Thứ sáu, 07 Tháng 4 2017 10:28

Suốt gần 10 năm loay hoay với việc tìm kiếm tư cách pháp nhân, tốn kém biết bao công sức, thời gian ban lãnh đạo Trung tâm Nghị lực sống (Hà Nội) tưởng như đã kiệt sức, muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi, cơ hội đã đến khi chị Nguyễn Thảo Vân – Giám đốc Trung tâm được mời là đại biểu dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V. Để rồi, sau 8 tháng, với sự quan tâm, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chị Thảo Vân đã hoàn thành các thủ tục hợp thức hóa tư cách pháp nhân của Trung tâm, hiện thực hoá ước nguyện của người tiền nhiệm – cố Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng.

4Tap huan ve su kien cuong 5

Thành lập từ năm 2003 và bắt đầu hoạt động tại Hà Nội từ năm 2008, Trung tâm Nghị lực sống được biết đến là một doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho NKT thông qua đào tạo, tư vấn định hướng giúp NKT tìm được việc làm phù hợp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của NKT.

Những đóng góp của Trung tâm đã nhận được trên dưới 50 Bằng khen của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và ghi nhận của các tổ chức quốc tế. Trung tâm được bình chọn Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin tốt nhất cho NKT do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức năm 2010 và 2011.

Thế nhưng có một nghịch lý mà ban lãnh đạo Trung tâm hết sức trăn trở đó là vấn đề tư cách pháp nhân của Trung tâm. Chị Nguyễn Thảo Vân, thành viên sáng lập Trung tâm cho biết: “Trong gần 10 năm, Trung tâm xoay sở khắp mọi nơi, thử đủ mọi cách, gõ cửa nhiều cơ quan, tổ chức nhưng mọi việc cứ gần như sắp đến đích rồi thì cuối cùng lại không có kết quả gì và phải bắt đầu lại từ đầu”. Không có tư cách pháp nhân đồng nghĩa với việc khó có cơ hội tham gia các chương trình, dự án bởi các thủ tục, giấy tờ đều đòi hỏi phải có con dấu, tài khoản riêng.

Tại Hội nghị biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V, chị Nguyễn Thảo Vân được mời là đại biểu chính thức. Cơ hội mà Thảo Vân đánh giá là vô cùng may mắn đã đến khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự, Vân vô tình "chạm mặt" Phó Thủ tướng tới 3 lần và được sắp xếp vị trí ngồi ngay phía sau ông.

Thảo Vân chia sẻ "Khi Phó Thủ tướng hỏi chuyện, em biết rằng chú cũng rất quan tâm đến vấn đề NKT và có biết đến Trung tâm Nghị lực sống. Em nghĩ, nếu mình không nắm lấy cơ hội này thì không biết đến khi nào vấn đề của Trung tâm mới được giải quyết. Vậy là trong câu chuyện em đã nói ngay đến vấn đề tư cách pháp nhân của Trung tâm và “liều” xin Phó Thủ tướng một cuộc hẹn”.

Bản thân Thảo Vân cũng hết sức bất ngờ khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lập tức đồng ý và buổi chiều ngay sau khi Hội nghị kết thúc, ông đã sắp xếp lịch làm việc với cô tại Văn phòng Chính phủ. Trong buổi gặp mặt hôm đó, Thảo Vân đã báo cáo với Phó Thủ tướng những vấn đề liên quan đến NKT mà mình còn trăn trở và đặc biệt nhấn mạnh đến những khó khăn của Trung tâm Nghị lực sống khi đi tìm tư cách pháp nhân. Sau buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH mà trực tiếp là Cục BTXH tìm hướng tháo gỡ vấn đề này. Sau một số cuộc họp bàn, trao đổi, thảo luận, đến cuối năm 2016, Trung tâm Nghị lực sống được đổi tên thành Trung tâm Nâng cao năng lực cho NKT Nghị lực sống, có tư cách pháp nhân và trực thuộc Liên hiệp các tổ chức khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Đây là một bước ngoặt lớn đối với Trung tâm mà yếu tố quan trọng để tạo nên sự thay đổi đó không thể không nhắc đến vai trò của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam. "Trước đó, các cô bác trong Hội, đặc biệt là bác Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội và bác Lương Phan Cừ, Phó Chủ tịch Hội đã giúp đỡ chúng em rất nhiều trong vấn đề pháp lý của Trung tâm, nhưng do thủ tục còn quá nhiều vướng mắc nên chưa thể thành công, và đó là điều mà các bác luôn trăn trở mỗi khi gặp gỡ, đến thăm Trung tâm. Chỉ đến khi tham dự Hội nghị biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V, em mới phát huy được cơ duyên mà Hội tạo ra. Em luôn trân trọng và biết ơn vì điều đó", Thảo Vân cho biết.

Giờ đây, khi đã có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, Trung tâm có thêm nhiều cơ hội để phát triển, thu hút sự đầu tư của các tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế. "Vừa qua, Trung tâm đã trúng một dự án của tổ chức UNDP hỗ trợ 253.400.000 đồng để tổ chức lớp truyền thông cho NKT. Hiện tại, Trung tâm cũng đã gửi hồ sơ tới một số tổ chức phi Chính phủ chuyên hỗ trợ NKT. Chưa biết có thành công hay không nhưng ít nhất em biết mình đã có cơ hội thử sức" - Nguyễn Thảo Vân vui vẻ chia sẻ.

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi