Ở độ tuổi mầm non, trẻ thường phát triển liên tục với tốc độ nhanh chóng nhưng một số trẻ lại xuất hiện những dấu hiệu chậm phát triển so với các trẻ khác. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, xác định đúng và can thiệp phù hợp sẽ giúp cho những trẻ đó có cơ hội để phát triển hết khả năng của mình. Việc can thiệp sớm ngay từ lứa tuổi mầm non là hết sức quan trọng góp phần tạo điều kiện cho trẻ phục hồi, hòa nhập và phát triển.
Phát hiện, can thiệp sớm giúp giảm thiểu ảnh hưởng của khuyết tật
Khuyết tật có thể được phát hiện sớm trong quá trình mang thai, hoặc qua kiểm tra sức khỏe của trẻ sơ sinh hoặc trẻ em trong những năm đầu đời. Nếu người mẹ trong quá trình mang thai bị chấn thương, động thai, nhiễm độc thai nghén, sốt, rubella, bướu cổ hoặc trong gia đình có người mắc bệnh điếc bẩm sinh thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ bị giảm thính lực, mang khiếm khuyết. Việc phát hiện, can thiệp và điều trị sớm khuyết tật khi sinh hoặc khi trẻ còn nhỏ sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển các khuyết tật thành những khiếm khuyết nghiêm trọng khi trẻ lớn lên.
Can thiệp sớm bằng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật
Theo kết quả nghiên cứu sàng lọc thính lực của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho thấy, trong 12.000 trẻ sinh ra/năm thì gần 4% trẻ bị giảm thính lực. Không ít trường hợp điếc vĩnh viễn và số còn lại là nghe không rõ âm, tiếng. Các chuyên gia nhi khoa cho rằng, nếu can thiệp sớm trẻ sẽ có cơ hội phát triển ngôn ngữ bình thường, thoát khỏi dị tật. Nếu phát hiện muộn, trẻ khiếm thính sẽ bị tàn tật hay điếc vĩnh viễn.
Phát hiện sớm khuyết tật chính là nhận biết (công nhận) các dấu hiệu khiếm khuyết hay sự chậm trễ, khác thường trong sự phát triển về thể chất, giác quan, nhận thức, ngôn ngữ, tâm lý,… của trẻ so với ngưỡng phát triển chung của lứa tuổi, khi các dấu hiệu này mới xuất hiện và trẻ đang ở độ tuổi dưới 4 tuổi. Can thiệp sớm khuyết tật sau khi đã phát hiện và xác định được khuyết tật là xác định khả năng, nhu cầu của trẻ khuyết tật, xây dựng và thực hiện các chương trình can thiệp về y tế, giáo dục, tâm lý và xã hội trực tiếp cho trẻ khuyết tật và phát triển các chương trình hỗ trợ cho gia đình trẻ khuyết tật, cộng đồng, trường mầm non, giáo viên hoà nhập. Các hoạt động can thiệp sớm cần được thực hiện cho trẻ trong độ tuổi từ 0 - 6 tuổi.
Từ những năm 1970, các chuyên gia khuyết tật đã nhận thấy can thiệp sớm về y tế có thể ngăn chặn ảnh hưởng của khuyết tật, ngăn ngừa những nguyên nhân dẫn đến sự chậm phát triển hoặc rối loạn chức năng, giảm thiểu ảnh hưởng của khuyết tật (giảm các ảnh hưởng của bệnh mãn tính và khuyết tật chức năng lâu dài). Về giáo dục, giai đọan từ 0 - 6 tuổi là giai đọan phát triển mạnh mẽ nhất về thể chất cũng như tâm lý, trẻ càng được quan tâm giáo dục sớm, đúng lúc và hợp lý càng đẩy nhanh quá trình phát triển thể chất và tinh thần tạo ra những tiền đề thuận lợi cho các giai đoạn kế tiếp. Trẻ từ lọt lòng đến 6 tuổi là thời gian tốt nhất để phát triển ngôn ngữ và hình thành kỹ năng giao tiếp. Gia đình và trường mầm non hòa nhập là môi trường giáo dục tốt nhất cho trẻ khuyết tật trước khi vào học Tiểu học.
Nên phát hiện, can thiệp càng sớm càng tốt
Hiện nay, các hình thức can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật có can thiệp tại trung tâm/trường chuyên biệt, can thiệp sớm tại nhà, can thiệp sớm tại trường mầm non, can thiệp kết hợp. Tình trạng, khả năng, khó khăn của trẻ khuyết tật và điều kiện của gia đình là căn cứ chính cho việc quyết định lựa chọn hình thức can thiệp thích hợp. Các hoạt động can thiệp sớm bao gồm cả các hoạt động do phụ huynh tiến hành tại nhà, đều phải được tiến hành dựa trên kế hoạch can thiệp sớm/kế hoạch giáo dục phù hợp đã được thống nhất từ trước. Sự tiến bộ của trẻ là căn cứ để đánh giá chất lượng can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập.
Được phát hiện, can thiệp kịp thời giúp trẻ khuyết tật cải thiện tình trạng sức khỏe,nâng cao khả năng học tập, phát triển
Quy trình hỗ trợ phát hiện sớm, can thiệp sớm gồm: Bước 1: Sàng lọc tại cộng đồng, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ rối nhiễu phát triển và giới thiệu đến các cơ sở chuyên môn. Bước 2: Khám sàng lọc xác định khuyết tật tại Trung tâm hỗ trợ. Bước 3: Xây dựng kế hoạch can thiệp. Bước 4: Thực hiện kế hoạch can thiệp. Bước 5: Đánh giá lại và điều chỉnh kế hoạch. Bước 6: thực hiện lại từ bước 2 hoặc chuyển tiếp trẻ sang chương trình khác.
Thời điểm trẻ được phát hiện là có vấn đề và ai là người phát hiện ra vấn đề khó khăn của trẻ là có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với can thiệp sớm. Nhiều nghiên cứu và thực tế đã chứng minh rằng, muốn thực hiện tốt việc phát hiện sớm thì cần chú trọng vào 2 nhóm đối tượng ưu tiên là gia đình và cộng đồng nơi trẻ sinh sống bằng cách nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung và đặc biệt là các cán bộ y tế cộng đồng nói riêng về công tác chăm sóc, phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Sau khi trẻ được phát hiện và nghi vấn là có vấn đề thì những chẩn đoán lâm sàng về tình trạng khó khăn của trẻ, xác định được loại khó khăn và mức độ khó khăn của trẻ là bước tiếp theo vô cùng quan trọng. Thông thường việc chẩn đoán này được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên môn có liên quan đến khó khăn đặc thù của trẻ do các y, bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Song song với những chẩn đoán lâm sàng về y tế thì những phát hiện về tâm lý, về trí tuệ, về hành vi có vấn đề của trẻ do các nhà tâm lý học, giáo dục hoặc tâm bệnh học tiến hành cũng càng được thực hiện và có vai trò không kém phần quan trọng đề có được sự chẩn đoán đầy đủ về khó khăn của trẻ. Thực tế cho thấy rằng không phải bao giờ những khó khăn của trẻ cũng bắt nguồn từ những tổn thương thực thể, càng ngày người ta càng phát hiện ra những khó khăn ở trẻ xuất hiện rất nhiều từ những rối nhiễu về tâm lý.
Sau khi trẻ có được hồ sơ chẩn đoán về y tế và tâm lý thì cần phải được xây dựng ngay một kế họach can thiệp cho trẻ về 2 mặt y tế (nếu cần thiết) và giáo dục. ở giai đạn này, vai trò của giáo dục nổi lên như một vấn đề rất yếu và chiếm ưu thế.
Những nguyên tắc cơ bản của công tác can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập bắt đầu càng sớm càng tốt (Từ khi còn trong bào thai, ngay khi mới sinh, dưới 1 tuổi, dưới 3 tuổi, dưới 6 tuổi), giáo dục hòa nhập ngay từ ban đầu, hỗ trợ trọng tâm vào gia đình, hỗ trợ về mặt tình cảm và xã hội, cung cấp thông tin, hướng dẫn tạo môi trường phát triển tốt nhất, luôn luôn hòa nhập trong gia đình, trong cộng đồng, trong xã hội.
Kết quả thực tế đã khẳng định, trẻ được can thiệp sớm có khả năng hòa nhập vào xã hội tốt hơn trẻ không tham gia chương trình can thiệp sớm, đặc biệt là trong môi trường học đường. Việc phát hiện, can thiệp sớm không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ khuyết tật mà cả phụ huynh, nhà trường và xã hội.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin mới
- Doanh nghiệp dạy nghề, liên kết với cơ sở đào tạo nghề: Mô hình hiệu quả trong dạy nghề và tạo việc làm cho NKT - 15/12/2015 03:59
- Mở rộng ngành nghề đào tạo giúp người khuyết tật phát triển kinh tế - 15/12/2015 03:53
- Giám sát đánh giá và thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật tại Việt Nam - 30/10/2015 06:55
- Đội CTXH Trường Đại học Thủy Lợi TP.HCM: Cng hiến sức trẻ cho hoạt động CTXH - 30/10/2015 06:51
- Chăm sóc sức khỏe người khuyết tật - 30/10/2015 06:48
Các tin khác
- Trung tâmPhục hồi chức năng- Phẫu thuật chỉnh hình tỉnh Quảng Ninh: Đổi mới, nâng cao dịch vụ chăm sóc y tế cho người khuyết tật - 30/10/2015 06:25
- Trung tâm PTCH - PHCN tỉnh Quảng Ninh: Đổi mới, nâng cao dịch vụ chăm sóc y tế cho người khuyết tật - 30/10/2015 06:23
- Cần thiết nhân rộng mô hình CTXH với người cao tuổi - 09/10/2015 06:19
- Vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ khuyết tật - 28/09/2015 05:03
- Tọa đàm “Môi trường y tế tiếp cận cho người điếc” - 28/09/2015 04:58