Dù còn rất non trẻ, nhưng nhờ theo sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội, luôn sáng tạo, đổi mới phương pháp hoạt động nên các hoạt động trợ giúp NKT, TMC tỉnh Hội luôn đạt hiệu quả cao. Đặc biệt trong việc thực hiện Mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới. Để rõ hơn về hoạt động này, phóng viên Tạp chí Người bảo trợ đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Huy Hảo, Chủ tịch tỉnh Hội.
Pv: Trong các hoạt động trợ giúp NKT, TMC của các cấp Hội Bảo trợ NTT, TMC, hỗ trợ sinh kế được coi là mô hình mang lại hiệu quả bền vững nhất. Việc triển khai mô hình này tại Vĩnh Phúc được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Huy Hảo: Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc có 63.882 NKT (chiếm 6,3 % dân số) và 2.480 TMC, hầu hết các đối tượng này đều trong diện nghèo và cận nghèo.
Thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" và sự chỉ đạo của Trung ương Hội, từ năm 2013, Hội Bảo trợ NTT, TMC tỉnh Vĩnh Phúc đã mở rộng mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC đến 26 xã xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh. Trong đó, trung bình mỗi xã có 5 - 6 hộ gia đình được hỗ trợ, xã có ít nhất là 01 hộ (xã Bình Định huyện Yên Lạc) và xã có số hộ được hỗ trợ cao nhất là 20 hộ (xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên). Các nội dung của dự án tập trung hỗ vốn nuôi bò sinh sản và tổ chức dạy nghề cho NKT.
Tính đến tháng 10/2013, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 125 hộ gia đình có NKT, TMC được tạo cơ hội thoát nghèo, 176 NKT được tham gia học nghề, tạo việc làm. Trong đó, Trung ương Hội hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 02 lớp dạy nghề tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Vĩnh Phúc (60 học viên), 02 lớp dạy nghề may tại Trung tâm dạy nghề Minh Tâm huyện Bình Xuyên (34 học viên). HTX May mặc NKT xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường dạy nghề và bố trí việc làm cho 57 NKT. Hợp tác xã dịch vụ may mặc NKT Long Hoa, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên dạy cho 25 NKT học các nghề may mặc, thêu ren, làm hoa ni lông.
Pv: Với việc tập trung vào hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi và đào tạo nghề cho NKT và gia đình họ, các dự án hỗ trợ sinh kế của Hội đã đem lại những kết quả gì, thưa ông?
Ông Đặng Huy Hảo: Trong tổng số 26 xã với 125 hộ được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò (125 con), số bò hiện nay đã phát triển lên 169 con, trong đó có 12 hộ bán bê con, số tiền thu được 144,5 triệu đồng (giá bán mỗi con từ 12- 15 triệu đồng). Đã có 02 hộ thoát nghèo, 50% số hộ có khả năng thoát nghèo. Số NKT học nghề tại HTX May mặc NKT xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường 57 người đã có thu nhập với mức trung bình 2 triệu đồng/người, tháng. Số còn lại khả năng có nghề đạt từ 70% trở lên sau đào tạo.
Theo đánh giá của tỉnh Hội, việc hỗ trợ vốn chăn nuôi bò sinh sản đã tạo việc làm và thu nhập cho NKT, TMC, xây dựng tình đoàn kết, trợ giúp phát triển kinh tế trong cộng đồng. Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng tại địa phương về khả năng lao động tự nuôi sống bản thân của NKT, cổ vũ khuyến khích mọi người chung tay giúp đỡ NKT để cùng góp phần giảm nghèo bền vững. Kết quả này cũng đã góp phần thực hiện tiêu chí giảm nghèo bền vững - một trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Pv: Đối với một tỉnh Hội còn non trẻ như Vĩnh Phúc, có được những kết quả tích cực như vậy chắc hẳn tỉnh Hội phải có những phương pháp hoạt động riêng của mình. Ông có thể chia sẻ bí quyết này của tỉnh Hội?
Ông Đặng Huy Hảo: Để có được những kết quả đáng mừng như vậy, thứ nhất, bên cạnh sự nhiệt tình, năng nổ của đội ngũ cán bộ tỉnh Hội, theo tôi điều quan trọng là phải xây dựng được định hướng hoạt động hỗ trợ hàng năm. Tại Vĩnh Phúc, song song với việc xây dựng mô hình hỗ trợ vốn chăn nuôi bò sinh sản cho các hộ gia đình có NKT, TMC, tỉnh Hội đã trực tiếp chỉ đạo việc thành lập các HTX dạy nghề, đào tạo việc làm cho NKT, TMC theo hướng cầm tay chỉ việc nhằm vừa dạy nghề, truyền nghề, gắn với việc làm có thu nhập để cải thiện cuộc sống người khuyết tật và trẻ em mồ côi.
Thứ hai là cần xây dựng quy trình, các bước triển khai Dự án một cách cụ thể, chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Tại Vĩnh Phúc, chúng tôi thực hiện Mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC theo 8 bước nhỏ, từ thành lập ban quản lý dự án cấp tỉnh; Xây dựng kế hoạch và vận động nguồn lực thực hiện dự án; Các đơn vị phối hợp với cơ sở lựa chọn đối tượng, thống nhất các bước tiến hành; Việc khảo sát thực trạng của đối tượng cũng như nhu cầu của họ được tiến hành một cách chặt chẽ.
Các hộ gia đình có NKT, TMC có tên trong danh sách hộ được thụ hưởng dự án chủ động mua bò giống với sự giám sát giá cả và chất lượng bò giống của đại diện cán bộ xã và cán bộ thú y xã. Sau khi đã lựa chọn được bò giống, thống nhất về giá cả, phương thức thanh toán, hộ gia đình được thụ hưởng dự án báo cáo với UBND xã sở tại để UBND xã thông báo cho Ban Quản lý Dự án của tỉnh bố trí trao vốn của Dự án cho hộ gia đình được thụ hưởng dự án để hộ này trả tiền mua bò dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Thời gian các hộ gia đình chăm sóc bò, Ban Quản lý Dự án có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo đàn bò phát triển khỏe mạnh đem lại hiệu quả.
Với các bước tiến hành chặt chẽ, chi tiết như vậy, tôi tin bất kỳ tỉnh Hội nào cũng có thể làm được như những gì tỉnh Hội Vĩnh Phúc đã làm và đảm bảo tính hiệu quả của Dự án.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Dung (thực hiện)
Tin mới
- Sáng tạo với bản đồ nổi cho học sinh khiếm thị - 30/06/2014 02:24
- An sinh xã hội – Mục đích hoạt động quan trọng của báo chí cách mạng - 27/04/2014 18:10
- Trợ giúp pháp lý - hoạt động đảm bảo các quyền cho người khuyết tật - 12/03/2014 03:42
- Hiệu quả và những trăn trở mô hình thí điểm dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật tại các cơ sở ngoài công lập: - 14/02/2014 04:04
- Hỗ trợ sinh kế cải thiện sinh hoạt, xóa đói giảm nghèo ở xã xây dựng nông thôn mới - 14/02/2014 04:00
Các tin khác
- Công tác xã hội với người khuyết tật - 07/12/2013 04:29
- Để thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 29/11/2013 03:55
- Rối loạn ngôn ngữ - thực trạng và giải pháp - 28/11/2013 03:55
- Hội thảo “Chia sẻ báo cáo rà soát pháp luật về nghề CTXH ở Việt Nam” - 27/11/2013 02:41
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Hoàn thiện thí điểm mô hình dạy nghề gắn với việc làm cho NKT tại cộng đồng - 19/11/2013 02:19