Thứ sáu, 22 Tháng 5 2015 14:21

Không có được một cơ thể khỏe mạnh như những người khác, lại từng trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ, những tưởng người phụ nữ ấy sẽ không còn đủ sức để mà gượng dậy. Nhưng với trách nhiệm của một người con không muốn “ăn bám” gia đình, trách nhiệm của một người mẹ không muốn con mình đói khổ, chị đã từng bước “rũ bùn” đứng dậy. Chị là Nguyễn Thị Mộng Thu, tác giả của những cuốn phim truyền hình hút khách như “Pha lê không dễ vỡ”, “Chạy trốn tình yêu”, “Quý bà lắm chiêu”…

 

Chan dung Co thu thu khuyet tat

Chị Nguyễn Thị Mộng Thu (đứng giữa) trong một lần về thăm trường cũ

 

Vươn lên để không phải “ăn bám”

Chị Nguyễn Thị Mộng Thu (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) chào đời với một cơ thể khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Má Thu kể lại rằng, mới bảy, tám tháng tuổi, chị đã biết vịn song cửa sổ để trèo lên. Cho đến khi chị được 9 tháng tuổi. Sau cơn sốt bại liệt chị bị di chứng với cánh tay phải yếu ớt, hai chân yếu, đi đứng không vững vàng, khả năng vận động bị hạn chế rất nhiều.

Dù gia đình không khá giả gì, nhưng ba mẹ không ngại tốn kém tiền bạc và công sức, đưa Thu đi chạy chữa khắp nơi, từ Tây y, Đông y, nhưng cuối cùng vẫn phải tuyệt vọng nhìn tứ chi của chị yếu đi từng ngày. Thu lớn lên với cánh tay phải gần như không làm được gì, đôi chân yếu ớt chỉ cần va quẹt nhẹ cũng có thể té nhào. Cha mẹ, gia đình không có khả năng dành cho chị những điều kiện vật chất thật tốt để hỗ trợ khiếm khuyết cơ thể, nhưng chính nhờ vào sự thương yêu và những động viên, khích lệ của mọi người, chị đã cố gắng vươn lên để sống tốt và sống có ích cho xã hội.

Lúc nhỏ, vì nhà xa trường, chị phải thức dậy từ 3 giờ sáng, đi bộ quãng đường hơn 3km để kịp giờ học. Đoạn đường ấy còn có một cây cầu khỉ mà một mình Thu không thể nào qua được. Vậy là mỗi ngày, người thân trong nhà thay nhau đưa chị qua cầu, lúc về chị lại ngồi bên kia cầu để đợi người nhà hoặc gặp ai thì nhờ đưa qua. Vất vả là thế nhưng chị Thu vẫn không thấy tủi thân bằng những khi té ngã trên đường, hai đầu gối quần rách bươm,n rỉ máu, toàn thân là bùn đất. “Nỗi đau cơ thể bị thương tích cùng với nỗi đau, nỗi mặc cảm vì bị bạn bè trêu chọc lúc đó gần như đã đánh gục tôi, tôi đã từng có ý nghĩ muốn nghỉ học và sống chui rúc trong cái vỏ ốc cô đơn của mình”, chị Thu nhớ lại.

Nhưng rồi, sau lần nghe được tâm sự của ba mẹ nói với nhau về mình, chị đã đổi khác. Chị kể lại “Lúc đó má tôi đã khóc vì lo lắng không biết khi ba má mất đi tôi sẽ sống như thế nào, các anh chị em có cưu mang được tôi hay không? Má ước gì có thể đổi cho tôi, để tôi có thể chạy nhảy, nô đùa như những đứa trẻ khác. Khi nghe được lời đó của má, tôi đã khóc rất nhiều. Từ hôm đó, tôi luôn tự nhủ với bản thân phải cố gắng vươn lên để ba má yên lòng để bản thân mình không trở thành một kẻ sống “ăn bám” vào gia đình và xã hội”. Cũng từ quyết tâm đó, chị Thu tập trung hơn vào việc học, những dáng vẻ bề ngoài không còn là nỗi lo sợ của chị nữa. Với những bước chân yếu ớt và chiếc quần vá chằng, vá đụp nơi đầu gối, chị đã đi hết những năm học phổ thông với kết quả học tập luôn đạt khá, giỏi. Chị tự hào, hãnh diện khi đứng trước toàn trường với chiếc quần vá gối nhận danh hiệu học sinh giỏi và được tuyển vào đội học sinh giỏi Văn của tỉnh Tiền Giang tham gia cuộc thi toàn quốc.

Tốt nghiệp cấp III, nghe mọi người giới thiệu, ba mẹ chị Thu đã gom tất cả tiền bạc đưa chị vào Bệnh viện Chấn thương, Chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh. Sau 1 năm phẫu thuật và luyện tập, chị đi lại tốt hơn, không té thường xuyên như trước.

Trở thành biên kịch phim nổi tiếng

Năm 1990, sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp Thư viện, trường Văn hóa Thủ Đức, chị Thu đi nộp đơn xin việc ở nhiều nơi mà không nơi nào nhận. Họ sợ chị yếu ớt, không làm được việc. Buồn vì bạn bè cùng khóa đã lần lượt ổn định trong khi mình vẫn lông bông, chị viết thư gửi chuyên mục “Trao đổi tâm tình” của báo ấp Bắc và may mắn được biên tập viên của chương trình giới thiệu vào làm việc tại Trường Xây dựng cuộc sống mới tỉnh Tiền Giang.

Hai năm sau, chị Thu lập gia đình, rồi sinh con, công việc ở Trường chị không thể tiếp tục nên nghỉ việc. Chồng đi làm xa, cuộc sống càng khó khăn hơn khi có con nhỏ. Vừa chăm sóc con, chị Thu vừa tranh thủ học may ở gần nhà, sau đó gửi con về ngoại để lên thành phố may gia công cho các cửa hàng. Rồi chị xin được vào làm nhân viên thư viện ở trường Trung học phổ thông Trương Định, thị xã Gò Công – đúng với chuyên ngành đã học. Những tưởng cuộc sống dù khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng cùng nhau gắng sức thì cũng nuôi dạy con nên người. Nhưng thật buồn, 6 năm sau ngày cưới, cuộc hôn nhân của chị đổ vỡ, chị một mình nuôi con. Đồng lương của nhân viên thư viện không đủ để trang trải cho hai mẹ con, ngoài nghề nghiệp chính, chị Thu đã phải làm thêm rất nhiều nghề khác để có thêm thu nhập. Không ngờ, cũng trong thời kỳ khó khăn này mà chị phát huy năng khiếu từ nhỏ của mình, từng bước tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật.

Một trong những “nghề phụ” kiếm cơm của chị Thu lúc ấy là làm thơ, viết truyện gửi cho các báo. Những sáng tác của chị được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, được đăng tải thường xuyên trên các báo, tạp chí của tỉnh và cả nước. Chị được kết nạp vào Hội văn nghệ tỉnh Tiền Giang, rồi nhận được lời mời viết sách. Vậy là, mỗi ngày, sau giờ làm việc ở trường, lo cho con xong, chị lại cặm cụi viết. Gia tài của chị Thu cứ như thế được chất dầy thêm. Tính đến nay, chị đã có trên 50 cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn được xuất bản thành sách cùng với rất nhiều bài thơ, truyện ngắn, tản văn đăng trên các báo.

Năm 2011, chị mày mò tự học và thử sức mình ở lĩnh vực viết kịch bản phim truyền hình. Chỉ trong thời gian ngắn, các tác phẩm của chị đã được dựng thành phim, được đông đảo khán giả truyền hình ái mộ như: Xương rồng trên cát, Quý bà lắm chiêu, Giải mã tình anh, Pha lê không dễ vỡ, Sỏi đá cũng biết yêu, Chạy trốn tình yêu, Nợ ân tình, Giông tố cuộc đời… Hiện chị có 3 kịch bản đang quay và nhiều hợp đồng đã ký.

Mặc dù sáng tác không ngừng nghỉ, nhưng chị Thu vẫn không lơ là công việc chính của mình là nhân viên Thư viện trường học. Với sự góp sức của chị, Thư viện Trường THPT Trương Định nhiều năm liền được danh hiệu Thư viện Trường học tiên tiến xuất sắc. Riêng cá nhân chị Thu nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” và được nhận huy chương với thành tích “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”.

Bận rộn với công việc, chị cũng không quên mình là một người mẹ, quên đi bổn phận nuôi dạy con cái. Chính vì vậy, niềm tự hào lớn nhất của chị bây giờ không phải ở những giải thưởng, những thước phim mà chính là cậu con trai 22 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 4 khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Chị tự hào vì bản thân mình đã vượt qua tất cả thách thức của cuộc sống, sống tự lập và khẳng định mình với mọi người.

“Cuộc sống tinh thần và vật chất của tôi hiện nay đã tương đối ổn định. Để có được thành quả ấy, tôi thực sự cảm ơn cuộc đời đã cho tôi có nhiều cơ duyên để gặp gỡ và phát triển, cảm ơn mọi người đã không nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ thị. Tôi vẫn ấp ủ một mơ ước là viết một bộ phim về những người khuyết tật như một lời động viên dành cho bạn bè đồng cảnh ngộ, và một lời khẳng định với mọi người rằng: Những người khuyết tật chúng tôi có thể “tàn” nhưng không “phế”, Chị Thu chia sẻ.  

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Bình luận   

0 #3 Thu Hằng 45:19 06-09-2015
khâm phục cô nhiều chúc cô có nhiều sức khỏe và luôn hạnh phúc
Trích dẫn
0 #2 Nguyễn Thị Mộng Thu 35:18 30-05-2015
Cô cảm ơn em rất nhiều. Chúc em sức khoẻ và thành công.
Trích dẫn
+1 #1 Trần Minh Mão 42:22 28-05-2015
Em là học sinh của trường THPT Trương Định 12k54.Tuy không được học cô,và em cũng rất ít khi lên thư viện của trường đọc sách và em chỉ biết cô vào lúc làm lễ tiễn cô về hưu.Sau khi đọc được bài báo này em rất khâm phục vào nghị lực của cô.Chúc cô ngày càng thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật của mình...
Trích dẫn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi