Trong hai ngày 1, 2/11, tại Hải Phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo "Chia sẻ báo cáo rà soát pháp luật về nghề CTXH ở Việt Nam". Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan đến việc phát triển nghề CTXH, rà soát các chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nghề CTXH và đề xuất việc thiết lập một hành lang pháp lý cho nghề CTXH tại Việt Nam. Tham dự hội thảo có đại diện của các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục đào tạo, Cục BTXH, Vụ Pháp chế, đại diện tổ chức Unicef, đại diện các tổ chức xã hội, các Trung tâm BTXH và đơn vị liên quan của một số tỉnh, thành trong cả nước.
Những nỗ lực phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp tại Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Hội thảo
Trên thế giới, nghề CTXH xuất hiện lần đầu tiên vào giữa thế kỷ thứ 19 và phát triển như một nghề mà thông qua các hoạt động hỗ trợ và tác động đối với cá nhân, gia đình, nhóm đối tượng cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tăng cường phúc lợi và công bằng xã hội.
Tại Việt Nam, ngay từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước CTXH với những biểu hiện cụ thể của nó đã được đề cập trong một số văn bản pháp luật. Thông qua các hoạt động trợ giúp, hỗ trợ người già, trẻ em mồ côi, khuyết tật, những người gặp hoàn cảnh khó khăn do các cá nhân, tổ chức thực hiện, pháp luật đã quy định quá trình thực hiện hoạt động giúp đỡ những đối tượng dễ bị tổn thương.
Để phát triển nghề CTXH, những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ các Bộ, ngành đã chủ động tích cực xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về CTXH. Trong đó Bộ LĐ, TB & XH đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2011-2015; Ban hành Thông tư số 34/2010/TT-BLĐTBXH, quy định tiêu chuẩn các nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH; Thông tư số 04/2011/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở BTXH; Thông tư số 07/2011/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên CTXH cấp xã; Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BNV, quy định chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH; Bộ Tài chính- Bộ LĐ, TB & XH ban hành Thông tư liên tịch số 11/2011/TTLT/BTC-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định 32/2010/QĐ-TTg; Bộ Nội vụ, Bộ LĐ, TB & XH ban hành Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT/BLĐTBXH-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH công lập. Nghị định số 17/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang...
Báo cáo rà soát pháp luật về nghề CTXH ở Việt Nam do Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH tiến hành năm 2012 cũng cho biết, hầu hết các văn bản trong các lĩnh vực được rà soát như hôn nhân và gia đình, nuôi con nuôi, trợ giúp pháp lý, dân sự, hành chính và hình sự .. có liên quan đến hoạt động CTXH về cơ bản đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, đa dạng trong sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Các văn bản này đều đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra và được thực hiện đúng với đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Một số vấn đề bất cập, tồn tại
Có thể nói, việc tổ chức thực hiện các quy định có liên quan đến CTXH và dịch vụ CTXH về cơ bản đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các ban, ngành, tổ chức quan tâm chỉ đạo, triển khai và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là cơ sở để từng bước đóng góp vào sự phát triển, hoàn thiện ngành, nghề CTXH ở Việt Nam. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về nghề CTXH ở Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế, quy định còn mờ nhạt, trong đó thiếu hụt lớn nhất là chưa có một văn bản pháp luật chuyên ngành, riêng biệt về nghề CTXH.
Theo báo cáo rà soát pháp luật về CTXH ở Việt Nam của Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, các văn bản pháp luật có quy định về CTXH hiện nay có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan. Chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở tầm luật, pháp lệnh quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động CTXH, viên chức CTXH và quản lý Nhà nước đối với nghề CTXH. Do đó khó khăn cho việc lồng ghép, đưa các quy định cụ thể về nghề CTXH vào các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành khác cũng như tổ chức triển khai trên thực tế.
CTXH chưa được nhìn nhận là một nghề chuyên nghiệp – chưa có dịch vụ CTXH chuyên nghiệp, chưa có quy định rõ, cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của viên chức CTXH. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực rà soát có liên quan đến CTXH cho thấy nhiều quy định còn chung chung, một số lĩnh vực chưa có quy định, còn thiếu, còn khoảng trống, có quy định còn chồng chéo, thiếu đồng bộ hoặc bất cập, khó triển khai, thực hiện.
Ví dụ trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, theo đánh giá thực trạng pháp luật về nghề CTXH trong lĩnh vực thương binh và xã hội của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, vị trí, vai trò của cán bộ CTXH trong các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em hầu như chưa được quy định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Trách nhiệm điều tra về các vụ việc xâm hại và xao nhãng đối với trẻ em chưa được quy định trong luật và hoạt động của nhóm cán bộ CTXH chưa được coi đó là nhóm hoạt động đặc thù; Các cơ quan dịch vụ CTXH chưa được quy định trong luật là có thẩm quyền tiếp nhận báo cáo về vụ việc xâm hại trẻ em và tiến hành điều tra, cáo buộc; Vấn đề quản lý ca, bảo vệ nạn nhân, nhân chứng là trẻ em, trẻ em có vấn đề sức khỏe mặt tâm thần... chưa được pháp luật hóa trong vai trò của cán bộ xã hội....
So với các nước phát triển trên thế giới và ngay cả với nhiều nước trong khu vực, pháp luật Việt Nam còn thiếu nhiều quy định liên quan đến CTXH. Đó là các quy định về việc phê duyệt, giám sát, cấp phép đào tạo CTXH theo tiêu chuẩn nghề nghiệp, quy định về thi sát hạch chuyên môn và cấp giấy phép hành nghề trong một số lĩnh vực chuyên biệt của CTXH. Trong bối cảnh đó, mức độ phát triển nghề CTXH tại Việt Nam cũng có những khoảng cách lớn so với các nước về nhận thức, chiến lược phát triển toàn diện, đào tạo cán bộ xã hội, mạng lưới nhân viên và bộ máy cũng như tổ chức hoạt động.
Cùng với đó là quá trình triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về CTXH vẫn còn nhiều bất cập. Các dịch vụ CTXH hiện nay chủ yếu là do một số tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ tiến hành, nhưng các tổ chức này lại chưa có đầy đủ hoặc thậm chí không có kiến thức, trình độ về CTXH cũng như trang bị năng lực cho những người trực tiếp thực hiện các dịch vụ đó. Các loại hình dịch vụ CTXH chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thực tiễn. Cùng với đó, các hoạt động mang tính CTXH chuyên nghiệp còn yếu, đặc biệt đội ngũ nhân viên CTXH vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.
Qua thảo luận, đóng góp ý kiến về những điều kiện cần và đủ để phát triển nghề CTXH tại Việt Nam, hội thảo đã thống nhất ý kiến: Để phát triển nghề CTXH một cách chuyên nghiệp và tương xứng với nhu cầu của xã hội Việt Nam, cần thiết phải có một hành lang pháp lý tương xứng, phù hợp. Cụ thể, cần nghiên cứu xây dựng và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành CTXH và nghề CTXH ở Việt Nam. Đó có thể là Luật/ Pháp lệnh hoặc gần nhất là một Nghị định hoặc văn bản dưới luật về nghề CTXH.
Theo ông Nguyễn Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội: Văn bản này có thể là Luật CTXH hoặc Lồng ghép một số nội dung về CTXH và nghề CTXH trong Dự án Luật về xã hội (Luật phát triển xã hội hoặc Luật bảo trợ/trợ giúp xã hội. Trong đó, xét các ưu, nhược điểm của mỗi phương án này thì phương án 2 có tính khả thi hơn.
Phong Châu
Tin mới
- Hỗ trợ sinh kế cải thiện sinh hoạt, xóa đói giảm nghèo ở xã xây dựng nông thôn mới - 14/02/2014 04:00
- Hiệu quả từ mô hình sinh kế tại Vĩnh Phúc - 08/12/2013 02:26
- Công tác xã hội với người khuyết tật - 07/12/2013 04:29
- Để thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 29/11/2013 03:55
- Rối loạn ngôn ngữ - thực trạng và giải pháp - 28/11/2013 03:55
Các tin khác
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Hoàn thiện thí điểm mô hình dạy nghề gắn với việc làm cho NKT tại cộng đồng - 19/11/2013 02:19
- Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạo điều kiện cho NKT - 18/11/2013 02:42
- Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về NKT theo hướng nâng cao hơn nữa - 14/11/2013 02:23
- Về xác định mức độ khuyết tật để hưởng trợ cấp - 24/02/2012 10:01
- Trường sư phạm có nhận thí sinh khuyết tật? - 28/03/2011 10:28