Thứ năm, 19 Tháng 5 2016 11:57

Trong nhiều năm qua công tác trợ giúp người khuyết tật (NKT) Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, được khẳng định trong Hiến pháp, Luật NKT... Nhiều chương trình, đề án trợ giúp NKT đã được triển khai ở các cấp, các ngành, qua đó cuộc sống của NKT ngày càng được cải thiện về tinh thần và vật chất. Để tiếp tục hiện thực hoá các quy định của Luật NKT, tạo dựng một xã hội hoà nhập, khẳng định sự cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Công ước Quốc tế về Quyền của NKT, trong hai ngày 5,6/5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chia sẻ thông tin và tăng cường điều phối giữa các chương trình hỗ trợ NKT Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm; Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu; Giám đốc USAID tại Việt Nam Joakim Parker cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành; tỉnh, thành tham gia Dự án, tổ chức Hội… đã tới dự.

Với các chính sách, luật pháp về NKT được Quốc hội, Chính phủ ban hành, đã tạo điều kiện cho NKT có được những hỗ trợ tích cực về dạy nghề, tạo việc làm, PHCN, phương tiện đi lại, văn hoá, thể thao…; qua đó, vai trò, vị trí của NKT hiện nay ngày càng được ghi nhận, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều thách thức bởi lẽ số lượng NKT Việt Nam đông, chiếm xấp xỉ 8% dân số, các nguy cơ dẫn đến khuyết tật luôn hiện hữu, đó là dịch bệnh, di chứng chiến tranh, già hoá dân số, biến đổi khí hậu…, một bộ phận NKT hiện đang sống trong các hộ nghèo, khả năng tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, giao thông còn nhiều hạn chế. Đó cũng chính là lý do nhiều năm qua Hoa Kỳ thông qua USAID đã thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ NKT Việt Nam.

TDTS 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc Hội thảo

Để tiếp tục đóng góp vào sự hợp tác toàn diện, sâu rộng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn 2016 - 2020, Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ cho Việt Nam danh mục Dự án “Thúc đẩy quyền của NKT Việt Nam” và đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 536/QĐ-TTg phê duyệt vào ngày 4/4/2016. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao khả năng sống độc lập và hoà nhập của NKT, tạo môi trường thuận lợi cho NKT hoà nhập; hoàn thiện chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động trợ giúp cho NKT; cải thiện chất lượng dịch vụ trị liệu và PHCN; tăng cường sự tham gia của tổ chức và cá nhân NKT vào xây dựng, giám sát, đánh giá các chính sách và dịch vụ.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và USAID đã rất tích cực trong việc xây dựng chương trình hoạt động, trực tiếp phối hợp triển khai thực hiện Dự án này.

Trước mắt 7 tỉnh gồm Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai đã được chọn tham gia Dự án. Chương trình Hội thảo “Chia sẻ thông tin và tăng cường điều phối giữa các chương trình hỗ trợ NKT Việt Nam” được tổ chức là sự khởi động đầu tiên của dự án, nhằm mục đích chia sẻ thông tin về nội dung, yêu cầu và xây dựng cơ chế trong quá trình thực hiện Dự án cho phù hợp và đạt được tiến độ, kết quả cao nhất từ các hoạt động của dự án theo đúng cam kết với Hoa Kỳ.

Tại Hội thảo, những chia sẻ về các dự án hỗ trợ kỹ thuật của USAID đối với công tác trợ giúp NKT giai đoạn 2016 - 2020 đã được thảo luận theo các chủ đề Hỗ trợ hoàn thiện chính sách NKT; Đào tạo và tập huấn về PHCN; Hỗ trợ trực tiếp cho NKT; DPO/vận động chính sách; Đào tạo về công tác xã hội. Theo đó, nhiều vấn đề thuận lợi và khó khăn, những đề xuất, giải pháp xung quanh các nội dung trên đã được đưa ra bàn thảo, cho ý kiến đóng góp.

TDTS 2

Các đại biểu tham gia thảo luận chủ đề Hỗ trợ trực tiếp cho NKT

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam Nguyễn Đình Liêu nhận định đây là một dự án đặc biệt quan trọng bởi lẽ dự án mang tính kỹ thuật nhiều hơn. Tuy nhiên, dự án này đang tác động và hiện diện trong rất nhiều chương trình, Đề án, mục tiêu đã và đang thực hiện như Đề án Trợ giúp NKT, Chiến lược Inchoen 2013 - 2022; Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo; Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy để các chương trình khác cũng như dự án đạt được hiệu quả, rất cần các thành phần trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội phải đồng lòng, tập trung thực hiện các mục tiêu, nội dung về trợ giúp NKT; nên tập trung vào đối tượng trọng điểm, địa bàn trọng điểm để giúp cho các địa phương; cần đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, về kinh nghiệm, giải pháp. Dự án có sự hỗ trợ của cơ quan trung ương, mang tính chất toàn diện nhưng mới chỉ tập trung hỗ trợ cho 7 tỉnh, trong khi còn rất nhiều địa phương khác cũng rất cần sự trợ giúp. Ông Nguyễn Đình Liêu cũng cho rằng, cần tạo điều kiện cho NKT có thể tham gia trên các lĩnh vực đời sống xã hội, cân nhắc bổ sung thêm một số lĩnh vực hỗ trợ như sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiếp cận giao thông cho NKT; cần tổ chức thường niên các hội thảo chia sẻ thông tin, kinh nghiệm triển khai và kết quả thực hiện dự án; nên có sự tham gia, phối hợp, giao cho các tổ chức Hội vì NKT…  

Hội thảo cũng chia sẻ một số đánh giá khái quát về kết quả công tác trợ giúp NKT giai đoạn 2010 - 2015 đồng thời đưa ra định hướng trong thời gian tới như: tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật trợ giúp xã hội, Luật công tác xã hội, trợ giúp NKT; xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, về NKT; xây dựng phần mềm trực tuyến quản lý, cập nhật, chia sẻ thông tin NKT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách trợ giúp NKT tại các địa phương; tăng cường vai trò điều phối, hợp tác liên ngành trong thực hiện chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT; củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội, trợ giúp NKT…  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi