Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề về mô hình dạy nghề gắn với việc làm cho người khuyết tật tại các đơn vị ngoài công lập (cơ sở sản sản xuất kinh doanh, các Trung tâm dạy nghề, tạo việc làm của tỉnh, thành Hội, trung tâm dạy nghề tư nhân) năm 2013. Tại hội nghị này, các kết quả đạt được cũng như những vấn đề còn vướng mắc, trăn trở nhằm tiến tới hoàn thiện mô hình đã được các đại biểu thảo luận, trao đổi hết sức thẳng thắn, cởi mở. Những ý kiến đóng góp trong hội nghị không chỉ cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc triển khai thực hiện mô hình mà còn là cơ sở để Hội kiến nghị lên các cơ quan Nhà nước, có cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động dạy nghề cho người khuyết tật tại các cơ sở ngoài công lập trong thời gian tới.
82 % học viên được tạo việc làm sau học nghề
Hội nghị chuyên đề về Mô hình dạy nghề gắn với việc làm cho người khuyết tật
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Trung ương Hội hoan nghênh 16 tỉnh, thành Hội: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc. Trong năm qua đã gắn bó chung lưng cùng hội chèo lái con thuyền của 33 đơn vị ngoài công lập, dạy nghề và tạo việc làm cho 572 người khuyết tật... Dù mô hình rất mới, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đảm bảo người khuyết tật sau khóa học có nghề, có việc làm. Cũng trong quá trình thực hiện mô hình, các cơ sở dạy nghề và tổ chức Hội tại địa phương đã nhìn nhận ra, từng bước giải quyết các vấn đề liên quan đến việc dạy nghề cho người khuyết tật tại các cơ sở ngoài công lập. Đồng thời, những đề xuất rất sát thực của các địa phương cũng là cơ sở để Hội kiến nghị lên các cơ quan Nhà nước, có cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động dạy nghề cho người khuyết tật tại các cơ sở ngoài công lập trong thời gian tới. Chủ tịch cũng mong rằng, các tỉnh thành Hội khác, trong thời gian tới sẽ tìm hiểu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài công lập có khả năng dạy nghề, cầm tay chỉ việc và tạo việc làm cho người khuyết tật để tiếp tục triển khai mở rộng mô hình, góp phần giúp cho nhiều người khuyết tật hơn nữa được học nghề, có việc làm và thu nhập, góp phần tích cực tham gia thực hiện mục tiêu hoạt động của Đề án 1019 về dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT.
Theo báo cáo kết quả thực hiện mô hình thí điểm dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật, năm 2013 từ nguồn ngân sách hơn 3 tỷ đồng của Chương trình Mục tiêu quốc gia dạy nghề và việc làm, theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình thí điểm dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật tại các đơn vị ngoài công lập (cơ sở sản xuất kinh doanh, các Trung tâm dạy nghề, tạo việc làm của tỉnh, thành Hội, trung tâm dạy nghề tư nhân) tổ chức dạy nghề theo hình thức truyền nghề, vừa học, vừa làm, giới thiệu và tạo được việc làm cho người khuyết tật sau học nghề.
Triển khai mô hình, Trung ương Hội đã tổ chức khảo sát tình hình tổ chức dạy nghề của các cấp Hội, các cơ sở có khả năng dạy nghề theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, trao đổi, thống nhất với các đơn vị tham gia chương trình về mục tiêu (dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, có thu nhập), nội dung, phương pháp, các điều kiện về chính sách, chế độ, kinh phí cho các lớp dạy nghề. Qua đó, đã lựa chọn được 33 đơn vị thuộc 16 tỉnh, thành phố tham gia mô hình với 572 học viên. Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước cấp, các tỉnh, thành Hội, chính quyền địa phương và các đơn vị dạy nghề cũng đã đối ứng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Các học viên của lớp học chủ yếu trong độ tuổi lao động (15 - 55 tuổi) thuộc nhiều dạng tật khác nhau như khiếm thị, khiếm thính, vận động, khuyết tật trí tuệ và một số dạng khuyết tật khác. Trong đó, có 182 người có trình độ văn hóa bậc Tiểu học, 329 người bậc Trung học cơ sở và 69 người có trình độ Trung học phổ thông. Số người không biết chữ là 82 người. Về phân bổ lớp học, đã có 13/33 lớp học ở các Trung tâm dạy nghề của Hội, 6/13 lớp học ở các Trung tâm dạy nghề của tư nhân 14/33 lớp với 306 học viên học tại các doanh nghiệp, xí nghiệp, HTX... Ngành nghề đào tạo chủ yếu là: Nghề may, thêu, mộc dân dụng, tranh ghép gỗ, điện dân dụng, chế tác vàng bạc, sửa chữa điện thoại di động, chổi đót, làm hương, xiên đính hạt cườm, sản xuất kiềng máng cao su... Thời gian học nghề kéo dài từ 2 đến 4 tháng (tùy theo yêu cầu của từng nghề).
Sau khi kết thúc các khóa học nghề, số học viên đạt yêu cầu chiếm 98%. Trong đó số học viên xuất sắc 03 người, giỏi 152 người, khá 211 người, số học viên không đạt yêu cầu 14 người. 82% trong số này được bố trí việc làm ngay sau khóa học với mức thu nhập từ 350.000đồng đến 3.000.000đồng.
Những kết quả đáng mừng trên có được do nhiều yếu tố, nhưng trước hết, là sự sáng tạo, quyết tâm đổi mới trong phương thức tiếp cận hoạt động dạy nghề của Hội. Cùng với đó là tinh thần trợ giúp cho người khuyết tật vươn lên, hòa nhập vào cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn của các tỉnh, thành Hội, các cơ sở dạy nghề... với sự đồng thuận, nhất trí cao, sẵn sàng tiếp nhận, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc xây dựng mô hình thí điểm. Và không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, đóng góp ý kiến thường xuyên, kịp thời của ngành LĐTB&XH, giữa Trung ương Hội, tỉnh, thành Hội và các đơn vị có nhiệm vụ dạy nghề. Nhờ đó mà 100% số lớp học được duy trì, bổ sung thay thế kịp thời, bảo đảm sĩ số học viên theo hợp đồng.
Những trăn trở và đề xuất
Người khuyết tật học làm kiềng, máng cao su tại Bình Dương
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các tham luận chi tiết về tình hình thực hiện mô hình và những kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc dạy nghề cho người khuyết tật tại cơ sở ngoài công lập như: kinh nghiệm dạy nghề gắn với giải quyết việc làm của tỉnh hội Thanh Hóa, của Trung tâm PHCN, dạy chữ, dạy nghề cho người mù, người khuyết tật và nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; lớp dạy nghề sản xuất hương xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dân Sinh (Hà Nam); lớp dạy nghề mộc mỹ nghệ tại Cơ sở Mộc mỹ nghệ Xuân Diệu (Quảng Trị), lớp dạy nghề may công nghiệp tại Hợp tác xã người khuyết tật Hồng ánh (Thanh Hóa).... Đặc biệt, hội nghị đã được nghe những chia sẻ hết sức tâm huyết và có ý nghĩa về công tác dạy nghề cho người khuyết tật, trẻ mồ côi của ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch thành Hội Đà Nẵng và được xem những hình ảnh minh họa cho hoạt động dạy nghề sản xuất kiềng, máng cao su cho người khuyết tật của tỉnh Hội Bình Dương...
Có thể nói, việc tổ chức các lớp học nghề tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở dạy nghề ngoài công lập đã được thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của cơ sở, khả năng tiếp nhận lao động sau khi dạy nghề, hoàn cảnh của người khuyết tật về sức khỏe, về dạng tật, về trình độ văn hóa, về nơi ở... Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra những vấn đề cần quan tâm, giải quyết như thời gian học nghề, mức kinh phí hỗ trợ, các thủ tục thanh quyết toán, hồ sơ, mẫu biểu, giáo trình, giáo viên...
Để giải quyết vấn đề này, Trung ương Hội, các tỉnh thành Hội và cơ sở dạy nghề đều thống nhất ý kiến đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền ăn/ngày thực học cho người khuyết tật học nghề từ 15.000 đồng/ngày lên 30.000 đồng/ngày; điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đi lại từ 200.000 đồng lên 400.000đồng/người/khoá học không phân biệt độ xa, gần từ địa phương đến nơi học. Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ, khuyến khích đối với các giáo viên dạy nghề, truyền nghề cho người khuyết tật cũng như nghiên cứu giảm bớt các thủ tục hồ sơ, sổ sách biểu mẫu theo Quyết định số 62/2008/QĐ-BLĐTBXH cho phù hợp với người khuyết tật học nghề hoặc có thể nghiên cứu biểu mẫu dành riêng cho công tác dạy nghề cho người khuyết tật tại cộng đồng theo tinh thần đơn giản hoá hồ sơ, giấy tờ, biểu mẫu và thủ tục quyết toán. Bên cạnh đó, Tổng cục dạy nghề cũng cần biên soạn thống nhất chương trình, giáo trình khung dành riêng cho người khuyết tật trong việc học nghề.
Hoàng Dung
Tin mới
- Giới thiệu Thông tư - 04/08/2014 10:35
- Trẻ tự kỷ cần môi trường hòa nhập - 25/07/2014 07:52
- Sáng tạo với bản đồ nổi cho học sinh khiếm thị - 30/06/2014 02:24
- An sinh xã hội – Mục đích hoạt động quan trọng của báo chí cách mạng - 27/04/2014 18:10
- Trợ giúp pháp lý - hoạt động đảm bảo các quyền cho người khuyết tật - 12/03/2014 03:42
Các tin khác
- Hỗ trợ sinh kế cải thiện sinh hoạt, xóa đói giảm nghèo ở xã xây dựng nông thôn mới - 14/02/2014 04:00
- Hiệu quả từ mô hình sinh kế tại Vĩnh Phúc - 08/12/2013 02:26
- Công tác xã hội với người khuyết tật - 07/12/2013 04:29
- Để thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 29/11/2013 03:55
- Rối loạn ngôn ngữ - thực trạng và giải pháp - 28/11/2013 03:55