Thứ năm, 23 Tháng 7 2015 11:38

 80 cặp vợ chồng khuyết tật tham gia chương trình “Tôn vinh tình yêu, hạnh phúc gia đình của người khuyết tật” do Hội Bảo trợ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội tổ chức là 80 câu chuyện tình yêu khác nhau. Dù có hoàn cảnh, dạng tật khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là trong muôn vàn khó khăn, vẫn biết vun đắp tình yêu, gìn giữ hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái khỏe mạnh, thành đạt. Những chia sẻ, những câu chuyện hiện thực cuộc sống của họ sẽ là những bài học cuộc sống để mỗi chúng ta suy nghĩ và hành động một cách tích cực hơn, có cái nhìn đúng đắn hơn về giá trị gia đình.

 

Chị Hoàng Hồng Kiên và anh Phạm Hồng Thức - Hà Đông, Hà Nội

 

Tôi sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, vì muốn được thay đổi, tự lập cuộc sống, năm 2000, tôi đã “trốn nhà” xuống Hà Nội. Năm 2003, tôi gặp anh Thức ở Câu lạc bộ thể thao Khúc Hạo. Niềm đam mê thể thao cùng với sự đồng cảm đã đưa chúng tôi đến với nhau, tình nguyện sống cùng nhau mà không cần làm đám cưới, đến nay đã 11 năm. Dù không nhận được sự động viên, ủng hộ của hai bên gia đình nhưng tình yêu dành cho nhau đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Khoảng thời gian lúc tôi sinh em bé thực sự rất khó khăn, tôi không di chuyển được nhiều, mọi việc đều phải nhờ anh giúp. Người đàn ông mất đi đôi chân, đã dùng đôi tay khỏe mạnh còn lại của mình chăm sóc cho hai mẹ con tôi, từ nấu cơm, giặt giũ… Tình yêu và sự hy sinh của anh càng tiếp thêm sức mạnh cho tôi để không ngừng phấn đấu. Để đến hôm nay, dù cuộc sống còn nhiều thách thức nhưng gia đình nhỏ của tôi luôn hạnh phúc và ngập tràn tiếng cười.

 

Anh 1 Dien dan

Vợ chồng anh Thức, chị Kiên (bên phải) và vợ chồng chị ánh, anh Dũng giao lưu tại chương trình

 

Chúng tôi không trách cứ hai bên gia đình mình vì họ có suy nghĩ và cách yêu thương riêng của họ. Vợ chồng tôi luôn động viên nhau cùng phấn đấu hàng ngày để tự lo cho cuộc sống của mình thật tốt, để bố mẹ không phải rơi nước mắt vì mình. Và 11 năm qua, ngoài những thành tích thể thao của hai vợ chồng, tôi đạt 8 huy chương Vàng Paragames, chồng tôi mỗi năm được 3 huy chương Vàng Giải thể thao NKT toàn quốc thì chúng tôi đã mở được một xưởng tăm tre, chổi đót nho nhỏ, có thể chăm lo cho cuộc sống của hơn 10 người khuyết tật.

 

Chúng tôi có niềm tin trong lòng mình, là người khuyết tật, nhưng không thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, mình phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Tôi muốn nhắn gửi tới tất cả các anh chị khuyết tật, chúng ta đã là người khuyết tật, chúng ta đừng bao giờ trách cứ gia đình và xã hội tại sao không quan tâm đến chúng ta, mà chúng ta phải hạnh phúc khi chúng ta được tồn tại, được sống trên đời này và hãy phấn đấu để làm tốt công việc của mình để trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

 

Chị Nguyễn Thị Xuân ánh và anh Nguyễn Tiến Dũng - Hoài Đức, Hà Nội

 

Hai vợ chồng tôi, hai con người nhưng chỉ còn một chân lành lặn. Tình yêu của chúng tôi cũng trải qua khá nhiều gian nan. Khi còn yêu nhau, anh chưa có xe ba bánh, để di chuyển phải sử dụng hai cái ghế, hoặc nhờ người cõng. Trong một lần đến chơi nhà tôi, hình ảnh anh ở trên lưng của bạn đã để lại ấn tượng không được “đẹp” trong mắt bố mẹ tôi. Vì vậy mà bố tôi không đồng ý cho chúng tôi đến với nhau, mẹ tôi thì khuyên anh nên tìm một người khác khỏe mạnh hơn tôi để hỗ trợ anh trong cuộc sống. Nhưng tình yêu son sắt của chúng tôi cùng với sự động viên của họ hàng, làng xóm, cuối cùng bố mẹ tôi cũng đồng ý cho chúng tôi tổ chức đám cưới. Anh quyết định bán đất để có tiền mua xe ba bánh, đón dâu về nhà.

 

Trong hoàn cảnh hai người chỉ có một chân, cuộc sống của hai vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng chúng tôi luôn động viên, yêu thương nhau, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để bố mẹ hai bên khỏi phiền lòng. Khi tôi sinh hai cháu, thời gian đầu vì sức khỏe yếu nên hai bên gia đình cũng phải hỗ trợ nhiều, sau thì hai vợ chồng tự chăm sóc nhau và chăm con. Công việc gia đình tôi ít khi phải làm một mình, vì lúc nào có thời gian, anh đều hỗ trợ. Đến nay các con đã lớn, có thể phụ giúp mẹ thì anh tập trung hơn vào làm kinh tế. Tôi hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật huyện Hoài Đức, anh cũng là Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Hoài Đức. Ngoài công tác Hội, anh đi học nghề rồi chạy xe ba bánh để có thêm thu nhập nuôi gia đình, tôi thì luyện tập, thi đấu thể thao và cũng đạt được thành tích cao.

 

Chị Lương Thị Thu Hương và anh Ngô Quang Hiếu - Hoàng Mai, Hà Nội

 

Tôi đến từ Phú Thọ, bị hỏng mắt phải từ năm 12 tuổi và hiện đang làm việc tại Bệnh viện Việt – Pháp. Chúng tôi cưới nhau mới được 8 tháng và chưa có em bé. Trước khi cưới nhau, chúng tôi đã quen nhau được 5 năm, từ khi còn học ở trường Viện đại học Mở Hà Nội. Tôi đã biết về hoàn cảnh của anh, biết bố mẹ anh không còn, một mình anh phải bươn chải mọi việc. Bản thân tôi cũng xuất thân từ gia đình nông nghiệp, đã quen với cuộc sống vất vả, tự lập từ nhỏ (tôi vừa đi học, vừa phải làm thêm nhiều nơi để có tiền trang trải sinh hoạt). Cảm phục trước nghị lực của anh, có sự đồng cảm với anh nên tình yêu giữa chúng tôi đã sớm nảy nở.

 

Đến với nhau, hai vợ chồng cũng phải tự lo mọi thứ mà không có sự hỗ trợ nhiều từ gia đình vì bố mẹ tôi cũng ở xa. Cùng mang khiếm khuyết nên chúng tôi xác định trở thành điểm tựa, là bờ vai, là chỗ dựa tinh thần cho nhau trong cuộc sống. Trước mắt là cố gắng làm việc, tiết kiệm để tự mình xây dựng một mái ấm gia đình. Còn trong tương lai có những vấn đề mà mình chưa lường trước được, khi cần thiết thì sự giúp đỡ của gia đình là điều tất yếu. Hiện nay, anh Hiếu đang là Phó Chủ tịch Hội người mù quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Ngoài công việc chính, cả hai vợ chồng đều đi làm thêm như làm gia sư, mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà để có thêm thu nhập. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng có anh cùng kề vai sát cánh, tôi tin mình có thể từng bước vượt qua được tất cả.

 

Kế hoạch trong tương lai của hai vợ chồng cũng rất đơn giản, trước tiên là phải ổn định cuộc sống của mình trước, có em bé, ngoài ra cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh cho người khuyết tật, những người đồng cảnh. Chúng tôi luôn động viên nhau nâng cao kiến thức, kỹ năng, khái niệm sống để làm sao hình ảnh của người khuyết tật luôn đẹp hơn, sáng hơn trong mắt của cộng đồng xung quanh.

 

Chị Nguyễn Hải Yến và anh Nguyễn Hữu Kiên - Đống Đa, Hà Nội

 

May mắn đối với bản thân tôi là từ nhỏ đến lúc học xong, ra trường đi làm, mọi việc đều suôn sẻ và nhẹ nhàng. Khó khăn cũng có nhưng mình đã vượt qua một cách thoải mái mà không có áp lực gì cả.

 

Anh 2 dien dan

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hải Yến (bên trái) và vợ chồng chị Lương Thị Thu Hương

 

Hai vợ chồng tôi biết nhau từ năm 2008 khi cùng là tình nguyện viên của nhóm Những ước mơ xanh Hà Nội, đến nay đã gần 7 năm rồi. Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên gặp nhau, với bản tính có phần “ngổ ngáo” của mình, tôi gần như đã tông xe vào anh. Thế rồi, sự ân cần giúp đỡ, động viên của anh đã đưa chúng tôi đến gần nhau hơn, rồi đi đến hôn nhân. Cuộc sống gia đình hai bên ông bà đều còn khỏe nên mọi chuyện cũng xuôi chèo mát mái, bố mẹ chồng rất yêu quý tôi và bố mẹ tôi cũng rất quý trọng anh. Công việc của hai đứa cũng đã ổn định.

 

Bí quyết hạnh phúc của vợ chồng tôi cũng không có gì nhiều. Vợ chồng ở với nhau, chuyện trò, trao đổi với nhau đều rất hài hước, vui vẻ. Trong gia đình thì các công việc đều được bàn bạc trao đổi rất kỹ, xem ý kiến nào hợp lý thì quyết chứ không theo riêng ai cả. Với những việc lớn còn phải hỏi thêm ý kiến của bố mẹ hai bên. Nhờ vậy, dù trong những lúc khó khăn, trắc trở của cuộc sống, vợ chồng tôi vẫn luôn là chỗ dựa tin cậy, ấm áp cho nhau, cùng nhau vượt qua tất cả.  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 



 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi