Tính đến năm 2013, các tỉnh, thành Hội đều đã triển khai Chương trình hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại 124 xã xây dựng nông thôn mới. Với nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, chương trình đã góp phần tích cực vào việc giảm nghèo, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho 18.000 lượt người khuyết tật và gần 2.000 lượt trẻ mồ côi.
Cải thiện sinh hoạt, giảm nghèo bền vững
Hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi nâng cao đời sống một cách bền vững là một trong những mục tiêu hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Từng tổ chức nhiều chương trình trợ giúp đạt hiệu quả cao nhưng phải đến khi thực hiện thành công việc thí điểm mô hình hỗ trợ sinh kế cho đối tượng trên địa bàn xã thì Hội xác định đây chính là hình thức trợ giúp đối tượng một cách toàn diện và có hiệu quả bền vững nhất. Đặc biệt từ khi Hội triển khai chương trình này gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới do Đảng, Nhà nước phát động, thì hiệu quả ấy càng được phát huy rõ nét hơn.
Sau bốn năm đi vào triển khai sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm; chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi đã tạo được phong trào thi đua trong toàn hệ thống Hội, có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân, người khuyết tật, trẻ mồ côi và gia đình họ.
Tính đến nay, chương trình đã trao tặng xe lăn cho 3.300 người, gắn với làm 512 đường tiếp cận tại nhà ở và các công trình công cộng như trụ sở UBND, trạm y tế, nhà văn hóa thôn bản... Hỗ trợ 432 gia đình làm nhà tắm và giếng nước hợp vệ sinh; hỗ trợ 500 gia đình xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn quốc gia; sửa chữa và làm nhà ở mới cho 213 gia đình có thành viên là người khuyết tật, trẻ mồ côi thuộc diện nghèo; tặng xe đạp và học bổng cho gần 1.000 học sinh nghèo vượt khó. Từ những hoạt động này, đời sống của những người được hưởng lợi đã có sự cải thiện rõ rệt: nhà ở kiên cố, vững chãi; điều kiện sinh hoạt của gia đình đảm bảo vệ sinh; nhiều người khuyết tật đã có thể hòa nhập cộng đồng một cách thuận tiện nhờ những chiếc xe lăn, những lối đi tiếp cận tại nhà và nơi công cộng; nhiều trẻ mồ côi có phương tiện đi học, có nguồn kinh phí tiếp sức đến trường.
Chương trình cũng đã tạo điều kiện cho 579 hộ gia đình có người khuyết tật, trẻ mồ côi được hỗ trợ vốn, cây, con giống để làm kinh tế. Trong đó có 423 hộ tổ chức sản xuất rau sạch, thức ăn cho bò sữa, dược liệu, nguyên liệu chế biến; 100 hộ được hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm; 56 hộ gia đình sản xuất kinh doanh nhỏ và dịch vụ. Với phương thức "trao cần câu" này, các hộ gia đình người khuyết tật, trẻ mồ côi đã được tạo điều kiện để vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình, trên mảnh đất của mình; giúp họ nâng cao đời sống, từ đó tự tin hơn trong lao động, sản xuất và hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội; các tổ chức, cá nhân hảo tâm thông qua hệ thống tổ chức Hội đã hỗ trợ hàng chục nghìn bộ quần áo, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại các xã xây dựng nông thôn mới, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Ý nghĩa kinh tế và xã hội
Lãnh đạo Trung ương Hội và tỉnh Hội Thanh Hoá trao bò cho người khuyết tật
Tính đến nay, tổng kinh phí chương trình đã hỗ trợ cho đối tượng (tính bằng tiền, ngày công lao động và hiện vật quy ra tiền) là 12,7 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước cấp 2,921 tỷ đồng; từ Quỹ Hội các cấp là 3,383 tỷ đồng; tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân là 3,356 tỷ đồng và đóng góp của gia đình, dòng họ, người thân là 3,040 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, so với các hoạt động khác, số vốn đầu tư cho chương trình hỗ trợ sinh kế là khá "khiêm tốn", tuy nhiên kết quả nhận được lại hết sức khả quan, dù không tính hết và tính ngay được bằng con số cụ thể.
Chương trình đã tạo ra một "cú hích" cho gia đình người khuyết tật, trẻ mồ côi sống ở nông thôn, vốn đa số thuộc diện nghèo, có cơ hội vươn lên. Đa số các hộ được hỗ trợ đều tạo được công ăn việc làm có hiệu quả, bảo toàn được vốn và phát triển. Trong số 3.579 hộ được hỗ trợ phát triển nghề và vốn để làm kinh tế, có 116 hộ đã thoát nghèo và tới đây con số này sẽ tiếp tục tăng lên do một số hoạt động trợ giúp phải tính bằng năm mới phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt như: cây trồng, chăn nuôi gia cầm, lợn, trâu, bò.
Chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới còn mang ý nghĩa xã hội to lớn khi thông qua sự trợ giúp đã động viên, khích lệ người khuyết tật vượt qua mặc cảm, cam chịu, thêm tự tin vào khả năng của mình, tham gia lao động, sản xuất phù hợp với sức khỏe, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội. Chương trình đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương cùng tham gia thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi; Khơi dậy, phát huy được "nguồn vốn nội tại" – chính là tình cảm, sự đùm bọc và trách nhiệm của gia đình, người thân, họ hàng đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi; kêu gọi sự chung tay, góp sức của cộng đồng với hoạt động trợ giúp đối tượng... Những hiệu quả đó đã góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo và các chỉ tiêu khác trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình hỗ trợ NKT, TMC tại các xã xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Đó là đội ngũ cán bộ, hội viên và cán bộ chính quyền cơ sở còn thiếu kiến thức về hoạt động này nên quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng. Số người có nhu cầu được trợ giúp lớn trong khi nguồn lực rất hạn hẹp; ngân sách Nhà nước còn ít, khó giải ngân. Một số địa phương chưa tổ chức trợ giúp được rộng khắp và đồng đều về hình thức cũng như đối tượng. Chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc xây dựng đường tiếp cận tại các công trình phúc lợi theo quy định của Luật Người khuyết tật....
Với những kết quả đạt được, sang năm 2014, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình này. Để thực hiện hoạt động hỗ trợ ngày càng hiệu quả, phát huy được khả năng, thế mạnh của mình; Trung ương Hội đã kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về chương trình xây dựng nông thôn mới và một số Bộ, Ban, ngành có liên quan quan tâm lồng ghép thực hiện quy định của pháp luật về NKT; giao nhiệm vụ và kinh phí cho Hội thực hiện trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện cho Hội ở địa phương tham gia thực hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa bàn.
Ông Dương Hữu Giáo - Phó Chủ tịch tỉnh Hội Hà Tĩnh:
"Năm 2013, Hội Bảo trợ NKT & TMC tỉnh Hà Tĩnh được giao thực hiện thí điểm mô hình xây dựng đường tiếp cận cho NKT tại 2 xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Cẩm Thành là xã vùng thuần nông; Cẩm Lĩnh là xã nghèo ven biển ngang, chủ yếu làm nghề nông, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đây là hai xã có số lượng người khuyết tật và trẻ mồ côi nhiều (xã Cẩm Thành 218 người khuyết tật, 110 trẻ mồ côi; xã Cẩm Lĩnh: 312 người khuyết tật, 99 trẻ mồ côi) phần lớn sống trong các gia đình thuộc diện nghèo.
Dự án đã xây dựng được 65 đường tiếp cận tại nhà riêng NKT, trụ sở UBND, trạm y tế, hội quán thôn của hai xã. Qua đó, đã giúp người khuyết tật đi xe lăn tiếp cận được với các công trình công cộng tại cộng đồng, được hưởng lợi từ các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện cho họ vươn lên để tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, hoàn cảnh, nhờ đó có một số hộ gia đình NKT ở xã Cẩm Thành đã thoát nghèo.
Tuy chỉ thí điểm thực hiện nhưng dự án đã thành công tốt đẹp, được cấp ủy, chính quyền huyện, xã và cộng đồng dân cư đánh giá đây là một dự án đậm tính nhân văn và khẳng định quyền của người khuyết tật. Chính quyền địa phương cũng đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực, chủ động của tỉnh Hội Hà Tĩnh khi đã tranh thủ nguồn lực từ Trung ương Hội để tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh".
Ông Phan Hữu Lập - Chủ tịch tỉnh Hội Đồng Tháp:
"Với nguồn kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng từ Trung ương Hội, tỉnh Hội Đồng Tháp đã lựa chọn xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng – một xã nghèo thuần nông – để thực hiện Dự án đầu tư nuôi bò sinh sản cho người khuyết tật nghèo trong xã. Toàn xã Tân Công Chí có 31 người khuyết tật sống tại 27 hộ gia đình, trong đó có 19 hộ thuộc diện nghèo.
BQL Dự án đã phối hợp với các ấp rà soát, bình bầu, chọn lựa 5 hộ gia đình NKT nghèo để hỗ trợ bò sinh sản. Tỉnh Hội đã vận động thêm được 50 triệu đồng từ các nhà tài trợ để cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương mua 5 cặp bò giống với tổng số tiền 96,6 triệu đồng để trao cho các hộ. Ban Quản lý Dự án cử cán bộ thú y xã thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát việc chăn nuôi để kịp thời hướng dẫn, xử lý nếu bò bị bệnh. Nhờ đó bò của các hộ nuôi hiện đang phát triển tốt.
Được hỗ trợ của Hội, NKT và gia đình họ rất phấn khởi, đã xóa dần mặc cảm tự ti, chán nản; thay vào đó là sự tích cực chăm lo cho "tài sản" vừa được nhận. Qua kiểm tra, các hộ nhận bò rất nỗ lực chăm sóc, đảm bảo kỹ thuật và quy định về chăn nuôi bò. Đây là một hướng đi phù hợp, hiệu quả đối với các hộ gia đình NKT sống tại nông thôn, góp phần tích cực hỗ trợ họ vươn lên tham gia lao động, sản xuất, có thu nhập để thoát nghèo".
Ngân Giang
Tin mới
- Trẻ tự kỷ cần môi trường hòa nhập - 25/07/2014 07:52
- Sáng tạo với bản đồ nổi cho học sinh khiếm thị - 30/06/2014 02:24
- An sinh xã hội – Mục đích hoạt động quan trọng của báo chí cách mạng - 27/04/2014 18:10
- Trợ giúp pháp lý - hoạt động đảm bảo các quyền cho người khuyết tật - 12/03/2014 03:42
- Hiệu quả và những trăn trở mô hình thí điểm dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật tại các cơ sở ngoài công lập: - 14/02/2014 04:04
Các tin khác
- Hiệu quả từ mô hình sinh kế tại Vĩnh Phúc - 08/12/2013 02:26
- Công tác xã hội với người khuyết tật - 07/12/2013 04:29
- Để thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 29/11/2013 03:55
- Rối loạn ngôn ngữ - thực trạng và giải pháp - 28/11/2013 03:55
- Hội thảo “Chia sẻ báo cáo rà soát pháp luật về nghề CTXH ở Việt Nam” - 27/11/2013 02:41