Ngày 25/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký quyết định số 136/CT thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, hội viên và tình nguyện viên của Hội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, luôn bám sát tôn chỉ mục đích và nâng cao hiệu quả hoạt động. Kết quả hoạt động Hội đã khẳng định vai trò, vị trí, uy tín của một tổ chức xã hội tự nguyện hoạt động bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, góp phần thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Nhiệm kỳ I (1992 – 2002): Xây dựng nền móng, phát triển tổ chức Hội
Hội ra đời trong bối cảnh đang ở giai đoạn đầu chuyển đổi nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời điểm đó, nước ta có hơn 5 triệu NKT, hầu hết không có tay nghề, 1/2 không có việc làm, 1/3 còn mù chữ và chỉ có con số rất nhỏ được Nhà nước và xã hội giúp đỡ; hơn 155.000 trẻ mồ côi, trong đó gần 16.000 trẻ mồ côi không nơi nương tựa gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi, đặc biệt là các cháu sống tại cộng đồng.
Hội bắt đầu hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện; trụ sở chật hẹp, nhân lực thiếu thốn. Hoạt động Hội chưa có định hướng cụ thể, chủ yếu là tập trung tuyên truyền và vận động tài trợ bằng vật chất theo tinh thần từ thiện “cho gì nhận nấy, có gì giúp nấy”.
Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu chuyện trò với đại biểu dự Hội nghị biểu dương NKT, TMC&NBT tiêu biểu toàn quốc
lần thứ IV (4/2013)
Xác định việc mở rộng mạng lưới tổ chức có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động Hội, bước chân của những người lãnh đạo, cán bộ Hội thế hệ đầu tiên đã in dấu khắp các tỉnh, thành trong cả nước để tìm cách gây dựng, mở rộng mạng lưới Hội; đến những vùng miền xa xôi, khó khăn nhất để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đối tượng, gửi trao những món quà tuy nhỏ bé mà ấm áp nghĩa tình.
Nhiệm kỳ I Hội đã thành lập được tổ chức ở 29 tỉnh, thành phố, 56 tổ chức hội cấp huyện và 258 xã, phường và 10 tỉnh đã có Ban vận động thành lập Hội. Đây là thành công lớn nhất của nhiệm kỳ I, trở thành nền tảng vững chắc cho những bước phát triển sau này của Hội. Với sự ra đời của Pháp lệnh về người tàn tật (1998) cùng với mạng lưới tổ chức được hình thành giúp Hội có thêm sức mạnh, nhân lực, ý tưởng tổ chức một số hoạt động bảo trợ như: dạy nghề (chủ yếu là các nghề thủ công truyền thống), cho vay vốn làm kinh tế, khám chữa bệnh miễn phí, thăm hỏi tặng quà… Công tác vận động xây dựng quỹ được thực hiện thông qua một số hình thức như: vận động quyên góp vào dịp kỷ niệm, xổ số gây quỹ, đặt hòm từ thiện, vận động doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc hoặc nhận bao tiêu sản phẩm… Hội cũng chú ý tìm kiếm nhà tài trợ nước ngoài, tuy kết quả còn ở mức khiêm tốn nhưng đã đánh dấu bước khởi đầu cho hoạt động hợp tác quốc tế, vận động quỹ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Nhiệm kỳ II (2002 - 2007): Khởi xướng các chương trình hoạt động
Nhiệm kỳ II của Hội hoạt động với sự ra đời của hàng loạt định hướng chính sách và các văn bản pháp luật liên quan đến NKT, TMC như: 7 lĩnh vực ưu tiên của NKT khu vực châu á - Thái Bình Dương; Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp người tàn tật trong tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay; Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 - 2010; Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 2006 - 2010; Công ước quốc tế về quyền của NKT năm 2006...
Nhiệm kỳ II đã khởi xướng 5 chương trình hoạt động trọng tâm của Hội: Phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng; mổ mắt thay thuỷ tinh thể cho người mù nghèo; dạy nghề; tặng xe lăn và phương tiện trợ giúp; tặng xe đạp cho trẻ mồ côi. 5 chương trình được thống nhất triển khai rộng khắp trong các tổ chức Hội; ở các tỉnh, thành Hội lại bổ sung kế hoạch phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở địa phương. Hội sáng tạo nhiều hoạt động mới như: xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; cấp học bổng, đồ dùng học tập, bắt đầu khai thác học bổng dài hạn cho sinh viên nghèo; dạy chữ, dạy văn hoá... Một số tỉnh, thành Hội còn mở rộng đối tượng bảo trợ đến bệnh nhân nghèo.
Hàng loạt hoạt động tuyên truyền được Hội khởi xướng và phối hợp tổ chức như: Chương trình giao lưu truyền hình trực tiếp “Một trái tim - Một thế giới” năm 2004 và từ đó đến nay được tổ chức thường niên vào dịp Kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4; Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ I năm 2004, từ đó được tổ chức định kỳ 3 năm một lần; Cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần 2 năm 2006... Sau 3 số bản tin Bảo trợ - từ thiện, Tạp chí Người Bảo trợ ra đời năm 2004 đã trở thành kênh thông tin tuyên truyền quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động Hội.
Công tác vận động xây dựng quỹ Hội nhiệm kỳ này đã có sự phát triển vượt bậc với sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ bằng tiền và hiện vật từ các nhà tài trợ trong và ngoài nước. Quỹ Hội được hình thành và phát triển ở Trung ương, các tỉnh, thành Hội và mở rộng đến Hội cấp quận, huyện, xã phường, góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu trợ giúp của đối tượng.
Nhiệm kỳ III (2007 - 2012): Đổi mới hình thức hoạt động, đẩy mạnh các chương trình
Luật Người khuyết tật được ban hành năm 2010 với cách tiếp cận mới đối với vấn đề người khuyết tật. Thực tế đó đòi hỏi phương thức hoạt động trợ giúp NKT cần được chuyển từ nhân đạo thuần túy sang nhân quyền. Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội có chương riêng về Hội có tính chất đặc thù và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã được Nhà nước xác định là Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong nhiệm kỳ III, Quỹ Hội đã huy động số tiền và hiện vật quy ra tiền đạt 488,8 tỷ đồng, vượt rất xa so với chỉ tiêu đặt ra. Với nguồn Quỹ này, Hội đã trợ giúp cho 1.230.158 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và người nghèo cả nước hưởng lợi thông qua các chương trình bảo trợ, hoạt động tuyên truyền.
Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu thăm người khuyết tật thành phố Đà Nẵng (2/2006)
Hội đã giành nhiều thời gian, đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi; bám sát hơn các chương trình, đề án của Chính phủ, TTCP, các cuộc vận động, phong trào của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, gắn hoạt động Hội với nhiệm vụ Nhà nước, chú trọng lồng ghép vào chương trình, kế hoạch cụ thể của mình. Nhiệm kỳ này kế thừa và phát triển 5 chương trình trọng tâm nhưng ở cấp độ sâu rộng hơn, số người hưởng lợi nhiều hơn, phương thức hoạt động phong phú và đa dạng hơn. Hội đã quyết định mở ra chương trình thứ sáu “Hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới” với những nội dung, hình thức trợ giúp cụ thể, gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đối tượng và khả năng của nguồn lực. Cùng với việc quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết cho đối tượng, chú ý đến những công tác trọng tâm, địa bàn trọng điểm, Hội đã đặt ra việc hoạt động đảm bảo chất lượng, hiệu quả và mang tính bền vững.
Nhiệm kỳ IV (2012 – 2017): Bước phát triển bền vững
Đây là giai đoạn tiếp tục được Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách lớn mang ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống của cộng đồng người khuyết tật, trẻ mồ côi như: Tham gia xây dựng và hoàn thiện Chiến lược Inchoen giai đoạn 2013 - 2022 nhằm “Hiện thực hóa quyền” cho NKT khu vực Châu á - Thái Bình Dương; Quốc hội phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của NKT; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2020; Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của NKT, Danh mục dự án “Thúc đẩy quyền của người khuyết tật Việt Nam”... Những chính sách đó thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật, đồng thời tiếp tục đặt ra cho Hội nhiều cơ hội cũng như thách thức trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hội đã tích cực chủ động đón đầu, tham gia thực hiện nội dung các chính sách Nhà nước về lĩnh vực người khuyết tật, trẻ mồ côi để bắt kịp xu thế trợ giúp xã hội cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của đối tượng.
Nhiệm kỳ IV ghi nhận sự đột phá trong công tác vận động Quỹ với số tiền và hiện vật quy ra tiền hơn 1.862 tỷ đồng, vượt xa so với chỉ tiêu 250 tỷ đồng mà Đại hội IV đề ra. Hội đã trợ giúp cho hơn 8 triệu lượt người được hưởng lợi, góp phần cải thiện cuộc sống. Các chương trình, hoạt động của Trung ương Hội và các tổ chức thành viên ngày càng đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả có tính thực tiễn, bền vững, góp phần thúc đẩy đổi mới nhận thức về NKT, TMC, chuyển hướng tiếp cận từ nhân đạo, từ thiện đơn thuần sang cách tiếp cận dựa trên quyền. Sáu chương trình hoạt động bảo trợ trọng tâm được Hội tiếp tục đẩy mạnh và có bước phát triển; nhiều tỉnh, thành Hội từ tình hình thực tế và nhu cầu trợ giúp tại địa phương đã có những sáng tạo, năng động trong hoạt động, khởi xướng thêm nhiều nội dung trợ giúp mới gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của nhà nước, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức và hành động cho toàn tổ chức Hội... Đây cũng là nhiệm kỳ mà hoạt động xây dựng chính sách, phản biện xã hội, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho đối tượng; công tác tổ chức, tập huấn nâng cao năng lực được các cấp Hội quan tâm, triển khai tích cực.
Trong suốt chặng đường 25 năm hoạt động, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới để ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò của một tổ chức xã hội từ thiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi. Bằng sự tích cực, sáng tạo trong hoạt động tuyên truyền; những chương trình, hoạt động cụ thể, hiệu quả, hướng tới sự bền vững.
25 năm qua, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ được tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền là hơn 2.523 tỷ đồng, trợ giúp cho trên 9,8 triệu lượt người được hưởng lợi thông qua các hoạt động trợ giúp y tế, giáo dục, phương tiện đi lại, cải thiện sinh hoạt, sinh kế, giảm nghèo... Hội đã từng bước đẩy mạnh việc tham gia xây dựng chính sách, phản biện xã hội cũng như việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với khoảng 150 tổ chức, cá nhân nước ngoài. Hội chú trọng đến việc củng cố, phát triển tổ chức; nâng cao năng lực, kiến thức, kinh nghiệm của những người làm công tác Hội. Đến hết năm 2016, cả nước có 46/63 tỉnh, thành Hội; 281 Hội quận, huyện; 1.852 Hội xã, phường; 1.483 chi hội, phân hội cụm dân cư; 4.999 hội viên tập thể; 556.825 hội viên cá nhân.
Với những kết quả đã đạt được, Hội đã rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, Hội phải chủ động nghiên cứu, nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi và của đối tượng yếu thế khác, tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, tham mưu đề xuất những vấn đề liên quan đến chính sách, quyền lợi, đời sống của NKT, TMC.
Thứ hai, người làm công tác Hội không chỉ cần có tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm mà phải có trình độ, kiến thức về các vấn đề liên quan đến NKT, TMC; phải đề cao sự đoàn kết, nhất trí trong tổ chức, phát huy vai trò, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm của BCH, Ban Thường vụ, Ban Thường trực, nhất là người đứng đầu; quan tâm công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, mở rộng sự tham gia của đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên.
Thứ ba, công tác thông tin, truyền thông phải được coi trọng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử và cách tiếp cận đối với vấn đề người khuyết tật, trẻ mồ côi. Phải chủ động và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, mang lại hiệu quả cao nhất.
Thứ tư, kết quả công tác vận động quỹ là điều kiện tiên quyết có tính quyết định đối với hoạt động bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi cũng như các đối tượng khác của Hội, là thể hiện đầy đủ nhất khả năng sáng tạo, uy tín của Hội. Bởi vậy, việc coi trọng, duy trì nhà tài trợ truyền thống, mở rộng, thu hút nhà tài trợ mới với sự trân trọng luôn là ưu tiên hàng đầu của tổ chức Hội. Hội phải công khai, minh bạch, sử dụng nguồn tài trợ đúng mục đích, đúng đối tượng.
Thứ năm, nhu cầu trợ giúp của đối tượng ngày càng đa dạng và yêu cầu ngày càng cao, phải coi trọng cả vật chất và tinh thần. Hội cần quan tâm, nghiên cứu, xây dựng mô hình, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, mở rộng các mô hình trợ giúp mang lại hiệu quả bền vững đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi; khen thưởng, động viên kịp thời đối với nhân tố mới, điển hình mới trong hoạt động trợ giúp đối tượng.
Thứ sáu, cách tiếp cận vấn đề và trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi nói riêng và nhóm người dễ bị tổn thương nói chung đã chuyển phương thức hoạt động từ thiện sang trao quyền cho đối tượng là một quá trình, không thể nóng vội nhưng cần đến sự quyết tâm, đồng thuận , trách nhiệm của các tổ chức Hội; đồng thời vẫn coi trọng, phát huy truyền thống nhân ái, chia sẻ trong cộng đồng đối với công tác bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi.
* * *
Nhìn lại chặng đường một phần tư thế kỷ đã qua, những người làm công tác Hội có quyền tự hào về những thành quả đã đạt được. Thành công ấy có được trước hết là có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các địa phương; có sự tin tưởng, ủng hộ vật chất, tinh thần của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sự nỗ lực vươn mình, sống tự tin, hòa nhập của người khuyết tật, trẻ mồ côi cả nước. Đặc biệt, phải kể đến công sức, tấm lòng, trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo, lớp lớp người làm công tác Hội qua các thời kỳ đã chung sức vun đắp, nỗ lực xây dựng Hội trở thành một tổ chức xã hội có uy tín, hoạt động rộng khắp, không ngừng lớn mạnh và hiệu quả trong lĩnh vực bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Tuổi 25 của đời người là sự bắt đầu cho giai đoạn sung sức nhất về thể chất, trí tuệ. Với sức mạnh nội lực được kết tinh bằng sự đoàn kết, tâm huyết, nhiệt tình, tự nguyện; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam bước vào tuổi 25 với những kỳ vọng và niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ, khởi sắc hơn nữa!
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Hạnh phúc là được sẻ chia - 10/04/2017 03:23
- Phát triển hoạt động kết nối cộng đồng hỗ trợ nhu cầu đối tượng hiệu quả hơn - 07/04/2017 03:12
- Hiệu quả từ hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho người thuộc hộ cận nghèo - 07/04/2017 03:09
- Hiệu quả từ việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn - 07/04/2017 03:06
- Tổng kết nhiệm kỳ IV (2012 - 2017): Bước phát triển bền vững của hoạt động Hội - 05/04/2017 03:08
Các tin khác
- Kết nối nhà tài trợ cung cấp dịch vụ y tế cho người khuyết tật và bệnh nhân nghèo - 04/04/2017 04:45
- Hỗ trợ, động viên đối tượng vươn lên trong cuộc sống - 04/04/2017 04:40
- Hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản góp phần giảm nghèo bền vững đối với hộ người khuyết tật - 04/04/2017 04:36
- Hỗ trợ đối tượng tiếp cận nguồn nước sạch, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu - 04/04/2017 04:34
- Xây dựng và phát triển mô hình đường tiếp cận cho người khuyết tật - 04/04/2017 04:28