Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (chiếm khoảng 7,5% dân số). Đa số (87%) người khuyết tật sống ở nông thôn, gặp nhiều khó khăn, cần đến sự trợ giúp, hỗ trợ của nhà nước và xã hội. Ngoài việc các quyền, nghĩa vụ như mọi công dân khác thì người khuyết tật còn cần được bảo vệ các quyền và những ưu tiên dành riêng cho họ. Do đó, hoạt động trợ giúp pháp lý cho NKT là rất cần thiết.
Chính sách của Nhà nước đã quan tâm đến trợ giúp pháp lý cho NKT
Hoạt động trợ giúp pháp lý của Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi thành phố Hà Nội
Việt Nam đã ký Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (NKT) năm 2008 và dự kiến hoàn thành thủ tục phê chuẩn trong năm 2014 cũng như đang nỗ lực xây dựng hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm thúc đẩy quyền của NKT. Trong lộ trình phê chuẩn Công ước, giai đoạn 2010 - 2013 Việt Nam đã ban hành Luật NKT năm 2010 và 13 văn bản dưới Luật có liên quan tới NKT ở các lĩnh vực truyền thông, thể thao, du lịch, tiếp cận an sinh xã hội và thúc đẩy thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Ngày 28/11/2013, Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi), Điều 59 quy định "Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác". Điều 61 quy định: "Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề".
Trong các quyền của NKT, quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí đã được khẳng định trong nhiều văn bản pháp luật: Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Điều 2 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý quy định người tàn tật không nơi nương tựa được trợ giúp pháp lý. Năm 2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Người khuyết tật thay thế Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998 cũng đã quy định quyền được trợ giúp pháp lý của tất cả NKT không phân biệt có hay không có nơi nương tựa (Điều 4).
Thực hiện Luật Người khuyết tật, ngày 05/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1019/QĐ-BTP phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 với mục tiêu 90% NKT được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu trong giai đoạn 2012 - 2015 và 100% NKT được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu trong giai đoạn 2016 - 2020. Để triển khai thực hiện Đề án này, ngày 18/12/2012 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3888/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch năm 2013 triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT. Nhằm bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của NKT, ngày 05/02/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó Khoản 4 Điều 1 quy định tất cả những NKT theo Luật Người khuyết tật đều được trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, chính sách chung của Nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy khả năng của họ để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Người khuyết tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Hoạt động trợ giúp pháp lý đang dần đi vào đời sống của NKT
Người khuyết tật tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý
Với một hệ thống chính sách tương đối đầy đủ, sự tham gia, vào cuộc của hệ thống 63 trung tâm, 161 chi nhánh, 120 phòng chuyên môn về trợ giúp pháp lý của Nhà nước và mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý được các địa phương chú trọng xây dựng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã với 8.535 người, trợ giúp trên hầu hết các lĩnh vực; hoạt động trợ giúp pháp lý cho NKT đã và đang dần đi vào cuộc sống.
Theo báo cáo chưa đầy đủ, từ năm 2007 đến nay, các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đã trợ giúp pháp lý cho khoảng 3.670 lượt NKT, chưa kể số lượng không nhỏ người được trợ giúp pháp lý là các thương binh, bệnh binh. NKT được trợ giúp chủ yếu là hội viên Hội người mù, tổ chức của người khiếm thính, tổ chức tự lực của NKT ...
Hoạt động trợ giúp pháp lý được tiến hành ở nhiều hình thức như tư vấn để nâng cao nhận thức pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp nói chung cũng như quyền, lợi ích hợp pháp đặc thù đối với NKT như: quyền được chăm sóc sức khỏe (khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng), trợ cấp xã hội, được học tập, học nghề, tạo việc làm, tham gia các hội, nhóm của NKT... Việc thực hiện trợ giúp pháp lý có thể được thực hiện tại trụ sở của Trung tâm trợ giúp pháp lý hoặc tại cơ sở thông qua chi nhánh của Trung tâm, qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, hội thảo, tập huấn...
Hoạt động truyền thông về pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng này cũng được đẩy mạnh để giúp họ dễ dàng biết quyền được trợ giúp pháp lý của mình và tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí. Các Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan thông tin, phổ biến về các chính sách ưu đãi đối với NKT trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình và các chương trình giải đáp pháp luật. Tổ chức nói chuyện pháp luật cho NKT, phát miễn phí tờ gấp pháp luật giới thiệu về chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với NKT và người nhiễm chất độc màu da cam. Trong đó, có các tình huống pháp luật gần gũi và có liên quan thiết thân đối với NKT. Đặt biển thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý của NKT và người nhiễm chất độc màu da cam tại các địa phương và CLB NKT ở các xã ...
Vẫn còn nhiều thách thức
Có thể nói, những đóng góp của công tác trợ giúp pháp lý cho NKT thời gian vừa qua đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến quyền của NKT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế hoạt động trợ giúp pháp lý cho NKT những năm qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo đánh giá của Trung tâm hành động vì sự phát triển hòa nhập, hoạt động tư vấn pháp lý cho NKT mới chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu của cộng đồng NKT. Ước tính còn hàng triệu NKT chưa được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý. Nguyên nhân khiến nhiều NKT chưa tiếp cận được hoạt động này là do những rào cản về dạng tật, ngôn ngữ giao tiếp, do nguồn lực dành cho trợ giúp pháp lý có tăng nhưng quỹ thời gian hạn hẹp, chất lượng hoạt động chưa đồng đều. Số vụ việc trợ giúp pháp lý do cộng tác viên thực hiện mới chỉ tập trung ở lĩnh vực tư vấn pháp luật. Chưa hình thành được đội ngũ cộng tác viên là những cán bộ, thành viên của các cơ quan, tổ chức chuyên về NKT hoặc bản thân họ là NKT. Sự thiếu liên kết, phối hợp giữa cơ quan Nhà nước và các tổ chức của NKT, các hiệp hội, cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT trong việc tìm hiểu nhu cầu và trợ giúp pháp lý cho họ khi cần thiết...
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên và nâng cao hiệu quả công tác này, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của NKT, trong thời gian tới, cần thiết phải xây dựng được mô hình trợ giúp pháp lý cho NKT có hiệu quả. Cùng với đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động trợ giúp pháp lý đối với NKT cũng hết sức quan trọng. Tăng cường truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với hình thức phù hợp. Ví dụ với người mù, người không biết chữ thì sử dụng băng ghi âm, hệ thống phát thanh, với người khiếm thính thì sử dụng hình ảnh, chữ viết, văn bản, tờ gấp pháp luật... hoặc thông qua người phiên dịch (giáo viên của các trường khuyết tật, người thân trong gia đình...), đối với NKT là người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông phải trợ giúp pháp lý bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc tờ gấp pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số...
Do có những khiếm khuyết về thể chất và tâm thần nên NKT thường mặc cảm, tự ti, cộng thêm sự hạn chế về trình độ văn hoá, điều kiện tiếp cận khiến họ không thể thực hiện các thủ tục pháp lý. Vì vậy, việc trợ giúp pháp lý không chỉ dừng lại ở hướng dẫn, tư vấn mà trong nhiều trường hợp, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải đến tận nơi ở (gia đình, trung tâm bảo trợ...) của NKT (đối với NKT nặng không thể đi lại) để giúp đỡ họ hoàn thành hồ sơ, tìm hiểu, thực hiện tư vấn hoặc làm đại diện thay người đó thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết, liên hệ với cơ quan chức năng giải quyết giúp họ thông qua hình thức đại diện ngoài tố tụng. Cần thường xuyên tiến hành các hoạt động tập huấn cho đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là cộng tác viên cấp xã về kiến thức pháp luật, cập nhật các văn bản pháp luật về chế độ, chính sách của NKT và kỹ năng trợ giúp pháp lý đặc thù cho NKT (kỹ năng nắm bắt tâm lý, giao tiếp, tiếp cận, sử dụng người phiên dịch...), đạo đức nghề nghiệp (sự cảm thông, chia sẻ, tận tâm ...) vì đây là đối tượng có điều kiện tiếp cận với NKT và có thể là người được tìm đến đầu tiên khi NKT có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Phong Châu
Tin mới
- Giới thiệu sách:Từ điển thuật ngữ An toàn và vệ sinh lao động - 21/08/2014 03:53
- Giới thiệu Thông tư - 04/08/2014 10:35
- Trẻ tự kỷ cần môi trường hòa nhập - 25/07/2014 07:52
- Sáng tạo với bản đồ nổi cho học sinh khiếm thị - 30/06/2014 02:24
- An sinh xã hội – Mục đích hoạt động quan trọng của báo chí cách mạng - 27/04/2014 18:10
Các tin khác
- Hiệu quả và những trăn trở mô hình thí điểm dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật tại các cơ sở ngoài công lập: - 14/02/2014 04:04
- Hỗ trợ sinh kế cải thiện sinh hoạt, xóa đói giảm nghèo ở xã xây dựng nông thôn mới - 14/02/2014 04:00
- Hiệu quả từ mô hình sinh kế tại Vĩnh Phúc - 08/12/2013 02:26
- Công tác xã hội với người khuyết tật - 07/12/2013 04:29
- Để thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 29/11/2013 03:55