Thứ ba, 04 Tháng 7 2017 15:18

Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo quyết định của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Thanh Hóa. Mục tiêu hoạt động của Câu lạc bộ là để tập hợp cha mẹ đồng cảnh có con mắc chứng tự kỷ nhằm chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ mắc chứng tự kỷ. Dưới sự quản lý của Sở Lao động TBXH và trực tiếp chỉ đạo của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Thanh Hóa.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa ước tính có khoảng hơn 3.000 trẻ em mắc chứng tự kỷ ở các mức độ khác nhau và hầu hết đang sinh hoạt tại gia đình. Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ tỉnh Thanh Hóa ra đời đã tập hợp các cha mẹ đồng cảnh có con mắc chứng tự kỷ nhằm chia sẻ những kinh nghiệm nuôi dạy con cũng như kiến thức khoa học về giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ; nâng đỡ, động viên các cha mẹ để họ có đủ tinh thần đồng hành cùng đứa con tự kỷ của mình; giúp đỡ trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng, được hưởng mọi quyền lợi chính đáng về giáo dục, việc làm và chăm sóc y tế đồng thời tuyên truyền để cộng đồng nhận thức về chứng tự kỷ, giúp phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ và có sự cảm thông hỗ trợ đối với người tự kỷ; kêu gọi tài trợ của các cá nhân, tổ chức xã hội để giúp đỡ các con và các gia đình có khó khăn.

 

71Tu ky Thanh hoa 2image020

Tham gia hội nghị tham vấn quốc gia về chính sách và pháp luật cho người tự kỷ tại Việt Nam

 

Từ khi gia nhập và hoạt động dưới sự giám sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng mạng lưới các cơ sở nhằm phục vụ tốt nhất mục đích ban đầu đề ra đó là chia sẻ, dành những gì tốt nhất cho trẻ mắc chứng tự kỷ và là chỗ dựa cho gia đình các trẻ.

 

Nhằm trợ giúp các gia đình có con mắc chứng tự kỷ có những kỹ năng cần thiết, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con tại gia đình, Câu lạc bộ đã thành lập trang và nhóm facebook “CLB gia đình trẻ tự kỷ Thanh Hóa” chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp chăm sóc, các bài tập, hoạt động dạy trẻ tử kỷ. Câu lạc bộ cũng tổ chức các khóa tập huấn theo chủ đề, mời các chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức các khóa học để bổ sung kiến thức kỹ năng can thiệp cho các cha mẹ theo các chủ đề : Tâm lý, hành vi, ngôn ngữ, giới tính, dinh dưỡng, vận động, các kỹ năng học đường Tổ chức các buổi hội thảo và các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về tự kỷ, kêu gọi sự chia sẻ cảm thông của xã hội đối với trẻ tự kỷ. Thời gian tổ chức tập trung vào các ngày có ý nghĩa với trẻ tự kỷ nói riêng cũng như trẻ khuyết tật nói chung như “Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ ngày 2/4”, “Ngày quốc tế về người tàn tật ngày 3/12”

 

71tu ky thanh hoa 1image002

Tổ chức Trung thu cho các con tại Khu vui chơi giải trí Hồ Thành - Thành phố Thanh Hoá

 

Đến nay, Câu Lạc bộ đã có được những thành quả ban đầu như lập dự án xin được 2000 cuốn sách “Điều gì xảy ra với Nick vậy?” cung cấp cho 10 trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Mở nhiều lớp học gia đình hoặc phối kết hợp với các trường, các trung tâm để các con đều có thể được đi học phù hợp với khả năng từng trẻ. Tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể như: tổ chức cho trẻ em mắc chứng tự kỷ được vui chơi cùng bạn bè, được tham gia các ngày lễ tết giành cho thiếu nhi như ngày tết thiếu nhi 1/6, ngày tết trung thu và các ngày lễ lớn như lễ noel, ngày tết dương lịch, tết âm lịch. Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng tổ chức thăm khám và đánh giá trẻ: tối thiểu 1 năm/ 1 lần mời được các chuyên gia tâm lý, chuyên gia y tế về thăm khám, đánh giá cho các trẻ. Tuyên truyền về hoạt động của Câu lạc bộ, của Mạng lưới gia đình người tự kỷ Việt Nam ( VAN ) để các phụ huynh, các giáo viên và những tổ chức, cá nhân quan tâm có thể tham gia. Tham gia các sự kiện của Mạng lưới gia đình trẻ tự kỷ Việt Nam: Các Hội thảo chính sách về người tự kỷ năm 2014, 2016, 2017; chương trình thể thao thân thiện 2016,2017

 

Chị Lê Vi Linh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ Thanh Hóa cho biết: “Những năm trước đây cộng đồng hiểu ít về tự kỷ, các con đi học bị kỳ thị, thậm chí nhiều trường không nhận trẻ tự kỷ. Nay do truyền thông tốt, mọi người đã có sự đồng cảm, chia sẻ với trẻ tự kỷ. Từ nhóm phụ huynh trẻ tự kỷ đến nay là Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ Thanh Hóa, tuy được Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ nhưng để thực hiện được các hoạt động cần chi phí khá lớn, hầu hết dựa trên nguồn đóng góp tự nguyện của các gia đình, cũng hạn chế phần nào khi tổ chức tham gia các sự kiện.

71tu ky thanh hoa 3

Tập huấn với Chuyên viên Tâm lý Lê Khanh (12-14/8/2016)

 

Tổ chức hoạt động của Câu loạc bộ đều là nhóm cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ, chưa có người làm việc chuyên trách, hầu hết tham gia bán thời gian và theo sự kiện. Ban điều hành chưa được đào tạo các kỹ năng hoạt động xã hội, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng tư vấn đồng cảnh, kỹ năng lập dự án, kêu gọi tài trợ, kỹ năng phát triển tổ chức.nên hoạt động của Câu lạc bộ vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như mong mỏi của các gia đình có trẻ tự kỷ trong câu lạc bộ nói riêng và toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung. Trong thời gian tới Câu lạc bộ sẽ tập trung hơn nữa, kiện toàn bộ máy nhằm trở thành địa chỉ tin cậy với gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ cũng như cung cấp cho các em những điều kiện tốt nhất về sinh hoạt, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền lợi cho các em.

 

Những hoạt động và thành quả mà Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ tỉnh Thanh Hóa đạt được tuy còn khá khiêm tốn, nhưng đó là nỗ lực của cả một tập thể vì muốn mang lại hạnh phúc, sự sẻ chia giữa các gia đình và xã hội.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi