Thứ ba, 04 Tháng 7 2017 14:44

Ngày 17/3/2017, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 328/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2017. Mục tiêu của Kế hoạch là tăng cường việc triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong năm 2017, tạo bước chuyển biến mới trong nhận thức của cộng đồng về các quyền của người khuyết tật; đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý; tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (trong đó, chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng) cho người khuyết tật.

Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT năm 2017 đặt ra yêu cầu phải bám sát nội dung chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và bảo đảm sự tiếp nối trong các hoạt động đã thực hiện trong năm 2016; Các hoạt động cụ thể, khả thi, phù hợp với đặc thù của người khuyết tật; xác định rõ đơn vị có trách nhiệm thực hiện, đơn vị phối hợp và thời gian thực hiện; Có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nh t là các cơ quan, tổ chức về người khuyết tật trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Các hoạt động thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT năm 2017

Thứ nhất, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý bảo đảm sự tương thích với các văn bản pháp luật trong nước và quốc tế. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với ủy ban pháp luật của Quốc hội hoàn thiện Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6 năm 2017); chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trong đó điều chỉnh đối tượng và hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

71tro giup phap ly cho nguoi khiem thi tai Hai Phong

Trợ giúp pháp lý cho NKT tại TP. Hải Phòng

 

Thứ hai, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với hình thức phù hợp cho các dạng tật tại nơi cư trú, sinh sống của người khuyết tật (các xã, phường thị trấn nơi có người khuyết tật, tại các Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật...), trong đó chú trọng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật khi có yêu cầu.

Thứ ba, tăng cường năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đối với đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, chú trọng kỹ năng tham gia tố tụng dân sự, hành chính tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lồng ghép với các lớp tập huấn có nội dung khác về trợ giúp pháp lý.

Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua và các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; biên soạn và phát hành tờ gấp pháp luật, băng cát-xét, đĩa CD và các ấn phẩm chuyên dụng khác cho người khuyết tật; lồng ghép việc truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với các Chương trình, Đề án khác về người khuyết tật ở địa phương.

Hoàn thiện việc xây dựng và lắp đặt Bảng tin, hộp tin, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý bảo đảm tại ít nhất 60% địa điểm được lắp đặt (trụ sở Hội Người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội).     

Thứ năm, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và các văn bản quy phạm pháp luật, các cam kết quốc tế về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

71tro giup phap ly cho NKT Da Nang

Trợ giúp pháp lý cho NKT tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng

 

 

Kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên hàng năm của Trung ương và địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án liên quan khác theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước; đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có).

Về tổ chức thực hiện, Cục Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và báo cáo việc tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong phạm vi cả nước.

Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý trong việc tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ban, ngành có liên quan giúp UBND cấp tỉnh xây dựng Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật chung hoặc Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật (tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương) trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, báo cáo Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ở địa phương.

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham mưu Sở Tư pháp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật tại địa phương trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi