An sinh xã hội là đối tượng phản ánh quan trọng của báo chí. Bằng cách thông tin những nhu cầu của từng người dân, nhóm người, cộng đồng đang gặp khó khăn và hoạt động của các yếu tố trong mạng lưới an sinh xã hội, báo chí như một cầu nối giữa các tầng an sinh xã hội và người dân. Mặt khác, chính báo chí cũng là một bộ phận của mạng lưới an sinh xã hội, nơi phát hiện, tư vấn cho Nhà nước hoạch định chính sách và trở thành nhân tố trực tiếp hoặc gián tiếp, đóng góp quan trọng về vật chất, tinh thần cho hệ thống an sinh xã hội.
Ảnh minh họa
An sinh xã hội là lĩnh vực thông tin quan trọng trên báo chí. Đây là lĩnh vực gắn bó chặt chẽ với định hướng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cả tầm chiến lược và ngắn hạn. Đồng thời, thông tin an sinh xã hội cũng rất gần gũi và thiết yếu với đời sống nhân dân. Bởi lẽ, thông tin an sinh xã hội bao gồm hầu hết toàn bộ thông tin liên quan đến những nhu cầu đời sống cơ bản của nhân dân như bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...), lương tối thiểu, lương hưu, trợ cấp (thai sản, ốm đau, tai nạn lao động...), ưu đãi xã hội đối với người và gia đình có công với nước, trợ cấp đột xuất cho người gặp nạn do thiên tai, địch họa..., trợ cấp hàng tháng cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các chính sách hỗ trợ việc làm, dạy nghề cho người lao động thất nghiệp, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật, đối tượng xã hội (mại dâm, ma túy)... để hòa nhập cộng đồng và đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ.
Với độ bao phủ rộng, cập nhật liên tục, người xem/đọc không giới hạn, báo chí là phương tiện chuyển tải thông tin an sinh xã họi nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Trên thực tế, người dân biết thông tin về an sinh xã hội nhiều nhất qua báo chí.
Ngay từ thủa mới ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam đã là tiếng nói mạnh mẽ vì an toàn cuộc sống của người dân. Trong những bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà báo cách mạng vĩ đại đã luôn chọn những đề tài gắn liền với đời sống nhân dân làm đối tượng phản ánh. Người bày tỏ sự quan tâm, đồng cảm sâu sắc trước những cảnh đời cơ cực trong xã hội thực dân – đế quốc, kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh thoát khỏi cảnh lầm than. Sau này, khi cách mạng giành được thắng lợi, Bác vẫn thường xuyên viết về những đề tài đời sống của người dân dân, phụ nữ, trẻ em. Phong cách viết và chọn đề tài của Người đúng với tâm nguyện cả đời của Bác lúc sinh thời: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 200, tập 4, trang 161). Tư tưởng đó của Người chính là hình ảnh về một xã hội an sinh hoàn toàn, nơi mỗi người dân đều được sinh sống yên bình trong một xã hội an toàn, tự do.
Theo gương Bác, báo chí cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua đều luôn coi việc phản ánh các vấn đề an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị của mình.
Thực tế đã chứng minh, khi xảy ra thiên tai bất ngờ, các phương tiện thông tin đại chúng là kênh đầu tiên đưa thông tin dự báo, những công điện khẩn và các hính thức cứu trợ đến người dân vùng bị nạn. Công việc của báo chí trong những trường hợp thiên tai khẩn cấp luôn được phát huy tuyệt đối, từ khâu dự báo, chuyển tải chỉ đạo phòng chống, đối phó diễn biến và giải quyết hậu quả thiên tai.
Nhiều người hẳn còn nhớ cơn bão Haiyan (Hải Yến) tháng 11/2013 với những cảnh báo về sức hủy diệt chưa từng có (sức gió đạt 310km/h) có thể sắp đổ bộ vào miền Trung Việt Nam. Trước đó, những hình ảnh hoang tàn, chết chóc, cô lập... do chính cơn bão này từ Phillipines đã gây ấn tượng mạnh đến công chúng Việt Nam.
Vì lẽ đó, về mặt truyền thông, công tác phòng chống cơn bão này đã thành công. Liên tục các cuộc họp do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo. Hai Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp về các địa phương dự kiến bão đi qua để thị sát. Các phương án đối phó được lập ra. Không chỉ người dân, ngư dân ở vùng dự báo bão mà hàng triệu người Việt Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng đều biết và chuẩn bị sẵn tinh thần ứng phó hậu quả cơn siêu bão này.
Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng máy bay mất tích của hãng Malaysia Airlines. Chiếc Boing 777-200 mang số hiệu MH 370 chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn cất cánh rời Kuala Lumpur lúc 0h41 ngày 8/3 và dự kiến tới Bắc Kinh khoảng 6h30 cùng ngày. Tuy nhiên, lúc 7h54, hãng này thông báo máy bay này mất tích khi đang gần không phận Việt Nam.
Từ ngày 8/3 đến 15/3, các cơ quan có trách nhiệm và báo chí Việt Nam gần như trực chiến ngày đêm, quần thảo từng hải lý trên biển bằng mọi phương tiện có thể để tìm tung tích máy bay mất tích. Tại các Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm máy bay mất tích, có các tổ quân y, đội phẫu thuật, hàng chục tàu vận tải, tàu quân y, ca nô, xe cứu thương và nhiều thiết bị y tế đảm bảo phục vụ cứu nạn. Lực lượng tham gia tìm kiếm gồm 11 máy bay, 7 tàu biển cùng lực lượng trên bộ của các quân khu, lực lượng Biên phòng, cảnh sát biển, tàu đánh cá... và những phương tiện hiện đại đất như máy bay tuần thám CASA và thủy phi cơ DHC6.
Toàn bộ những thông tin trên đều được cập nhật trên báo chí từng giờ, kể cả đêm khuya. Nhiều cơ quan báo chí đã cử phóng viên theo sát các chuyến bay tìm kiếm của Việt Nam. Nhờ truyền thông, một hoạt động cứu hộ mang tầm quốc tế của Việt Nam được cả thế giới biết đến và công nhận, khen ngợi.
Như vậy, có thể nhận thấy, an sinh xã hội là đề tài và mục đích hoạt động quan trọng của báo chí Việt Nam. Để nâng cao chất lượng thông tin về an sinh xã hội một cách bền vững và hiệu quả, xin đưa ra một số giải pháp sau:
Một là, lãnh đạo cơ quan báo chí và nhà báo cần có hiểu biết đầy đủ khái niệm an sinh xã hội và hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay. Cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng có nghĩa vụ đào tạo phóng viên có nghiệp vụ, hiểu biết về an sinh xã hội.
Hai là mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia về an sinh xã hội. Để có một cái nhìn sâu sắc, cách nhìn nhận, đánh giá sắc sảo và sự phân tích chính xác về an sinh xã hội, không ai có thể hơn một chuyên gia ở một cơ quan nghiên cứ, hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.
Tính đến tháng 12/2013, cả nước có 838 cơ quan báo in, 92 báo, tạp chí điện tử. Số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí là 265. Về phát thanh, truyền hình, có 67 Đài Phát thanh, Truyền hình, trong đó số lượng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá tại Việt Nam là 179 kênh, với 104 kênh chương trình truyền hình quảng bá...
Ba là cơ quan báo chí và nhà báo cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi chính sách về an sinh xã hội. Báo chí vừa lấy các thông tin từ những cơ quan này để cung cấp cho công chúng, vừa là diễn đàn chuyển tải tiếng nói của họ đến các cơ quan đó.
Bốn là, mở rộng các chuyên trang, chuyên mục về an sinh xã hội trên báo chí, phổ biến cả 5 thành tố của an sinh gồm: Bảo hiểm và bảo hiểm xã hội, ưu đãi xã hội, trợ giúp xã hội, chính sách lao động, các phong trào an sinh xã hội.
Năm là, xây dựng và mở rộng các kênh tương tác giữa cơ quan báo chí và công chúng báo chí về lĩnh vực an sinh xã hội. Những kênh tương tác này tỏ rõ hiệu quả đối với các thông tin như: cứu trợ đột xuất (do tai nạn, thiên tai...), chính sách mới về lương cơ bản, trợ cấp xã hội... Với sự trợ giúp của các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, sự tương tác ngày càng nhanh chóng và đa dạng, qua các kênh như: điện thoại (đường dây nóng), thư điện tử, mạng xã hội, nhắn tin trực tuyến...
Tóm lại, quá trình phát triển của báo chí cho thấy, các ấn phẩm truyền thông chỉ có thể hữu ích nếu gắn với cuộc sống của người dân, mà trong đó, an sinh xã hội là những vấn đề thiết thân nhất của họ. Là công cụ thông tin, kết nối, góp phần giải quyết vấn đề xã hội, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò để nâng cao mức sống, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của mỗi người dân.
Chiến lược tổng thể về an sinh xã hội thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm (giai đoạn 2011 - 2020), nhằm tới 6 mục tiêu lớn:
- Mục tiêu 1: Tăng cường tính bình đẳng trong thị trường lao động thông qua hỗ trợ tốt hơn người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương tham gia đào tạo, có việc làm, nâng cao điều kiện làm việc và cải thiện cuộc sống, mở rộng tỷ lệ tham gia bảo hiểm tự nguyện.
- Mục tiêu 2: Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội tiên tiến, mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia vào bảo hiểm xã hội tự nguyện, quỹ bảo hiểm xã hội được bảo đảm an toàn và phát triển, mức hưởng được cải thiện.
- Mục tiêu 3: Tăng cường hiệu quả chăm sóc y tế công. Thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân từ năm 2014, cải thiện hoạt động chăm sóc y tế để mọi người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng dân tộc, miền núi dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Mục tiêu 4: Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, ứng phó kịp thời với các biến cố, rủi ro. Mở rộng các nhóm đối tượng thụ hưởng đến toàn bộ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
- Mục tiêu 5: Thực hiện giảm nghèo bền vững, ngăn chặn gia tăng bất bình đẳng. Kiểm soát bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư, vùng về thu nhập và cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, hưởng lợi từ các chương trình đầu tư phát triển, giảm nghèo trong từng vùng, từng khu vực. Bảo vệ có hiệu quả các trẻ em và phụ nữ nghèo, dễ bị tổn thương, bị lạm dụng.
- Mục tiêu 6: Nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ xã hội tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường tiếp cận của người di dân đến dịch vụ xã hội tại các đô thị.
Dự kiến kinh phí để chi thực hiện các mục tiêu này khoảng 732.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chi khoảng gần 50%.
Tths. Nguyễn Thị Thu Hường
Tin mới
- Từ 2015, một số trường hợp bị tai nạn lao động sẽ được chi trả chi phí điều trị - 21/08/2014 03:54
- Giới thiệu sách:Từ điển thuật ngữ An toàn và vệ sinh lao động - 21/08/2014 03:53
- Giới thiệu Thông tư - 04/08/2014 10:35
- Trẻ tự kỷ cần môi trường hòa nhập - 25/07/2014 07:52
- Sáng tạo với bản đồ nổi cho học sinh khiếm thị - 30/06/2014 02:24
Các tin khác
- Trợ giúp pháp lý - hoạt động đảm bảo các quyền cho người khuyết tật - 12/03/2014 03:42
- Hiệu quả và những trăn trở mô hình thí điểm dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật tại các cơ sở ngoài công lập: - 14/02/2014 04:04
- Hỗ trợ sinh kế cải thiện sinh hoạt, xóa đói giảm nghèo ở xã xây dựng nông thôn mới - 14/02/2014 04:00
- Hiệu quả từ mô hình sinh kế tại Vĩnh Phúc - 08/12/2013 02:26
- Công tác xã hội với người khuyết tật - 07/12/2013 04:29