Bên cạnh việc đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống các công trình, cơ sở vật chất phòng chống thiên tai, Nhà nước đã và đang ngày càng quan tâm hoàn thiện thể chế, chiến lược, chính sách nhằm quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, tăng cường năng lực và nhận thức của người dân; trong đó đặc biệt quan tâm đến người khuyết tật - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong thiên tai.
Cần hòa nhập NKT trong giảm thiểu rủi ro thiên tai
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, 7,8% dân asố Việt Nam (trên 5 tuổi) là người khuyết tật và họ thuộc một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thiên tai. Để sơ tán an toàn, họ thường cần sự trợ giúp của người thân, ban quản lý rủi ro thiên tai hoặc Đội Cứu hộ, Trong tình huống này, người trợ giúp cũng có thể bị hạn chế và giới hạn. Như vậy nếu gộp chung nhóm người trợ giúp thì số người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khuyết tật trong thiên tai sẽ lớn hơn.
Lễ ký kết chương trình phối hợp triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ NN&PTNT
Theo ông Bùi Quang Huy -Giám độc Trung tâm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai (Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì lý do cần hòa nhập người khuyết tật trong giảm thiểu rủi ro thiên tai vì lâu nay, người khuyết tật được xem như nạn nhân và không tham gia hiệu quả vào các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai. Rất ít đại diện người khuyết tật tham gia vào Ban phòng chống thiên tai (PCTT) hoặc Nhóm hỗ trợ kỹ thuật các cấp; tiếng nói, nhu cầu của người khuyết tật cũng ít được nghe thấy. Do vậy, khi thiên tai xảy đến, người khuyết tật gặp rủi ro cao về an toàn tính mạng, sức khỏe và thu nhập.
Người khuyết tật và người thân của họ chưa ưu tiên phòng chống thiên tai, họ không tham gia được vào hoạt động này vì lý do rào cản khuyết tật, chưa đánh giá đúng năng lực đóng góp của mình. Trong khi đó các bên liên quan cũng đánh giá chưa đúng về khả năng đóng góp của người khuyết tật, thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu hướng dẫn về cách làm cũng như kiến thức về hòa nhập người khuyết tật. “Tất cả những lý do đó khiến người khuyết tật không tham gia hiệu quả vào việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai và dẫn đến họ gặp rủi ro cao khi xảy ra thiên tai” – ông Bùi Quang Huy cho biết.
Mặt khác, việc gặp rủi ro cao về tính mạng, sức khỏe, thu nhập cùng những hạn chế về thể chất đã khiến cho việc phục hồi lại cuộc sống và sinh kế của người khuyết tật sau thiên tai càng gặp khó khăn hơn. Bởi vậy, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có lồng ghép hòa nhập NKT là cách tiếp cận hướng đến tất cả mọi người; đảm bảo người khuyết tật được nâng cao nhận thức và được tham gia, góp phần giảm thiểu rủi ro xảy đến với NKT cũng như đảm bảo sinh kế bền vững cho họ trước, trong và sau thiên tai. Đây cũng là việc làm cần thiết để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và tăng khả năng ứng phó cho cả cộng đồng.
Tập huấn khả năng quản lý rủi ro thiên tai cho người khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi (ảnh Báo Quảng Ngãi)
Chính phủ Việt Nam đã cam kết hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai thông qua những chính sách quốc gia và quốc tế như Luật phòng chống thiên tai; Khung hành động Sendai; Chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Lao động Thương binh & Xã hội; Chiến lược Incheon; Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật; Luật Người khuyết tật.
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện các chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai có hòa nhập người khuyết tật vẫn chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân chính là do các cơ quan liên quan thiếu kiến thức và kỹ năng để huy động sự tham gia của người khuyết tật; trong khi đó các tổ chức dân sự vẫn chưa khẳng định được vị thế và phát huy hết vai trò của mình.
Tháng 11/2015, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết chương trình phối hợp triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Mục đích của Chương trình phối hợp là tạo cơ chế phối hợp giữa ngành LĐ-TBXH và NN&PTNN từ Trung ương đến địa phương nhằm hướng dẫn các tỉnh, thành phố hỗ trợ người khuyết tật tham gia hiệu quả các hoạt động của Đề án tại cộng đồng; đảm bảo người khuyết tật được nâng cao nhận thức và tham gia mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; góp phần thay đổi thái độ và hành vi về vấn đề khuyết tật; huy động và sử dụng hợp lý nguồn lực thực hiện hiệu quả các hoạt động của Đề án.
Sự phối hợp giữa hai Bộ cùng các tổ chức, cơ quan liên quan (bao gồm các Hội vì và của NKT), các mạng lưới về giảm nhẹ rủi ro thiên tai có hòa nhập NKT tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho NKT tham gia hiệu quả trong xây dựng chính sách, các hoạt động phòng chống thiên tai tại cộng đồng. Từ đó, nhu cầu của NKT được đáp ứng, giảm thiểu rủi ro về an toàn, sức khỏe, thu nhập.
Một số giải pháp chung
Để hòa nhập người khuyết tật trong phòng chống thiên tai và sinh kế bền vững, cần thực hiện các giải pháp sau:
Trước hết, Bộ NN&PTNT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần xây dựng kế hoạch hành động vụ thể để triển khai chương trình phối hợp hai Bộ đã ký kết.
Hoàn thiện các chính sách, hướng dẫn có sự tham gia của người khuyết tật để đưa đại diện người khuyết tật tham gia vào các Ban PCTT, nhóm tư vấn kỹ thuật ở các cấp về vấn đề khuyết tật trong PCTT.
Lồng ghép vấn đề khuyết tật vào các chương trình, đề án của Bộ NN&PTNT và Bộ LĐTB&XH để thực hiện
Lớp Tập huấn Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có hoà nhập người khuyết tật (ảnh: dmc.gov.vn)
Hoàn thiện bộ chỉ số giám sát đánh giá của hai Bộ để đảm bảo vấn đề hòa nhập NKT trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tính đến.
Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước (bao gồm các doanh nghiệp) tổ chức các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai có hòa nhập NKT ở các cấp; chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực cho NKT và các bên liên quan, xóa bỏ rào cản cho NKT, xây dựng mô hình để nhân rộng…
Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam vận động xây tặng nhà tình thương cho NKT bị ảnh hưởng thiên tai
tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Đối với việc lồng ghép hoạt động sinh kế bền vững cho NKT trong phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cần đưa các nội dung phòng chống thiên tai vào chương trình học của các trường/lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật; xây dựng kế hoạch tăng thu nhập cho người khuyết tật cần tính đến yếu tố rủi ro thiên tai; nâng cao nhận thức, hướng dẫn cách lập kế hoạch phòng chống thiên tai cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do người khuyết tật quản lý.
Bên cạnh đó, cần chú ý việc hướng dẫn và nâng cao năng lực cho các cơ quan phòng chống thiên tai các cấp, đặc biệt cấp xã, thôn để đảm bảo sự tham gia trực tiếp và hiệu quả của người khuyết tật trong quá trình đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai và lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như các chương trình, dự án liên quan; nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai cho các doanh nghiệp có sử dụng người lao động là người khuyết tật; có chính sách hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật sau thiên tai.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Đào tạo công nghệ thông tin và tạo việc làm cho NKT: Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ - 07/08/2017 09:11
- Tình yêu và hôn nhân của người khuyết tật - 07/08/2017 08:08
- Một số kinh nghiệm giáo dục và chăm sóc trẻ tự kỷ - 04/07/2017 08:22
- Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ tỉnh Thanh Hóa: Nhịp cầu giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng - 04/07/2017 08:18
- Triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT năm 2017 - 04/07/2017 07:44
Các tin khác
- Khả năng hòa nhập của học sinh mồ côi sống tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội - 19/06/2017 03:32
- Quy định về phương tiện giao thông tiếp cận cho người khuyết tật - 16/05/2017 07:13
- Tiếp cận, tham gia giao thông đối với người khuyết tật Thực trạng và một số giải pháp - 16/05/2017 06:58
- Một số dạng khuyết tật vận động và loại xe lăn phù hợp - 16/05/2017 06:28
- Nguyên tắc hỗ trợ địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội - 08/05/2017 03:14