Thứ tư, 09 Tháng 9 2015 10:02

Là người khuyết tật vận động, bằng ý chí và nghị lực của mình, chị Phạm Thị Hoàn (Vũ Thư, Thái Bình) đã vượt lên số phận, không chỉ sống tự lập bằng sức lao động của mình, chị còn dạy nghề, tạo việc làm cho hàng chục lao động đồng cảnh khác. Thấu hiểu hơn ai hết nỗi thiệt thòi của những người mang khiếm khuyết, vì vậy, trong lao động, sản xuất, chị luôn quan tâm, chú ý thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lao động của mình. Nhờ đó, sau hơn 15 năm gắn bó với nghề may, 7 năm kinh doanh sản xuất, cơ sở của chị vẫn luôn là địa chỉ tin cậy để người khuyết tật trong tỉnh tìm đến.

 

Atld

 

Phóng viên: Thưa chị Hoàn, được biết cả hai vợ chồng chị đều là người khuyết tật, điều kiện về sức khỏe, kinh tế ở thời điểm chị mở xưởng may cũng rất khó khăn. Vậy, cơ duyên nào đưa chị đến với công việc dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật?

 

Chị Phạm Thị Hoàn: Vợ chồng tôi đều là người khuyết tật, tôi bị liệt chân trái còn chồng bị vẹo cột sống. Khi bắt đầu khởi nghiệp, vợ chồng tôi cũng rất khó khăn, hai bên gia đình điều kiện kinh tế không khá giả gì, nhưng với nghị lực và quyết tâm, tôi đã học được nghề may và mở được một cửa hàng nhỏ bằng số tiền vay mượn họ hàng. Cũng không biết mọi người thương tôi hay nhờ khả năng của tôi làm tốt mà khách hàng ngày càng đông hơn. Công việc từ chỗ chỉ phụ sửa chữa các mặt hàng nhỏ, dần được phát triển lên và được khách hàng chấp nhận.

 

Trong thời gian này, những người xung quanh thấy tôi là người khuyết tật, có thể làm việc và tự lập, họ nhờ tôi kèm cặp cho con em của họ cũng mang khiếm khuyết. Tôi bắt đầu dạy nghề cho người khuyết tật từ đó. Và cứ thế, người nọ truyền tai người kia, các bạn đến với tôi ngày một đông hơn. Các bạn không chỉ muốn học nghề mà còn muốn gắn bó với tôi để cùng làm nghề. Vì vậy, từ năm 2003, tôi bắt đầu nhận 4 bạn khuyết tật vào làm. Rồi cũng xuất phát từ nhu cầu của người khuyết tật, mình đã vay mượn đầu tư mở xưởng dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, phụ nữ nông thôn không có điều kiện đi làm công ty.

 

Đến nay, chúng tôi có một cửa hàng may và giới thiệu sản phẩm, bên trong là xưởng rộng khoảng 70m2, thường xuyên dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 17 - 20 công nhân làm việc, trong đó có từ 10 - 14 người khuyết tật. Cơ sở đến nay vẫn chưa có tư cách pháp nhân, chỉ là quy mô hộ gia đình.

 

Phóng viên: Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật là một vấn đề tương đối khó, nhất là ở vùng nông thôn, trình độ, khả năng nhận thức của họ còn thấp. Làm thế nào để chị đảm bảo chất lượng học nghề, đảm bảo thu nhập cho họ?

 

Chị Phạm Thị Hoàn: Thời điểm đó, những người khuyết tật như tôi ở quê rất thiệt thòi, họ ít được ra ngoài giao tiếp nên rất tự ti, mặc cảm. Mình dạy nghề, tạo việc làm cho họ không chỉ giúp họ có cơ hội được làm việc, được sống bằng sức lao động của mình mà còn tạo điều kiện cho họ được giao lưu, học hỏi thêm.

 

Các bạn khuyết tật đến với tôi thuộc nhiều dạng tật khác nhau có cả thiểu năng, câm điếc, khuyết tật vận động, phụ nữ nông thôn có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi làm công ty. Khả năng nhận thức của họ cũng khác nhau, tùy vào từng người mà mình có cách dạy cho phù hợp. Điều quan trọng là phải kiên trì, nhẫn nại. Có một em tôi dạy cả tháng trời mới biết xâu chỉ nhưng vẫn dạy.

 

Trước đây, cơ sở chỉ may đo, giới thiệu sản phẩm ở bên ngoài. Trong xưởng thì hợp tác với một công ty của Hàn Quốc, sản xuất các mặt hàng phù hợp với sức khỏe và khả năng của người khuyết tật, làm các mặt hàng kỹ thuật thấp của Hàn, may đo các loại đồng phục. Cứ có việc là làm hết. Hai năm trở lại đây, tôi tập trung vào một mặt hàng, chủ yếu nhập vải thun về cắt may sản phẩm theo yêu cầu của đối tác. Hiện nay, chúng tôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra của sản phẩm, thị trường chủ yếu ở Thái Bình và một số tỉnh lân cận. Vì vậy, thu nhập bình quân của người lao động chỉ khoảng 1.800.000 đến 2.000.000 đồng/người/tháng. Tuy không cao nhưng đối với người khuyết tật là cả một niềm vui lớn vì họ được làm việc, có thu nhập để phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống.

 

Phóng viên: Chị nghĩ như thế nào về vấn đề an toàn lao động với người khuyết tật? Tại cơ sở của mình, chị đã làm gì để người lao động nói chung, người khuyết tật nói riêng yên tâm sản xuất, học nghề?

 

Chị Phạm Thị Hoàn: Vợ chồng tôi đều bị khuyết tật, nên khi người đồng cảnh đến với mình, tôi hiểu được hết những khó khăn của họ trong học nghề và làm nghề. Vì thế, tôi hiểu hơn ai hết việc đảm bảo sức khỏe, an toàn trong lao động có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Vì vậy, trong khả năng của mình, tôi đều làm tất cả để họ được làm việc trong môi trường thoải mái nhất. Vì người khuyết tật thuộc nhiều dạng tật, mức độ sức khỏe khác nhau nên mình phải quan sát thật kỹ họ trong một khoảng thời gian, nắm bắt được khả năng của họ rồi mới bố trí công việc phù hợp. Trong quá trình học nghề, làm nghề, tôi luôn để các bạn thoải mái, không gây áp lực cho các bạn.

 

Vấn đề an toàn về điện được chúng tôi hết sức chú trọng. Xưởng được bố trí hệ thống điện riêng, có cửa thoát hiểm, công tác phòng chống cháy nổ được thực hiện đầy đủ và tính đến khả năng đi lại của người khuyết tật để bố trí.

 

Bản thân vợ chồng tôi luôn gương mẫu thực hiện tốt, đầy đủ các quy định an toàn lao động đặt ra để các em làm theo. Nhờ ý thức tự giác và có các biện pháp phòng tránh tốt nên đến nay, cơ sở chưa để xảy ra tai nạn đáng tiếc nào. Dù vậy, tôi vẫn mong các cơ quan nhà nước quan tâm, hỗ trợ các cơ sở nhỏ của người khuyết tật như chúng tôi, tạo điều kiện để chúng tôi tham gia các khóa huấn luyện bài bản để có thể phòng tránh tốt hơn cho người lao động, nhất là những người khuyết tật vốn đã rất yếu về sức khỏe và vị thế trong xã hội.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn chị!

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Phạm Thị Hoàn , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi