“Sống không chỉ vì mình mà còn vì cộng đồng” là khát khao cháy bỏng của cô gái khuyết tật với giấc mơ giấy xoắn.
Khuyết tật đôi chân, nhưng bù lại Thúy Vi (37 tuổi) có đôi bàn tay khéo léo. Chính nó đã đem cho Thúy Vi niềm vui trong cuộc sống và góp phần mang lại hạnh phúc cho nhiều bạn trẻ khuyết tật khác.
Chị Thúy Vi. |
Từ giấc mơ…
3 tuổi, Nguyễn Thụy Thúy Vi cùng người chị sinh đôi bị sốt bại liệt. Hậu quả là Thúy Vi bị liệt 1 chân, còn người chị bị hỏng 1 con mắt. Phải khó khăn lắm Thúy Vi mới vượt qua được đau đớn để có những bước đi chập chững. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cộng với việc muốn Thúy Vi có thể hòa nhập cộng đồng nên cha mẹ đã gửi Vi vào Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ bại liệt mầm non quận 3 (TP.HCM). Tròn 12 tuổi, Thúy Vi trở về nhà, đi học như những người bạn bình thường khác, chỉ có điều với một chân mang nẹp sắt.
Học hết lớp 12, tự ti mình là người khuyết tật, Thúy Vi không nghĩ đến việc thi đại học. Xin được việc trong khu chế xuất gần nhà, Thúy Vi chăm chỉ làm việc. Chị nhớ lại: “Mình luôn cố gắng để mọi người biết rằng dù khiếm khuyết nhưng mình vẫn sống một cuộc đời có ích. Mình còn tranh thủ đi học thêm lớp học đồ họa buổi tối nữa. Đồ họa vẫn là niềm mơ ước của mình, và mình quyết tâm theo đuổi nó”.
Làm việc được 4 năm, công ty bất ngờ giải thể. Chị Vi đi làm nhân viên đồ họa ở một công ty khác, với mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm. Tuy nhiên, khoảng cách phần nào đánh gục cô gái khuyết tật. Những ngày thức khuya dậy sớm, nhọc nhằn di chuyển trên xe bus đi làm trở nên quá khó khăn. Một lần nữa chị Thúy Vi chuyển việc về gần nhà. Trong quá trình làm việc, vì muốn có được một lương cao hơn, xứng đáng hơn, 30 tuổi, chị Vi quyết định đăng ký thi đại học.
Cơ sở của chị hiện có 11 người. |
Khi học Mỹ thuật Công nghiệp của Đại học Hồng Bàng, Thúy Vi được tiếp xúc với tranh giấy xoắn. Tình yêu và giấc mơ của cô gái tuổi 30 bắt đầu từ đó. Chị kể: “Mình với giấy xoắn có một sức hút đặc biệt. Có lần mình nói với thầy giáo rằng sau khi ra trường, nhất định em phải mở một tiệm làm giấy xoắn cùng với những người khuyết tật khác”.
Năm 2013, tốt nghiệp đại học, Thúy Vi tự tin mở cơ sở giấy xoắn kèm theo vẽ trang trí áo, gối. Nhờ sự giúp đỡ về mặt kinh nghiệm của thầy cô và những người đi trước, Thúy Vi đã có những bước khởi đầu thuận lợi hơn, không chỉ cho riêng mình mà cho cả những chàng trai, cô gái khuyết tật như mình.
Đến cơ sở giấy xoắn khuyết tật
Hiện tại, cơ sở giấy xoắn của chị Thúy Vi ở Cư xá Vĩnh Hội (quận 4, TPHCM) là nơi làm việc của 11 bạn trẻ khuyết tật, cũng là mái nhà hàng ngày các chị em đùm bọc lẫn nhau. Để có được như ngày hôm nay, đầu tàu Thúy Vi đã phải kéo theo bao nhiêu nỗi nặng nhọc, cả mồ hôi, nước mắt.
Cả cơ sở chỉ có chị Thúy Vi là người có tay nghề chính, cả kỹ năng lẫn kinh nghiệm nên gần như cô lo từ A tới Z việc đi các chợ sưu tầm nguyên liệu đến đi chào hàng, giao hàng…
Chị Thúy Vi cho biết, làm tranh giấy xoắn không khó, nhưng nó đòi hỏi người làm phải thật cẩn thận, tỉ mỉ và chi tiết. Sau khi mở cơ sở giấy xoắn, nhiều bạn trẻ khuyết tật tìm đến xin vào làm và học nghề. Đúng với mục đích ban đầu, chị Thúy Vi không ngần ngại nhận và ngày càng mở rộng hoạt động. Thế nhưng trái với những dự tính của chị, việc tìm đầu ra cho giấy xoắn vô cùng khó khăn, nhất là khi tự mình phải cáng đáng tất cả mọi việc. Hàng tháng, chị Vi trả tiền công cho mỗi bạn là 2 triệu đồng, chưa kể ăn ở. Không bao giờ chị Vi để các bạn phải chờ đợi tiền lương. Nhưng xét lại bản thân mình, có tháng chị chẳng nhận được gì.
Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ. |
May mắn là nhiều nhân viên của chị rất khéo tay và tự học hỏi lẫn nhau nên không mất nhiều thời gian để làm quen với công việc. Những người bạn này cũng đồng hành cùng chị Vi vượt qua những giai đoạn khó khăn. Có tháng, mấy chị em phải dùng xe đẩy tranh và những phụ kiện đi bán dạo ở các địa điểm du lịch nhằm kiếm thêm chút vốn trang trải thêm cuộc sống.
Cũng như những bạn khác, Lê Thị Ánh Tuyết (24 tuổi, Bến Tre) được chị Thúy Vi tạo công ăn việc làm hơn 1 năm nay. Nhờ một người dì giới thiệu mà Ánh Tuyết biết đến chị Thúy Vi và giấy xoắn. Ánh Tuyết nói: “Cùng cảnh ngộ nên chị Vi với tụi mình có sự đồng cảm rất lớn. Có làm ở đây mới biết tâm huyết chị Vi dành cho cơ sở giấy xoắn này. Dù ai có nói gì thì chị Vi vẫn quyết tâm duy trì nghề giấy xoắn, mình thực sự rất khâm phục chị”.
Với chị Thúy Vi, giấy xoắn là mơ ước và là tâm huyết trong cuộc sống đầy những khó khăn mà hàng ngày cô phải đối mặt. Nhưng không vì thế mà chị Vi từ bỏ đam mê của mình. Chị Thúy Vi có niềm tin mãnh liệt rằng một ngày nào đó nơi đây sẽ trở thành ngôi nhà chung của những người khuyết tật.
Cùng xem một số sản phẩm của chị Thúy Vy:
|
Nguồn: Baodatviet.vn
Tin mới
Các tin khác
- Những chàng trai khuyết tật không đầu hàng số phận - 05/06/2015 04:08
- Chàng trai khuyết tật “siêu” công nghệ - 03/06/2015 05:08
- Văn chương mở lối cuộc đời - 03/06/2015 04:56
- Cô thủ thư khuyết tật trở thành biên kịch phim nổi tiếng - 22/05/2015 07:21
- Danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ tại Chương trình “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ 12 năm 2015 - 21/05/2015 08:18