Trở về cuộc sống đời thường sau những tháng ngày tham gia chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, nhiều cựu binh năm xưa lại tham gia “cuộc chiến mới” trên mặt trận chống đói nghèo. Với tinh thần quyết tâm, không ngại gian khó được tôi rèn qua những ngày khói lửa, nhiều người trong số họ đã không chỉ ổn định được cuộc sống kinh tế mà còn vươn lên làm giàu cho gia đình, xã hội như anh thương binh Lê Viết Hừng (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) hay nữ du kích Nguyễn Thụy út (quận Gò Vấp - thành phố Hồ Chí Minh).
Thương binh Lê Viết Hừng hăng say với công việc phát triển kinh tế trang trại
Mở rộng trang trại tạo việc làm cho người khuyết tật
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Lê Viết Hừng gia nhập quân ngũ năm 1972, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trải qua một thời gian huấn luyện, ông Hừng được điều động đến chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1974, ông bị thương nặng nhưng sau thời gian điều trị vẫn xin ở lại quân ngũ tiếp tục nhiệm vụ.
Xuất ngũ năm 1976, trở về quê hương với thương tật hạng 3/4, cơ thể ông không còn khỏe mạnh như ngày đầu tham gia kháng chiến. Nhớ lời Cụ Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Hừng đã cần cù lao động để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Cuộc sống tạm ổn, người lính nghèo quyết định xây dựng tổ ấm bên cô thôn nữ cùng quê.
Vì muốn cải thiện kinh tế nên vợ chồng ông Hừng đã vào Nam tìm kiếm cơ hội. Lạ đất, lạ người, lại không có nghề nghiệp trong tay, vợ chồng không tìm được công việc ổn định, hàng ngày phải đi làm thuê, làm mướn vất vả nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống qua ngày. Tuy không làm giàu nơi đất khách, nhưng ông Hừng đã mày mò học được kiến thức về chăn nuôi, xây dựng trang trại. Năm 2001, người thương binh nghèo quyết định trở về miền quê đất đai khô cằn để phát triển kinh tế.
Ông cho biết: “Từ hai bàn tay trắng, tôi đã mạnh dạn viết đơn xin chính quyền địa phương đấu thầu 11ha đất để xây dựng trang trại. Nhờ sự tạo điều kiện, giúp đỡ của chính quyền và được họ hàng, bè bạn hỗ trợ, tôi đã cải tạo những vùng đồi trọc thành những ruộng lúa, thửa khoai, luống sắn, vườn hoa màu và khu sản xuất thức ăn chăn nuôi”.
Một cơ hội mới bất ngờ đến với thương binh Lê Viết Hừng khi ông được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tham quan các mô hình nông thôn mới và hỗ trợ phát triển kinh tế. Sự thuận lợi đó, cùng chút kinh nghiệm học hỏi từ ngày vào Nam lập nghiệp đã khích lệ ông xây dựng trang trại chăn nuôi lợn liên kết với quy mô lớn 1.200 con, gà 400 con. Bên cạnh đó, ông cũng phát triển thêm gần chục ha rừng, cây ăn quả, ao thả cá, lò mổ gia súc. Nhờ sự cần cù lao động, mạnh dạn đầu tư, mỗi năm lợi nhuận ông thu được từ mô hình trang trại, chăn nuôi đạt từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Hừng còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động là người lành và người khuyết tật với thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Nổi tiếng là thương binh làm kinh tế giỏi của vùng đất Kỳ Lâm, ông Hừng còn được nhiều người biết tới trong vai trò là Giám đốc Hợp tác xã Vạn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã và luôn gương mẫu, sẵn sàng tham gia các hoạt động phong trào đoàn thể của địa phương.
Với những nỗ lực vượt lên khó khăn, trở thành tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi, ông đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen và đặc biệt có vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà, động viên tại Phủ Chủ tịch. Đó sẽ là động lực để ông tiếp tục cố gắng xây dựng kinh tế gia đình, góp phần phát triển các mô hình xây dựng nông thôn mới trên quê hương.
Từ nữ du kích trở thành Giám đốc
Sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, có hai người anh trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ nhỏ bà Nguyễn Thụy út đã thấm nhuần truyền thống cách mạng của gia đình. 17 tuổi, cô gái trẻ Thụy út đã tham gia đội nữ du kích Lai Vu và nhận nhiệm vụ bảo vệ cầu Lai Vu và cầu Phú Lương thuộc tỉnh Hải Dương những năm 1970 - 1973. Sau đó, do bị thương khiến sức khỏe giảm sút nên bà út không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ.
Thôi tham gia đội du kích, bà út cùng tham gia lao động sản xuất với gia đình để góp phần hỗ trợ lương thực cho tiền tuyến. Lập gia đình năm 1987 và chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, bà phải làm nhiều công việc vất vả để kiếm kế sinh nhai và chăm sóc con cái. Công việc bấp bênh, thu nhập chẳng được là bao nên bà quyết định đi học nghề đóng giày da. Năm 1996, bà đã thử sức với công việc kinh doanh khi quyết định thành lập Cơ sở sản xuất giày da Thụy út. Cậu con trai lớn của bà cũng được bà định hướng cho học nghề sản xuất giày da để cùng chung tay với bà thực hiện dự định tạo việc làm cho những lao động nhàn rỗi. Những ngày đầu thành lập, các sản phẩm của cơ sở chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu khách hàng trong nước và đến năm 2006, bà út quyết định xin thành lập Công ty và đầu tư 30 máy chuyên dụng, nâng cấp nhà xưởng rộng hàng trăm m2 để chuyển hướng xuất khẩu giày da ra thị trường thế giới.
Từ con số chỉ gần chục người làm công, đến nay, Công ty TNHH Giày da Thụy út đang tạo việc làm cho gần 100 lao động là con em thương binh, bộ đội xuất ngũ, phụ nữ nghèo và người khuyết tật, với thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Dù công việc kinh doanh bộn bề, nhưng nữ du kích Lai Vu vẫn cố gắng dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội cùng Hội Phụ nữ phường Quang Trung (quận Gò Vấp) như: giúp người bệnh nghèo có điều kiện chữa bệnh, hỗ trợ trẻ mồ côi tiếp tục có cơ hội được tới trường; vận động và đóng góp xây dựng quỹ Vì biển đảo thành phố…
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Vượt khó thực hiện ước mơ - 28/09/2015 04:49
- Cho yêu thương để nhận lại yêu thương - 28/09/2015 04:45
- Hãy tạo dựng cuộc sống bền vững cho người khuyết tật - 16/09/2015 02:55
- Hãy tự tin vào khả năng của mình - 09/09/2015 03:12
- Rèn luyện tính chủ động, tự giác cho người lao động trong phòng tránh tai nạn - 09/09/2015 03:02
Các tin khác
- Người phụ nữ nạn nhân chất độc da cam tiếp tục kiện 26 công ty hóa chất Mỹ - 05/08/2015 07:21
- Tìm lại cảm hứng cuộc sống - 04/08/2015 07:41
- Bí quyết “giữ lửa” của các gia đình người khuyết tật - 23/07/2015 04:38
- Nghị lực của Liên - 07/07/2015 02:02
- Chuyện về một người cán bộ khiếm thị giàu nghị lực - 06/07/2015 01:58