Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng là phương pháp tốt nhất để trẻ được phát triển toàn diện. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, do những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, việc đưa trẻ em khuyết tật vào chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội vẫn còn khá phổ biến. Để các em được thụ hưởng những quyền lợi của mình, bình đẳng như những trẻ em khác, Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách tương đối hoàn chỉnh liên quan đến việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng, trong đó có các quy định về Tiêu chuẩn chăm sóc tại cơ sở Bảo trợ xã hội (BTXH), thể hiện tại Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH ngày 25/2/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hiện trạng áp dụng các tiêu chuẩn chăm sóc của Thông tư là minh chứng cho việc thực hiện quyền trẻ em đồng thời cũng là căn cứ để vận động chính sách, chương trình nhằm cải thiện tốt hơn việc chăm sóc và thực hiện quyền của trẻ em khuyết tật.
Các cơ sở BTXH đáp ứng 30% nhu cầu trợ giúp xã hội
Trong những năm qua, với sự nỗ lực của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng trong việc hỗ trợ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những trẻ em khuyết tật. Bằng việc phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc và Công ước quốc tế về Quyền của NKT Việt Nam đã thể hiện cam kết với thế giới về việc đảm bảo các quyền của trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng sẽ được thực hiện. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng đã nêu rõ quyền của trẻ em và trách nhiệm của gia đình, xã hội và các cơ quan trong việc đảm bảo các quyền cho trẻ em. Luật cũng nêu rõ “Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (bao gồm trẻ em khuyết tật) được thực hiện chủ yếu tại gia đình hoặc gia đình thay thế. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các cơ sở trợ giúp trẻ em chỉ áp dụng cho những trẻ em không được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình hoặc gia đình thay thế”.
Có sự khác biệt về kết quả thực hiện tiêu chuẩn chăm sóc trẻ khuyết tật giữa cơ sở công lập và ngoài công lập do chưa có sự đầu tư công bằng về tài chính (ảnh minh hoạ)
Dù vậy, tại Việt Nam hiện nay, việc đưa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng vào sống tại các cơ sở BTXH vẫn đang là các hoạt động khá phổ biến. Việc thành lập các cơ sở BTXH để chăm sóc các đối tượng yếu thế, trong đó có trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa... được quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP và Nghị định số 81/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở BTXH. Các nghị định quy định rõ có 2 loại hình cơ sở BTXH: Công lập và ngoài công lập và các điều kiện để thành lập, cơ sở vật chất, môi trường, vệ sinh, đội ngũ cán bộ, thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở BTXH.
Tính đến năm 2015, cả nước có 422 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 216 cơ sở công lập, 206 cơ sở ngoài công lập bao gồm 30 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 111 cơ sở chăm sóc trẻ em, 134 cơ sở tổng hợp, 27 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 37 trung tâm công tác xã hội. Các cơ sở trợ giúp xã hội đã tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều loại đối tượng bảo trợ xã hội khác nhau, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho gần 30% đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (số liệu Bộ LĐTBXH công bố năm 2015). Để đảm bảo chất lượng chăm sóc tại các cơ sở này, ngày 25/2/2011, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH quy định các tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở BTXH. Trong đó có các tiêu chuẩn về quy trình tiếp nhận và chăm sóc đối tượng; Tiêu chuẩn về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng; Tiêu chuẩn về giáo dục, học nghề; Về văn hoá, thể thao và giải trí; Về môi trường, khuôn viên nhà ở; Các quyền của đối tượng trong cơ sở BTXH cũng như các hành vi bị nghiêm cấm… Đây là căn cứ để thực hiện việc trợ giúp, nuôi dưỡng, chăm sóc và quản lý đối tượng tại các cơ sở BTXH.
Những bất cập còn tồn tại
Sau 5 năm thực hiện Thông tư 04, nhìn chung các cơ sở BTXH đã áp dụng các quy định về tiêu chuẩn chăm sóc một cách nghiêm túc. Các đối tượng yếu thế nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng có được một môi trường sống tốt đẹp và phát triển hết tiềm năng của mình.
Nhiều cơ sở bảo trợ xã hội hiện vẫn trong tình trạng thiếu cán bộ chăm sóc trẻ khuyết tật(ảnh minh hoạ)
Theo khảo sát của Liên hiệp Hội người khuyết tật Việt Nam thực hiện cuối năm 2015 tại 11 cơ sở BTXH (trong đó 9 cơ sở công lập và 2 cơ sở ngoài công lập) thuộc 5 tỉnh thành phố là Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Kon Tum và Bến Tre….Các cơ sở BTXH đảm bảo thực hiện ở tỷ lệ khá cao ở một số tiêu chuẩn chăm sóc cơ bản và thông thường. Nhiều tiêu chuẩn được thực hiện ở mức độ toàn phần với tỷ lệ cao từ 85-90% như tiêu chuẩn về quy trình, các bước tiếp nhận và chăm sóc trẻ khuyết tật, đa phần các cán bộ đều thực hiện đầy đủ với tỷ lệ dao động từ 70-80%. Các tiêu chuẩn về vệ sinh và đồ dùng sinh hoạt cho trẻ khuyết tật tại các cơ sở cung cấp dịch vụ là tương đối bảo đảm. Đại đa số các em có đầy đủ nước uống và vệ sinh tắm giặt hàng ngày, được cung cấp đồ dùng vệ sinh, giường chiếu, chăn màn và có tới 99% cơ sở có nội quy về vấn đề vệ sinh cho trẻ em khuyết tật. Tiêu chuẩn dinh dưỡng từ kết quả khảo sát cho thấy, trẻ em khuyết tật ở các cơ sở đã được đảm bảo ít nhất ba bữa ăn sáng, trưa và tối mỗi ngày, bảo đảm dinh dưỡng đủ calo, có chất đạm (thịt, cá, đậu nành, chất bột đường, ngũ cốc, rau quả), có chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho những đối tượng có nhu cầu đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ốm hoặc suy dinh dưỡng…. Ngoài ra, các cơ sở BTXH đã biết sử dụng các nguồn lực sẵn có tại cộng đồng kết hợp với các nguồn tài trợ khác nhau, các tổ chức liên ngành như y tế, giáo dục và những tổ chức liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tốt các tiêu chuẩn.
Khảo sát cũng cho thấy tại các cơ sở BTXH chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về quyền của trẻ em. Theo Thông tư, có 9 tiêu chuẩn thực hiện quyền của các đối tượng trong các cơ sở BTXH trong đó có trẻ em khuyết tật thì có 3/9 tiêu chuẩn thực hiện quyền mới chỉ thực hiện ở mức 40%, 3 tiêu chuẩn khác thực hiện trên 50%, 1 tiêu chuẩn đạt 60% và 1 tiêu chuẩn đạt 80%. Một số tiêu chuẩn có từ 10 -20% không thực hiện như quyền tiếp cận thông tin cá nhân, trang thiết bị cần thiết cho trẻ khuyết tật, phổ cập giáo dục…
Việc thực hiện các tiêu chuẩn theo Thông tư 04/2011/TT-BLĐTBXH có sự khác biệt về kết quả giữa các địa bàn nghiên cứu thuộc khu vực đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Bến Tre với các khu vực còn khó khăn hơn. Các tiêu chuẩn về chăm sóc y tế, dinh dưỡng, vệ sinh, điều kiện phòng ở tại khu vực này được thực hiện tốt hơn. Cùng với đó, sự khác biệt về kết quả cũng thể hiện rõ ở các cơ sở công lập và ngoài công lập do chưa có sự đầu tư bình đẳng về tài chính giữa hai loại hình cơ sở này.
Cũng theo kết quả khảo sát đã cho thấy một số bất cập vẫn còn tồn tại trong việc chăm sóc trẻ em khuyết tật tại các cơ sở BTXH. Thông tư được thiết kế và ban hành cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau, vì vậy không có các quy định chi tiết phù hợp với đối tượng là trẻ em khuyết tật. Đa phần các cơ sở BTXH đang chăm sóc nhiều loại hình đối tượng khác nhau trong đó có cả người cao tuổi, người tâm thần, người lớn khuyết tật, người lang thang, nạn nhân bị buôn bán, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em khuyết tật… Vì vậy, rất khó để họ có thể cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật.
Các cơ sở đều thiếu về số lượng cán bộ chăm sóc trẻ em khuyết tật. Theo quy định tại Nghị định 68/2008/NĐ-CP, ngày 30/5/2008 thì với trẻ em tàn tật, tâm thần dưới 18 tháng tuổi, 1 nhân viên chăm sóc 3-4 em, với các em từ 6 đến 18 tuổi, một nhân viên chăm sóc 4-5 em, nhưng lại không tính đến mức độ khuyết tật nhẹ hay nặng. Thực tế hiện nay, tại các trung tâm BTXH bình quân một cán bộ hiện phải chăm sóc hơn 5 trẻ khuyết tật, nhiều em ở dạng khuyết tật nặng. Trẻ khuyết tật là đối tượng đặc biệt và nhu cầu chăm sóc cao hơn nhiều so với những loại hình đối tượng khác, vì vậy, cần bố trí đủ đội ngũ cán bộ thì mới có thể đảm bảo thực hiện được đầy đủ các tiêu chuẩn chăm sóc.
Trình độ chuyên môn của cán bộ tại các cơ sở nhìn chung còn hạn chế, số cán bộ chưa qua đào tạo còn cao và không được đào tạo đúng chuyên ngành. Vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa biết về Thông tư 04/2011/TT-BLĐTBXH và có tới 38% cán bộ biết tới Thông tư qua các phương tiện thông tin đại chúng, internet, không phải thông qua việc triển khai hướng dẫn cụ thể và cặn kẽ tại cơ sở. Điều này tạo khó khăn trong việc thực hiện Thông tư do cán bộ không nắm chắc và hiểu Thông tư một cách thấu đáo.
Ngoài ra, những khó khăn trong khâu tiếp nhận đối tượng, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị y tế của nhiều cơ sở BTXH còn thiếu hụt, nhiều cơ sở được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn về giáo dục, học nghề cho trẻ khuyết tật… cũng làm giảm hiệu quả thực hiện các tiêu chuẩn mà Thông tư quy định.
Nỗ lực và giải pháp
Thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng phát triển các cơ sở trợ giúp ngoài công lập.
Thư viện đồ chơi cho trẻ đặc biệt tại Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ Tam Bình, quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
Chính phủ đã ban hành quy định khuyến khích việc xã hội hóa các mô hình trợ giúp cho các đối tượng yếu thế, trong đó có các cơ sở ngoài công lập. Bộ LĐTB&XH đang tổ chức tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực, hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc các đối tượng yếu thế cho đội ngũ cán bộ làm công tác BTXH. Theo Nghị định số 68/2008/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều có thể tham gia thành lập cơ sở BTXH, tuy nhiên, việc thành lập các cơ sở này phải bảo đảm điều kiện do Chính phủ quy định. Theo đó, những cơ sở nuôi dưỡng từ 10 đối tượng trở lên phải thành lập cơ sở BTXH. Đây là quy định bắt buộc. Các cơ sở được thành lập theo đúng quy định của pháp luật sẽ được giải quyết các chế độ trợ cấp. Những cơ sở chưa được cấp phép phải làm thủ tục để được cấp phép, đồng thời phải bảo đảm việc chăm sóc trẻ em trong một môi trường an toàn, cơ sở vật chất tốt. Nếu tất cả các cơ sở BTXH đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, sẽ không có các sai phạm xảy ra.
Chính phủ đã ban hành quy định khuyến khích việc xã hội hóa các mô hình trợ giúp cho các đối tượng yếu thế,trong đó có các cơ sở ngoài công lập (ảnh: Hoạt động của một cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập tại Nghệ An)
Riêng với Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH, để thực hiện tốt các quy định, mang lại lợi ích thiết thực, chăm sóc tốt cho trẻ em khuyết tật nói riêng, các đối tượng BTXH nói chung, theo Liên hiệp Hội NKT Việt Nam, trước mắt các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và xây dựng văn bản quy định hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn về việc thực hiện các tiêu chuẩn chăm sóc dành riêng cho trẻ khuyết tật vì các em có những đặc điểm và nhu cầu riêng biệt. Cần có sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương vào việc tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện các tiêu chuẩn chăm sóc trẻ em khuyết tật tại các cơ sở BTXH hợp lý và đúng thời điểm. Tăng cường việc đánh giá, giám sát và hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn chăm sóc một cách đúng đắn và phù hợp có xem xét đến sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền.
Về lâu dài, cần xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức hoạt động và giải thể cơ sở Bảo trợ xã hội vì Nghị định này đã hết hiệu lực thi hành, trên cơ sở đó xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở BTXH.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Phối hợp liên ngành Tư pháp - LĐTBXH trong giải quyết việc nuôi con nuôi: Vì quyền được tìm gia đình thay thế của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - 05/07/2016 03:08
- Trẻ khuyết tật học cách… đi chợ - 24/06/2016 07:22
- Hỗ trợ NKT sử dụng xe lăn an toàn, hiệu quả - 23/06/2016 02:54
- Tăng cường hỗ trợ NKT tham gia giao thông hàng không - 08/06/2016 08:01
- Khuyến nghị phát triển chính sách, tiêu chuẩn chăm sóc trẻ em khuyết tật - 08/06/2016 04:06
Các tin khác
- Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội - 19/05/2016 05:02
- Hội thảo “Chia sẻ thông tin và tăng cường điều phối giữa các chương trình hỗ trợ NKT Việt Nam” - 19/05/2016 04:57
- Nạng đặc biệt giúp người khuyết tật đi lại dễ dàng - 16/05/2016 04:34
- Cải thiện xe buýt phục vụ hành khách khuyết tật - 06/05/2016 05:13
- Hỗ trợ sinh viên khuyết tật tiếp cận giáo dục đại học - 28/04/2016 06:36