Trường khuyết tật thính giác Hy Vọng I ở quận 1, TP HCM, dành cho trẻ mắc dị tật điếc câm, một dạng khuyết tật có nguyên nhân do điếc mà dẫn đến câm. Nếu các em được phát hiện, điều trị và hướng dẫn tập nói càng sớm thì khả năng có thể nói được và hòa nhập càng cao.
Ở trường có những lớp học đặc biệt với cách bố trí bàn ghế theo hình vòng cung, bài giảng ngắn gọn, giờ học ngoại khóa lạ lẫm. Đây là ngôi trường chuyên biệt về giáo dục và phục hồi chức năng cho các em học sinh điếc câm trên 4 bậc: Can thiệp sớm, mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Điếc câm là một dạng khuyết tật khó nhận biết cho đến khi nói chuyện trực tiếp, bởi thể chất của các em vẫn phát triển bình thường. Rào cản khó khăn nhất đó là khả năng nghe để tiếp nhận thông tin hầu như không có, khiến những học sinh bị tật điếc câm hạn chế rất lớn về nhận thức, tư duy.
Mặc cảm về bản thân, nhiều học sinh đã khóc: “Tại sao em không thể nghe được?”, “Tại sao số em lại xui xẻo như vậy?”. Những câu hỏi đầy ám ảnh khiến cô Trần Thị Ngời, Hiệu trưởng nhà trường, càng quyết tâm hơn nữa với mục tiêu giáo dục phát triển, thay vì coi các em như những số phận đáng thương.
Thách thức lớn nhất với học sinh tại trường là các môn học văn hóa. Việc tiếp nhận thông tin trong đời sống thường ngày đã khó, thu nhận kiến thức từ các môn học còn vất vả gấp nhiều lần. Thầy Sơn, giáo viên Toán, cho biết: “Một bài toán đơn giản với học sinh bình thường chỉ cần khoảng một phút để hoàn thành, nhưng với học sinh ở đây phải mất hơn 5 phút. Đó là chưa kể hôm nay nghe giảng bài, hôm sau các em lại như tờ giấy trắng”.
Bảo Ngọc, 12 tuổi, đang học lớp 2, là một trong số nhiều học sinh ở trường phải học chương trình thấp hơn so với độ tuổi. Mỗi lớp học tuy cùng trình độ nhưng tâm sinh lý học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau buộc các cô giáo phải thật sự hiểu rõ và kiên trì với từng em khi truyền đạt kiến thức.
Với bậc giáo dục mầm non, lớp học có thể diễn ra ở mọi hoàn cảnh. Cô giáo đang dạy một học sinh cách phát âm những đồ vật xung quanh trong lúc chờ phụ huynh đón về. Những em được vào học tại trường từ khi còn nhỏ sẽ có khả năng phục hồi chức năng tốt hơn so với các em vào học khi đã lớn.
Gương được đặt nhiều nơi trong trường học để cô giáo có thể sửa ngay khẩu hình của học sinh khi nói sai. Cô Hằng kể, có lần một em học sinh dù tập nói rất nhiều lần nhưng vẫn thất bại, em nản chí quay sang nói với cô: “Cô ơi, em cố lắm rồi nhưng vẫn không được”. Câu nói bập bẹ của em học sinh khiến cô Hằng tự nhủ càng phải kiên trì hơn nữa để cùng các em thoát ra khỏi sự thế giới của sự im lặng.
Gắn bó với ngôi trường từ năm 3 tuổi, Phương Nghi, 16 tuổi, học lớp 6A, là một trong những học sinh giỏi của trường. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại có người chị song sinh cũng mắc tật điếc câm, Nghi càng muốn nỗ lực học tập thật nhiều. Nghi chia sẻ: “Em muốn học tiếp rồi làm thợ may, biết là khó nhưng em sẽ thử, em muốn cố gắng vì ba mẹ, thầy cô”.
Bên cạnh những giờ học văn hóa, các em cũng được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như múa, hát, vẽ, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản… Trải qua nhiều nỗ lực học tập phi thường, giờ đây, các em có thể nói câu chào ba mẹ thầy cô, biết nhảy múa khớp theo nền nhạc dù không nghe được. Các em tự biết chăm sóc bản thân và giúp đỡ lẫn nhau nhiều công việc đơn giản trong sinh hoạt.
Một buổi sáng đầy bận rộn của thầy cô thường kết thúc bằng bữa cơm trưa muộn, sau đó lại tiếp tục với các lớp học buổi chiều. Hơn 30 năm kể từ ngày bén duyên với giáo dục trẻ khuyết tật thính giác, cô Ngời tự hào vì những cố gắng của mình và các thầy cô đã được đền đáp bằng những thành công của học sinh khi tự hòa nhập.
Cô chia sẻ: “Có những em sau nhiều năm ra trường đã có việc làm, lập gia đình, hoặc có thể làm được nhiều điều mà các em muốn như một người bình thường, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”.
Nguồn: Đời Sống Pháp Luật
Tin cùng chủ đề
Tin mới
Các tin khác
- Giấc mơ giấy xoắn của cô gái một chân - 08/06/2015 04:33
- Những chàng trai khuyết tật không đầu hàng số phận - 05/06/2015 04:08
- Chàng trai khuyết tật “siêu” công nghệ - 03/06/2015 05:08
- Văn chương mở lối cuộc đời - 03/06/2015 04:56
- Cô thủ thư khuyết tật trở thành biên kịch phim nổi tiếng - 22/05/2015 07:21