Mua thực phẩm, cách chế biến... được đưa vào chương trình học của trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu giúp các em khuyết tật tự phục vụ bản thân.
Giờ ra chơi thứ tư hàng tuần trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM) đông vui hơn ngày thường nhờ gian hàng ẩm thực do học sinh khiếm thị của lớp chuyển tiếp tự nấu và bày biện. Đây là những em không có khả năng theo học chương trình văn hóa, được chuyển sang học kỹ năng tự phục vụ.
Từ sáng sớm, Ngọc Thy (19 tuổi) cùng các bạn, cô giáo đi chợ mua thực phẩm, gia vị cho buổi nấu ăn. Riêng đồ uống, các em ủ sữa để làm yaourt và nấu sẵn nước sâm cho vào tủ lạnh từ hôm trước.
Về đến nhà bếp thực hành nấu ăn của trường, các em phân chia việc để làm món bánh mì kẹp thịt. Trong khi Thy sờ soạng tìm đúng chai nước mắm, bột nêm, hũ muối để ướp thịt thì An Thuận (21 tuổi) ngồi cắt hành lá.
Thuận kể, ban đầu việc này rất khó vì phải mất nhiều thời gian mới quen được hình dáng cây hành. Sau khi cô giáo cầm tay chỉ bảo cách làm, Thuận đã tự điều chỉnh được dao và cầm hành sao cho các lát cắt vừa nhỏ, đẹp mà không bị đứt tay.
"Bây giờ tôi có thể tự cắt hành, thái rau, ướp thịt và nấu những món đơn giản dù vẫn chưa ngon. Ngoài bánh mì kẹp thịt, tụi tôi còn được học cách làm bánh canh, hủ tiếu, cách muối dưa cải, muối cà pháo và pha cà phê", Thuận chia sẻ.
Học sinh khiếm thị tự tay cắt hành lá. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ở chiếc bàn kê cạnh bếp, các bạn khác lau đũa, xếp giấy ăn, cắt bánh mì. Sau đó, các em sắp bánh mì vào chiếc rổ, để thịt đã nấu chín và hành phi trong tô.
"Em thích học nấu ăn vì có thể tự chăm sóc bản thân, không trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Em muốn tự mở tiệm bán đồ ăn kiếm sống sau này", một học sinh tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Thu Sương (người trực tiếp hướng dẫn lớp chuyển tiếp) cho biết, để các em thành thạo cách làm một món ăn thì cô trò mất rất nhiều thời gian.
Chẳng hạn, với món bánh mì kẹp thịt, cô phải hướng dẫn từ công đoạn mua nguyên liệu đến chế biến, thái hành, phi thơm, nêm nếm gia vị…
"Với người bình thường thì nhìn một lần sẽ nhớ. Dạy cho trẻ khiếm thị thì phải cầm tay, chỉ bảo nhiều lần các em mới làm được", cô giáo có gần 30 năm gắn bó với trẻ khiếm thị nói và cho biết để dạy các em sử dụng bếp gas cô phải khuyên nhủ, động viên nhiều lần họ mới vượt qua nỗi sợ.
Việc bày bán sản phẩm ở sân trường vừa là bài học kỹ năng bán hàng cho các em khuyết tật, vừa là sân chơi giúp học sinh cả trường được giao lưu, gắn kết.
"Từng việc đều rất khó nhưng cô trò không bao giờ bỏ cuộc", cô Sương nói và ví von mỗi món ăn các em hoàn thành như một công trình thực thụ.
Các em tự bày bán sản phẩm làm được. Ảnh: Mạnh Tùng.
Hiệu trưởng Hà Thanh Vân cho biết, đây là năm thứ ba trường tổ chức lớp học chế biến thực phẩm cho các em khiếm thị. Hoạt động nằm trong chương trình chuyển tiếp của trường, gồm giáo dục kỹ năng sống và học nghề. Ban đầu trường sẽ dạy các em học nấu ăn, sau đó là dạy giặt là, làm nhang…
"Nhiều em học chương trình chuyển tiếp ở trường có thể tự chăm sóc bản thân, làm các công việc đơn giản mưu sinh. Ban đầu nhiều phụ huynh đắn đo, e ngại nhưng sau đó thấy con mình tiến bộ, họ vui và ủng hộ nhà trường", bà Vân nói.
Nguồn: Phụ Nữ News
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Thể dục thể thao - Cơ hội rèn luyện sức khỏe và thể hiện ý chí của NKT - 02/12/2016 03:29
- Làm việc thiện cho đời thêm vui - 01/12/2016 09:02
- Bị xe buýt lảng tránh, người khuyết tật nén đau, đi xe ôm - 24/11/2016 06:46
- Tổ chức của NKT với công tác truyền thông - 21/11/2016 03:33
- Hãy lạc quan vượt qua thử thách - 18/11/2016 03:51
Các tin khác
- Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh: Với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khiếm thị - 04/11/2016 03:27
- Làm việc thiện là niềm vui sống - 03/11/2016 07:41
- Khát khao “mở” thế giới bằng đôi tay - 14/10/2016 06:37
- Khai mạc Triển lãm "Đối thoại trong bóng tối và tạo điều kiện tiếp cận cho người mù" - 10/10/2016 02:53
- Điều gì đã làm nên nhà vô địch Paralympic Lê Văn Công? - 06/10/2016 04:57