Số phận đã không mỉm cười với cậu học trò khuyết tật Nguyễn Trọng Tín (SN 1996) khi em sinh ra phải mang trong người căn bệnh xương thủy tinh. 12 năm qua, em đến trường trên lưng gầy của người cha già. Và người cha này cũng là bạn đồng hành đưa em vào Đà Nẵng dự thi THPT quốc gia.
Vượt lên mọi bất hạnh của bản thân, Nguyễn Trọng Tín vẫn quyết tâm chinh phục “vũ môn” để thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin của mình. Trọng Tín sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Cuộc đời em là một câu chuyện dài về nghị lực phi thường, là tấm gương trẻ tiêu biểu về sự hết mình chiến đấu vượt lên hoàn cảnh số phận. Suốt 12 năm ăn học, Tín lê lết trên đôi chân non yếu của mình cả chục lần. Người cha già hàng ngày cõng con đến trường rồi lại cõng con về. Đối với người khác, hành trình tìm chinh phục tri thức vốn đã vất vả, gian nan thì đối với 9X này, con đường đó còn khó đi hơn gấp vạn lần.
Năm 1996, Tín chào đời trong sự hân hoan của đại gia đình. Ai cũng nghĩ, cậu bé kháu khỉnh ấy rồi sẽ có một tương lai tốt đẹp. Nhưng nghịch cảnh thật trớ trêu, chỉ ít ngày sau khi chào đời, các bác sĩ đã phát hiện ra đôi chân của cậu không không giống những người bình thường. Căn bệnh xương thủy tinh đã khiến cơ thể của chàng trai trẻ teo tóp, bé nhỏ như một đứa trẻ mới lên 10.
Số phận trớ trêu là vậy nhưng tất cả những đớn đau ấy vẫn không ngăn được ham muốn và lòng quyết tâm được đến trường, trau dồi tri thức của cậu học trò khuyết tật. Tín khao khát được đi học giống như đó vốn là một nhu cầu thiết yếu cho sự sống.
Biết được lòng ham muốn của con, cha mẹ Tín, dù nghèo khó vẫn gắng hết sức nuôi con ăn học. Vì đôi chân Tín đã gãy, không đi lại được nên suốt 12 năm qua, người cha đã nguyện làm đôi chân để cậu có thể cắp sách đến trường mỗi ngày.
Như để đền đáp công ơn, sự kỳ vọng của gia đình, suốt những năm học phổ thông, Tín luôn là học sinh khá giỏi của trường. Dù không có điều kiện đi học thêm, học kèm như các bạn khác nhưng Tín lại học rất giỏi ba môn Toán – Lý – Hóa. Trong đó riêng điểm tổng kết môn Toán của Tín tất cả các năm học đều trên 9 phẩy.
Ước mơ của Tín là luôn được chinh phục những thử thách mới. Kết thúc khóa học THPT, Tín lại cùng cha lên Đà Nẵng “lai kinh ứng thí”. Từ quê ra, hai cha con vất vả lắm mới tìm được căn phòng trọ nhỏ, chật hẹp gần trường CĐ Công nghệ thông tin Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Hoàng cho biết: “Chiều ngày 29/06, tôi và con mới lên đến TP Đà Nẵng. Lạ đường lạ xá, phải nhờ các bạn tình nguyện viên giúp đỡ mới tìm được chỗ trọ”.
Đến thăm Tín giữa một ngày nắng nóng, trong căn phòng chật chưa đầy 12m2, “cậu bé xương thủy tinh” vẫn say sưa học bài. Nhìn thấy Tín, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi chàng trai nhỏ bé ấy có khuôn mặt rất khôi ngô, tuấn tú và đặc biệt trên môi luôn nở một nụ cười rạng ngời, tràn đầy sức sống.
“Em thật sự đang rất áp lực vì lần đầu tiên bước vào một kỳ thi căng thẳng và mang tính quyết định như thế này. Thật sự em không muốn nói nhiều về thành tích học tập của bản thân mình vì trước hết em lo tập trung cho kỳ thi quyết định này cái đã… Em không dám tự tin là mình có đậu Đại học hay không nhưng em sẽ cố gắng hết sức để không phụ lòng gia đình và những người đã đặt sự kỳ vọng vào mình” – Tín chia sẻ.
Dù cơ thể khiếm khuyết, lại phải luôn căng mình chống chọi với bệnh tật, nhưng cậu bé được mệnh danh là “xương rồng phố núi” ấy chưa bao giờ có ý định nghỉ học. Năm Tín học lớp 8, vì phải nhập viện để điều trị căn bệnh nên Tín phải nghỉ học một năm. Thế nhưng vừa mới lành vết thương sau ca phẫu thuật đặc biệt, Tín lại nằng nặc đòi cha cõng đến lớp cho bằng được. Thương con, nên ông Hoàng đành phải làm thủ tục cho Tín đi học trở lại. Cứ thế, hằng ngày hình ảnh một cậu bé tật nguyền có nụ cười tỏa nắng viết ước mơ trên lưng cha đã quá quen thuộc với người dân nơi huyện nghèo Phú Ninh.
Cha Tín tâm sự: “Nhà làm nông nghèo mà con lại bệnh tật cũng khó khăn lắm.Tội nghiệp nó bị bệnh tật mà vẫn nỗ lực học giỏi nên vợ chồng tôi cũng có được niềm an ủi. Ông trời đã an bài số phận như vậy thì thôi tôi đành chấp nhận gánh hết, giờ tôi chỉ mong nó bình tĩnh để có thể vượt qua kỳ thi quan trọng này và có một tương lai tươi sáng hơn”.
Có lẽ đối với Tín bây giờ, nói về cánh cổng vào đại học dường như vẫn còn quá sớm, nhưng nhìn sự quyết tâm trong đôi mắt đầy nhựa sống của “cậu bé xương thủy tinh” này thì chúng tôi tin chắc rằng Tín sẽ chinh phục được ước mơ của mình. Vì cuộc đời luôn dành phần thưởng xứng đáng nhất cho những ai bền chí.
Nguồn: Trí thức trẻ