ngập tràn hạnh phúc, tiếng cười và tiếng bi bô của con trẻ, bởi tôi đã có được 3 đứa con xinh xắn, kháu khỉnh lần lượt chào đời.

 

Tạo lập mái nhà chung cho trẻ khuyết tật

 

Với trẻ khuyết tật, mồ côi, ngoài mong muốn được hỗ trợ những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, các em cũng rất cần được cộng đồng xã hội giúp đỡ, hướng nghiệp, dạy nghề để có thể tự tạo lập cuộc sống như bao người bình thường khác. Vì thế, tôi đã cố gắng thu xếp công việc, gia đình, con cái để xây dựng cơ sở dạy nghề may cho các em khuyết tật, mồ côi bằng chính cái nghề tôi đang làm, để phần nào bù đắp thiệt thòi cho các em.

 

Khi bắt tay vào xây dựng Cơ sở may Nhất Tâm, tôi gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong khâu tuyển chọn học viên, kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị Nhờ có được sự ủng hộ, khích lệ của gia đình, bạn bè, cơ sở may Nhất Tâm đã sớm hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2007. Những ngày đầu thành lập, cơ sở chỉ có vài học viên với 2 chiếc máy khâu cũ kỹ được mua về bằng số vốn ít ỏi tôi có được. Khả năng của các em lại hạn chế do tâm lý tự ti, sức khỏe yếu, tình trạng khuyết tật nên tôi phải tìm nhiều cách truyền đạt kiến thức nghề, sao cho phù hợp với từng dạng tật của các em và mang lại hiệu quả cao sau mỗi giờ học.

 

Trai tim 2

Chị Thúy tận tình hướng dẫn nhân viên của Cơ sở may Nhất Tâm

 

Các học viên đến học nghề đều được tôi bố trí chỗ ở trong suốt thời gian học, còn những học viên được nhận vào làm việc tại cơ sở luôn được tạo điều kiện tốt nhất. Nhiều em khuyết tật do tay yếu nên sản phẩm làm ra chưa hấp dẫn được thị hiếu khách hàng, hoặc chưa thành thạo cách làm vì thế hàng thường hay bị lỗi, nhiều đợt bị khách trả lại sản phẩm. Trước những trở ngại, khó khăn ấy, tôi đều đứng ra chịu trách nhiệm đền tiền, hoặc một mình cặm cụi sửa chữa lại và cố gắng động viên, kiên nhẫn hướng dẫn tỉ mỉ cách làm để các em có thể rút kinh nghiệm, làm tốt hơn trong những lô hàng mới.

 

Đến nay, Cơ sở may Nhất Tâm của tôi đã trang bị được hàng chục chiếc máy khâu mới, tổ chức thành công gần chục khóa dạy nghề và tạo lập công việc giúp hơn 20 em khuyết tật, mồ côi có một nghề vững chắc, với nguồn thu nhập ổn định hàng tháng từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Không chỉ dạy nghề may, tạo việc làm cho các em, tôi còn phối hợp với các tình nguyện viên đến từ Câu Lạc bộ ấm, Câu Lạc bộ Dấu chân tuổi trẻ mở các lớp dạy văn hóa, kỹ năng sống, hát múa giúp các em có thêm kiến thức, tự tin hơn trong cuộc sống.

 

Trong thời gian sắp tới, tôi đang có dự định học cách làm các mặt hàng handmade như hoa lụa, bưu thiếp, con giống, đan móc len, cũng như mời giáo viên về cơ sở để khiển khai dạy thêm nhiều ngành nghề mới, nhằm mục đích mở rộng cánh cửa tương lai, tạo cơ hội học nghề, làm việc, cải thiện thu nhập cho thật nhiều học viên khuyết tật, mồ côi.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi