Thứ tư, 09 Tháng 9 2015 10:12

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 4 anh em. Là con út và cũng là người có số phận thiệt thòi nhất, bởi ngay từ lúc lọt lòng mẹ, tôi đã mắc căn bệnh thoái hóa khớp xương. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên tôi không có cơ hội chữa bệnh, vì thế đôi chân của tôi dần teo nhỏ, cơ thể không phát triển như bè bạn đồng trang lứa. Vượt lên nỗi buồn ấy, tôi đã hăng say lao động để làm người có ích.

 

Không cam chịu số phận

 

Mang trên mình cơ thể không lành lặn, đôi chân di chuyển khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng bỏ qua những lời chọc ghẹo của bạn bè để tới trường kiếm tìm cái chữ. Gia cảnh túng thiếu mọi bề, bố mẹ tôi ngày ấy phải lo ăn từng bữa nên mấy anh em tôi đều phải bỏ học giữa chừng giúp bố mẹ việc đồng áng, chăm lo nhà cửa. Những kỷ niệm ấu thơ của tôi là cuộc sống lam lũ, là bữa cơm đạm bạc nhưng vẫn luôn hạnh phúc, vui vẻ, yêu thương nhau. Tôi nhớ lắm cái năm tôi lên 10 tuổi, tôi đã khóc rất nhiều khi phải trở thành đứa trẻ mồ côi khi mẹ tôi sớm qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo.

 

Trai tim 1

Chị Vân miệt mài sáng tác tranh lông gà

 

Thương bố sống cảnh gà trống nuôi con, tôi càng tự nhủ phải ráng sức làm việc, để bố vơi bớt gánh lo nuôi đàn con thơ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Đổi lại bố thương tôi đi lại khó khăn, cơ thể yếu ớt nên chỉ để tôi làm những việc nhẹ và ngày nào tôi cũng đảm nhận nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm.

 

Ngoài hai mươi tuổi nhưng thân hình tôi vẫn chỉ như một đứa trẻ. Với chiều cao 1,3m nên tôi luôn thấy mặc cảm và rất ngại ra ngoài gặp gỡ mọi người, nhưng nhờ có bố động viên, tôi đã xua đi nỗi tự ti về hình hài của mình. Tôi xin phép bố tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ dành cho người khuyết tật huyện Triệu Sơn. Lúc nghe tôi nói, bố tôi mừng lắm và không thể kìm nén được những giọt nước mắt hạnh phúc.

 

Từ khi được sinh hoạt với những người bạn đồng cảnh, tôi trở thành một con người khác, tính tình cởi mở, hay trò chuyện và thích tham gia các phong trào văn nghệ của Câu lạc bộ. Tuy đôi chân teo nhỏ nhưng tôi vẫn cảm thấy mình thật may mắn vì vẫn có một cơ thể nguyên vẹn, điều đó giúp tôi thuận lợi hơn khi tham gia các khóa học may, làm chổi đót với những người đồng cảnh. Trong suốt khóa học, tôi luôn tự nhủ nắm vững kiến thức nghề để có thể làm việc. Và tôi đã làm được điều đó khi vinh dự lọt vào danh sách những học viên có tay nghề giỏi của cả hai khóa học.

 

Không muốn lãng phí kiến thức nghề và cũng không muốn sống dựa mãi vào gia đình, tôi đã tìm mua đót về kết chổi bán và tranh thủ nhận sửa chữa quần áo. Nhờ có việc làm, tôi đã tích cóp được một khoản tiền mở cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà, với hy vọng kiếm thêm thu nhập để có cơ hội chăm sóc, báo đáp công ơn bậc sinh thành.

 

Niềm vui sáng tác tranh lông gà

 

Từng đam mê học vẽ, từng ước mơ được trở thành cô giáo dạy mỹ thuật, nhưng sau bao năm thăng trầm trong cuộc sống, giờ đây khi công việc của tôi đã tạm ổn, tôi mới có dịp tìm đến niềm vui vẽ tranh. Không tham gia bất cứ một lớp học vẽ nào nhưng với bản năng yêu thích hội họa, tôi đã tự mày mò học vẽ, rồi nảy ra ý định sưu tập những chiếc lông gà nhiều màu sắc và ghép lại thành bức tranh có hồn.

 

Bức tranh lông gà đầu tay của tôi được hoàn thành trong vòng một tuần, với tên gọi “Đôi bạn chào bình minh”. Muốn có một bức tranh đẹp, tôi đều vẽ phác thảo trước trên những tấm bìa, rồi dùng keo sắp xếp những chiếc lông gà theo từng nét vẽ, rồi sử dụng thêm bút sáp màu vẽ hình nền và cuối cùng phủ kim tuyến lên toàn bộ bức tranh. Mặc dù mới bắt tay vào đam mê sáng tác tranh từ giữa năm 2014, nhưng đến nay, tôi đã hoàn thành hàng trăm bức tranh về đề tài đồng quê, bến nước, con đò, tình yêu lứa đôi, hoa cỏ từ những chiếc lông gà vô tri, vô giác.

 

 

Trai tim 2

Tác phẩm sinh động về làng quê Việt Nam được chị Vân thổi hồn bằng những chiếc lông gà vô tri, vô giác

 

 

Sự ra đời của những bức tranh lông gà được mọi người yêu thích, đón nhận, điều đó đã khích lệ tôi càng miệt mài sáng tác, cho ra đời những tác phẩm độc và lạ. Thời gian đầu, tôi làm tranh để dành tặng những người thân, bè bạn và những hội viên đồng cảnh cùng sinh hoạt trong Câu lạc bộ, dần dần nhiều người hỏi mua nên tôi quyết định thử kinh doanh. Nhờ sự giúp sức của một số bạn bè, những bức tranh của tôi đã được đăng bán online trên mạng xã hội facebook. Mỗi bức tranh tùy theo kích cỡ to nhỏ mà có giá từ 100 - 250 nghìn đồng/bức, được khách hàng đặt mua làm quà tặng sinh nhật, hay vào các dịp kỷ niệm Tôi thực sự ngỡ ngàng vì sở thích bộc phát lại mang đến cho tôi thêm việc làm, thêm thu nhập và trên hết nó là niềm vui sống.

 

Để công việc kinh doanh tranh thuận lợi, nhất là có nguồn lông gà dồi dào, tôi kết hợp đặt mua ở các cửa hàng bán gia cầm và trực tiếp chăn nuôi. Sau khi thu mua, tôi xử lý lông gà sạch sẽ, tạo độ bóng mượt và sau đó đem phơi khô để đảm bảo độ bền, đẹp trước khi sáng tác tranh.

 

Nhận thấy công việc sáng tác tranh lông gà không quá mất công sức, thời gian và chi phí cũng rất ít nên tôi nảy ra ý định thành lập cơ sở dạy nghề làm tranh lông gà cho những người đồng cảnh, giúp họ tranh thủ kiếm tiền những lúc nhàn rỗi mà vẫn không ảnh hưởng đến công việc.

 

Qua “Câu chuyện nhỏ của tôi”, trong đó là những công việc thường ngày, là việc làm giản dị, chịu khó mày mò sáng tác tranh lông gà của tôi đã làm lay động Ban Giám khảo và nhiều độc giả khi tôi tham gia cuộc thi viết về phụ nữ khuyết tật thuộc Dự án “Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ khuyết tật”. Cũng chính câu chuyện ấy đã mang lại cho tôi giải Ba toàn quốc của cuộc thi - một niềm hạnh phúc thật khó tả.

 

Sau những thành quả trong cuộc sống của tôi, tôi mong lắm những người bạn đồng cảnh hãy vứt bỏ mặc cảm, vững tin vào khả năng của mình để cố gắng vươn lên, gặt hái trái ngọt và niềm vui trong cuộc sống./.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 


Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi