Thứ sáu, 13 Tháng 1 2017 14:25

 Năm 2002, Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho NKT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra đời. Sau 15 năm thành lập, Trung tâm đã và đang tạo dựng nên một hình ảnh đẹp với những con số ấn tượng về thành quả trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng.  

Gần 5.000 lượt NKT được học nghề

Từ ý tưởng ban đầu của lãnh đạo Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên - Huế về giúp đỡ NKT mang tính bền vững và lâu dài, nhất là với những người còn khả năng lao động; với phương châm “Cho cần câu hơn cho xâu cá”, cũng như được sự đồng tình của các Ban, ngành, đặc biệt là lãnh đạo UBND tỉnh, Trung tâm đã được cấp phép thành lập và trực thuộc tỉnh Hội Thừa Thiên - Huế.

Trải qua 15 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm đã dành hơn 4 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề, trên 12 tỷ đồng tổ chức dạy nghề, hỗ trợ ăn ở miễn phí cho học viên và vận động nguồn kinh phí trên 7 tỷ đồng để duy trì hoạt động. Qua đó, Trung tâm đã xây dựng 12 xưởng học nghề và tạo việc làm, 2 phòng dạy hướng nghiệp, 2 dãy nhà nội trú đủ điều kiện cho khoảng 200 học viên nội trú trong suốt quá trình học nghề và tổ chức thành công 258 khoá học nghề cho gần 5.000 lượt học viên. Đến nay, Trung tâm đã mở rộng nhiều ngành nghề đào tạo là mộc mỹ nghệ - chạm trổ, tin học, thêu ren truyền thống, điện dân dụng, sửa chữa xe máy...

Trung tam day nghe Thua Thien Hue - 15 nam dau an mot chang duong 1

Lãnh đạo tỉnh Hội đến thăm, động viên NKT đang theo học lớp mộc mỹ nghệ - chạm trổ tại Trung tâm

 

Không chỉ tập trung vào công tác dạy nghề, Trung tâm rất chú trọng đến việc tạo việc làm và tạo cơ hội nâng cao tay nghề cho học viên. Hiện Trung tâm có 3 ngành nghề sản xuất là may, mộc mỹ nghệ - chạm trổ, thêu ren truyền thống. Trung tâm cũng chủ động liên kết cung ứng lao động, tìm kiếm nguồn hàng với các Công ty, Doanh nghiệp giúp học viên có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ 1 - 2 triệu đồng/người/tháng. Từ cách làm thiết thực này, doanh thu từ nguồn sản xuất kinh doanh từ năm 2008 đến nay đạt khoảng gần 6 tỷ đồng.

Để khích lệ tinh thần học tập, phát huy khả năng, trình độ tay nghề, Trung tâm đã tổ chức cho học viên tham gia Hội thi Tay nghề giỏi của tỉnh, đạt 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích ở ngành may và 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích ngành mộc mỹ nghệ - chạm trổ. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tạo cơ hội cho học viên được học văn hoá, biết cách tự chăm sóc sức khoẻ, kỹ năng sống và tham dự Hội thi Tiếng hát NKT toàn quốc do Trung ương Hội tổ chức, tham gia Giải Thể thao NKT toàn quốc với kết quả đạt 45 Huy chương các loại…

Những trăn trở trong công tác dạy nghề và tạo việc làm

Đạt được những thành công trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT là do Trung tâm luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ kinh phí dạy nghề của Trung ương Hội, UBND tỉnh và các Ban, ngành, đoàn thể, sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của BCH tỉnh Hội, sự nỗ lực, nhiệt huyết của tập thể cán bộ nhân viên, sự chủ động, tranh thủ vận động nguồn kinh phí dạy nghề cho NKT từ các tổ chức phi chính phủ...

Trung tâm đã kết hợp nhiều phương pháp dạy nghề thích hợp, truyền nghề, thực hành trên nhiều loại sản phẩm, tạo cơ hội cho học viên làm quen với nhiều sản phẩm đa dạng; kết hợp dạy nghề với lồng ghép sinh hoạt hòa nhập, kỹ năng sống, tạo môi trường thân thiện trong sinh hoạt cũng như dạy nghề cho NKT; có xưởng sản xuất để NKT sau khi học nghề chưa tìm kiếm được việc làm sẽ có cơ hội nâng cao nghề và có nguồn thu nhập.

Trung tam day nghe Thua Thien Hue - 15 nam dau an mot chang duong 2

Lớp học nghề may công nghiệp của Trung tâm thu hút khá đông học viên khuyết tật theo học

 

Tuy nhiên, do NKT sống rải rác trên địa bàn rộng nên công tác tuyển sinh mất nhiều thời gian và kinh phí tuyển sinh tốn kém; khả năng tiếp thu của học viên chậm, đa số NKT chỉ thích hợp với các ngành thủ công; Trung tâm chưa có điều kiện phát triển thêm một số ngành nghề công nghệ cao... Mặt khác, kinh phí dạy nghề chỉ tính trên những ngày thực học nên Trung tâm phải xoay sở mọi cách để có nguồn kinh phí khác hỗ trợ học viên trong những ngày nghỉ...

Đặc thù của đào tạo nghề cho NKT là cầm tay chỉ việc, cần nhiều thời gian. Với NKT, việc dạy nghề và giúp học viên thành thạo nghề phải mất thời gian gấp 3 - 4 lần người bình thường. Việc đào tạo cũng chỉ xoay quanh các nghề truyền thống như may mặc, thêu, mộc mỹ nghệ, sửa chữa xe máy… Khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác dạy nghề của Trung tâm là chưa có chuẩn chương trình đào tạo nghề cho từng dạng khuyết tật, trong khi sự khác nhau về dạng tật (khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động...) ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy nghề, tiếp thu kiến thức của NKT.

Bởi vậy, sau mỗi khoá học nghề, số học viên của Trung tâm đạt giỏi chỉ khoảng 10%, khá 40%, trung bình 40%, còn lại là học viên yếu. Có được kết quả thực tế này vì theo ông Trần Văn Thành - Giám đốc Trung tâm - là đơn vị không chạy theo số lượng và thời gian mà khuyến khích, động viên học viên cố gắng học nghề, làm được các thao tác cơ bản và nâng cao tay nghề thông qua thực tập trên sản phẩm. Với cách làm như vậy, đã giúp cho học viên sau khi học nghề có cơ hội tìm được việc làm khá cao, khoảng 70 - 80% nhưng bước đầu thu nhập còn thấp.

Để công tác dạy nghề và tạo việc làm trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn, Chủ tịch tỉnh Hội Thừa Thiên - Huế Phạm Bá Vương cho rằng cần phải ưu tiên nguồn kinh phí dạy nghề theo Đề án 1019 nhiều hơn để NKT có cơ hội học nghề và lập nghiệp; Quyết định 1100 của Thủ tướng phải được triển khai nhanh và hiệu quả đến với đông đảo NKT… Và trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp để đầu tư mở rộng xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị hiện đại, mở rộng các ngành nghề mới cũng như tạo điều kiện nuôi dưỡng và sinh hoạt cho NKT nội trú tại Trung tâm.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi