Gác lại nỗi nhớ thương vì sớm phải lìa xa những người thân yêu nhất, cô học trò mồ côi mẹ Trần Thị Thanh Nhuần (Quảng Bình) và cậu sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ ATing Toàn (Quảng Nam) đã không ngừng nỗ lực đạt nhiều thành thích đáng khâm phục trong học tập. Với kết quả học tập xuất sắc, Thanh Nhuần và ATing Toàn đều hy vọng sớm vươn tới hoàn thành được những ước mơ ấp ủ bấy lâu.
Mồ côi mẹ vẫn đạt giải Quốc gia
Thiếu vắng bàn tay ấm áp, chở che của mẹ khi còn là cô trò nhỏ đang theo học lớp 4, Trần Thị Thanh Nhuần phần nào cảm nhận được thiệt thòi vì thiếu thốn tình mẫu tử thiêng liêng. Không còn mẹ, Nhuần và 8 anh em của mình được bố chăm sóc, bảo ban việc học hành. Để nuôi nấng, lo lắng cho đàn con thơ dại, bố Nhuần phải lao động vất vả, hàng ngày phải dậy từ rất sớm thu hoạch rau màu cho kịp mang tới phiên chợ, khi thì cố sức trồng thêm những loại rau, củ gối vụ, những mong có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, các con không phải thiếu ăn, bỏ học giữa chừng.
Đáp lại công ơn với bậc sinh thành, cô học trò mồ côi luôn siêng năng, đỡ đần bố việc nhà và tự giác học tập. Nhuần thường xuyên chia sẻ buồn vui, nhọc nhằn và cả những lo toan với bố, cũng như biết cách làm cho bố vui bằng chính những thành tích nổi bật trong học tập.
Cô học trò mồ côi nghèo mong mỏi vượt qua kỳ xét tuyển Đại học để có cơ hội trở thành chiến sĩ công an nhân dân
Trong tâm khảm cô học trò mồ côi Trần Thị Thanh Nhuần thường khắc ghi lời căn dặn của bố, đó là chỉ học giỏi mới có cơ hội thoát nghèo. Bởi thế, Nhuần đã cố gắng tranh thủ mọi thời gian rảnh để ôn bài, đọc sách tham khảo. Đó cũng là lý do giúp cô học trò mồ côi nghèo có được danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền.
Nhuần tâm sự: “Trong tất cả các môn học, em yêu thích nhất môn địa lý. Từ khi thi đỗ vào trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, em càng có thêm cơ hội để thoả sức với niềm yêu thích của mình. Ngoài những bài giảng trên lớp của thầy cô, em còn dành thêm thời gian tìm đọc tài liệu để thu nhận nhiều hơn kiến thức, hiểu biết về bộ môn này”.
Niềm đam mê môn địa lý đã mang đến cho cô học trò mồ côi khá nhiều phần thưởng đáng tự hào. Với sự nhanh nhạy, nắm bắt chắc kiến thức môn Địa lý, Nhuần đã vinh dự đạt được giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi vượt cấp tỉnh Quảng Bình năm lớp 10 và giải Nhì cấp tỉnh năm lớp 11. Không bằng lòng với những kết quả đạt được, Nhuần không ngừng nuôi dưỡng ý chí phấn đấu, tiếp tục đạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia năm lớp 12 mới đây.
Học giỏi địa lý nhưng Nhuần lại ước mơ trở thành một chiến sĩ công an nhân dân, góp phần mang lại bình yên cho quê hương. Với kết quả học tập xuất sắc, Nhuần hy vọng sẽ vượt qua đợt xét tuyển để có cơ hội biến ước mơ trở thành sinh viên trường Học viện An Ninh trong năm học tới đây.
Đem chữ về với bản làng
Ngôi nhà nhỏ nằm ở cuối làng Gừng, thuộc thị trấn P’Rao, huyện Đông Giang là nơi cậu sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ Ating Toàn được sinh ra và lớn lên. Chịu đựng nỗi mất mát lớn lao khi bố mẹ lần lượt qua đời khi mới tròn 10 tuổi, khiến Toàn trở nên tự ti và trầm tính. Được anh trai thay bố mẹ chăm sóc, thầy cô, bè bạn động viên và Ban Giám hiệu trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Nam tạo điều kiện, Toàn may mắn không phải lỡ dở việc học tập, điều đó đã tiếp thêm nghị lực, ý chí cho cậu học trò mồ côi dân tộc Ca Tu vững tâm tới trường.
Đáp lại tình thương yêu của mọi người và sự quan tâm, chăm sóc của anh trai, Toàn tự dặn mình nỗ lực học tập, rèn luyện. Kết quả là, nhiều năm liền Toàn đạt thành tích học sinh giỏi xuất sắc. Cậu học trò mồ côi cũng là học sinh duy nhất của trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Nam đạt Huy chương Vàng, Bạc môn tiếng Anh tại Hội thi văn hóa thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc trong hai năm học lớp 9 và 10.
Có sở thích và năng khiếu học ngoại ngữ, Toàn quyết định đăng ký dự thi vào khoa Ngoại ngữ trường Đại học Quảng Nam và Đại học Ngoại ngữ Huế. Niềm vui khôn xiết đến với cậu học trò mồ côi, bởi cùng một lúc đón nhận hai tin mừng thi đỗ hai trường Đại học và đều lọt trong tốp những thí sinh đạt điểm cao nhất. Mong ước trở thành thầy giáo, được đem cái chữ về với bản làng dạy học cho trẻ em nghèo miền núi của quê hương, thôi thúc Toàn lựa chọn theo học ngành sư phạm.
ATing Toàn đang từng ngày nuôi dưỡng ước mơ làm thầy giáo cho trẻ em nghèo của quê hương
Toàn bộc bạch: “Con đường tương lai phía trước em còn lắm chông gai, nhưng em tin bằng ý chí vượt khó, sự chăm chỉ, siêng năng, cần cù, em tin mình sẽ sớm trở thành thầy giáo, sớm được đóng góp sức trẻ, trí tuệ để truyền dạy ngoại ngữ cho trẻ em nghèo miền núi và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Không muốn anh trai phải lo lắng, vất vả vì em nhiều hơn nữa, suốt 3 năm học Đại học qua, em đã tranh thủ đi làm thêm để tự kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng ước mơ của mình”.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin mới
- Bí quyết “giữ lửa” của các gia đình người khuyết tật - 23/07/2015 04:38
- Nghị lực của Liên - 07/07/2015 02:02
- Chuyện về một người cán bộ khiếm thị giàu nghị lực - 06/07/2015 01:58
- Đi thi trên đôi chân của anh - 03/07/2015 05:50
- Cậu bé xương thủy tinh và hành trình dự thi THPT quốc gia trên lưng cha - 03/07/2015 05:35